ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 13:37:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tình làng nghĩa xóm

Báo Cà Mau (CMO) Những ngày giáp hạt, cứ một hai bữa là thấy thằng Tèo đứng chình ình trước cửa nhà tôi, quen mặt tới mức thấy nó mấy con chó không buồn sủa. Tèo trạc tuổi tôi chứ bự con gấp rưỡi, sức khoẻ thì cứ như trâu. Nó ở trần cùi cụi quanh năm, đưa cái bụng chang bang, nước da đen sì với cái rốn lồi ngoại cỡ phơi phơi ngoài nắng. Tèo có thói quen chỉ đi vô cửa nhà sau, đầu đội cái thau gang móp méo, miệng cười nhăn nhở… Nó không nói tiếng nào, chứ má tôi nhìn là hiểu ý liền. Nó qua mượn gạo.

Đi mượn gạo chứ không bao giờ Tèo lên tiếng trước, chờ chủ nhà hỏi nó mới trả lời. Khi năm, khi sáu, có lúc mười lon. Những lúc “tần suất” xuất hiện của thằng Tèo hơi nhặt, má tôi hay kêu mấy chị dâu xúc thêm vài lon so với yêu cầu, khỏi mất công hôm sau nó lại quay sang. Tấm ván so đũa vừng vách chỗ khạp gạo trong nhà bếp chi chít vết gạch bằng than củi; một ô vuông gạch chéo là năm lon, đó là số gạo nhà thằng Tèo mượn chưa trả. Năm nào hạn càng dai là số lượng ô vuông càng nhiều, có khi dài như cái sớ.

Chuyện đi mượn gạo không phải của một mình thằng Tèo, mà cả xóm tôi hồi xưa, hầu như ai cũng trải qua. Ở nông thôn, gạo không phải là hàng hoá, nên trong nhà hết, muốn mua cũng không có. Nông dân lúc nào cũng sẵn lúa, thấy khạp lưng gạo thì đi xúc vài bao, vác xuống xuồng chở đi chà, đem về ăn tiếp.

MH: Kiều Loan

Người đi chà gạo thì nhiều mà số lượng máy chà chỉ đếm trên đầu ngón tay, thế mới có chuyện đem lúa lại nhà máy rồi phải gửi lại, chủ máy cho cái số thứ tự, sớm thì bữa sau, muộn thì đôi ba ngày mới "tới số chà gạo". Những ngày chờ đợi, nếu trong nhà hết gạo thì cắp thau, đội thúng qua hàng xóm mượn về nấu đỡ. Mượn qua mượn lại, ai cũng vui vẻ giúp nhau. Nhà nghèo như ba má thằng Tèo thì mượn gạo thường xuyên bởi phải chạy ăn từng bữa. Lắm khi, không có gạo trả thì qua nhà chủ nợ làm việc gì đó để trừ. Nói nghe có vẻ nặng nề chứ thật ra chẳng có gì to tát, vì cái tình cái nghĩa láng giềng lúc nào cũng như bát nước đầy. Thương nhau không hết, hơi đâu mà sân si, hờn giận.

Không biết chỗ khác thì sao, chứ ở xứ tôi “hễ cái gì đem đi được là cho mượn được”. Sắp Tết là vào mùa cưới hỏi, nên cái vụ mượn đồ của nhau cũng náo nhiệt hơn. Mỗi khi nhà ai có đám tiệc là cánh thanh niên kéo tới rần rần, rồi tự động lấy xuồng về nhà chở ván ngựa qua cho mượn. Đám hồi đó không bắc bàn ghế như bây giờ mà người ta kê ván ngựa liền kề nhau, thành từng dãy dài cho quan khách ngồi. Hết đám, đem chùi rửa sạch sẽ, lật mặt dưới lên xem ghi tên của nhà nào thì chở lại trả cho nhà đó.

