Lê Nhâm khi hô khẩu lịnh hoặc đứng nói chuyện trước quân hàng thì rắn rỏi, hoạt bát lắm, thế mà lúc ngồi kể chuyện chỉ có hai người với nhau, anh ta lại đâm ra rụt rè lúng túng.
Viết về Lê Nhâm - người xung kích xuất sắc của Đại đội Một Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì
Lê Nhâm khi hô khẩu lịnh hoặc đứng nói chuyện trước quân hàng thì rắn rỏi, hoạt bát lắm, thế mà lúc ngồi kể chuyện chỉ có hai người với nhau, anh ta lại đâm ra rụt rè lúng túng.
Lê Nhâm nói, sau một hồi suy nghĩ:
... Pháo ta đã nổ loạt đầu, tôi đứng ngay dậy hô to: "Toàn bộ xung phong". Vừa hô tôi vừa vọt tới trước, nhào xuống mương, bươn riết lên bờ rồi phóng nguyên con lên cái hàng rào gai đầu tiên lúc đó nó còn đang đứng sừng sững nguyên vẹn.
Tôi không kịp quay đầu lại để coi các đồng đội tiến lên ra sao, nhưng bằng hai lỗ tai, tôi biết rõ toàn bộ xung kích một lúc đó cũng đều đồng một lượt với tôi đang tràn qua dây thép gai giữa lưới lửa dày đặc để chạy vô đồn.
Hồi nãy đồng chí có hỏi tôi nghĩ như thế nào mà lại buông ra mệnh lệnh xung phong khi chính mắt mình đã nhìn thấy bốn lần rào gai đều chưa bị cắt đứt và hàng tường đá của lô cốt cũng chưa bị sứt mẻ một miếng nào, có phải không?
Minh hoạ: Minh Tấn |
Tôi nghĩ là... à tôi nghĩ là hồi chiều này đơn vị tôi đã hạ quyết tâm với đại đội là nhứt định phải chiếm được tiền duyên sau ba mươi giây nổ súng trong bất kỳ tình huống nào. Tôi lại nghĩ khi chúng tôi đứng ở đó thì phía trước là đồn giặc, còn sau lưng chỉ có sình. Mấy đồng chí lớn thường dạy tôi: người đảng viên cộng sản phải biết chớp lấy thời cơ xông lên diệt địch chớ đừng vì thấy khó khăn trở ngại mà thụt lùi để lún xuống sình. Tôi còn nghĩ: lịnh xung phong do tôi phát ra, tự tôi chấp hành trước nhứt, tôi tin rằng toàn đội sẽ tiến lên vì xưa nay đồng đội chúng tôi chưa bao giờ có tình trạng dội ngược, bỏ giò lái khi gặp khó khăn trắc trở, lúc sanh tử không bao giờ bỏ nhau...
Ừ, mà để coi... hình như lúc đó tôi không có nghĩ gì hết.
Không. Đúng ra những điều tôi vừa nói với đồng chí là những điều tôi đã nghĩ tới nghĩ lui từ hồi nào rồi, hồi học sa bàn cũng có nghĩ tới và ngày hôm đó, trước khi hạ quyết tâm với chi bộ, tôi cũng có bàn bạc trao đổi với các đồng chí rồi chớ không phải tới khi nổ súng tôi mới nghĩ tới.
Khi súng đã nổ, mắt trông thấy rào gai chưa mở được nhưng miệng tôi vẫn phát lên lịnh xung phong. Không còn thì giờ gì để suy nghĩ. Mà lịnh đó không thay đổi được. Nếu lúc đó bản thân tôi hoặc đồng đội có một chút gợn tư tưởng do dự nào trong việc chấp hành Nghị quyết Đảng, nếu như lúc đó còn một giây đắn đo suy nghĩ nào, không dám tự mình vọt nhanh lên mà còn chập chờn trước tiền duyên để cho quân địch qua cơn hoảng hốt kịp thời tỉnh táo nhận ra phương hướng tiến nhập của mình thì sau đó tình thế có thể đổi khác. Có thể thời gian chiếm lĩnh tiền duyên kéo dài hơn và có thể tổn thất xương máu. Tôi nghĩ như vậy không biết có đúng hay không, đồng chí?
