Thực hiện hướng dẫn của Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) về tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong giáo dục tiểu học từ năm học 2023-2024, Phòng GD&ÐT TP Cà Mau đã triển khai hoạt động này tại một số trường tiểu học trên địa bàn.
STEM là từ viết tắt của một hình thức giáo dục mới, với sự kết hợp 4 lĩnh vực gồm: Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Math). Giáo dục STEM là phương pháp giáo dục tích hợp nhiều môn học (trong đó Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học giữ vai trò chủ đạo), đồng thời tích hợp nhiều kỹ năng, hướng đến vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tế, phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục hiện đại. Giáo dục STEM ở bậc tiểu học giúp hình thành tri thức và phát triển kỹ năng cho trẻ ngay từ giai đoạn đầu.
Thầy Tạ Ðức Hùng, Phó trưởng phòng GD&ÐT TP Cà Mau, thông tin: “Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên thí điểm mô hình giáo dục STEM bậc tiểu học. Phòng chọn 5 điểm trường để tổ chức triển khai, gồm các trường: Quang Trung, Hùng Vương, Lê Quý Ðôn, Nguyễn Ðình Chiểu và Nguyễn Tạo. Các trường này phải thực hiện đầy đủ nội dung theo sự chỉ đạo của Sở. Ðối với các trường còn lại, tuỳ vào điều kiện thực tế mà triển khai, học tập rút kinh nghiệm để bắt đầu từ năm học 2024-2025, sẽ thực hiện giáo dục STEM tại tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học trên toàn thành phố”.
Một tiết học STEM của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Quang Trung.
Tại Trường Tiểu học Quang Trung, từ đầu năm học đến nay, nhà trường đã thực hiện được 8 tiết học theo phương pháp giáo dục STEM. Thầy Lý Ngọc Hiển, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường đã tổ chức tập huấn cho tất cả giáo viên về giáo dục STEM cấp tiểu học; chỉ đạo cho các tổ chuyên môn xây dựng bài học STEM như một chuyên đề để nghiên cứu, báo cáo, thảo luận và đánh giá. Ban giám hiệu khuyến khích tất cả giáo viên đăng ký tham gia tiết dạy STEM. Sắp tới, trường có kế hoạch tổ chức Ngày hội STEM cho tất cả các lớp để các em học sinh được thoả sức sáng tạo, tạo ra sản phẩm và trình bày ý tưởng. Qua đó, tổng kết và rút kinh nghiệm để thực hiện giáo dục STEM tốt hơn trong những năm học tiếp theo”.
Học sinh thuyết trình về sản phẩm của nhóm.
Thay vì phương pháp dạy truyền thống học sinh chỉ nghe giảng, tiếp thu kiến thức một cách thụ động, thì giáo dục STEM hướng đến những trải nghiệm thực tế cho học sinh. Các em được thoả sức sáng tạo, khám phá bản thân, được trải nghiệm thực tế, áp dụng những kiến thức từ bài học để tự tạo ra sản phẩm.
Theo cô Ngô Thị Mai, giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung, trong tiết học STEM, các em được học chủ động, giáo viên chỉ hướng dẫn, gợi mở, sau đó học sinh sẽ tự khám phá, chủ động áp dụng những kiến thức đã tiếp thu vào thực tiễn để tạo ra sản phẩm thông qua hoạt động làm việc nhóm. Mỗi nhóm sẽ lựa chọn dụng cụ, thiết kế, lên ý tưởng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để có sản phẩm hoàn chỉnh, đảm bảo theo các tiêu chí của bài học. Sau đó, học sinh sẽ thuyết trình về sản phẩm của nhóm trước lớp và cô giáo sao cho hợp lý và thuyết phục. Ðiều này giúp các em rèn luyện nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, giao tiếp, phân công công việc, kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện, linh hoạt, tự tin trước đám đông, có cách lựa chọn và sử dụng ngôn ngữ phù hợp...
Học sinh thảo luận, tiếp thu những kiến thức từ bài học.
Giáo dục STEM là cách giáo dục hay, hữu ích, thay thế cho giáo dục truyền thống. Sự tích hợp liên môn và nhiều nhóm kỹ năng giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập, đảm bảo kết hợp được cả hai tiêu chí là giáo dục tri thức và rèn luyện kỹ năng. Học sinh được học mà chơi, chơi mà học, học đi đôi với hành. Ðây là mô hình giáo dục theo xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0, tạo được môi trường giáo dục thân thiện, sát với thực tế, có tính ứng dụng cao./.
Thái Trinh