ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 7-5-25 13:24:33
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thời xem phim nhựa chiếu màn bạc

Báo Cà Mau

Hồi nhỏ ở quê nhà, khoảng 60 năm về trước, thuở còn đeo học trường tư, rồi đi học trường Làng, có lần tôi biết phim nhựa chiếu màn bạc…

Vào năm 1962 hay 1963 không nhớ rõ, từ bên quận Ba Tri người ta chở máy móc qua, dựng căng lên tấm màn bạc giữa sân rộng Trường Tiểu học Mỹ Nhơn, hồi đó có bóng mát 5-6 cây cồng gốc to bự… Ðêm chiếu phim có rất đông khán giả, tôi nhớ một điều khác lạ là tất cả khán giả đều phải đứng xem, không ai được ngồi…

MH: Minh Tấn

Mùa khô năm 1964, tôi vào vùng giải phóng Cà Mau. Ðến năm 1967, tôi được xem phim nhựa 16 ly chiếu màn bạc của Ðội chiếu bóng Cà Mau - Ninh Bình.

Thời chiến, đội chiếu bóng thường có 4-5 người, cơ động trên 2-3 chiếc xuồng be tám, được trang bị một máy chiếu, một máy phát điện, một tấm màn bạc và một số bộ phim nhựa các thể loại… thật gọn nhẹ mà hiệu quả, hoạt động phục vụ đồng bào khắp nơi trong tỉnh, từ căn cứ rừng đước, rừng tràm U Minh Hạ, đến vùng ven thị xã Cà Mau… Lần đầu tôi biết háo hức đi xem chiếu phim, khi nghe tiếng loa phát nhạc kháng chiến cổ động vang vang và nghe tiếng réo gọi rủ nhau í ới… mà thúc giục đôi chân, kéo đến địa điểm buổi chiều tối nhìn thấy tấm màn bạc vải trắng viền khung đen căng giữa sân rộng nhà bác Hai Phúc, phục vụ bà con đoạn kinh Sáu Thước, Kinh Tư, Kinh Số 2, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời. Tại đây, nghe tiếng máy phát điện xình xịch từ xa, kéo dây vào máy chiếu, bộ âm ly, loa, bóng đèn treo nơi chiếc bàn đặt máy chiếu; người lắp phim, người ngồi đọc thuyết minh, âm thanh, ánh sáng tốt mịch suốt chương trình…

Mở đầu buổi chiếu phim, anh Tư Thanh, quê Giá Rai, Ðội trưởng Ðội chiếu bóng Cà Mau - Ninh Bình, cầm micro phát biểu khai mạc… Anh Tư Thanh có giọng nói truyền cảm, đậm chất Nam Bộ, rất hay! Ðó là lần đầu tiên tôi được xem phim ảnh cách mạng… Ðội chiếu bóng Cà Mau - Ninh Bình đang trình chiếu bộ phim tài liệu về cuộc Ðồng Khởi năm 1960 ở Bến Tre… tới đoạn hình ảnh, cảnh nóc nhà lồng chợ Ðịnh Thuỷ xưa… Một nam nhân viên đội chiếu bóng cầm micro đọc thuyết minh giọng đớt đát nghe rõ mồn một, thế này:

- Cờ ba que gũ xuống, cờ Mặt chận tung bay chước trợ…

Câu đó là: “Cờ ba que rũ xuống, cờ Mặt trận tung bay trước chợ…”. Hơn nửa thế kỷ sau, anh Út Thuận còn nhắc mà cười…

Thường ở mỗi điểm phục vụ, Ðội chiếu bóng Cà Mau - Ninh Bình trình chiếu 3 thể loại phim, đầu tiên là phim hoạt hoạ (sau này gọi hoạt hình) hoặc phim dành cho thiếu nhi, thứ hai là phim tài liệu - thời sự về các trận đánh nổi tiếng và sau chót là phim truyện Việt Nam hoặc phim truyện Trung Quốc, Liên Xô…

Kể từ đêm xem phim nhựa chiếu màn bạc đầu tiên ở kinh Sáu Thước, đến những năm tiếp sau, tôi luôn được xem nhiều đêm chiếu phim phục vụ bà con trong vùng giải phóng của Ðội chiếu bóng Cà Mau - Ninh Bình và lần duy nhất được xem phim của Ðội điện ảnh khu Tây Nam Bộ.