Lê Nhâm xung kích mở đột phá khẩu trong trận tiêu diệt Đồn Cái Bần, ngừng nói, giương đôi mắt xếch nhìn thẳng vào mặt người đối thoại. Anh đã im lặng lâu rồi, nhưng gương mặt vàng vọt khắc khổ của anh vẫn còn có thể gợi thêm biết bao nhiêu điều về cái quá khứ đau buồn trong cuộc đời thơ ấu của anh...
Những ngày đó quá ngắn ngủi mà đã ghi vào lòng anh một ấn tượng rất lâu bền: Những ngày được ngồi học dưới mái trường cách mạng.
Năm 12 tuổi, Lê Nhâm, đứa bé lang thang trên hè phố lần đầu tiên được bước chân đến cửa trường khi chính quyền cách mạng bắt đầu quản lý thị xã Cà Mau năm 1954, và cuộc đời học sinh của Nhâm cũng chấm dứt ngay sau khi chính quyền, quân đội cách mạng xuống tàu tập kết ra Bắc.
Sáu tháng vỏn vẹn ở nhà trường, và đứa bé lang thang lại bị vất trả lại hè phố để đêm đêm tiếp tục cầm tay chỉa lần mò đi trong các ngõ tối lầy lội của thành phố xôm từng con nhái sáng ngày bán lấy tiền mua gạo nuôi em.
Nhâm tiếc rẻ những buổi học êm đềm bên người thầy giáo kháng chiến, luôn luôn dạy dỗ em bằng những lời dụ ngọt, khác xa bao tiếng chửi mắng quát tháo mà em từng chịu đựng trên đường phố bấy lâu nay. Nhâm nhớ thương anh bộ đội chiều chiều đến dạy ca, dạy múa cho các em, đêm đêm kể chuyện đánh tàu chụp bót, sáng sáng xăn quần đi hốt rác, làm cỏ, đắp đường, sửa nhà cho các xóm nghèo.
Tất cả đã đi hết rồi, mang theo ánh sáng và nguồn vui, đem theo cả những ngày hạnh phúc mà em vừa được hưởng, để lại cho thành phố biết bao nhớ thương, hy vọng và đợi chờ.
... Hai năm đã trôi qua rồi mà anh bộ đội cũ vẫn chưa về, người thầy giáo xưa vẫn không trở lại. Nhâm tiếp tục sống trong ngõ hẻm tối đen cùng bầy em nheo nhóc bữa đói bữa no.
Nhâm chưa rõ vì ai mà khổ, làm sao thoát cảnh đoạ đày, chỉ biết nhớ thương anh bộ đội, người thầy giáo năm xưa và mỗi ngày mỗi thấy ngột ngạt khó thở.
Xôm nhái không còn đủ nuôi sống nữa, Nhâm ra làm lơ xe đò, trôi nổi trên đầu đường bến chợ. Cây "ma-ni-quên" đã thành một thứ vũ khí lợi hại, Nhâm dùng nó để đập bọn cảnh sát phách lối và những thằng điểm chỉ ác ôn mà Nhâm căm ghét. Nhưng đánh chúng thì chúng đánh lại, bắt bỏ bót còn ghép vào tội du đãng. Vào tù ra khám thường phạm mấy lần mà cuộc đời vẫn không hề xoay chuyển. Chúng nó vẫn làm cha làm ông. Lê Nhâm vẫn là lơ xe Lê Nhâm chưa tìm được lối thoát.
Cho đến một ngày ánh sáng cách mạng rọi đến xóm anh, Lê Nhâm dứt áo ra đi, giã từ nơi chôn nhau không một chút luyến tiếc. Anh gia nhập giải phóng quân.
