ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-4-25 08:38:09
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thời xuồng chèo khó quên

Báo Cà Mau (CMO) Tôi vốn thích nghi phương tiện xuồng chèo vùng sông nước Cà Mau hơn chục năm. Thế mà, đến trưa 1/5/1975, sau chuyến cùng hành quân trên sông Tân Ðức, Rạch Muỗi, Rạch Rập từ phía Nam tiến ra tiếp quản thị xã Cà Mau giải phóng, tôi “đành thất nghiệp”, ngưng hẳn việc đi lại bằng xuồng chèo...

Bình yên sông nước Cà Mau. Ảnh: HUỲNH LÂM

Thời kháng chiến, những năm công tác ở huyện, với chiếc xuồng be tám và cặp chèo tràm, tôi đã đi công tác một mình và đi với các anh gần giáp địa bàn. Ðáng nhớ, nhiều chuyến xuyên rừng tràm U Minh Hạ về xã Khánh Lâm, đến căn cứ làng rừng Khánh An và hơn một năm sau, tôi ngồi xuồng giao liên tỉnh (Hai Hoả) về tới vùng rẫy thơm Biển Bạch (Thới Bình).

Kỷ niệm Tết Mậu Thân 1968, tôi được phân công chèo chiếc xuồng be tám chở 3 khạp đựng tài liệu, di chuyển từ kinh Ðòn Dong lên tới nhà ông Tư Ðồ, gần cản Mười Châu, bờ Bắc Kinh Cũ. Tôi đi một mình và đi ngay trong đêm 30, trước giờ giao thừa... Nhà thơ Thanh Giang (Văn nghệ “R”) có lần nhắc: “Mậu Thân 1968 là đỉnh cao của sự chấp hành mệnh lệnh…”, bằng ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”… Thay vì đi đường thẳng - kinh Chống Mỹ, gần hơn, anh Tám Cẩn phân công, lại còn gợi ý tôi phải đi một vòng xa lắc... Từ kinh Ðòn Dong vào Kinh Ngang, thẳng lên, qua ngang Vườn Giữa, ra Cơi Ba chèo lên, tới ngã tư Chín Rỗ, rẽ phải chèo thẳng ra Kinh Cũ. Hồi ấy, tôi là chàng trai 18 tuổi, vừa mấy tháng xa nhà, thoát ly theo kháng chiến, còn non choẹt...

Mùa hè 1972, tôi được phân công đi học Trường Thông tấn Báo chí miền Tây Nam Bộ ở rừng đước Năm Căn. Chuyến ra khỏi địa bàn huyện lần đầu này, tôi ngồi xuồng của anh em giao liên huyện và tỉnh, vượt Sông Ðốc, qua lộ xe, qua sông Bảy Háp tới Trường Ninh Bình ở Bào Dừa. Từ đây, lúc chiều tôi được bố trí xuống ngồi xuồng của anh Hai Tần và chị Hồng Sự ở Ban Tuyên huấn huyện Cái Nước, nhập cùng đoàn học viên hành quân bằng xuồng chèo về căn cứ trường lớp ở rừng đước Năm Căn. Chị Hồng Sự (1950-2011), người con gái Rau Dừa, nét đẹp, mặc áo trắng, ngồi trước mũi xuồng cầm cây dầm bơi… Giây phút mới quen, tôi gọi bằng chị, Hồng Sự lên tiếng:

- Chị cái gì mà chị!

Nhưng khi về già, có lần gặp lại, Hồng Sự gọi tôi bằng tên, vì cả hai đứa tôi cùng tuổi mà.

Năm 1973, khi được rút về tỉnh làm phóng viên tập sự báo Cà Mau, hoạt động địa bàn rộng lớn và cũng chiếc xuồng be tám, cặp chèo đước, tôi đã dần quen nhiều chuyến công tác. Ban đầu đi với em Châu Thanh Hải (khắc gỗ), sau đó tôi được phân công đi một mình, từ Giáp Nước qua Cống Ðá lộ xe, qua sông Bảy Háp, xuống tận kinh Ông Ðơn... Và những chuyến công tác khá xa, như đi với Mười Lai từ Giáp Nước sang Tân Thuận, đến căn cứ Ðồng Giác, huyện Tư Kháng cũ, gởi xuồng lại bến, đi theo anh giao liên huyện Giá Rai lần dây hàng cột đáy vượt sông Gành Hào, lội bộ trong cánh rừng và vượt kinh xáng Hộ Phòng về Giá Rai, Long Ðiền Tây vào mùa lúa cấy năm 1973...