Đàn ông bao chuyện nặng nhọc, phụ nữ thì lo bếp núc. Biết hàng xóm có đám là tự động “lội” qua, tay cầm theo cây dao, nhào vô bếp phụ việc. Người có tài chỉ huy thì làm “thợ nấu”, giao việc cho tay em, người lo khâu rau củ, người bằm thịt, người bắt mâm, trang trí, con nít thì lo bưng bê, sai vặt… Tất cả diễn ra nhịp nhàng và không kém phần khoa học.

Tôi hồi đó, nhờ đi học võ vẽ đôi ba chữ nên hay được hàng xóm mượn vẽ bảng “tân hôn”, “vu quy” treo đám. Có nhà còn bài bản tới mức chuẩn bị cái bảng, nhờ người chữ đẹp viết những dòng nắn nót, phân công rạch ròi ai lo khâu đón khách, ai chịu phần trà nước… Tới đoạn đưa, rước dâu thì phải đi mượn vài chiếc xuồng máy; mượn chiếu bông lót ngồi, rồi mượn cả mấy cây dù cho cô dâu, chú rể và thành viên trong đoàn che nắng.

Cây cầu khỉ trước nhà tôi xưa là nơi tụ họp của tụi con nít, chờ coi xuồng đưa rước dâu. Biết đầu trên, xóm dưới có đám cưới, đám gả là cả đám ra ngồi chờ sẵn; hễ nghe tiếng máy, xuồng xuất hiện xa xa là reo hò, rồi hộc tốc chạy đuổi theo cho đến khi… hết hơi mới thôi. Tới bây giờ, cái cảnh xuồng rước dâu chở đầy nam thanh nữ tú xúng xính quần áo mới, che những cây dù đủ màu sặc sỡ… chạy băng băng trên sông vẫn là một phần ký ức khó quên. Mấy anh trai làng, thấy đi đưa rước dâu, cầm dù che cho chị nào một vài lần, thì y như rằng không bao lâu hai người trở thành… cô dâu, chú rể.

Mùa cưới gả, nam nữ tới tuổi cặp kê thường qua hàng xóm mượn cái bàn ủi con gà về đốt than ủi đồ láng bóng. Thậm chí, người ta còn hỏi mượn đồ “vía” của nhau như quần áo, đồng hồ, dép lào, nón nỉ… để đi “cua ghệ”. Anh trai tôi hồi xưa có cái quần tây rất đẹp, cưng như trứng mỏng mà thằng cháu trạc tuổi cứ hỏi mượn hoài. Cháu nhà nghèo, ở xứ xa xuống Cà Mau làm mướn rồi để ý một cô ở xóm bên. Cứ vài ngày lại mò qua òn ỉ mượn… cái quần của chú Tư để đi chơi. Khổ thân ông anh tôi, vì thương thằng cháu nên khó lòng từ chối. Có bữa tính diện đồ đẹp đi chơi, cháu hỏi mượn thì nhường luôn. Tới nó cưới được cô kia thì cái quần đã rách vài lỗ. Sau này, cháu hay nhắc chuyện cũ, cảm ơn hồi xưa nhờ chú cho… mượn quần mà cưới được vợ hiền, sanh con thảo.

Cà Mau là xứ sông nước, cái thời lộ làng chưa phát triển thì phương tiện đi lại chủ yếu là chiếc xuồng ba lá. Ban đầu chèo, sau này đặt máy đuôi tôm. Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng mua được chiếc xuồng cho đàng hoàng, nên khi cần đi đâu xa phải chạy qua hỏi mượn của hàng xóm. Xuồng, máy cũ không nói gì, chứ đồ mới toanh mà đem cho mượn thì trong bụng cũng “xót xót”, không cho mượn bị mang tiếng “làm hiểm” với láng giềng còn tệ hơn. Xóm tôi có ông kia nảy ra “sáng kiến” mua xuồng máy mỗi lần một cặp, cái gia đình xài, cái thì để dành cho mượn. Chất chơi đến thế là cùng.

