ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 26-4-25 08:43:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thoả lòng tín ngưỡng Vua Hùng

Báo Cà Mau (CMO) Nhân dân cả nước nói chung, người dân vùng đất cực Nam Tổ quốc nói riêng có truyền thống thờ Tổ tiên để tỏ lòng biết ơn đối với những bậc tiền nhân khai hoang mở cõi, cũng như sự tôn kính cha mẹ, ông bà… Chính vì thế mà ở Cà Mau, từ thành thị đến vùng nông thôn, trong mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên, thờ Tổ của dòng họ, thờ Thành hoàng làng ở đình, miếu trong từng xóm, ấp và ở cấp độ rộng hơn đó là thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng.

Tín ngưỡng thờ Vua Hùng ở Cà Mau.

Trăm năm “Miếu Ông Vua”

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trong tâm thức của nhân dân ta, Vua Hùng là vị vua Thuỷ Tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Theo đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng linh thiêng và lan tỏa sâu rộng ra mọi miền đất nước. Trong huyết mạch chung hướng về nguồn cội, tại Cà Mau - mảnh đất cuối trời Nam, Đền thờ Vua Hùng (toạ lạc tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình) đã hình thành hơn 1 thế kỷ.

Theo ông Phan Văn Thông, Ban quản lý Đền thờ Vua Hùng, cho biết, Đền thờ Vua Hùng ban đầu chỉ là một cái miếu nhỏ, được cất bằng cây lá địa phương, người dân quanh vùng gọi là “Miếu Ông Vua” nhưng không biết chính xác đây là nơi thờ vị Vua Hùng thứ mấy.

Từ hồi khai khẩn vùng đất Đầu Nai và mở con kênh đào Bạch Ngưu để thông thương vận chuyển hàng hoá thì miếu Ông Vua đã có ngay tại chốn rừng thiêng nước độc này. Miếu do ông Hội đồng Giảng từ miền ngoài vào đây khai hoang lập nghiệp xây cất. Vào Nam, xa quê cha đất tổ nên ông cho tá điền đốn cây lá địa phương cất miếu thờ Vua Hùng ngay tại bờ kênh Bạch Ngưu. Đến ngày giỗ Tổ, Hội đồng Giảng mở hội cúng tế, hát bội, múa lân linh đình. Sau khi Hội đồng Giảng qua đời, ngôi miếu do ông Sáu Sạn trông coi. Đến thời Mỹ - Diệm thì đất đai nơi đây thuộc về đất của Nhà thờ Công giáo. Thấy vậy nên ông Ba Cống dời đền thờ Vua Hùng về phần đất ông xây cất cho đến ngày nay.

Cách đây hơn 20 năm, bà Tô Thị Á (pháp danh Diệu Nghĩa) ở TP Cà Mau cảm động khi thấy có một cái miếu thờ Ông Vua tồn tại hơn trăm năm, nên bà đã ủng hộ hơn 12.000 đô-la Úc cùng với bà con quanh vùng đóng góp xây dựng ngôi đền. Ni cô Thích nữ Diệu Huê và Thích nữ Quảng Tiến lấy mẫu từ Đền thờ Vua Hùng tại TP Hồ Chí Minh về đây xây dựng.

Năm 2006, Đền thờ Vua Hùng hoàn thành và tổ chức Giỗ Tổ rất đông vui. Đền có hình khối vuông, hai cấp mái lượn cong. Bốn mặt đền giống nhau. Mặt chính của đền hướng ra Quốc lộ 63, bên trong đền thờ Tượng Vua Hùng có đôi câu đối: “Thập bát đại khai cơ sáng nghiệp/ Tứ thiên niên kiến thiết bảo tồn”.  

Long trọng lễ Giỗ Tổ năm 2021 tại Đền thờ Vua Hùng (ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình).

Khang trang đền thờ mới

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ cội nguồn dân tộc, tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng nước; trở thành một nếp sinh hoạt văn hoá trong đời sống tâm linh của người dân Việt Nam, trong đó có người dân Cà Mau.

