ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 7-5-25 11:38:11
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thổn thức với nghề

Báo Cà Mau (CMO) Tôi đã đi qua một đoạn đường hơn 10 năm với nghề báo, chẳng là gì so với các đấng bậc dạn dày. Nhớ lúc mới vô nghề, về quê, ai cũng ngó mình rồi đọc “thần chú”: “Nhà văn nói láo. Nhà báo nói thêm”. Thôi cũng kệ. Nhớ có lần gặp một chú người quen, nguyên là Phó chủ tịch UBND một huyện bị kỷ luật vì bị báo chí phanh phui vi phạm, ông nhìn tôi bằng cái cười cợt chua cay: “Con tao, tao không bao giờ cho đi làm nghề báo. Toàn đút củi, móc lò”. Ờ, thôi cũng kệ, chớ biết sao giờ. Nghề nào không là một nghề. Vả lại, nghề báo có đâu như những cách nhìn đời chỉ qua một bên lỗ tai và một bên con mắt.

Dân báo chí luôn có đời sống phong phú, sôi động, nhất là không bao giờ thiếu chuyện để bàn, để “tám”. Tất nhiên khi đã vô bàn tròn thế sự thì chuyện có đúng, có trật, nhưng chắc chắn là không như những gì nó vốn có. Nhiều đồng nghiệp của tôi nổi tiếng một cách tréo ngoe, cũng chẳng biết bày tỏ nỗi hàm oan của mình thế nào cho đặng. Có người chấp nhận với triết lý mênh mông tình buồn: “Nước sông Hoàng Hà cũng không gột rửa hết nỗi hàm oan”.

Như chuyện của ông anh chuyên mảng an toàn giao thông. Trời xui đất khiến thế nào mà ông này cứ giơ máy quay, lia một lúc thì y như rằng chỗ đó có hiện trường tai nạn “tươi”. Ban đầu không để ý, dần dà, chính ông anh cũng thấy chột dạ, ê kíp đi theo hơi ớn lạnh. Lãnh đạo cơ quan cũng ý nhị nhẹ nhàng: “Cha nội chuyển qua mảng khác cho đời sống bình an”. Nhưng như sự sắp đặt dữ dội, trong những lần đi thực hiện tác phẩm ở mảng khác, hầu như chuyến nào cũng gặp hiện trường “tươi” tai nạn giao thông, ngứa nghề nên đều đặn gởi các tin tức an toàn giao thông về cho cơ quan phát sóng.

Khi đã được lựa chọn thì tránh đâu cho khỏi. Có đồng nghiệp chuyên ảnh, hễ chụp chân dung người nào mà buột miệng khen “đẹp”, thì không bao lâu, nhân vật đó tạ thế. Có cây bút chuyên viết đầu ra nông sản, viết loại gì thì gần như ngay lập tức loại đó cần phải “giải cứu”. Người chuyên viết gương, viết xong thì nhân vật bị chặn đường xin đểu, bị trộm cướp lộng hành đến mức bỏ ăn, bỏ ngủ. “Ðúng là thời đại tân tiến, đầu trộm đuôi cướp cũng rất chú trọng việc đọc báo để tìm kiếm thông tin, cơ hội để mà “hành tẩu””, một đồng nghiệp chúng tôi chua chát nhận xét như thế đó.

Chuyện đúng sai chưa biết thế nào, nhưng cánh báo chí giờ đây tác nghiệp ngày càng khó khăn. Vấn đề nan giải nhất là nhiều người dân “miễn tiếp nhà báo” theo đúng tinh thần triệt để, trọn vẹn. Bà con đưa ra lý lẽ, dù không có một xác tín khoa học khách quan nào, nhưng có ví dụ cụ thể để chứng minh, rằng đang yên đang lành, mấy ông báo chí vào quay chụp, viết bài thì y như rằng thất bại hết. Có người dễ chịu hơn, chỉ cho chụp ảnh mà cấm cửa máy quay phim, căng hơn thì chỉ cho hỏi thăm mà cấm luôn cả quay, cả chụp. Bởi vậy, dù liên hệ công tác với các cấp, các ngành, toàn hệ thống chính trị, nhưng cánh báo chí đi lấy thông tin vẫn nơm nớp trong trạng thái “hên xui”.

