ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 3-2-25 13:59:31
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tình thương ở lớp học đặc biệt

Báo Cà Mau (CMO) Trong Hẻm 36 (đường Lý Văn Lâm, Khóm 3, Phường 1, TP Cà Mau), trụ sở sinh hoạt khóm rộn ràng tiếng ê a. Giữa lòng thành phố, lớp học nhỏ đầy tình thương cứ đến mùa hè lại được mở ra để dạy chữ, rèn người cho những học sinh thật đặc biệt.

Đã 3 năm, lớp học tình thương Phường 1 đón học sinh trở lại. Năm nay, lớp không chỉ có những thành viên mới mà học sinh những năm trước cũng háo hức cắp sách đến học; mỗi dịp mở, các em lại lên thêm một lớp. Có bạn nhỏ từ không biết đọc, không biết viết tên của mình, nay cũng “khoe” thành tích bằng cách viết tên, cộng trừ tính toán thành thạo.

Người "giữ lửa", giữ cho lớp học duy trì nhiều năm qua, cũng là người trực tiếp đứng lớp, cô Đinh Thị Tuyết Mây, Chủ tịch Hội Khuyến học Phường 1 (giáo viên đã về hưu), chia sẻ: “Năm nay lớp học có 16 học sinh đủ mọi lứa tuổi tham gia, do vậy, trước khi mở lớp, tôi ghi chú lại thông tin từng học sinh để có cách truyền tải phù hợp và tốt nhất. Mặc dù học chung một lớp, nhưng mỗi người lại có cách học, bài tập khác nhau”.

Đinh Thị Tuyết Mây, Chủ tịch Hội Khuyến học Phường 1 (giáo viên đã nghỉ hưu), là người giữ cho lớp học duy trì nhiều năm qua và cũng là người trực tiếp đứng lớp.

Điểm đặc biệt ở lớp học tình thương không chỉ bởi tình yêu nghề của cô giáo Mây mang lại mà còn bởi sự khác nhau về trình độ, hoàn cảnh của người học. 20 thành viên, cũng ngần đó các hoàn cảnh. Có bạn nhỏ vừa đủ tuổi vào lớp 1, có em đã học lớp 2, 3. Cũng có những học sinh vì thành tích chính quy chưa cao nên đến lớp học mong cải thiện tình hình học tập, chuẩn bị cho năm học mới, hay ở dãy cuối bàn thường có những học sinh đã lớn tuổi, họ đến với lớp học chỉ mong biết thêm ít chữ, biết tính toán, phục vụ công việc mưu sinh dễ dàng hơn… Chính vì vậy, đối với mỗi người phải có một cách dạy và học khác nhau.

Lớp học không chỉ có cô và trò mà còn có phụ huynh. Người tựa cửa nhìn con học, người đến bàn kèm từng nét chữ, có người lặng lẽ  trông từ xa, để con an tâm ngồi học…

Đặc biệt nhất là trường hợp của em Ngô Thành Nam (Khóm 1, Phường 1). 3 mùa hè, 3 lần lớp mở, Nam cũng lên lớp 3 của lớp học tình thương. Chị Lý Hồng Nhung (mẹ Nam) tâm sự: “Do sức khoẻ yếu, hay ngất xỉu nên Nam không thể tham gia lớp học chính quy tại trường như những bạn đồng trang lứa. Khi nghe lớp học mở, tôi liền đăng ký cho con học. Hay tin, con cũng háo hức, chuẩn bị cặp, sách đi học. Nay thì Nam đã học lớp 3, biết đọc, biết viết, làm toán giỏi. Con cũng mở lòng, giao lưu, nói chuyện nhiều hơn. Thiệt là tôi mang ơn cô giáo nhiều lắm, cô đã dạy con tôi biết chữ, biết lễ phép”.

Ba  mùa hè chuyên cần theo học lớp học tình thương, giờ em Nam ở Khóm 1, Phường 1 (bên phải)  đã có thể đọc và viết, làm toán thành thạo.

Đều đặn mỗi ngày, chị Nhung đến lớp cùng con, có khi kèm con học, không thì đứng cận kề để phòng hờ con mệt, hay ngất xỉu để kịp chăm sóc. Dù sức khoẻ thua thiệt bạn bè, nhưng trong lớp, Nam được cô giáo khen là học sinh chuyên cần, tham gia đầy đủ các buổi học.

Vào ngày khai giảng, khi có mặt đầy đủ phụ huynh đến, cô Mây cũng tranh thủ phổ biến giờ và lịch lên lớp để gia đình sắp xếp đưa con, em đến học. Theo đó, mỗi tuần cô sẽ dạy 3 buổi vào các ngày thứ 3, 5, 7 từ 15-17 giờ. Thời gian của lớp cũng không giống bất cứ lớp học nào, được duy trì cho đến khi học sinh cảm thấy học đã đủ, đã biết chữ thì giáo viên mới nghỉ. Hẹn mùa hè sau gặp lại.

