(CMO) Những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đầm Dơi luôn đồng hành và triển khai có hiệu quả các nguồn vốn vay để hỗ trợ bà con nghèo vay làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng là một trong những giải pháp góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Từ đầu năm đến nay, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Đầm Dơi đạt trên 272 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo và cận nghèo đạt gần 84 tỷ đồng, giúp trên 6.287 lượt hộ nghèo, 1.640 lượt hộ cận nghèo trong huyện được vay vốn phát triển kinh tế gia đình.
Thoát nghèo từ vốn vay
Cùng nhân viên tín dụng đến thăm gia đình anh Trần Văn Hai, ấp Mương Điều B, xã Tạ An Khương, thuộc diện hộ nghèo lâu năm của xã. Trước đây, cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập từ nghề giết mổ heo thuê, kinh tế gia đình luôn rơi vào cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, muốn mua vài con heo về nuôi để phát triển kinh tế cũng khó, vì tiền đầu tư mua con giống quá lớn so với khả năng của gia đình. Năm 2009, gia đình anh Hai được xét vay 8 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện.
Ngân hàng CSXH chi nhánh Cà Mau hướng dẫn thủ tục cho người dân vay vốn phát triển kinh tế gia đình. |
Với số tiền vay, anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 10 con heo giống về nuôi. Chỉ sau vài năm, gia đình anh đã sử dụng vốn đúng mục đích và trả vốn đúng hạn cho ngân hàng. Đầu năm 2017, anh tiếp tục được cho vay thêm 20 triệu đồng để mở rộng kinh tế và nuôi thêm 60 con gà, vịt. Đến nay, nhờ sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích mà gia đình anh đã thoát nghèo.
Đến gia đình ông Nguyễn Quang, Khóm 6, thị trấn Đầm Dơi, là hộ từng vay 15 triệu đồng để buôn bán nhỏ. Ông Quang chia sẻ: “Nhờ vào tiền vốn của Ngân hàng CSXH mà gia đình tôi mới được như ngày hôm nay. Với công việc bán ve chai hằng ngày của vợ chồng tôi, cộng thêm khoản vay, nay 3 đứa con tôi đã học hết đại học. Giờ đây các con đã có công việc ổn định, kinh tế gia đình vững vàng hơn trước. Nay, tôi không vay thêm nữa mà để dành chỉ tiêu cho những hộ nghèo khác”.
Phát huy hiệu quả tối đa nguồn vốn
Để các tổ tiết kiệm vay vốn phát huy được hiệu quả, năm 2017, Ngân hàng CSXH huyện đã tăng cường tổ chức kiểm tra việc bình xét cho vay, mục đích sử dụng nguồn vốn nhằm chấn chỉnh kịp thời các hoạt động cho vay bảo đảm đúng đối tượng, đúng mục đích và hiệu quả.
Ngân hàng CSXH huyện Đầm Dơi đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, thông qua hợp đồng uỷ thác, triển khai rà soát, xác định đối tượng để cho vay vốn. Từ đó đã hình thành mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn, đưa vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận dễ dàng vốn vay.
Với trọng trách khởi nghiệp cùng người nghèo, không vì mục tiêu lợi nhuận, những năm qua, Ngân hàng CSXH huyện Đầm Dơi đã luôn làm tốt vai trò là cầu nối giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo.
Ông Mai Quốc Vương, Phó giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đầm Dơi, cho biết: "Để người dân có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Ngân hàng CSXH huyện chủ động tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng Quản trị tăng trưởng nguồn vốn, phân bổ về cho các xã, thị trấn để giao khóm, ấp bình xét đối tượng và giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các điểm giao dịch ở xã, thị trấn. Bên cạnh đó, việc cho vay được họp bình xét công khai, dân chủ nên đồng vốn thật sự đến tay người nghèo. Hằng tháng, đúng ngày giao dịch cố định tại xã, cán bộ ngân hàng xuống điểm giao dịch để trực tiếp thực hiện giao dịch như: cho vay, thu lãi, thu nợ, thu tiết kiệm và phổ biến các chính sách khác”./.
Đến nay, hệ thống Ngân hàng CSXH của tỉnh đã xây dựng được 12 chương trình tín dụng chính sách, vận động linh hoạt các nguồn vốn huy động để bố trí đủ vốn cho các nhu cầu vay. Ông Trần Ngọc Tâm, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh Cà Mau, cho biết: “Để người nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn, ngân hàng đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các tổ vay vốn. Thông qua các tổ vay, ngân hàng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con. Khi hiểu được mục đích vay vốn của người nghèo, ngân hàng xét duyệt hồ sơ để giải ngân. Đối với những hộ nghèo vay nhưng chưa định hướng làm gì, thì được nhân viên ngân hàng, hội uỷ thác địa phương tư vấn cho bà con cách làm ăn để thoát nghèo. Nhờ đó mà đồng vốn cho vay hiệu quả và có tích luỹ để trả dần nợ vay". |
Trương Việt Mỹ