ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 8-5-25 05:45:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thời hoàng kim của sản phẩm sinh thái - Bài 2: Từ sản phẩm sinh thái đến hữu cơ

Báo Cà Mau (CMO) Trong 10 năm qua, khái niệm sản phẩm hữu cơ đang dần trở nên phổ biến với người tiêu dùng không riêng ở Cà Mau. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường luôn được quan tâm. Song song đó, vùng đất Cà Mau đã và đang hình thành nhiều mô hình sản xuất sản phẩm sinh thái, an toàn sinh học và sản phẫm hữu cơ.

Điều này đồng nghĩa với việc đặt nền móng mới cho chặng đường phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trong tương lai. Ðó là những sản phẩm tôm sinh thái, rau sạch VietGAP, lúa gạo sạch, lúa gạo hữu cơ trứ danh.

Thu triệu USD từ tôm sinh thái

Trao đổi với phóng viên báo Cà Mau về tiến độ xuất khẩu thuỷ sản của tập đoàn, ông Nguyễn Trọng Hà, Phó chủ tịch HÐQT Tập đoàn Camimex Group, cho biết: “Sản phẩm thuỷ sản của Cà Mau được Camimex Group xuất sang nhiều thị trường Á, Phi, Âu. Ðặc biệt là đã thâm nhập sâu vào thị trường các nước khó tính như Cộng hoà Liên bang Ðức, Israel, Mỹ, Canada, Nhật Bản..., mỗi năm thu về hàng triệu USD. Trong đó, mặt hàng chủ lực là sản phẩm tôm sinh thái”.

Ðó là vùng nuôi sinh thái được nhiều nước ở châu Âu chứng nhận của Tập đoàn Camimex Group. Ông Nguyễn Trọng Hà cho hay: “Vùng nuôi là nguyên liệu chính của sản phẩm sinh thái được tập đoàn chú trọng phát triển từ năm 2000. Ðến nay, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, vùng sinh thái của tập đoàn có quy mô gần 6.000 ha ở các huyện Ðầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển với khoảng 1.000 hộ dân hợp tác hưởng lợi”.

Ông Lý Công Uẩn, một trong những hộ dân tham gia sản xuất chuỗi cung ứng tôm sinh thái cho Camimex ở ấp Bông Súng, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, chia sẻ: "Ðã 20 năm tham gia dự án, ngoài kỹ thuật chuyên môn trong nuôi tôm, tôi còn có thêm kinh nghiệm giao tiếp khách quốc tế. Bởi, hàng năm có rất nhiều đối tác, chuyên gia ngoài nước tham quan và khảo sát vùng nuôi cũng như kiểm tra các quy chuẩn sinh thái. Lợi nhuận từ tôm sinh thái cao và bền vững hơn nhiều lần so với sản phẩm tôm quảng canh, thâm canh truyền thống. Như gia đình tôi với 6,8 ha, trong đó chỉ 1/3 ha mặt nước, còn lại là diện tích rừng. Nhưng thu nhập sau trừ chi phí mỗi năm trung bình không dưới 100 triệu đồng. Có những năm liên tục trúng mùa, lãi ròng trên 300 triệu đồng”.

Kỹ sư Nguyễn Duy Khánh, phụ trách quản lý vùng nuôi của dự án sinh thái Công ty Camimex, chia sẻ: “Sản phẩm tôm sinh thái của Camimex đạt 2 chứng nhận của EU và Naturland. Chúng tôi đang duy trì và phát huy kết quả đạt được về dự án tôm sinh thái này. Ðây cũng là chiến lược bền vững, lâu dài của công ty”.

Kỹ sư Phạm Như Ý, Phó giám đốc Camimex Organic, cho biết: “Hộ dân nuôi sẽ được hưởng các ưu đãi, như giá thu mua cao hơn thị trường từ 1-3%; cộng thêm phần lợi thưởng từ xuất khẩu của công ty 6%. Từ 3-4 tháng, công ty sẽ chi trả tỷ lệ phần trăm này đến tận tay từng hộ dân. Do vậy, đã duy trì được sự gắn bó và hợp tác chặt chẽ giữa công ty và hộ dân”.

Theo thông tin mới nhất từ ngành nông nghiệp, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 40 tỉnh, thành phố có sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Dù đi sau so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng Việt Nam vào danh sách 170 quốc gia tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Nông dân mặn mà sản phẩm hữu cơ

Phát triển tỷ lệ thuận với sản xuất hữu cơ, số lượng mô hình sản xuất loại sản phẩm này cũng tăng khá nhanh ngay trên vùng đất Cà Mau. Ngoài cây trồng, sản phẩm hữu cơ còn phát triển mạnh về chăn nuôi, nuôi thuỷ sản… Các sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng và có giá trị cao, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Phó chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Hồng Thịnh cho biết, những năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện U Minh có bước phát triển khá toàn diện. Trong đó, nông - ngư - lâm nghiệp được xác định là lĩnh vực có thế mạnh của huyện. Trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế và tận dụng tối đa thời cơ để kịp thời thích ứng với xu thế mới, huyện U Minh đang tập trung triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để phát triển nhanh lĩnh vực này.