Thời chiến, nhiều anh “cưng chiếc xuồng như cưng vợ…”. Nhà báo Nguyễn Mai viết: “Trong những lúc đi công tác, tôi yêu nhất một người, đó không phải là con gái mà là một… chiếc xuồng! Người tôi yêu thứ hai - cũng không phải là con gái, mà là một người bạn trai tên là Nguyễn Kiên Ðịnh (6/4/1964)”. Trong phim tài liệu Nhà báo Nguyễn Mai (1998), anh Nguyễn Kiên Ðịnh nhớ, kể lại: “Có lần đi công tác, thấy chiếc xuồng của dân bị đội cừ lúc nước ròng. Anh em đều đứng nhìn. Chỉ có Nhà báo Nguyễn Mai - Phan Trường Thọ, xăn quần lội xuống bùn, dỡ chiếc xuồng lên, bỏ xuống khỏi cây cừ…”.

Kỷ niệm thuở đi xuồng chèo 2 người qua vùng Sông Ðốc thời chiến, khi chiều mưa lắc rắc, gió tê buốt thịt da, phải vượt qua cánh đồng “chó ngáp”..., anh Nguyễn Kiên Ðịnh làm bài thơ “Gửi cô gái vùng ven” (1996). Bài thơ có đoạn như sau:

Ðường xa có những lúc

Ta phải đổi phiên chèo

Vô tình chạm vào nhau

Trên xuồng con thế đó!

Năm 1974, tôi với Thanh Sơn đi chung chuyến công tác về huyện Ngọc Hiển (Tư Kháng). Thanh Sơn tên thật Nguyễn Thanh Tao, học sinh ở thành, biết chút ít tiếng Anh, trở về quê vùng giải phóng xã Tân Thuận, được rút thẳng lên Tiểu ban Thông tấn Báo chí Cà Mau... Anh em ở Ðầm Dơi còn nhắc, với tên cúng cơm như vậy nên Sơn viết thư về thăm nhà, câu cuối thường ghi “Con của ba má” là “Tao”. Chuyến đi năm ấy, tôi đứng chèo suốt tuyến đường, chuyến về ra Sông Ðầm lúc ròng sát và nước lớn bắt đầu chảy vào... Tôi gọi Thanh Sơn đổi chèo cho tôi nghỉ tay giây lát. Thanh Sơn nước da ngăm, ít khi cởi mở, nghe có người gọi “Sơn xì ke”, Thanh Sơn chỉ cười... Thanh Sơn đứng chèo, lọng cọng. Chèo được vài trăm mét, Sơn nhờ tôi giúp mở túi bòng lấy ra giùm chiếc khăn rằn. Cứ ngỡ che nắng, đâu ngờ Sơn quấn chiếc khăn vào guốc chèo để cầm cho không bị phồng tay... Chao ôi! Lần duy nhất tôi mới thấy một người chèo xuồng có trình độ “nghiệp dư” như chàng Thanh Sơn, nếu đi một mình sẽ rối tung là cái chắc!