Nhắc chuyện xem phim nhựa chiếu màn bạc, tôi không sao quên sự kiện mất mát, đau thương hồi thời chiến của Ðội chiếu bóng Cà Mau - Ninh Bình. Hơn nửa năm sau Tết Mậu Thân, Ðội chiếu bóng Cà Mau - Ninh Bình về huyện Trần Văn Thời và lúc chiều đang trên đường đi phục vụ đồng bào làng rừng, khi qua ngang Cây Bàng - kinh Năm Dương đã bị bọn giặc đóng ở đồn Tắc Thủ, do tên Hứa khét tiếng gian ác chỉ huy - cách cả chục cây số đường đồng nước nổi, biệt kích vào đây vây lưới lửa… Anh Tư Thanh thét vang “Xung phong!” trên bờ sậy, áp đảo kẻ thù… Nhưng, anh Tư Thanh (Ðội trưởng), anh Út Ðường (nhân viên máy nổ) đã hy sinh trong đêm 7/7/1968, nhằm 12/8 năm Mậu Thân.

***

Giữa thập niên 60, khán giả trong vùng giải phóng, từ miền Ðông về miền Tây Nam Bộ đều được xem phim thời sự “Chiến thắng Ðồng Xoài” của 2 nhà quay phim nổi tiếng trên “R” là Phạm Khắc, Nguyễn Hoàng với những câu thuyết minh dễ nhớ, thật hay:

Thác miền Ðông bọt tung trắng xoá

Nắng lên rồi, Bà Rá xanh trong

Ai về Sông Bé, Phước Long

Còn nghe vang dội chiến công Ðồng Xoài…

Cuộc tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, 2 nhà quay phim, Phạm Khắc, Nguyễn Hoàng, có phim thời sự “Lửa cháy trên bầu trời Quận 6” ở Sài Gòn…

Cũng giữa thập niên 60 trở đi, Xưởng phim Giải Phóng miền Tây Nam Bộ gắn liền tên tuổi của các nhà quay phim, đạo diễn nổi tiếng, như Lê Châu (Bảy Triển), Thanh Hùng (Ba Hùng), Trần Phong… cho ra mắt nhiều bộ phim thời sự chiến đấu trên chiến trường gần gũi, như phim “Chiến thắng Khai Quang” - trận đánh tiêu diệt đặc khu địch trên tuyến sông Cái Tàu, bắt sống tên lính Mỹ da trắng…; phim “Chiến thắng Gò Quao” bắt sống tên lính Mỹ da đen - đen như gương mặt anh Bảy Chà kem đánh răng Hynos…; phim “Ðánh tàu trên sông Tam Giang”, chiếc tiểu pháo hạm 502 to sầm của Mỹ bị hoả lực của ta từ trên bờ sông nã xuống chòng chành trên sóng nước Tam Giang…

Thời kháng chiến, tôi được xem và nhớ các phim truyện nhựa Việt Nam, mỗi phim đều có tính tư tưởng, tính chiến đấu cao và tình cảm với những nhân vật, như phim Chung một dòng sông (anh Vận, chị Hoài), Lửa trung tuyến (anh Dũng, chị Nhàn), Nổi gió (chị Vân, Trung uý Phương), Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 - ngày và đêm, Biển lửa (đánh sân bay Cát Bi ở Hải Phòng thời kháng chiến chống Pháp), Lửa, về ông già Văn Thiên Tường sống trong trại tập trung của giặc, bị bọn tàu phù rúng ép tinh thần dữ dội, chúng tung đòn hù doạ ông bằng đủ cách ăn thịt người: “Ăn gan bổ gan, ăn tim bổ tim, ăn con mắt sáng con mắt…”. Chúng nó cười điên dại lên… Còn ông, thản nhiên ôm cây đàn kìm gảy giữa đêm khuya, vừa so dây, vừa ca điệu Văn Thiên Tường:

“Hôm nay, nước nhà đang cơn khuynh nguy

Lòng con hết dạ thảo ngay

Liều tấm thân ra giúp nước trong hội này…”.

Phim truyện nhựa Trung Quốc xem hồi thời chiến, tôi còn nhớ phim “Ðất bùng cháy”, nội dung đấu tranh giai cấp, nhân vật chính là Lưu Hoán Giác, tức Lưu Thiếu Kỳ, lãnh đạo cuộc đấu tranh với lực lượng biển người, lấn át đối phương… Phim màu “Lửa hận rừng dừa” do trên 20 đoàn nghệ thuật ở Trung Quốc biểu diễn chương trình ca múa nhạc, đại hợp xướng giao hưởng hoành tráng diễn tả về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân miền Nam Việt Nam.

