ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 8-5-25 03:05:57
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tình đất, tình người Cỏ Xước, Bàu Phong

Báo Cà Mau (CMO) Một ngày sắp hết năm 1974, tôi tìm đến đơn vị “Săn Tàu” của tỉnh Cà Mau đang đóng chốt trên tuyến Sông Ðốc, đoạn Cỏ Xước, xã Lợi An, huyện Châu Thành thời kháng chiến. Tuyến Sông Ðốc chỉ còn trơ trọi Chi khu Rạch Ráng vào thời điểm này.

Ðêm xuống. Tôi nghỉ ở nhà cô Tư Biển, ngay vàm Cỏ Xước. Cô Tư là chị ruột của cô Út Cẩm - Trịnh Ngọc Phương, công tác ở Nhà in Trần Ngọc Hy, Cà Mau, thời kháng chiến. Thân sinh cô, ông Mười Sương, người Bến Tre sống ở Ban Lẻn. Năm 1965, người ta còn chèo xuồng qua sông thoải mái ngày đêm, đèn đuốc sáng rực đi bắt ba khía, soi đẻn trên hai bên bờ Sông Ðốc. Một lần, tôi cùng ba tôi và cô dượng Ba Hốt ở kênh Sáu Thước đi xuồng chèo qua Sông Ðốc, vô Rạch Lăng, vòng lên Ban Lẻn thăm ông Mười… Lần đó, tôi được biết món đẻn um lá nhàu, nước cốt dừa mà nhớ hoài…

Minh hoạ: Lý Kiều Loan

Năm 1966, có 2 sự kiện đau thương, khủng khiếp… Ðó là trận máy bay trực thăng Mỹ dùng đèn pha quan sát, bắn chìm mấy chiếc tàu đò chở khách đi chợ Cà Mau về lúc đêm tối, đoạn trên Rạch Bần, làm nhiều người chết và bị thương… Trong số những người bị thương trận trực thăng Mỹ soi đèn bắn này, có bà má ruột của chú Tư Hốt ở xóm đầu kênh Ðòn Dong, tiếp giáp xóm cuối Kinh Tư, xã Trần Hợi. Thứ hai, là trận B52 của Mỹ ném bom rải thảm xuống ngã tư Chín Bộ vào ban ngày, giữa mùa dọn đất chuẩn bị cấy lúa… Từ đó, tốp anh em chúng tôi ở xóm cuối kênh Sáu Thước không còn ham muốn, nói đúng hơn là không dám đi bắt ba khía vào ban đêm ra bờ Sông Ðốc nữa…

Ðêm nay (24/12/1974), mây đen kịn bầu trời. Chiếc radio nhà cô Tư đang mở Ðài Hà Nội, nghe báo bão Sóc Trăng - Cà Mau. Gió thổi mạnh, lùa qua từng ngọn cây rào rào. Gió lọt vào từng kẽ song cửa nhà, lạnh buốt. Mặt Sông Ðốc giờ này sóng nổi lên cuồn cuộn…

Sáng lại, rời nhà cô Tư, tôi hỏi thăm đường và chống xuồng qua hướng Bàu Phong. Vòng quanh con rạch nhỏ, mênh mông đồng ruộng. Tôi ghé một căn nhà lá trên xóm nhà trống trải, lưa thưa, xin nước uống. Bà lão mặc chiếc áo ấm màu vàng, ở nhà một mình, mang kính lão, niềm nở:

- Vô ngồi uống nước một chút rồi đi cháu!

Tôi “dạ”. Ðoạn, bà lại bộ ván, lấy bình ly. Rồi bà đi lấy mấy trái chuối chín sắp trong dĩa, gọi tôi:

-  Ăn chuối, uống nước đi cháu. Chèn ơi, còn đi công tác được qua mừng quá!

Bà vừa nói, vừa chỉ vào bàn thờ:

- Qua nè, 3 đứa con hy sinh thờ 3 lư hương đó!

Theo lời bà lão, bà có 2 người con trai và 1 con rể hy sinh hồi Tết Mậu Thân 1968 và mấy năm sau trong thời kỳ giặc “bình định” đánh phá ác liệt… Bà hỏi tôi:

- Cháu có hình Bác Hồ cho qua xin một tấm.

