Cuối năm 1967, do yêu cầu thực tế, tỉnh lập thêm tiểu đoàn mới, cũng thể hiện niềm tự hào và phát huy truyền thống mà đặt tên Tiểu đoàn U Minh III. Cứ thế, năm 1974, Tiểu đoàn U Minh IV ra đời…
Ông Tám Tính (Lê Ký Du, Đại tá, nguyên Thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau) giải thích vì sao có tới mấy tiểu đoàn cùng mang tên Tiểu đoàn U Minh, chỉ khác số thứ tự. Đầu năm 1960, Tiểu đoàn U Minh ra đời. Thật ra là đổi phiên hiệu từ Tiểu đoàn Ngô Văn Sở (thành lập từ năm 1958, lập nhiều chiến công vang dội). Tiểu đoàn U Minh (sau này hay gọi là Tiểu đoàn U Minh I) lại tiếp tục lập nhiều chiến công lớn, trong đó có trận đánh phối hợp giành chiến thắng vang dội tiêu diệt Chi khu Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là năm 1963.
Đến cuối năm 1963, trên có quyết định rút Tiểu đoàn U Minh về Quân khu 9 nên tỉnh lập ra tiểu đoàn mới. Tự hào về những chiến công của lớp đàn anh và để kế thừa, phát huy truyền thống, tiểu đoàn mới lấy tên Tiểu đoàn U Minh II. Tiểu đoàn U Minh II ra đời tiếp tục lập được nhiều chiến công oanh liệt, là lực lượng trọng yếu của tỉnh, hoạt động xuyên suốt đến ngày giải phóng.
Tiểu đoàn U Minh 2 cùng các đơn vị trong tỉnh làm lễ xuất quân bảo vệ biên giới Tây Nam. Ảnh tư liệu |
Cuối năm 1967, do yêu cầu thực tế, tỉnh lập thêm tiểu đoàn mới, cũng thể hiện niềm tự hào và phát huy truyền thống mà đặt tên Tiểu đoàn U Minh III. Cứ thế, năm 1974, Tiểu đoàn U Minh IV ra đời…
Trưởng thành theo từng trận đánh
Là lực lượng cơ động, chủ công của tỉnh nên Tiểu đoàn U Minh II có mặt khắp nơi trên địa bàn. Đánh theo chiến dịch của tỉnh, của quân khu; tập trung nhiều nhất là đánh mở mảng. Những tên đất, tên làng như: Tân Quảng - Đòn Dong, sông Ông Đốc, Xã Thìn, Rạch Lùm, Hoà Trung, Rau Dừa, Bàu Chà, Khai Hoang, Năm Căn, Mương Điều, Rạch Ruộng, Rạch Ráng, Bào Thùng, Hộ Phòng, Vàm Tắc Thủ, Cả Giữa, Cái Nhúc… đều gắn với những chiến công vang dội của tiểu đoàn.
Sau mỗi trận đánh, nhiều kinh nghiệm được đúc rút, từ đó tiểu đoàn càng đánh càng lớn mạnh, cán bộ, chiến sĩ càng trưởng thành, dạn dày kinh nghiệm hơn.
Chuyện hai bên đánh nhau, thương vong là không tránh khỏi, nhưng điều Đại tá Võ Thanh Bình, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, cảm thấy tự hào là, đơn vị vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng rất tốt: “Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, trận đầu đơn vị bị thương vong lớn, nhưng với tinh thần tiến công, tiểu đoàn vận động được số thanh niên nhập ngũ khá đông, huấn luyện cấp tốc 10-15 ngày, chỉ sau 1 tháng là vào trận tiếp được. Điều đó xuất phát từ lòng căm thù giặc sâu sắc, vì thế mà họ tự nguyện, tự giác tham gia. Vì tự nguyện nên có quyết tâm cao, dù biết có thể hy sinh. Bên cạnh đó là vai trò giáo dục của đơn vị”.
Cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn cũng trưởng thành rất nhanh, khi bị tiêu hao lực lượng là lớp kế cận có thể thay thế đảm đương nhiệm vụ. Minh chứng là khi vào tiểu đoàn mới 13 tuổi, 10 năm sau (năm 1974), ông Võ Thanh Bình đã là Tiểu đoàn phó, Tham mưu trưởng. Ông Tám Tính cũng có mặt khi tiểu đoàn mới thành lập, đến năm 1974 là Tiểu đoàn trưởng. Cũng từ việc tổ chức, xây dựng lực lượng tốt mà những thời điểm khó khăn nhất, nhất là những năm 1969-1970, địch phong toả, cắt đứt đường viện trợ lương thực, thuốc men, đạn dược… nhưng đơn vị cũng vượt qua được, tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ vẫn vững vàng.
“Khi xảy ra chiến tranh Biên giới Tây Nam (1977), lúc đó toàn tân binh mới, số cốt cán ra quân gần hết, ban đầu cũng rất khó khăn, nhưng rồi mình nhanh chóng tổ chức lại lực lượng và tham gia chiến đấu tốt. Khi sang Campuchia giúp bạn cũng thế, đơn vị gặp nhiều khó khăn về đời sống, địa hình chiến đấu; lực lượng bị tiêu hao nhiều: do chiến đấu, do sốt rét ác tính, do bị mìn… Nhưng nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức lực lượng… nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, ông Tám Tính chia sẻ.
Sâu nặng nghĩa đồng bào
“Hồi đó đi lính là tự nguyện, tự giác, làm gì có lương bổng, toàn bộ dân nuôi, đi tới đâu bà con cũng đùm bọc. Đi đánh trận, xuồng vừa về tới nhà là trẻ em, người lớn đều ùa xuống mang đồ mấy chú bộ đội lên, bà con coi mình như người thân trong nhà. Hồi đó cũng có chủ trương tự túc để đỡ cho dân, nhưng có làm được bao nhiêu, chủ yếu dân nuôi. Bà con yêu cầu mình đánh giặc giỏi để mau giải phóng quê hương, đánh xong là về nghỉ ngơi, huấn luyện, những việc khác để bà con lo”, ông Tám Tính bồi hồi kể lại.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các Tiểu đoàn U Minh tham gia chiến đấu hàng ngàn trận. Riêng Tiểu đoàn U Minh II đánh 497 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 11.582 tên địch, giải tán 120 phòng dân vệ, bao vây bứt rút 68 đồn, bắn rơi 30 máy bay, bắn chìm 26 tàu, bắn cháy và phá huỷ 21 xe quân sự… Đơn vị 2 lần được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND, 1 lần trong chống Mỹ, 1 lần tham gia chiến đấu giúp bạn xoá chế độ diệt chủng Pôn Pốt trên chiến trường Campuchia. |
Cũng theo ông, ngoài lo cơm nước, bà con còn làm bánh trái cho bộ đội ăn. “Ở Thăm Chơi có bà má thường xuyên làm bánh tằm mỗi khi anh em về, riết rồi thành danh “Bà má Bánh Tằm”. Hay ở Rau Câu (Tân Lộc), có bà má hay nấu chè cho bộ đội ăn, má thứ Ba nên anh em gọi “Bà má Ba Chè”. Những cái tên bình dị ấy nhưng thể hiện tình quân, dân vô cùng sâu nặng”, ông Tám Tính chia sẻ.
Không chỉ lo cái ăn, bà con còn bất chấp nguy hiểm nuôi giấu “Việt cộng” ngay trong lòng địch. Ông Bình kể, nhiều lúc chiến đấu, anh em bị thương không chuyển về tuyến sau kịp, bà con sẵn sàng chăm sóc, sau tạo điều kiện đưa về quân y. Một kỷ niệm cũng hết sức xúc động mà ông Bình không quên được: “Đó là lần bao vây Chi khu Năm Căn, quân số cả ngàn người, toàn bộ được dân cất nước cho uống. Bà con còn qua tới miệt Thanh Tùng chở nước ngọt về cho bộ đội sinh hoạt. Tôi còn nhớ, mỗi lần ra nằm chiến hào, bà con tiếp tế cơm nước, xôi, bánh. Mấy cô gái hay làm mấy câu thơ để trong bọc xôi:
“Xôi ít, nghĩa tình nhiều
Chi khu giải phóng chiều về ăn thêm”
Trong hồi ký hơn 100 trang của mình, ông Huỳnh Văn Thái (Tiểu đoàn U Minh) cũng nhắc đến rất nhiều câu chuyện về tình quân, dân.