Phóng viên báo Cà Mau và Ðài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau tác nghiệp tại điểm du lịch sinh thái Mười Ngọt, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời. (Ảnh chụp ngày 30/6/2020)

Cánh đàn ông mần báo đã cực, còn phụ nữ làm nghề này thì cực xấp đôi, xấp ba. Vừa thu xếp chuyện gia đình, con cái, nữ nhà báo trên con chiến mã sắt vẫn hăng hái “xăm xăm băng lối” một mình trên từng cây số, bất chấp thời tiết, bất chấp khoảng cách. Có đồng nghiệp nữ của chúng tôi, “chửa vượt mặt” vẫn đi công tác. Sau khi chạy xe máy thẳng từ một chiếc cầu nông thôn xuống dòng sông quê yên ả, nữ phóng viên đành... yên tâm về dưỡng thai, chờ ngày hạ sanh. Sáu tháng hậu sản, nhiều nữ đồng nghiệp của chúng tôi vừa chăm con, vừa canh cánh nhớ nghề. Nhớ đến nỗi, chỉ cần 4 tháng, chị em bày tỏ nỗi niềm muốn tiếp tục xông pha.

Nghề báo đòi hỏi nhiều thứ. Ðó là nơi hội tụ phẩm chất một tài xế đường dài, một vận động viên đủ sức khoẻ và kỹ năng để thực hiện bài thi nhiều môn phối hợp, cách ăn nói của dân tiếp thị chuyên nghiệp, một “tửu đồ” khi cần để khai thác thông tin, một nhà thông thái buộc cái gì cũng phải biết... Với nhiều nghề, thời gian và không gian lao động khá ổn định, còn nghề báo thì bất chấp. Cánh báo chí có thể làm việc ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào, miễn là có sự kiện và chất liệu báo chí.

Khi nhìn bằng cả 2 tai, 2 mắt và cả trái tim, nghề báo xứng đáng được đánh giá công bằng. Giống như trường hợp thắc mắc của con bò, “ví von ngu như bò mà lại uống sữa mình để thông minh”, mỗi khi ai đó muốn tìm kiếm thông tin chính xác, tin cậy, hữu ích lại tìm đến với nghề “nói thêm”. Từ những sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, cho đến những cảnh đời, góc quê xa xôi nhất, báo chí luôn có mặt để thông tin, chia sẻ và đồng hành. Biết bao nhiễu nhương, xấu xa, cũng nhờ sự lăn xả, dấn thân của báo chí được phanh phui lên án. Những hoa thơm trong đời sống, trong công tác được vinh danh để lan toả rộng sâu.

Ðể rồi khi ngồi với nhau, nghĩ về nghề, chúng tôi coi những câu chuyện cười ra nước mắt trên kia chỉ là thứ “tai nạn nghề nghiệp” không mong muốn. Nghề nào mà chẳng vậy. Hành trình chúng tôi đi, không có mùa, không giới hạn bởi thời gian - không gian, mà chỉ trọn vẹn tấm lòng khát khao cống hiến. Nghề báo vẫn tồn tại và hữu ích như lời khẳng định của những học giả cao thâm.

Dẫu có thăng trầm, buồn vui, nhưng chúng tôi, những người làm báo tự nguyện và tự hào khi được góp sức mình cho nghề nghiệp, cho sự phát triển của quê hương. Phía trước chúng tôi là những chuyến đi, là thực tiễn ngồn ngộn sinh động, là những con chữ trăn trở được bứng ra từ tâm can, từ đòi hỏi thúc bách của cuộc sống. Hạnh phúc của nghề báo với chúng tôi đơn giản là được đi và được viết. Thành tựu lớn nhất của nghề báo chính là những đứa con tinh thần được chắt chiu, gạn lọc, mang đến cho công chúng những thông tin chính thống, có ích. Và sẽ trọn vẹn hơn, nếu bên chúng tôi là sự đồng hành thuỷ chung, tin cậy của độc giả chân chính./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.