Tôi nhớ một kỷ niệm tuyệt đẹp thời chưa biết yêu. Sau hơn năm được rút lên làm lính tỉnh, tôi có chuyến trở về cơ quan cũ ở huyện nhà. Anh Ba viết lá thư thăm người em vợ đang công tác ở cơ quan X, bảo tôi tìm chuyển tận tay thành chuyện tình cờ mà tôi quen biết Cẩm Vui… Và, khoảng gần 5 tháng chuyển lên Rau Dừa, tôi có chuyến về huyện nhà lần hai - thời điểm chỉ còn 2 tháng 3 ngày nữa là chiến tranh kết thúc... Ðêm trăng 11 tháng Giêng năm Ất Mão 1975, tôi chèo xuồng đi thẳng vào nhà thăm anh chị Ba ở Cơi Nhì, mới hay có dì Ba - má ruột của Cẩm Vui từ một làng quê đồng bằng Giá Rai xuống tận xóm ven rừng này thăm con, cháu... Anh Ba được điều lên làm cán bộ tỉnh cũng vừa về thăm nhà. Và thật tình cờ, Cẩm Vui cũng có mặt ở đây! Năm trước, tôi tìm theo địa chỉ để chuyển giao lá thư của anh Ba đến tận tay Cẩm Vui, lần này dịp tình cờ gặp tại nhà anh chị Ba, nàng quá giang tôi chuyến về cơ quan X. Từ xa lạ thành quen, người con gái xấp xỉ tôi tuổi đời, chỉ gọi tên chứ không dám gọi em... Tôi nghe tim đập rộn ràng, tình cảm dạt dào khó tả... Tôi với Cẩm Vui rời xóm ven rừng, đi trong bóng xế chiều, rồi đi trong đêm vắng, âm thầm... Và, những dòng ký sự thơ này gợi nhớ hình ảnh đẹp như thế hồi thời chiến:

          …Tình cờ, xóm ven rừng tràm

Gặp nàng bên ấy, nàng giang tôi về

          Xế tà qua những vùng quê

Chiều vượt Sông Ðốc lộng bề gió reo...

         Dừng nhà quen giữa xóm nghèo

Nghỉ tay, nàng đến đổi chèo cho tôi

         Mùi con gái phả qua người

Chợt lòng xao xuyến, bồi hồi chuyến đi…

        Ðường xa, biết nói chuyện gì

Lời nàng ri rí… đôi khi gợi tình…

       Tôi quen chèo chống một mình

Nàng quá giang, nàng đẹp xinh lạ thường

       Cuối đầm, vào sông Thị Tường

Tôi còn ước muốn con đường dài thêm

      Xuồng cặp bến, nàng bước lên

Mình tôi lặng lẽ trong đêm một mình...

Còn 1 tháng 12 ngày nữa mới tới ngày 30/4/1975, tôi với anh Mười Thanh - Nhà văn Nguyễn Thanh - rủ nhau đi chung một chuyến công tác về xã Khánh Bình, Trần Văn Thời.

Chiều xuống, anh em tôi mỗi người một chiếc xuồng be tám, cặp chèo đước bóng dợn, từ Xẽo Trê, Rau Dừa chèo vô Biện Tràng, đổ lên Phát Thạnh… Cứ mải miết chèo, bỏ lại phía sau những cụm vườn, những mái nhà trên từng xóm vắng và trổ ra Sông Ðốc, theo con nước lớn về Rạch Cui vàm...

Chèo đi một đỗi xa, anh em dừng lại, nghỉ tay, hút thuốc. Hai chiếc xuồng cặp vào nhau. Nơi đang ngồi nhả khói phì phà trên dòng Sông Ðốc, anh Mười chỉ cho tôi biết:

- Bên này là Lung Thuộc, bên kia là Mương Củi!

Hai bên bờ Sông Ðốc về đêm vắng lặng, nhìn xuống hướng Chi khu Rạch Ráng chỉ thấy một khối đen đặc trong màn đêm. Vài ánh đèn bão ở mấy hàng cột đáy trên sông lấp loé, chập chờn...

Anh em tôi cứ chèo đổ lên theo con nước lớn trên dòng Sông Ðốc. Giờ này chúng tôi nhìn ánh điện thị xã Cà Mau hắt lên thành 2 vệt sáng trắng như đèn pha. Tôi bồi hồi, nghĩ ngợi, chợt nhớ 2 câu thơ của Lê Anh Xuân cảm xúc khi nhìn ánh điện thành phố Sài Gòn cuối năm 1967 mà hệt như cảnh ở đây:

Cái vầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy

        Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về!