Cũng có những câu chuyện được kể lại rằng, hồi đó, các cô gái rất “thần tượng” những anh bộ đội tiểu đoàn, vì vậy mà các cô hay tặng các anh những chiếc lá U Minh được ép khô, gởi gắm vào đó bao điều ý nhị.
Có lẽ vì vậy mà trong bài ca cổ “Hai lần đưa tiễn” của soạn giả Hồng Quân, sáng tác hồi chiến tranh biên giới phía Bắc, có mấy câu: “Chiếc lá U Minh em tặng anh buổi chia tay lần trước, và lần này lá mãi bên anh...”.
Lớp cha trước, lớp con sau… (*)
Trong thời gian tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, năm 1978, Tiểu đoàn U Minh II được Quân khu 9 rút lên đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 5, chiến đấu trong đội hình Trung đoàn bộ binh 9.
Sau này, tỉnh lại tái lập Tiểu đoàn U Minh II. Phát huy truyền thống, tiểu đoàn tiếp tục hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ thời bình. Năm 2012, tiểu đoàn được rút gọn thành tiểu đoàn khung, nằm trong đội hình Trung đoàn 896 của tỉnh. Thượng tá Nguyễn Thành Tâm, Chính uỷ Trung đoàn bộ binh 896, cho biết, Trung đoàn luôn xác định nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ trọng tâm: Vừa đảm bảo cảnh giác, bảo mật, vừa đảm bảo huấn luyện lực lượng dự bị động viên, huấn luyện chiến sĩ mới… Những đợt Quân khu kiểm tra, Trung đoàn luôn đạt yêu cầu. Ngoài ra, Trung đoàn còn thực hiện tốt công tác giúp dân, tạo được mối quan hệ gắn bó quân - dân và làm tốt các công tác xã hội khác.
Một điều cũng hết sức thú vị là, trong Tiểu đoàn U Minh II, có một số thế hệ trong một gia đình tham gia. Ông Trương Minh Quân trước đây làm cán bộ tiểu đoàn, sau con trai là Trương Dũng Tiến cũng là cán bộ tiểu đoàn và hiện nay là Đại tá, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
Ông Võ Thanh Bình có chú là Võ Văn Hoá, cán bộ tiểu đoàn, đến ông làm cán bộ tiểu đoàn và hiện nay, con trai ông là Võ Thanh Hải cũng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn U Minh II.
Trải qua quá trình thành lập đến nay, Tiểu đoàn U Minh II rất tự hào vì có nhiều cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn giữ nhiều cương vị quan trọng: Đại tá Võ Thanh Bình, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau; Trung tướng Huỳnh Tiền Phong, nguyên Tư lệnh Quân khu 9; Trung tướng Trần Phi Hổ, nguyên Tư lệnh Quân khu 9; Thiếu tướng Nguyễn Văn Chương, nguyên Phó Chính uỷ Quân khu 7; nhiều đồng chí trong Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng xuất thân từ cán bộ tiểu đoàn. Đơn vị có 2 Anh hùng LLVTND là Đại tá Bùi Hữu My (Huỳnh My), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Cà Mau và Trung tướng Trần Phi Hổ. Trong đợt I tấn công vào thị xã Cà Mau trận Mậu Thân 1968, đồng chí Nguyễn Hữu Lễ, Chính trị viên Tiểu đoàn hy sinh. Tên đồng chí hiện được đặt cho 1 con đường ở phường 2, TP Cà Mau./.
(*) Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành.
(Bài thơ "Tiếng hát sang xuân" - Tố Hữu)
Trang Anh