Khi Lễ hội Đền Hùng được Nhà nước công nhận là quốc lễ, cũng như Đền thờ Vua Hùng ở xã Tân Phú được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2011, thì việc trùng tu, tôn tạo di tích được ngành Văn hóa tỉnh, các cấp chính quyền cùng nhân dân quan tâm nhiều hơn.

Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và tưởng nhớ về cội nguồn, huyện Thới Bình đã triển khai dự án tu bổ, chỉnh trang, nâng cấp Đền thờ Vua Hùng. Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình Trần Minh Nhân cho biết, dự án gồm 2 khu: khu đền chính (khu 1) tại vị trí di tích hiện hữu, với tổng diện tích là 2.057 m2; khu 2 tại vị trí phía Đông Quốc lộ 63 (đối diện vị trí hiện hữu) với diện tích là 6.805 m2, với kinh phí đầu tư xây dựng trên 29 tỷ đồng. Hiện công trình đã hoàn thành các hạng mục như: xây mới Đền Hùng, tu bổ Đền Hùng hiện hữu và các công trình phụ…, sẽ được khánh thành nhân dịp lễ Giỗ Tổ (mùng 10 tháng 3 âm lịch) năm nay.

Quần thể công trình Đền thờ Vua Hùng toạ lạc tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, được trùng tu và xây mới với kinh phí trên 29 tỷ đồng.
Đền thờ Vua Hùng vừa được xây mới nơi khu 2 tại vị trí phía Đông Quốc lộ 63 (đối diện vị trí hiện hữu) với diện tích 6.805 m2.

Phấn khởi khi Đền thờ Vua Hùng được xây mới khang trang, bà Trần Thị Sang, 72 tuổi, ngụ ấp Giao Khẩu, bày tỏ: “Tôi sống gần Đền thờ Vua Hùng từ nhỏ đến giờ và đã chứng kiến nhiều thay đổi từ việc cất lại Miếu Ông Vua thành Đền thờ Vua Hùng, rồi trùng tu, sửa chữa. Và giờ là xây mới đền thờ khang trang hơn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng của bà con, nhất là trong dịp lễ Giỗ Tổ. Có thể nói đây là tấm lòng của người dân Cà Mau đối với các Vua Hùng”.

Ông Nguyễn Văn Lý (ngụ xã Tân Phú) là người làm bánh chưng dâng cúng trong mỗi dịp Giỗ Tổ, chia sẻ: "Năm nào vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, gia đình tôi cũng làm bánh chưng dâng lên Vua Hùng. Năm nay, ngoài bánh chưng, bánh dày, tôi cùng với bà con trong vùng còn nấu xôi, làm bánh tét, bánh ít mang đến Giỗ Tổ. Ngoài xôi trắng ra, còn có xôi màu đỏ, vàng, tím từ màu thực phẩm tự nhiên như trái gấc, lá cẩm tại địa phương. Xôi được làm nhiều màu có ý nghĩa nhằm nhắc lại những giống lúa tốt khác nhau đã được trồng từ thời Hùng Vương mà con cháu chúng ta gìn giữ. Đó chính là tín ngưỡng hiến tế bằng những sản phẩm lao động, thể hiện sáng tạo của tổ tiên, cũng là tín ngưỡng phồn thực cầu sinh sôi nảy nở, phát triển của nông nghiệp”.

Mặt sau của Đền thờ Vua Hùng quay về hướng con kênh đào, sông Bạch Ngưu, theo hướng Miếu Ông Vua ngày xưa.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Ngày Giỗ Tổ là dịp để các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam nhắc nhau về lòng yêu nước, tình đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau theo nghĩa đồng bào, tức là như anh em ruột thịt từ một bào thai mà ra. Ngày Giỗ Tổ còn giúp chúng ta hiểu sâu sắc thêm lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dạy của Người đã thấm sâu trong trái tim, khối óc của triệu triệu người con nước Việt, từ đó ra sức bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, góp phần làm rạng rỡ thêm lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng./.

