Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, Trường Mẫu giáo Sen Hồng, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, đã chủ động thực hiện nhiều phong trào góp phần quan trọng trong hoàn thiện phát triển thể chất lẫn trí tuệ cho trẻ ngay từ bậc học mầm non.
Tách ra từ Trường Mầm non thị trấn Ðầm Dơi, Trường Mẫu giáo Sen Hồng được công nhận và duy trì trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2024. Cơ sở vật chất của trường được đầu tư xây dựng khang trang, sạch, đẹp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
Cô Nguyễn Hồng Nga, Hiệu trưởng trường, cho biết: “Trường có 6 lớp, với 180 trẻ. Ðể nâng cao chất lượng giáo dục, trường thực hiện rất nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả, như hoạt động trải nghiệm, góc học tập, hoạt động vui chơi ngoài trời, tiệc buffet... Các hoạt động trường tổ chức cho bé hằng ngày nằm trong chương trình đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Bên cạnh đó, các cô giáo đều có cách nhìn nhận chủ động và tư duy sáng tạo riêng, nên việc tổ chức hoạt động chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, trang trí lớp học, cách thức tiến hành tuy thực hiện cùng chương trình nhưng ý tưởng mỗi người riêng biệt, mỗi cô đều có phương pháp, cách làm riêng, không theo lối mòn”.
Ðể tạo sự hứng thú của trẻ, giáo viên chú trọng đổi mới các hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi, giúp trẻ tiếp nhận kiến thức một cách tự nhiên, không gò ép. Không khí lớp học hôm chúng tôi đến sôi động với hoạt động trải nghiệm “Bé làm xôi mít”. Bé Vũ Ha Na, lớp Lá, cho biết: “Con rất thích giờ trải nghiệm được cùng các bạn tự tay làm những gói xôi và được thưởng thức món ăn do mình làm ra”. Cô Nguyễn Phương Triều, giáo viên trường, chia sẻ: “Hoạt động trải nghiệm rèn cho bé những kỹ năng tự lập, như tự làm những công việc nhỏ phục vụ cho mình, có thể giúp ba mẹ một số công việc nhỏ. Ngoài ra, những trải nghiệm này cũng giúp cho bé phát triển toàn diện hơn trong độ tuổi của bé”.
Từ vật liệu tự nhiên như vỏ sò, vỏ hến, với sự hướng dẫn của giáo viên đã trở thành đồ dùng học tập bổ ích, như tạo số, tạo hình bông hoa, tạo tranh…
Bên cạnh đó, trường còn phát động phong trào tự làm đồ dùng, đồ chơi để phục vụ dạy trẻ hằng ngày. Bằng sự sáng tạo, các giáo viên đã tái chế những nguyên liệu bỏ đi thành những món đồ dùng, đồ chơi thú vị, độc đáo cho bé trong giờ học, qua đó được khai thác và sử dụng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng chăm sóc và giáo dục trẻ.
Cô giáo Lưu Như Thủ chia sẻ: “Tận dụng những nguyên vật liệu, phế thải đã qua sử dụng, dễ kiếm, rẻ tiền để làm đồ chơi cho bé, đặc biệt phải đảm bảo an toàn, tránh gây nguy hiểm cho trẻ và có giá trị cao trong việc dạy và học. Những nguyên liệu thông dụng, như nắp chai, chai nhựa, ống hút... những đồ bỏ đi này đa phần gần gũi với bé hằng ngày, giúp bé hiểu được rằng không bỏ bừa bãi, hình thành cho bé thói quen biết cách phân loại rác giúp bảo vệ môi trường”.
Cô Nguyễn Hồng Nga cho biết thêm, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì và phát huy, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ; đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất; bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên... để trường ngày càng khẳng định thương hiệu, tạo thêm niềm tin cho các bậc phụ huynh./.
Tiểu Ái