Từ đầu năm đến nay, Cà Mau có 300 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 3.754,5 tỷ đồng (tăng trên 1.000 tỷ đồng so cùng kỳ). Riêng trong tháng 9 vừa qua, khi địa phương cùng cả nước tiếp tục thực hiện giãn cách toàn xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã có 24 doanh nghiệp được thành lập mới, tổng số vốn đăng ký tăng trên 50% so cùng kỳ với trên 1.000 tỷ đồng.
Đối với thu hút đầu tư, từ đầu năm đến nay có 29 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 8.379,85 tỷ đồng (bao gồm 9 dự án thuộc khu công nghiệp với tổng vốn 2.274,5 tỷ đồng), hơn cả số dự án và nguồn vốn đăng ký so với cùng kỳ. Ðến nay trên địa bàn tỉnh có 421 dự án đầu tư đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 135.539,65 tỷ đồng (trong đó có 10 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư 156,9 triệu USD). Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 110 triệu USD, tăng 21,8% so với tháng trước. Trong đó, đáng chú ý là xuất khẩu thuỷ sản 103,3 triệu USD, tăng 19,6% so tháng trước, luỹ kế 741,8 triệu USD, bằng 71,1% kế hoạch, tăng 14,1% so cùng kỳ.
Hiệu quả, an toàn giữa mùa dịch
Ðiểm lại những con số trên cho thấy, dù trong thời điểm khó khăn nhất, nguy nan nhất, nhưng bức tranh nền kinh tế của địa phương vẫn có những gam màu tươi sáng, làm nổi bật và vững thêm niềm tin cho cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 vốn được dự báo sẽ còn kéo dài, nhiều khó khăn. Kết quả này có được từ sự quyết tâm chính trị cao nhất của tỉnh, đồng lòng và bản lĩnh thích ứng trước thời cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu trong duy trì, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, giữ vững thị trường.
Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 tăng cao so với cùng kỳ, đó không chỉ mang yếu tố thị trường (các nước châu Âu và Mỹ đang dần dỡ bỏ phong toả, cùng với việc chuẩn bị phục vụ nhu cầu tiêu thụ vào dịp lễ, Tết cuối năm; lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết), mà còn đến từ sự chủ động mang tầm nhìn trong dự trữ nguồn hàng, cũng như linh hoạt sản xuất phù hợp, hiệu quả giữa tâm dịch.
“Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện tốt các giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển sản xuất phù hợp, hiệu quả, nhất là trên lĩnh vực chế biến tôm và sản xuất phân bón đã đạt một số kết quả khả quan, góp phần tích cực, nhằm tạo nguồn lực đủ mạnh cho công tác chống dịch của địa phương được đảm bảo, an toàn”, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đánh giá.
Nếu như ở thời điểm giãn cách xã hội, với phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” gặp các vấn đề phát sinh tại một số doanh nghiệp như phát sinh các khoản chi phí duy trì phương án, đồng thời chỉ có thể huy động 30-50% số lượng lao động tham gia phương án, dẫn đến các nhà máy, xí nghiệp không thể vận hành hết công suất; nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hoá, nguyên liệu đầu vào trong sản xuất…, nay khi các hoạt động ở trạng thái bình thường mới, những trở ngại từng bước được tháo gỡ, sức bật sản xuất, kinh doanh mạnh mẽ lấy lại đà tăng trưởng.
Siết "vòng ngoài", chặt "vòng trong"
Qua thông tin từ cơ quan chức năng, hiện công nhân trở lại nhà máy ngày càng đông hơn, công suất hoạt động được nâng lên, thu mua nguyên liệu sản xuất được tăng cường, hàng hoá xuất ra thị trường nhiều hơn, xuất khẩu vì thế cũng tăng dần tỷ trọng. Hàng loạt nhà máy chế biến thuỷ sản trên địa bàn đều đăng thông tin tuyển dụng thêm công nhân chế biến, không những góp phần giải quyết lao động việc làm, nhất là những người rời các tỉnh, thành phố về quê tránh dịch, mà còn bù đắp một lượng hàng hoá lớn vốn đã thiếu hụt trong thời gian giãn cách xã hội, phục vụ nhu cầu thị trường đang tăng cao ở những tháng cuối năm. Ðiều đáng mừng là tuy đã “mở cửa”, nhưng hầu hết hoạt động của doanh nghiệp không nóng vội, vẫn được siết chặt trong giám sát y tế, đảm bảo sức khoẻ lao động, sản xuất an toàn, đúng theo quy định.