Đồ mình ưng ý, cho mượn xài thì xót là tâm lý bộc phát một cách tự nhiên, chứ không phản ánh bản tính của người Cà Mau, vốn đã được công nhận là trượng nghĩa và hào sảng. Tôi biết có nhiều người cho người khác mượn đất cất nhà, cho mượn đất đai canh tác, bạc tiền làm vốn… mà không mảy may suy nghĩ thiệt hơn. Rồi có những thứ, biết đưa ra là sẽ mất nhưng vẫn sẵn lòng cho mượn. Má tôi hay kể, hồi xưa ba tôi đã nhiều lần cho cán bộ kháng chiến mượn xuồng chở người, chở vật liệu, khí tài… có người còn mượn tiền, tới giờ vẫn còn giấy biên nhận. Khi hoà bình, có người gợi ý đi làm giấy báo công, ba tôi chỉ cười chứ quyết không làm. Ông xem đó như là đóng góp của công dân cho đất nước.

Có những gia đình nghèo, người thân qua đời phải đi mượn ván ngựa của hàng xóm để đóng hòm chôn. Biết cho mượn là người ta không có khả năng trả, nhưng ít có ai lắc đầu từ chối. Kể vậy để thấy rằng, cái tình cái nghĩa giữa người với người dân quê tôi đã vượt qua những đắn đo về lợi ích vật chất đơn thuần, có lẽ phải qua quá trình hun đúc nhiều đời mới có được.

Còn nhớ cũng vào một dịp gần Tết, tôi có chuyến công tác về ngay xã nhà. Mọi việc xong xuôi, các chú cựu chiến binh tổ chức bữa cơm thân mật thết đãi hai “thằng em nhà báo”. Rượu vào lời ra, anh đồng nghiệp đi chung giới thiệu tôi là người xứ này. Nghe chuyện, có một chú ngoài bảy mươi từ bàn bên bước qua. Chú nhìn tôi chằm chằm rồi lẳng lặng gom ba cái ly trên bàn, xề qua bàn gần đó lấy thêm ba cái nữa. Chú đặt ba cái ly ngay ngắn trước mặt mình, rồi rót. Rượu tràn sóng sánh miệng ly, chú lấy chiếc đũa làm động tác gạt ngang, y như người ta gạt lúa trên miệng táo. Cái ly bụng bầu, thường ngày người ta để uống trà, nay đem rót rượu. Rót hơi cao một chút đã “quá hớp”, đàng này rượu lên tới miệng, nhìn thôi đã ngán rồi. Chú lẳng lặng uống cạn ba ly, không chừa lại giọt nào, rồi rót ba ly như vậy cho tôi, bắt phải uống cho kỳ hết.

Chờ tôi uống xong, chú mới giới thiệu: “Tao với ba mày hồi xưa làm ní. Mày giống hệt ba mày, nghe nói là chú nhìn ra ngay”. Lúc đó, tôi mới nhận ra chú Bảy, chú ruột của thằng Tèo “mượn gạo” hồi xưa. Chú Bảy trước cũng nghèo và chơi khá thân với ba tôi. Lâu rồi không gặp nên tôi nhất thời không nhận ra chú.

Chú Bảy nắm tay tôi, bồi hồi ôn lại chuyện cũ, nhắc về cái nghĩa, cái tình của người dân quê xưa. Chú bảo: “Mừng là tụi nhỏ bây giờ vẫn sống có nghĩa có tình, cái này tiền muôn bạc vạn cũng không mua được đâu, cháu à!”.

Tôi lắng nghe, mà như uống vào lòng từng lời của chú Bảy. Chợt nghĩ, ba ly rượu chú rót khi nãy cũng giống những bát nước đầy sóng sánh, y như cách người dân quê đối đãi với nhau vậy đó!

 

Tuấn Ngọc

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.