Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 442/QÐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Cảng biển TP Hồ Chí Minh quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Cảng biển tỉnh Cà Mau thuộc nhóm cảng biển số 5.
Quyết định số 422/QÐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quyết định số 1579/QÐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nâng cao năng lực hệ thống cảng biển
Quyết định số 422/QÐ-TTg sửa đổi, bổ sung mục tiêu về năng lực và kết cấu hạ tầng của hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, về năng lực cảng biển phải đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hoá, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hoá từ 1.249-1.494 triệu tấn (trong đó hàng container từ 46,3-54,3 triệu TEU, chưa bao gồm hàng trung chuyển quốc tế); hành khách từ 17,4 đến 18,8 triệu lượt khách (Quyết định số 1579/QÐ-TTg ngày 22/9/2021 đặt mục tiêu Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua 1.140-1.423 triệu tấn hàng hoá; 10,1-10,3 triệu lượt khách).
Về kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu), xây dựng khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh). Nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hoà) để khai thác tiềm năng về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý. Quy hoạch định hướng phát triển bến cảng Trần Ðề (Sóc Trăng) phục vụ đồng bằng sông Cửu Long để có thể triển khai đầu tư khi có đủ điều kiện; các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực phát triển du lịch; các bến cảng quy mô lớn phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo.
Ðến năm 2050, năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hoá với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,2-4,8%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2-1,3%/năm.
Hòn Khoai được quy hoạch xây dựng cảng biển tổng hợp trong tương lai. Ảnh: HUỲNH LÂM
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có đến 12 tỉnh, thành phố được quy hoạch nhóm cảng biển số 5 như: Cần Thơ, Ðồng Tháp, Tiền Giang,Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang. Theo quy hoạch, đến năm 2030, hàng hoá thông qua từ 86-108 triệu tấn (hàng container từ 1-1,8 triệu TEU); hành khách từ 10,5-11,2 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến năm 2050: đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hoá với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5-6,1%; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,1-1,25%. Hình thành cảng cửa ngõ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ðánh thức tiềm năng kinh tế biển
Với vị trí có 3 mặt giáp biển, Cà Mau có bờ biển dài 254 km với 87 cửa sông lớn - nhỏ thông ra biển, trên biển có 3 cụm đảo: Hòn Khoai, Hòn Chuối và hòn Ðá Bạc, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh, trong đó, cụm đảo Hòn Khoai gần đường hàng hải quốc tế, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế hàng hải.
Vùng biển Cà Mau có diện tích thăm dò, khai thác khoảng 80.000 km2, nằm trong cung đường biển của nhiều trung tâm phát triển ở khu vực Ðông Nam Á; là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, nguồn lợi thuỷ sản rất dồi dào, phong phú, đa dạng về loài, nhiều loài có giá trị kinh tế cao; sản lượng nuôi trồng và khai thác thuỷ sản hằng năm đạt trên 550 ngàn tấn, xuất khẩu sang hơn 50 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt trên 1 tỷ USD.
Ngoài ra, tỉnh có tiềm năng về năng lượng điện gió, điện mặt trời, điện khí, cảng biển nước sâu, du lịch biển, đảo; có Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển của thế giới, trong đó Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã được công nhận là khu Ramsar của thế giới...
Một số công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế biển như: Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Ðất Mũi, tuyến đường Quản lộ Phụng Hiệp song song Quốc lộ 1, tuyến đường hành lang ven biển phía Nam. Ðầu tư xây dựng nhiều công trình thuỷ lợi, đê, kè trọng yếu phục vụ sản xuất, chắn sóng, chống xói lở, xâm nhập mặn. Tập trung xây dựng các đô thị phát triển kinh tế biển là thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn), Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời), Khánh Hội (huyện U Minh), Cái Ðôi Vàm (huyện Phú Tân), Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi)... Nhiều dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí đã và đang được đầu tư, mở ra nhiều cơ hội mới để Cà Mau phát triển. Cụm đảo Hòn Khoai, hòn Ðá Bạc, Hòn Chuối, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đang được đầu tư xây dựng kết nối hạ tầng để phục vụ du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo.
Hằng năm, kinh tế biển đóng góp khoảng 55% GRDP; là tỉnh đứng đầu cả nước có số lượng nhà máy chế biến thuỷ sản và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm.
Ðại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau), cho rằng: Cà Mau có rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Ðặc biệt, Cảng biển Hòn Khoai được Thủ tướng Chính phủ quy hoạch sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của riêng Cà Mau mà còn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài yếu tố phát triển kinh tế biển, Hòn Khoai còn là vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng an ninh, được ví như điểm tiền tiêu ở khu vực phía Nam để canh giữ, bảo vệ chủ quyền vùng biển nước ta. Không những thế, đảo Hòn Khoai còn được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch biển, có khả năng thu hút du khách nước ngoài, cạnh tranh với các điểm du lịch khác trong khu vực. Hiện, du lịch biển là 1 trong 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam, được ưu tiên phát triển theo Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
"Hy vọng thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Cà Mau trong việc xây dựng khung pháp lý, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để kêu gọi đầu tư Cảng biển Hòn Khoai nói riêng và phát triển kinh tế biển tỉnh Cà Mau nói chung", ông Thanh kỳ vọng.
Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 16/11/2023, xác định: Xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước; đầu tư xây dựng Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Ðốc gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; phát triển nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm biển. Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; phát triển bền vững kinh tế biển theo phương thức tổng hợp, quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Phúc Danh