Cà Mau đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chú trọng phát triển những sản phẩm sạch, đạt các tiêu chuẩn của ngành nông nghiệp (VietGAP, GlobalGAP, GAP…), hữu cơ và theo hướng hữu cơ… gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, từng bước đáp ứng nhu cầu của các thị trường tiêu thụ khó tính.

Ủ men vi sinh hữu cơ để bón cho vườn cam hữu cơ tại nông trại Ba Tình. Ảnh: PHONG PHÚ

Vườn cam của nông trại Ba Tình, Ấp 18, xã Khánh Thuận, huyện U Minh là minh chứng cho khát vọng sản xuất hữu cơ với loài cây ăn trái. Hiện, sau 5 năm vườn cam sành 7 ha đã xuất bán mỗi năm trên 90 tấn ra thị trường các tỉnh, thành: Hà Nội, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và nhiều siêu thị.

Anh Võ Văn Tuấn, quản lý và chăm sóc chính cho nông trại, cho hay: “Quy trình tưới, tạo trái và chăm sóc trái của vườn cam cũng như bón phân đều đảm bảo an toàn chuẩn VietGAP. Với giá thị trường hiện đạt 25.000 đồng/kg cam xuất theo đơn hàng và 13.000 đồng/kg cam thương lái tự thu mua thì trồng cam mô hình nông trại hữu cơ sẽ thu lãi cao”.

Phân bón cho cây ở nông trại là những thân cây chuối, trái chuối, bột cá… qua quy trình ủ lên men cùng vi sinh kèm thêm phân dơi. Do đó rất an toàn trong sử dụng sản phẩm và môi trường. Hiện nông trại đang mở rộng diện tích trồng xoài cát đầy hứa hẹn.

Nông dân vùng đất U Minh 2 năm gần đây không còn lạ lẫm mỗi khi nhắc đến lúa gạo sạch và sản phẩm hữu cơ nữa. Anh Nguyễn Văn Nghi, Ấp 18, xã Nguyễn Phích, chia sẻ: “Năm 2020, gia đình tôi gieo 2 ha lúa sạch được Công ty Tấn Vương và huyện U Minh thí điểm mô hình lúa sạch, hữu cơ. Qua đó cho thấy, năng suất lúa (Ðài thơm) đạt gần 1 tấn/ha và giá bán từ 9.000-10.000 đồng/kg. So với canh tác lúa truyền thống vừa đỡ công chăm sóc, vừa tiết kiệm chi phí phân bón hoá học”.

Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Lý Minh Vững cho biết: “Thị hiếu về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới. Do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khoẻ con người và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. UBND huyện đã và đang tổ chức triển khai kế hoạch về việc phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025 với quy mô đến năm 2025 có trên 95% diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện được sản xuất theo quy trình nuôi tôm sinh thái, trong đó có 5.000 ha nuôi tôm theo quy trình hữu cơ. Ðến năm 2025, có 100% diện tích lúa một vụ trên đất nuôi tôm sử dụng giống chất lượng cao và được sản xuất theo quy trình lúa sạch, trong đó có 5.000 ha lúa sản xuất theo quy trình hữu cơ”.

Riêng sản xuất lúa hữu cơ, từ năm 2018 huyện Thới Bình bắt đầu triển khai thí điểm tại Ấp 5, xã Trí Lực với quy mô 50 ha và đạt chứng nhận hữu cơ 38 ha; đến năm 2020, diện tích đã tăng lên 750 ha, đặc biệt là được triển khai nhân rộng ở nhiều địa bàn khác nhau (xã Trí Lực 300 ha, xã Tân Lộc Bắc 150 ha, xã Tân Lộc 50 ha và xã Thới Bình 250 ha).

“Ðến nay, sản phẩm lúa trên đất nuôi tôm ở huyện Thới Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình” và đang trình Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “Gạo sinh thái” cho Hợp tác xã Trí Lực”, ông Vững thông tin thêm.

Có thể thấy, Nghị định 109/2018 về sản xuất sạch, hữu cơ an toàn đã tác động rất lớn đến sự phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp ở Cà Mau nói riêng. Nền tảng đó tác động địa phương có nhiều chính sách ưu tiên cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và một số chính sách đặc thù đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững.

Từ Nghị định số 57/2018 về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, năm 2018, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 108/2018 về nông nghiệp hữu cơ.

Theo đó, tỉnh Cà Mau đã hoàn thiện Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 2/3/2020 của UBND tỉnh Cà Mau về việc Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh. Các địa phương cũng vì thế đã khởi động nhiều mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch mang tầm quốc tế.

 

Phong Phú - Hồng Phượng

Bài cuối: GỢI MỞ NGUỒN GIỐNG, KHU NUÔI AN TOÀN

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.