Bà nhìn quanh căn nhà, tay đưa cục thuốc xỉa trên hàm răng, nói như hối tiếc:

- Lúc trước qua cũng có hình Bác Hồ. Rồi giặc lại đóng đồn. Qua giấu trong lá cờ Mặt trận. Sau đó nhà bị cháy, đồ đạc cháy hết đâu còn gì…

Từ giã bà lão, tôi tiếp tục chống xuồng đi. Tôi tìm nhà bác Chín Vĩ, thân sinh anh Ba Hùng. Tôi biết bác Chín vào mùa thu năm 1969, mặc dù khi ấy chiến tranh diễn ra ác liệt, nhưng bác tìm mọi cách đi thăm gia đình anh Ba ở Kinh Cũ… Nhân chuyến công tác này, tôi phải đi tìm cho biết nhà bác Chín ở đất Bàu Phong. Mấy năm qua, giặc “bình định” lấn chiếm, đóng đồn bót tứ giăng, nơi đây là vùng yếu, tiếp giáp thị xã Cà Mau. Và tôi luôn nhớ tình nghĩa quê hương, xứ sở. Hai bác Chín là người Bến Tre, bác trai họ Bùi (1915-1976) ở Kinh Mới, làng Tân Hưng, Ba Tri; bác gái (1917-1990) người Bến Tre gốc Bảo Thạnh (Ba Tri)… Tôi ghé xuồng ngay bến, bước lên nhà, chào hỏi khi nhận ra bác Chín:

- Mạnh khoẻ bác Chín ơi!

Bác Chín rời chiếc võng, đứng lên bước ra. Bác nhìn tôi, nhớ ngay:

- Ủa, Nổi hả?

Tôi “dạ” và hỏi tiếp:

- Bác về đây lâu chưa?

- Mới về vài hôm. Nhà ở ngoải (kênh Bà Cai) sang lại người khác rồi. Bác nói thật nhỏ: Mầy coi vầy mà làm sao ở được. Ðồn nó đóng sát bên. Nó bắn rát lưng. Dọn đồ đi, nó hổng cho. Hễ xuồng ai ghé lại bến này là nó đuổi. Nó sợ chở đồ nhà tao đi…

Chị Hai đang ngồi may đồ bên giàn máy cũng lên tiếng:

- Chú ơi, giặc giã làm quá, riết rồi không dám ở nhà. Nhà này giao cho du kích làm công sự mà bao vây đồn Cái Bát này…

Anh Hai - Bùi Minh Lý (1937-1968), con trai đầu lòng của bác Chín là Xã uỷ viên, Trưởng ban Binh vận xã Lợi An, huyện Châu Thành thời kháng chiến, đã bị bọn giặc đại đội bảo an 974 đóng ở Tắc Thủ do tên Hứa khét tiếng gian ác chỉ huy biệt kích bắn hy sinh hồi Tết Mậu Thân 1968. Chị Hai và các cháu gái sống chung với gia đình hai bác Chín… Thấy tôi nhìn cái tủ bóng loáng có thủng một lỗ và trên mặt bàn cũng bị nhiều dấu vết lỗ chỗ, bác Chín nói:

- Ðạn nó bắn đó. Xác nhà trước tiêu hết. Nhà này mua của người ta, mới cất lại hồi năm kia.

Bác gọi đứa cháu:

- Nhiên, lấy mảng cầu xẻ cho chú bây ăn.

Tôi hỏi thăm:

- Lúa khá không bác Chín?

- Khá! Nhờ êm mình làm ruộng được…

Hồng Nhiên bưng ra một dĩa 3 miếng mảng cầu và mời tôi “Chú ăn mảng cầu”. Bác Chín gái nhắc tôi mấy bận:

- Ăn đi! Bây ăn đi. Ở nhà mới ăn rồi!

Tôi ăn hết một miếng mảng cầu và bước ra nhà sau. Bác Chín có nuôi con sáo huýt gió nghe lảnh lót…

Bác Chín cẩn thận rứt một cục thuốc hút và xấp giấy quyến bỏ vào bì thuốc của tôi. Tôi từ giã hai bác Chín, chị Hai và cả nhà… Tôi cùng chiếc xuồng be tám với cặp chèo đước như người bạn đồng hành ra Nhà Phấn, rẽ xuống Rạch Muỗi, Tân Ðức, về Cái Rắn, Rau Dừa…

***

23 năm sau, tôi trở lại Bàu Phong. Nhờ quá giang chiếc xuồng máy đi chợ Cà Mau về, đưa tôi bước lên nhà bác Chín.

