Ðại biểu HÐND mang sứ mệnh là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương và trước HÐND về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu của mình. Ðể đáp lại sự tín nhiệm và niềm tin cử tri gửi gắm, thời gian qua, đại biểu HÐND tỉnh đã kết nối các cấp thẩm quyền giải quyết thấu đáo, trách nhiệm các kiến nghị của cử tri. Có được kết quả này là nhờ sự sáng tạo, đổi mới trong cách thức thực hiện, đặc biệt là các ý kiến, kiến nghị được tiếp thu, giải quyết kịp thời, đúng người, rõ việc.
Bài 1: Đi đến cùng các vấn đề cử tri quan tâm
Việc đi đến cùng và giải quyết kịp thời các vấn đề cử tri quan tâm là điều hết sức cần thiết, cốt lõi trong hoạt động, thực thi trách nhiệm đối với dân của đại biểu HÐND. Trong đó, phải kể đến hiệu quả công tác giám sát, khảo sát và thực hiện các kiến nghị chính đáng của cử tri.
Ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh khảo sát lĩnh vực giáo dục tại Trường Tiểu học 2 Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, ngày 15/3. Ảnh: MỘNG THƯỜNG
Giám sát những bức xúc trong dân
Năm 2023, trong các chuyến tháp tùng cùng Tổ đại biểu HÐND đơn vị huyện Ngọc Hiển tiếp xúc cử tri (TXCT) trước và sau các kỳ họp HÐND tỉnh, tại các xã: Ðất Mũi, Tân Ân, Tân Ân Tây, Viên An và Tam Giang Tây, phóng viên Báo Cà Mau ghi nhận nhiều ý kiến cử tri phản ánh liên quan đến cầu, lộ nông thôn, giá nông sản bấp bênh, sạt lở, an sinh xã hội... Bên cạnh đó, vấn đề khá nhiều cử tri bức xúc là cơ chế quản lý, sử dụng đất, sang tên chuyển nhượng đất lâm nghiệp; vấn đề chia lợi nhuận sau khai thác rừng.
Tại đây, ông Hồ Trung Việt, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, đại biểu HÐND tỉnh trúng cử tại huyện Ngọc Hiển, chỉ đạo Tổ thư ký, đồng thời với vai trò là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, ông Hồ Trung Việt chỉ đạo báo chí nắm bắt thông tin cụ thể các trường hợp này để tìm hiểu, xác minh và có phản ánh chính xác.
Ðến cuối tháng 11/2023, Tổ đại biểu HÐND tỉnh, do ông Phạm Chí Hải, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HÐND huyện Ngọc Hiển, làm tổ trưởng, cùng các ông, bà: Hồ Trung Việt, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Nguyễn Phương Ðông, Trưởng ban Văn hoá - Xã hội HÐND tỉnh; Quách Kiều Mai, Phó trưởng ban Dân tộc, đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Ðất Mũi (xã Viên An) và Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng (xã Tân Ân), giám sát, làm rõ vấn đề vướng mắc trong cơ chế, chính sách đất lâm nghiệp người dân phản ánh trên địa bàn thời gian qua.
Ông Phạm Chí Hải cho biết: "Qua các buổi TXCT, nghe bà con giải thích và đối chiếu với các ngành chức năng có liên quan, nhận thấy có nhiều ý kiến bức xúc của cử tri liên quan đến cơ chế giao khoán đất rừng, vấn đề ăn chia lợi nhuận sau khai thác rừng là có cơ sở. Ví như, việc ảnh hưởng giá thị trường, giá gỗ đước giảm mạnh, người dân ra sức trồng, bảo vệ rừng cả chục năm ròng rã, nhưng sau khai thác lợi nhuận chẳng là bao, chỉ khoảng 20 triệu đồng/ha/10 năm. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân suy nghĩ rằng, họ được cấp đất ở, sản xuất qua nhiều đời, minh chứng là có mồ mả ông bà hiện diện phần đất sinh sống, nhưng họ lại không được quyền sang tên cho con, người thân, hoặc không được đầu tư, xây dựng nhà cửa kiên cố, đầu tư xây dựng các dịch vụ để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống...".
Ðiều này, đại biểu HÐND thấy và hết sức chia sẻ với bà con, tuy nhiên, qua giám sát, lắng nghe ý kiến từ các ngành chức năng, đơn vị có liên quan cho thấy tất cả đều làm đúng theo quy định cấp trên. Với vai trò của mình, đại biểu HÐND ghi nhận và có kiến nghị về trên để sớm ban hành văn bản sửa đổi cơ chế quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp sao cho hợp tình, hợp lý, mở lối đi bền, chắc cho người dân trên đất lâm phần. Ðây cũng là điều kiện cần, để địa phương hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM, phấn đấu về đích đúng hẹn theo mục tiêu đề ra.
Tương tự, tại huyện U Minh, ông Ðoàn Việt Khoa, Tổ trưởng Tổ đại biểu HÐND tỉnh đơn vị huyện U Minh, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HÐND huyện U Minh, thông tin: "Ghi nhận tại các cuộc TXCT trên địa bàn huyện U Minh năm 2023 nổi lên một số vấn đề cử tri quan tâm, như: tình hình hoạt động của các trạm y tế cấp xã gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân xuống cấp và thiếu, chưa đảm bảo; thực trạng hệ thống cống, đập thuỷ lợi không còn phát huy tác dụng, gây cản trở trong sinh hoạt và sản xuất. Trên cơ sở các kiến nghị của cử tri, năm 2023, Tổ đại biểu HÐND tỉnh đơn vị huyện U Minh đã tiến hành khảo sát thực tế một số cống trên địa bàn xã Khánh Lâm, Khánh An, Nguyễn Phích và một số trạm y tế theo phản ánh của cử tri. Ðồng thời, làm việc trực tiếp với Chi cục Thuỷ lợi, Sở Y tế, UBND huyện U Minh, đến nay các vấn đề cơ bản đã được khắc phục, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng bà con.