Phim truyện Liên Xô xem hồi thời chiến, tôi còn nhớ phim “Sư trưởng Sa-pa-ép”, “Sút, sút nữa đi”, về trận bóng đá giao hữu giữa Ðức và Liên Xô sau thế chiến 2 và phim truyện màu “Những người dũng cảm”, giới trẻ rất yêu thích…

Nhiều người nay đã già yếu nhưng vẫn còn nhớ hồi trẻ từng ngồi trước màn bạc xem phim nhựa, cảnh thấy xe hơi lao vun vút tới, chị em gọi nhau xúm né qua một bên, vì sợ đụng xe… Một ông già chống gậy đến xem phim, đứng gần tấm màn bạc, phim đang chiếu cảnh một tên lính giặc xách súng rượt đuổi bắt một thanh niên… Chắc thấy xốn con mắt, ông vung gậy đập thằng lính trên tấm màn bạc cái phạch, nói:

- Ðã người ta chạy, cứ rượt hoài!

Cô diễn viên Ðoàn Văn công Quân khu 9 thời kháng chiến, sau xem xong phim truyện “Nổi gió”, bước ra ngoài bóng tối, cô nói thật lòng:

- Nãy giờ ai sao, chớ tôi thấy thương Trung uý Phương!

Một anh du kích ở kênh Kiểu Mẫu, đêm xem phim “Nổi gió”, căm thù tột độ quân xâm lược… Cảnh chị Vân bị tẩm xăng 2 bàn tay và tên Mỹ châm lửa đốt 2 bàn tay của chị, anh du kích sôi máu, vội lột khẩu CKC đang mang ra đánh rốp lên đạn chĩa vào định bắn tên Mỹ… Ðêm ấy, nếu không có tôi đứng gần và ngăn lại, thì anh sẽ bắn vào tấm màn bạc rồi!

Năm 1973, tôi có đi xem mấy buổi chiếu phim của Ðội chiếu bóng Cà Mau - Ninh Bình, phục vụ bà con ở Rạch Láng, Giáp Nước. Phim tài liệu “Bác Hồ của chúng em”, phim màu của Xưởng phim Quân đội Nhân dân, cảnh các em thiếu nhi Thủ đô quay quần bên Bác Hồ với bài ca “Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng…” ở đoạn kết, thật xúc động… Phim “Vòm trời xiếc”, phim nhựa trắng đen, do Ðoàn nghệ thuật xiếc Trung ương biểu diễn… Cảnh các nữ diễn viên mặc đồ thun một màu trắng bó sát người… Ðêm đó, khán giả ở Rạch Láng thấy lạ, nhao nhao lên, ồn ào gần như phản đối phim đồi truỵ… Anh Bảy Huệ phải cầm micro “trấn an” quý khán giả, anh Bảy nói cho mọi người hiểu: Ðây là những hình ảnh không có gì lạ. Biểu diễn bộ môn nghệ thuật xiếc, phải trang phục như thế, không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng thế! Lúc đó khán giả mới chịu ngồi xem…

Bộ phim truyện Việt Nam “Nguyễn Văn Trỗi” do diễn viên Quang Tùng thủ vai Nguyễn Văn Trỗi và Thu Hiền vai chị Quyên… Diễn viên Thu Hiền có chồng, lớn hơn Quang Tùng 2 tuổi… Năm ấy báo chí phỏng vấn, Quang Tùng cho biết toàn bộ phim đều nhập vai tốt, duy chỉ khó là chi tiết phải ôm hôn chị Quyên (Thu Hiền)… Cảnh quân giặc áp giải anh Trỗi đưa lên xe thùng kín, chị Quyên vừa chạy theo vừa la, đập cửa xe réo kêu thảm thiết: “Anh Trỗi ơi! Anh Trỗi ơi !”. Chị Sáu Kiều xem xong, khi về cơ quan đã cho ý kiến, chị nói: Có những nỗi đau, người phụ nữ chỉ chịu đựng thầm kín trong lòng, đừng bắt họ phải la hét như vậy!

Phim thời sự “Chiến thắng đường số 9” năm 1971, do Xưởng phim Quân đội Nhân dân Việt Nam sản xuất, qua giọng đọc thuyết minh của Nghệ sĩ Ưu tú Trần Phương lồng tiếng trong phim, đậm chất Nam Bộ truyền cảm, thật hay và hấp dẫn, tôi nhớ và đọc theo chất giọng của anh Trần Phương:

“Tiếng súng chống xâm lăng của Nhân dân Việt Nam anh hùng làm rung chuyển toà Nhà trắng… Một bộ phận quân Mỹ phải lên tàu về nước, Ních-xơn có từ bỏ dã tâm xâm lược Việt Nam chăng? Không! Hắn vực nguỵ dậy và đưa ra đọ sức bằng súng đạn. Không quân, cơ giới Mỹ cộng với bộ binh ngụy, Việt Nam hoá chiến tranh thực chất là thay đổi màu da của xác chết!”.