 

Huỳnh Lâm

 

Wonder English Center Chính Thức Khai Trương tại Cà Mau, Cam Kết Phát Triển Toàn Diện Theo Mô Hình "3 Gốc"

Cà Mau – Ngày 18/04/2025, lúc 9 giờ 30 phút, Trung tâm Anh ngữ Wonder (Wonder English Center) đã long trọng tổ chức Lễ Khai trương tại địa chỉ C3A, Khu Trung tâm Hành chính Chính trị (Nội khu Mường Thanh), Phường 9, TP. Cà Mau. Sự kiện đánh dấu bước chân chính thức của Wonder vào lĩnh vực giáo dục tại địa phương, mang theo tâm huyết kiến tạo một môi trường học tập không chỉ chuyên sâu về ngoại ngữ mà còn hướng đến sự phát triển con người toàn diện.

Xuôi dòng Gành Hào

Sông Gành Hào bắt nguồn từ trung tâm TP Cà Mau tại ngã ba sông với kênh Quản lộ Phụng Hiệp và Tắc Thủ (còn gọi là ngã ba Chùa Bà). Ðây là con sông dài, ngoằn ngoèo, có nhiều chi lưu, qua nhiều địa phương và một mạch chảy ra biển Ðông.

Xung kích, tình nguyện giúp dân xoá nhà tạm

Qua rà soát, trên địa bàn huyện Cái Nước có tổng số 363 hộ gia đình được thụ hưởng nhà ở theo Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát (Chương trình), trong đó có 275 căn xây mới và số còn lại hỗ trợ sửa chữa. Ðoàn bộ và tuổi trẻ huyện đã tích cực góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo nhanh chóng có nơi ăn chốn ở ổn định, an tâm lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

“Bữa sáng 0 đồng” ấm tình giáo xứ

Người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tắc Vân (TP Cà Mau) như được tiếp sức cho một ngày làm việc cực nhọc với bữa ăn sáng ngon miệng do Giáo xứ Tắc Vân phục vụ.

Nuôi dưỡng tình yêu tri thức qua trang sách

Nhằm khơi dậy niềm say mê đọc sách và tạo điều kiện để học sinh tiểu học được tiếp cận tri thức từ sớm, ngành giáo dục huyện Cái Nước đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hoá thư viện học đường. Những tủ sách thân thiện, với số lượng đầu sách phong phú, sinh động, không chỉ mang lại niềm vui trong học tập mà còn mở ra thế giới tưởng tượng kỳ diệu, nuôi dưỡng tình yêu tri thức trong tâm hồn trẻ nhỏ.

Không để bệnh dại bùng phát diện rộng

Thông tin từ UBND xã Ðất Mới, huyện Năm Căn, vào ngày 7/4, trên địa bàn ấp Ông Chừng xảy ra trường hợp bị chó cắn và cho kết quả dương tính với bệnh dại. Hiện nay, ngành chức năng huyện tập trung triển khai thực hiện các bước phòng, chống dịch theo quy định, không để bệnh dại bùng phát trên diện rộng.

Thành phố Cà Mau hoàn thành xoá nhà tạm

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động là chủ trương lớn, nhằm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện phong trào thi đua, cùng với các địa phương trong tỉnh, TP Cà Mau xác định quyết tâm cao, triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực từ cộng đồng để hỗ trợ những người còn khó khăn về nhà ở.

Bàn giao cầu "Nghĩa tình quân dân 14"

Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày GIải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ ngày 19-20/4, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Tiếp nối truyền thống tự hào Đài Tiếng nói Nam Bộ Kháng chiến

Tri ân vùng đất từng cưu mang, đùm bọc Đài Tiếng nói Nam Bộ Kháng chiến và chia sẻ với những hoàn cảnh còn khó khăn của các gia đình chính sách, hộ nghèo, các em học sinh vượt khó tại địa phương, đồng thời hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm ngày thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945-7/9/2025), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khu vực đồng bằng sông Cửu Long phối hợp cùng UBND huyện Thới Bình tổ chức các hoạt động về nguồn, tặng quà, khám bệnh cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng khó khăn tại xã Tân Bằng, huyện Thới Bình.

1.230 thí sinh tham gia thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh

Sáng 20/4, tại Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau khai mạc Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2024-2025.