Chỉ có ngày toàn thắng, cái vầng sáng như nức nở gọi ta về ấy mới thành hiện thực. Nhà thơ Lê Anh Xuân đã hy sinh đợt 2 Mậu Thân 1968, không trở về, không được chứng kiến cảnh chiếc xe tăng quân giải phóng miền Nam húc đổ cánh cổng dinh Ðộc Lập ở Sài Gòn ngày 30/4/1975…

***

Nhớ lại 30 năm trường kỳ kháng chiến, người Cà Mau luôn chắc tay súng, vững tay chèo...

9 năm kháng Pháp thắng lợi, 21 năm chống Mỹ thắng lợi hoàn toàn ngày 30/4/1975, từng đoàn xuồng chèo đã đưa lực lượng cách mạng, hàng ngàn cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ta ra tận kinh Rạch Rập, Giồng Kè, vàm Ô Rô, kinh xáng Phụng Hiệp, Hoà Thành - Tắc Vân, tiến vào tiếp quản thị xã Cà Mau. Và kể từ ngày kết thúc chiến tranh cũng đã kết thúc việc đi công tác bằng xuồng chèo. Lớp lớp xuồng được kéo lên giữ trước nhà đồng bào dọc tuyến kinh Rạch Rập như cuộc huy động đưa xuồng lên bờ, lạ lẫm chưa từng có! Khi dần ổn định vị trí ở thị xã mới giải phóng, các anh chị lần lượt trở qua Rạch Rập hoá giá bán lại cho bà con mấy chục chiếc xuồng, đáng nhớ trong đó có chiếc xuồng be tám 3 lá và cặp chèo đước bóng dợn của tôi!

Gần 10 năm sau ngày giải phóng, tôi từ Bến Tre về thăm người chị ruột ở xóm cuối Kinh Tư, xã Trần Hợi... Lần ấy, tôi ngồi xuồng của mấy cháu gái chở hoa màu, như rau cải, bắp chuối, bông súng... xứ đồng ruộng đi bán ở thị trấn Sông Ðốc, để tôi xuống thăm vợ chồng cháu Hương ở vàm Xẽo Quao... Như còn luyến tiếc thời trai trẻ, ra Sông Ðốc, tôi giành đứng chèo suốt đoạn đường, xuống gần tới cửa biển... Cháu tôi khen:

- Cậu chèo hay quá, không lủi chút nào!

Và hình ảnh từng đoàn cán bộ, chiến sĩ hành quân bằng xuồng chèo đã đi vào lịch sử dân tộc suốt 30 năm trường kỳ kháng chiến (1945-1975) ở vùng sông nước Cà Mau!

 

Nguyễn Minh

 

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 2: Bước chuyển mình của đô thị hoá nông thôn

Khác với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đô thị động lực, như TP Cà Mau, Sông Ðốc và Năm Căn, những làng quê, nơi mà quá trình đô thị hoá đang diễn ra một cách lặng lẽ lại trở thành nơi lý tưởng, đáng sống, ước mơ của nhiều người. Cà Mau, từ một bức tranh tưởng chừng đơn điệu, với ruộng lúa, ao tôm, cánh đồng hoa màu và những con rạch hiền hoà, nay khoác lên mình diện mạo mới, hiện đại hơn, thuận tiện hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc miền Tây sông nước.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài 3: Giải mã “điểm nghẽn” để khơi thông tiềm năng

Tốc độ đô thị hoá của Cà Mau tăng trung bình 1,3%/năm, phản ánh sức hút và tiềm năng nội tại. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa tương xứng với tiềm lực vốn có và còn cách biệt so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình đô thị hoá tại Cà Mau vẫn đang đối diện với những nút thắt cần tháo gỡ.