Trong trận đánh tháng 12 năm 64, Nhâm ở đơn vị pháo binh, bị thương nặng ở chân. Vết thương lành thì chân thành tật, cứ ngay đơ ra không thể nào co vào được. Đơn vị đưa anh về trù bị. Đối với người chiến sĩ trẻ tuổi đó thật không có nỗi đau khổ nào lớn lao hơn.
Nhưng anh không thất vọng, không nản chí. Mỗi ngày một ít, Nhâm cố gắng tự co chân vô. Đem hết ý chí căm thù và lòng quyết tâm giết giặc động viên sức mạnh tinh thần để khắc phục đau đớn thể xác, lần hồi Nhâm đã có thể co chân vô được nhưng đi đứng rất khó khăn. Nhâm tập đi. Rồi tập chạy. Rồi chạy nhanh.
Thế là anh xin trở về đơn vị bộ binh.
Vốn biết mình ít kinh nghiệm chiến đấu, Nhâm tìm tòi học hỏi các bạn, học hỏi anh Cầu, chiến sĩ thi đua quân khu.
Với nhiệm vụ xung kích, lần đầu tiên đánh bót Kinh Dài, Nhâm lập được công to. Mười lăm giây sau khi chiếm được tiền duyên với một cây súng hư vừa đoạt được trên tay giặc, Nhâm đã thọc sâu vô tới lô cốt Trung ương, một mình bắt sống sáu tên nguỵ, thu hai súng và một máy PRC.10, giải quyết trọn vẹn đồn giữa, từ đó đánh thọc ra ngoài, phát huy rực rỡ lối đánh kỳ diệu "nở hoa trong lòng địch", mạnh dạn thọc sâu chia cắt địch, từ giữa ruột địch đánh tung ra ngoài. Lần đó, Nhâm được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba.
Đến hôm nay đánh bót Cái Bần, Nhâm và đồng đội gặp ngay trở ngại từ bước đầu...
- Ráng lên anh em ơi!
- Quyết chiếm tiền duyên trong 30 giây!
Những câu khẩu hiệu ấy lại vang lên mỗi khi xung kích vấp phải một hàng rào gai mới.
Nhâm chụp rào phóng ngang qua. Sáu Lẻ, Ba Do bẻ cột rào càn lên. Sáu Ngà bưng rào cho đồng đội lướt tới. Sáu Chánh ôm những đồng đội nhỏ con vụt vào trong, kê lưng cho bạn nhảy lên rào. Bé Hoàng xé rào, vẹt dây chì chun qua, Bảy Bảnh, Tư Vinh Hai Bình, Ba Danh, Hai Em, Tư Bé... kẻ lặng xuống mương chun lòn qua rào, người lấy sức đè rào mà tiến tới. Tất cả đều đem da thịt mình thử thách với gai nhọn. Máu chảy từ lòng bàn tay, bàn chân, cùi chỏ, đầu gối, bắp vế, mình mẩy rách nát.
Tiền duyên chiếm xong, chân Nhâm chạm vào mặt đất phía trong đồn thời gian 30 giây chưa hết, tai anh nghe rõ tiếng thằng chỉ huy lô cốt 2 động viên bọn lính: "Bình tĩnh! Tụi bây cứ bình tĩnh đi! Tụi nó không làm gì mẻ được miếng tường đồn nào đâu". Chúng nó tin như thế, vì thầy Mỹ chúng có dạy rằng, tường đồn bằng đá xanh dày 1 mét 5 xây ngầm thì không có thứ vũ khí gì phá nổi. Chúng nó sẽ sống mọc râu trong lô cốt đá để chờ "Việt cộng" ló vô đồn tên nào là vây bắt sống tên nấy.
Khi chúng thốt ra những lời huênh hoang khoác lác đó, khi chúng từ trong các mùng lưới, các mâm rượu thịt, các sòng dì dách cát tê nhốn nháo chạy về phía các lô cốt thì chúng đâu có hay xung kích đang chen vai thích cánh sát rạt bên chúng đang chạy đua với chúng để tranh nhau chiếm công sự: "Bí mật thọc sâu vô chia cắt địch, từ trong ta sẽ bất ngờ đánh lộn trở ra". Nhâm nghĩ thầm như vậy trong khi anh chạy kế bên một thằng lính nguỵ.