Ông Từ Hoàng Ân, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết, từ việc người dân tự phát về quê tránh dịch, ngành đã dự báo trước được sự biến động này sẽ làm mất cân bằng lao động, nguy cơ thất nghiệp cao thời gian tới. Qua rà soát ngay sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, có 117 doanh nghiệp cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng trên 22.000 lao động, trong đó có 10 doanh nghiệp trong tỉnh, nhu cầu tuyển dụng trên 4.100 lao động. “Muốn duy trì và phát triển vững chắc mối quan hệ hài hoà giữa người sử dụng lao động với người lao động, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, ngoài việc phải đảm bảo tuân thủ pháp luật lao động, doanh nghiệp cần phải phối hợp, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để người lao động chủ động đối phó khi thu nhập bị suy giảm hoặc bị các rủi ro khác, có vậy người lao động sẽ yên tâm ở lại quê nhà làm việc, góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế”, ông Từ Hoàng Ân chia sẻ.
Là doanh nghiệp lớn, chiếm tỷ trọng cao trong đóng góp cho ngân sách địa phương, không phải ngẫu nhiên mà Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) luôn tăng trưởng, bất kể tác động giữa mùa Covid-19. Với tâm thế chủ động, có kế hoạch, bám sát tình hình và linh hoạt ứng biến trước khi dịch bệnh bùng phát trở lại tại các tỉnh phía Nam, Nhà máy Ðạm Cà Mau (thuộc PVCFC) thực hiện ngay phương án “3 tại chỗ”, giữ gìn thành quả sản xuất, duy trì "vùng xanh", sẵn sàng cho thử thách mới. Ðó là kiểm soát chặt chẽ vòng ngoài đi đôi tăng cường khả năng chống chọi bên trong.
“Ðể bảo vệ trên 1.000 nhân viên tại Nhà máy Ðạm Cà Mau trước đại dịch Covid-19 lan rộng thật sự là bài toán khó, cần có sự kiên trì, giải pháp phù hợp. Song, với tinh thần quyết tâm cao, lấy mục tiêu an toàn sản xuất lên trên hết, đến thời điểm này chúng tôi đã thành công, sản xuất được duy trì, xuất khẩu tăng trưởng”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Nhà máy Ðạm, chia sẻ.
Ngay trong tháng 9, khi cả tỉnh vẫn thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hoạt động sản xuất bị ngưng trệ, tuy nhiên với quy trình sản xuất khép kín hiệu quả, sản lượng phân bón tại đơn vị vẫn đạt 80.933 tấn, đưa tổng sản lượng từ đầu năm đến nay đạt 727.687 tấn, bằng 72,8% kế hoạch, tăng 5,4% so với cùng kỳ; góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu phân đạm 55,7 triệu USD, bằng 101,2% kế hoạch, tăng 12,9% so cùng kỳ.
![]() |
Thực hiện nghiêm “3 tại chỗ” trong suốt mùa dịch, hiệu quả hoạt động tại Nhà máy Ðạm Cà Mau luôn được duy trì và tăng trưởng. |
Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đang được Cà Mau thực hiện nghiêm túc, nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều quy định tạm thời được các ngành chủ động ban hành nhằm chống dịch kịp thời, hiệu quả, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của người dân, cộng đồng doanh nghiệp duy trì sản xuất, thấy rõ nhất trong việc thực hiện các thủ tục hành chính ngay tại nhà. Cùng với đó, việc mở sàn giao dịch điện tử, truyền thông hỗ trợ nông dân, cán bộ làm việc trên môi trường mạng tại nhà… giờ đã không còn là phép thử mà cho thấy chúng ta thật sự thích ứng nhanh, chủ động chuyển động, và đó cũng là bước phát triển của thời đại 4.0 đang hướng tới. Trong nguy có cơ, đây cũng là thời điểm để gắn chiến lược phát triển kinh tế với ứng dụng công nghệ thông tin.
Cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy nguy nan với dịch bệnh vẫn còn phía trước. Song, Cà Mau xác định “sống chung” một cách linh hoạt nhất, nhằm đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của Nhân dân song song với phục hồi “sức khoẻ” của nền kinh tế. Hơn lúc nào hết, sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân... chính là liều "vắc-vin" để Cà Mau vững vàng bước vào trạng thái bình thường mới.
Theo ông Từ Hoàng Ân, hàng năm Cà Mau đã giải quyết việc làm trên 40.000 lao động, trong đó lao động ngoài tỉnh và lao động làm việc ở nước ngoài trên 21.000 người. Như vậy, lực lượng lao động tỉnh Cà Mau, ngoài việc đáp ứng nhu cầu cung ứng cho các doanh nghiệp tại địa phương, tỉnh còn cung ứng lao động theo nhu cầu tuyển dụng các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương, Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh... Vì thế, lực lượng lao động Cà Mau từ các tỉnh, thành trở về địa phương trong những ngày qua là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp thu hút kịp thời, đảm bảo nhu cầu tuyển dụng lao động, đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tỉnh Cà Mau trở lại trạng thái bình thường mới. |
Trần Nguyên