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh

Tỉnh Cà Mau đang kiến tạo một nền tảng vững chắc để đô thị hoá trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 33,04%, với 22 đô thị, cao hơn mức trung bình của đồng bằng sông Cửu Long (32,0%) và vượt một số tỉnh lân cận, như Vĩnh Long (28,7%), Hậu Giang (30,5%)... Với TP Cà Mau, Năm Căn và Sông Ðốc làm tam giác động lực, tỉnh không chỉ mở rộng không gian đô thị mà còn tạo sức bật kinh tế toàn diện. Không chạy theo đô thị hoá ồ ạt, tỉnh tập trung xây dựng nền tảng hạ tầng vững chắc, phát huy lợi thế kinh tế biển, logistics và dịch vụ thương mại để trở thành điểm sáng mới của vùng Tây Nam Bộ.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài cuối: Khơi thông dòng chảy

Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng tài nguyên bản địa của địa phương là một lợi thế. Tuy nhiên, nó cũng có nhiều thách thức cho hoạt động khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp “xanh” nói riêng của tỉnh. Ðể nâng tầm khởi nghiệp “xanh”, Cà Mau đang cần những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Ðịa phương cũng cần chú trọng hơn đến phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp “xanh”, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đào tạo, phát triển cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững - Bài 2: "Ghi điểm" trên "sân nhà"

Khởi nghiệp “xanh” tại Cà Mau mang đến động lực, truyền cảm hứng từ những câu chuyện thực tế của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, mạnh dạn tận dụng sân nhà để phát huy giá trị sản phẩm kinh doanh, gợi mở nhiều cơ hội trong tiến trình khởi nghiệp.

Khởi nghiệp “xanh” - Xu hướng phát triển bền vững

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã trở thành xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở nước ta, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ trương lớn của Ðảng. Nghị quyết 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định rõ vai trò của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp là trọng tâm của quá trình đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hướng tới chính quyền số toàn diện - Bài cuối: Xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ

Nếu chuyển đổi số (CÐS) trong thủ tục hành chính (TTHC) là bước đột phá giúp cắt giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian cho người dân và doanh nghiệp, thì xây dựng chính quyền thông minh lại mang tầm vóc lớn hơn. Ðó không chỉ là việc đưa công nghệ vào bộ máy quản lý Nhà nước, mà còn là một cuộc chuyển đổi toàn diện về tư duy điều hành, phương thức hoạt động và tinh thần phục vụ. Không còn cảnh văn phòng hành chính đầy ắp hồ sơ, giấy tờ, chính quyền số hôm nay đang định hình một mô hình làm việc mới: liên thông, minh bạch, gần gũi và lấy sự hài lòng của người dân làm trung tâm.

Hướng tới chính quyền số toàn diện

Hai năm liền (2023-2024), Cà Mau dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, đây là dấu ấn nổi bật của tỉnh trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Ðể có được thành tựu này, tỉnh không chỉ đơn giản hoá thủ tục mà còn đổi mới mạnh mẽ phương thức phục vụ. Hệ thống một cửa liên thông được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả, sự hài lòng trong dân.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài cuối: Biển - Dòng chảy phồn vinh

Ðịa bàn biên giới biển toàn vùng Tây Nam trải dài hơn 700 km, chiếm 1/5 tổng chiều dài bờ biển của cả nước, không chỉ là tuyến phòng thủ chiến lược mà còn là nguồn sống của hàng triệu ngư dân. Với hệ sinh thái phong phú, vùng biển này mang trong mình tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển, đóng góp quan trọng vào công cuộc dựng xây đất nước.

Tự hào vùng đất Tây Nam - Bài 3: Hồi sinh Ba Chúc

Cách nay 50 năm, trong khi các địa phương trong cả nước đang bắt tay kiến thiết quê hương sau đại thắng mùa Xuân 1975 thì Nhân dân Ba Chúc lại mang thêm trên mình những vết thương của nạn thảm sát diệt chủng Pol Pot. Nếu so sánh xuất phát điểm của vùng đất thanh bình vươn lên sau chiến tranh thì Ba Chúc khởi điểm sau các vùng đất khác 10 năm, với nền tảng ban đầu: đất đai cằn cỗi, nhà cửa xơ xác, cuộc sống của người dân bấp bênh giữa đói nghèo và ký ức đau thương. Trở lại Ba Chúc hôm nay là thị trấn sầm uất của huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.