“Trong cuộc hành quân này (Lam Sơn 719) có nhiều tên đã ghi vào nhật ký… Chúa ơi, tại sao tôi lại rơi vào mớ bòng bong này?. Có tên đã viết: Ðất Quảng (Quảng Trị) một chiều buồn. Khi tôi chết, ai là người xây nấm mộ? Cỗ quan tài ai là người khóc tiễn đưa tôi? Buồn cho số phận!”…

Cũng vì mê giọng đọc của anh Trần Phương mà tôi thuộc mấy câu ấy, sau đó tôi bị ông Tam Nghị réo chửi tôi một trận:

- Sao mầy không thuộc những câu của Ê-ren-bua, Pa-tốp-ki… mà thuộc câu của tên lính nguỵ?

***

Sau giải phóng (30/4/1975), một loạt phim truyện nhựa trắng đen, như Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng, Chị Nhung, Hòn đất… đến với khán giả các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và cả nước… Năm 1978, tôi được xem buổi chiếu phim 35 ly màn bạc lớn do Ðội chiếu bóng tỉnh Bến Tre trình chiếu, phục vụ cho tập thể anh chị em cơ quan báo Ðồng Khởi, điểm tại nhà tiền chế rộng trong khu gia binh hậu cứ Trung đoàn 10 (Sư đoàn 7 nguỵ).

Bộ phim truyện nhựa trắng đen “Mối tình đầu” do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất… Tôi chỉ còn nhớ 2 nhân vật: Ba Duy (Thế Anh) và ca sĩ Băng Châu (người Sài Gòn) vai cô gái đầu trọc, đội tóc giả… Cảnh Ba Duy đi tìm cô trong một con hẻm có tiếng chuông chùa, gõ mõ, tụng kinh vào ban đêm… Qua những lời thoại, gay cấn, cô giở bộ tóc giả ra, thấy đầu bóng loáng và cô hét lên:

- Cuộc đời này là của những thằng Mỹ và những con đĩ! Há há há! Há há há!

Ba Duy hoảng sợ, bước nhanh ra ngoài, mặt mày lấm lét, thất thần… Vừa bước đi, vừa ngoái lại, nghe văng vẳng tiếng cô đầu trọc với theo: “Cuộc đời này là của những thằng Mỹ và những con đĩ! Há há há! Há há há!”.

Ðêm đó, xem tới cảnh này, nhìn Thế Anh vai Ba Duy bộ vận sợ “con điếm” cười há há… sợ đến chạy mất dép mà tôi bật cười ra tiếng luôn…

Sau giải phóng nhiều năm, khán giả vẫn còn mê vào rạp xem các bộ phim truyện nhựa… Có biết bao nhiêu đôi trai gái hẹn hò trước khi thành chồng vợ, không ít cặp nảy ra ý tưởng thư giãn, giải trí tuyệt vời bằng cách đưa em vào rạp… xem phim… Thật êm ái, ngọt ngào!

Và phim nhựa đã kết thúc sứ mệnh vẻ vang khoảng sau hơn nửa thế kỷ “ăn khách” khi đầu máy chiếu băng video qua ti-vi màn ảnh rộng phổ biến trên thị trường với hàng loạt phim kiếm hiệp, phim truyện nhiều tập Hồng Kông, Ðài Loan, như “Thiên trường địa cửu”, “Tôi vốn đa tình”… với nhóm lồng tiếng Việt ở Sài Gòn hay tuyệt đỉnh! Và rồi, chính đầu máy, băng video cũng đã “tự kết liễu” khi đầu đĩa, đĩa DVD chuyển tải đủ thể loại phim truyện, tuồng cải lương màu xuất hiện và thịnh hành…

Sau phim ảnh, loại hình giải trí hấp dẫn nhất hàng chục năm qua và hiện nay là hát karaoke bằng chạy chữ, nhạc nền, minh hoạ hình ảnh sống động màu sắc rực rỡ qua màn ảnh ti-vi… Nhờ luyện giọng thường xuyên, nhiều chàng trai, cô gái hát karaoke thật hay, đạt 100 điểm… Và, gần đây nhất, thêm một loại hình giải trí mới nữa, không cần hình ảnh - đó là “loa kẹo kéo” đã về tận vùng sâu, vùng xa, cơ động khắp mọi nhà, khi cần!

 

Nguyễn Minh

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.