Trong ánh sáng của ngọn đèn bão bị khói mù thuốc đạn bao phủ như một lớp sương dầy, một tên nguỵ mình trần tồng ngồng vừa chạy vừa hỏi:
- Trung đội 1 phải không?
- Phải - một đồng chí ta trả lời, cố sức nhằm cửa lô cốt phóng tới. Bỗng một tên rú lên hốt hoảng:
- Không phải. Nó đó. Tụi nó đó!
- Chết mẹ. Tụi nó vô đồn rồi.
Bằng bằng. Bốp! Úi cha. Chát! Giáp lá cà. Ùng. Lựu đạn.
Tư Vinh ngã sấp xuống quờ quạng bò lên rồi chúi xuống, má bên trái ướt máu, mắt lọt tròng. Nhâm quay lại: người cuối cùng của tổ 2 đã không còn chiến đấu được nữa. Khi mũi nhọn trung tâm đã chiếm được ụ một, vượt nhà công sở, sắp lọt được vào lô cốt 3, Nhâm chợt hay đau nhói nửa thân mình, một bên chân tê hẳn đi: anh vừa bị ba vết thương cùng một lúc ở bụng, hông và chân. Hầu hết anh em đều bị thương.
- Anh Hai ơi tính sao?
- Quyết chiến đấu như Nguyễn Văn Trỗi. Còn một người cũng đánh! - Nhâm hô khẩu hiệu đó thay câu trả lời. Đồng đội đáp lại hưởng ứng:
- Bị thương cũng đánh.
Xông lên chia cắt địch.
- Mở đường cho đơn vị bạn tiến vào anh em ơi!
Toàn đội xung kích mang trên người những vết thương ròng ròng máu chảy tiến lên đánh chiếm nhà công sở, quay sang diệt các ụ đề kháng còn sót lại, mở đường rước đơn vị bạn tiến vào và phát triển qua lô cốt 1.
Còn cách lô cốt mấy thước, một loạt tôm xông xỉa ra. Tư Bé nằm xuống không còn dậy nữa. Đồng chí đã hy sinh rồi. Lê Nhâm trườn sát lỗ châu mai, mọp đầu xuống chờ cho loạt trung liên vừa nổ dứt liền tung vào một trái lựu đạn, một trái nữa, rồi một trái nữa. Từng dưới lô cốt bị diệt. Một đơn vị bạn xung phong chiếm lĩnh các từng trên.
- Báo cáo, lô cốt 1 đã hoàn thành nhiệm vụ.
Con rắn ba đầu đã bị đánh gãy một đầu rồi. Tin phấn khởi được bay khắp vùng mặt trận.
... 4 giờ sáng. Những tên nguỵ cuối cùng đã giơ hai bàn tay run rẩy chun ra khỏi cái pháo đài bằng đá xanh mà bấy lâu nay chúng tin rằng đã chui vào đó chỉ có trời sập chúng mới chết.
Chúng đâu biết rằng, không có thứ đá nào chịu nổi với thép của ta. Lửa căm thù đã luyện nên thép xung kích dưới tay người thợ Đảng.
Mỗi bước chân Lê Nhâm cùng đồng đội đạp lên rào bót, mỗi bước tiến gần đến thị xã thân yêu của anh, nơi bầy em anh còn đang sống vất vưởng mỏi mòn.
Mai đây chúng nó sẽ được cắp sách đến trường...
Anh sẽ lại về để chiều chiều dạy chúng hát ca, đêm đêm kể chuyện đánh Mỹ diệt đồn và sáng sáng sẽ cùng đồng đội hốt rác, sửa đường, đắp nền, dựng cột, kiến thiết lại cái xóm nghèo đã từng chịu bao năm dài đau khổ...
Lê Vĩnh Hoà