Ðạt nhiều kết quả khả quan trong giải quyết việc làm cho người lao động (NLÐ), Cà Mau đang đề ra kế hoạch chạy nước rút cho 3 tháng cuối năm.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), tính từ đầu năm đến hết ngày 30/9, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 42.493 người, đạt 105,4% kế hoạch năm, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023 (39.203 người). Trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh 14.980 người, ngoài tỉnh 27.113 người; lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 400 người (đạt 66,7% kế hoạch).
Sở LÐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 19/4/2024 triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2024; Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 19/4/2024 triển khai thực hiện Ðề án Ðưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2024. Từ đó, Sở đã thẩm định và ban hành văn bản chấp thuận cho 40 công ty hoạt động dịch vụ đưa NLÐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thực hiện tuyển dụng lao động tại tỉnh Cà Mau. Song song đó, Sở phối hợp với UBND huyện Thới Bình đưa 50 lao động đi làm việc thời vụ tại quận Buan, tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc.
Ðồng thời, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan, tổ chức tuyên truyền chính sách việc làm, xuất khẩu lao động (XKLÐ). Từ đầu năm đến nay, có 13.507 lượt người được tư vấn việc làm; thực hiện 24 phiên giao dịch việc làm (trong đó, trực tuyến 10 phiên, trực tiếp 14 phiên), với 1.278 lao động tìm việc làm và 77 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng; tổ chức 40 cuộc tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm tại các xã, phường, thị trấn và tổ chức 10 lớp tập huấn cho cộng tác viên tư vấn, giới thiệu việc làm.
Một buổi giới thiệu việc làm tại huyện U Minh thu hút đông đảo thanh niên tham gia.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH, cho biết: “Thời gian qua, tình hình lao động, việc làm, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến tích cực; công tác truyền thông được tăng cường qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, từng bước nâng cao nhận thức cho người dân về việc làm và giải quyết việc làm. Các hoạt động tư vấn, tổ chức phiên giao dịch việc làm được thực hiện thường xuyên, định kỳ, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và NLÐ tiếp cận, kết nối, đáp ứng nhu cầu của cả 2 phía cung - cầu. Quy trình XKLÐ chặt chẽ, giúp NLÐ nắm bắt thông tin nhanh và có nhiều cơ hội chọn việc làm phù hợp, tiếp cận kịp thời vốn vay để tham gia XKLÐ từ nguồn vốn của Trung ương, địa phương uỷ thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Công tác tạo nguồn XKLÐ được các cấp, các ngành quan tâm phối hợp rà soát, định hướng nghề nghiệp, nắm bắt nhu cầu của NLД.
Trong 3 tháng cuối năm, đơn vị sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là đa dạng hoá các hình thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách về tuyển dụng lao động trong tỉnh, ngoài tỉnh, đặc biệt là lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến tận các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Niêm yết công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa NLÐ tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài... để NLÐ có đủ thông tin, chủ động trang bị các điều kiện cần thiết khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là về kiến thức pháp luật, tay nghề và ngoại ngữ. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các ngành, đoàn thể trong công tác đưa NLÐ của Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định pháp luật về lao động, việc làm, đặc biệt về ký kết hợp đồng lao động và các chế độ an sinh xã hội cho NLÐ. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, TP Cà Mau theo dõi chặt chẽ, kịp thời nắm bắt tình hình lao động việc làm trên địa bàn, đặc biệt là số lao động bị cắt giảm trở về địa phương để có phương án hỗ trợ NLÐ trong trường hợp cần thiết.
Các bạn thanh niên được tư vấn và điền đơn khá kỹ lưỡng trong buổi giới thiệu việc làm.
Ông Nguyễn Quốc Thanh nhấn mạnh: “Sở LÐ-TB&XH sẽ tập trung vào những giải pháp thực tiễn, bám sát thực tế nhằm tạo việc làm, nâng cao nguồn nhân lực lao động tại địa phương cũng như nguồn lao động xuất khẩu các tỉnh khác và nước ngoài, để phát triển thị trường lao động một cách tốt nhất. Ngoài ra, các hoạt động vay vốn giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội, hoạt động đưa lao động tỉnh Cà Mau ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng cũng phải được nâng cao. Chỗ nào khó khăn phải kịp thời tháo gỡ và có giải pháp thiết thực”./.
Lam Khánh