Hôm ấy, anh Ba Hùng đang nằm nghỉ trưa trên chiếc võng nhà sau, hình ảnh gợi tôi nhớ bác Chín. Anh bật dậy, mừng rỡ… Thời kháng chiến, vào thời kỳ gian khổ, ác liệt, giặc “bình định cấp tốc”, “nhổ cỏ U Minh”, tái chiếm Chi khu Rạch Ráng, tôi với anh từng gắn bó sát cánh bên nhau, lau lách tránh giặc qua giáp xã Trần Hợi, lên tới kênh Tám Chánh, Già Dong, xã Khánh Bình… Năm 1971, anh được điều động về Ban Chính trị Tỉnh đội Cà Mau, sau được phân công làm Trưởng đoàn Văn công Tỉnh đội… Hơn 10 năm phục vụ trong lực lượng vũ trang với cấp hàm đại uý, anh chuyển ngành sang Công ty Liên doanh Thuỷ sản Sông Ðốc, rồi Phó đài Truyền thanh thị xã và nghỉ hưu ở Phường 5, TP Cà Mau. Anh trở về đây sống với ruộng vườn, thờ phụng cha mẹ, vẫn cái dáng “tiểu tư sản” và tâm hồn thi sĩ lãng mạn như ngày nào…

Sau cơn bão, con đòi ăn bánh tét

Ra sau vườn, tàu chuối xác xơ…

Anh Ba kể, năm ngoái muốn làm bài thơ về cơn bão số 5 (1997) nhưng nghĩ mãi chỉ được 2 câu. Và dùng chữ “con” cho dễ chấp nhận, thực ra anh đâu còn con nhỏ. Anh chị có 5 đứa con. Thu Lan, con gái đầu lòng có chồng đi tàu đánh cá ở Kiên Giang. Thu Hồng mới gả về thị trấn Sông Ðốc. Thằng Kiên đang học ở Bạc Liêu. Thu Ngân với thằng Út gần 20 tuổi ở Cà Mau…

Tôi bước theo anh ra sau vườn. Dừa, cau, chuối, cây cối mát rượi. Dây ruộng anh nằm trong cánh đồng mênh mông, lúa sạ đang xanh rờn. Hậu đất giáp tận bên kia bờ dừa, xa xa một xóm nhỏ. Bà con ở đây đã làm 2 vụ lúa/năm. Anh cách riêng mấy mương vườn gần nhà thử nuôi tôm, bảo đảm không ảnh hưởng nước mặn lên đồng. Coi mòi khả quan, anh diễn tả vui với thằng cháu rể:

- Chiều hôm qua ra ngồi một hồi, nghe con tôm bằng ngón tay búng kêu cái tróc. Sướng tai thiệt!

Chị Hai nghe tiếng người lạ cũng bước qua coi ai… Chừng hỏi ra, chị cũng còn nhớ lần tôi tìm ghé thăm bác Chín lúc chưa giải phóng. Quê chị ở Cái Nhúc, Tân Thành. Anh Hai hy sinh đã 30 năm rồi, chị vẫn sống bên chồng, làm tròn bổn phận nàng dâu, nuôi dạy bốn đứa con gái: Hồng Nga, Hồng Nhiên, Thuy Thuỷ, Hồng Thắm khôn lớn và có chồng con ở mỗi gia đình riêng…

***

Tôi luôn nhớ cô Tư gốc người Bến Tre ở Vàm Cỏ Xước, bên bờ Sông Ðốc, hơn 40 năm sau ngày giải phóng (30/4/1975) tôi chưa có dịp trở lại tìm thăm. Tôi nhớ bà lão ở xóm giữa đồng hỏi xin tôi tấm ảnh Bác Hồ. Giờ biết bà còn hay mất?

Một buổi tối, tôi nghe truyền hình Cà Mau đưa tin buồn: Bà Trịnh Thị Biển (Tư Biển) ở Vàm Cỏ Xước, xã Lợi An đã qua đời ngày 23/5/2017, hưởng thợ 91 tuổi… Thế là cô Tư đã vĩnh viễn ra đi. Từ nay, tôi không còn gặp lại cô nữa… Tôi cứ dằn vặt, hối tiếc!

Và rồi, cũng không bao lâu, tới lượt anh Bùi Sĩ Hùng (Ba Hùng) bệnh khối u bao tử vì sức ốm yếu không dám mổ, đã qua đời vào ngày 6/6/2017, hưởng thọ 77 tuổi.

Một chuyến đi xuồng chèo về đây hồi thời chiến, tôi nhớ suốt trong đời. Tôi không sao quên được những địa danh và hình ảnh những người thân thuộc, thành kỷ niệm vương vấn mãi tình đất, tình người xứ Cỏ Xước, Bàu Phong…

 

Nguyễn Minh

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.