Thoả lòng cử tri
Gần đây, chúng tôi trở lại một số công trình, dự án trên địa bàn xã An Xuyên, Phường 7, xã Hoà Thành (TP Cà Mau); xã Tạ An Khương Nam (huyện Ðầm Dơi) và xã Khánh An (huyện U Minh), từng được cử tri quan tâm, phản ánh rất nhiều tại các cuộc TXCT từ năm 2023 về trước. Ðiều đáng mừng là các bức xúc ấy đến nay đã được đại biểu HÐND các cấp làm cấu nối, kiến nghị các ngành chức năng vào cuộc xử lý, thoả lòng dân mong.
Những ngày cuối năm 2023, hàng trăm hộ dân trên địa bàn Ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau có nhà ở ven Quốc lộ 63, rất phấn khởi khi kiến nghị nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 63 của bà con được đáp ứng.
Ông Ðặng Minh Triều ở Ấp 5, xã An Xuyên, chia sẻ: "Ðây là mong mỏi của người dân hàng chục năm qua; cao điểm năm 2023, tuyến lộ bể, hư hỏng nhiều, đây đồng thời là tuyến có lưu lượng xe đi rất nhiều, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, gây bức xúc trong dân. Ðến cuối năm 2023, tuyến lộ đã được đầu tư, nâng cấp, bà con nơi đây rất phấn khởi, đồng nghĩa với niềm tin của cử tri dành cho đại biểu HÐND, chính quyền các cấp cũng được nhân lên".
Ông Đặng Minh Triều (bìa trái), hộ dân Ấp 5, xã An Xuyên, rất phấn khởi khi kiến nghị nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 63 đi ngang qua địa bàn ấp được đáp ứng kịp thời.
Ông Từ Văn Nguyễn, Trưởng ấp 5, xã An Xuyên, cho biết: "Qua các cuộc TXCT, năm 2023, trên địa bàn ấp có 3 vấn đề lớn cử tri quan tâm là: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 63; di dời bãi rác và mở rộng tuyến lộ kênh Cựa Gà. Ðến nay, đã giải quyết được 2 vấn đề, bà con mừng lắm. Hiện nay, chỉ còn nguyện vọng di dời bãi rác, vì gần trường học, khu dân cư, đặc biệt mùa mưa thì bốc mùi nặng, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và đời sống người dân. Vấn đề đang từng bước xử lý".
Trên địa bàn huyện U Minh hiện có 39 cống, với kết cấu, quy mô vừa và nhỏ; trong đó, tỉnh đầu tư xây dựng 33 cống, huyện đầu tư xây dựng 6 cống với nhiều hình thức, nguồn vốn khác nhau. Ðầu năm 2023, trên địa bàn huyện có 22/39 cống còn phát huy hiệu quả, đáp ứng cơ bản các nhu cầu về tiêu úng, xổ phèn, ngăn mặn, giữ ngọt, đảm bảo phục vụ sản xuất và phòng chống cháy rừng. Ðồng thời, qua thời gian đưa vào khai thác sử dụng, đến tháng 6/2023, có 17/39 cống không còn phát huy hiệu quả so với công năng ban đầu do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có 10 cống ảnh hưởng nhất định đến lưu thông, hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế của người dân. Tại địa bàn xã Khánh An có đến 4/10 cống chịu ảnh hưởng.
Ông Ngô Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết: "Với 4 cống thuỷ lợi nằm trên địa bàn, trước đây, hằng năm địa phương phải chi khoảng 100 triệu đồng để đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất cho người dân và phòng chống cháy rừng, vừa lãng phí tiền của ngân sách, vừa thiếu sự chủ động. Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống cống sẽ góp thêm niềm tin của dân đối với đại biểu HÐND và các cấp chính quyền.
Cống T15, Ấp 12, xã Khánh An, huyện U Minh, cùng 3 cống khác trên địa bàn được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và phòng chống cháy rừng.
Ông Ðoàn Việt Khoa thông tin: "Qua phản ánh của cử tri và chính quyền địa phương về nhiều cống thuỷ lợi không còn sử dụng, không phát huy tác dụng trong phục vụ sản xuất, gây cản trở giao thông và hoạt động kinh tế của người dân, tháng 6/12023, Tổ đại biểu HÐND tỉnh đơn vị huyện U Minh đã khảo sát, giám sát thực tế, kịp thời đề xuất các cấp thẩm quyền vào cuộc xử lý. Ðến cuối năm 2023, cơ bản các cống gây bức xúc đã được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương chủ động trong công tác ngăn, giữ nước phục vụ sản xuất, đáp ứng nguyện vọng của bà con cử tri".
Các vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị tại các cuộc TXCT với đại biểu HÐND các cấp đa phần là các vấn đề có ảnh hưởng đến đời sống cá nhân và cộng đồng, nếu không được giải quyết kịp thời, dứt điểm sẽ phát sinh mầm mống tiêu cực, âm ỉ, làm suy giảm lòng tin của dân đối với Ðảng, chính quyền. Do đó, việc giải quyết đến cùng các vấn đề cử tri quan tâm chính là xây dựng niềm tin vững chắc trong lòng dân.
Năm 2023, HÐND tỉnh đã tổ chức 16 cuộc giám sát, khảo sát chuyên đề (trong đó có 9 cuộc phát sinh theo yêu cầu thực tế); có 153 kiến nghị đến các ngành, các cấp thẩm quyền để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, thúc đẩy việc thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết HÐND, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Loan Phương
Bài cuối: Ðổi mới, sáng tạo, nâng chất hoạt động