Từng là học trò của cô Mây, vài năm sau đó chị Tăng Hồng Thuỷ (Khóm 3, Phường 1) lại đưa con đến học. Chị Thuỷ bộc bạch: “Kinh tế khó khăn nên không đủ điều kiện cho con đi học mẫu giáo, năm học tới là con vào lớp 1 nên tôi đăng ký và đến kèm con học thêm, vừa để con mạnh dạn hơn, khi vào học mau hiểu, mau biết”.

Sau dịch Covid-19, việc học của học sinh bị gián đoạn, chậm hiểu bài, không theo kịp các bạn, nhiều em tranh thủ mùa hè đăng ký học tại lớp học tình thương để bổ sung kiến thức chính khoá, sẵn sàng và tự tin hơn khi năm học mới bắt đầu.

Em Trương Trúc Hương, 11 tuổi, học lớp 4, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Phường 1, cho biết: “Em tham gia lớp học cùng với em của em (9 tuổi). Cha mẹ không có thời gian kèm em học nên khi lớp học tình thương mở em liền tham gia. Đến lớp cô kèm và cho bài tập về nhà làm, hôm sau lại kiểm tra lại, bù vào những kiến thức em chưa nắm được trên lớp chính quy. Lớp học rất vui, có thêm nhiều anh chị khác đến kèm nên em học mau hiểu bài hơn”.

Do lớp học có nhiều hoàn cảnh, trình độ khác nhau nên ngoài cô giáo, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên, phụ huynh cũng đến, tham gia kèm cặp để chất lượng dạy và học tập nâng cao.

Ông Trần Hoàng Kiệt, Phó chủ tịch UBND Phường 1, cho biết: “Công tác giáo dục và đào tạo thời gian qua luôn được UBND Phường 1 quan tâm. Vào mỗi dịp hè, phường tạo điều kiện mở lớp dạy chữ, nhất là qua đợt dịch bệnh vừa qua, ảnh hưởng nhiều đến việc học của học sinh. Tính đến nay đã mở được 3 lớp học tình thương, học sinh tham gia lớp đa phần là con, em gia đình khó khăn và một số anh, chị, cô chú chưa biết đọc, viết trên địa bàn các khóm: 1, 2, 6, nhiều nhất là Khóm 3. Mọi chi phí, vật dụng dạy và học đều được mạnh thường quân hỗ trợ, cho nên học sinh và phụ huynh hết sức yên tâm, chỉ cần đến lớp đầy đủ, tích cực học tập để đạt kết quả tốt nhất”.

Từ một lớp học nhỏ, thiếu thốn mọi thứ, nhưng bằng tình thương, sẵn sàng chia sẻ mà nhiều học sinh đã biết viết tên của mình, biết đọc thông tin ở bất kỳ bảng quảng cáo, tên cửa hàng, bảng hiệu. Trên những đoạn đường mưu sinh, những phép cộng, trừ, nhân, chia mà cô dạy giúp các em có thể tự tính toán, làm chủ một phần bản thân, giúp gia đình vơi đi khó khăn vì mù chữ. Kết thúc khoá học, các em tự tin với kiến thức mới, những tờ giấy khen in ngay ngắn tên mình cũng là động lực để các em phấn đấu, ít nhất là mùa hè sau khi trở lại lớp học, đã lên được một lớp./.

 

Yến Nhi

 

Liên kết hữu ích

Bừng sáng đô thị Năm Căn

Qua rà soát, đến cuối tháng 10/2024, thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) đã đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh (ÐTVM), với 52/52 nội dung theo Quyết định số 04/2022/QÐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ðịa phương đã hoàn thiện việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân công nhận thị trấn Năm Căn đạt chuẩn ÐTVM, với 99,91% tổng số hộ dân đồng thuận. Ðây là kết quả đáng tự hào sau thời gian dài nỗ lực phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, là cơ sở để UBND huyện Năm Căn công nhận thị trấn Năm Căn đạt chuẩn ÐTVM trong năm 2024.

Ðất lạ hoá quê hương

Có nhiều lý do đưa họ đến với Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc. Song, điều khiến họ gắn bó là do đất lành mang đến cuộc sống ấm no và tình người ấm áp. Trên quê hương thứ hai, họ góp sức khai phá, dựng xây, biến vùng đất hoang sơ thuở nào trở thành vùng đất trù phú, đa dạng về cách phát triển kinh tế.

Tiềm năng tín chỉ carbon

“Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cũng như các hướng dẫn về tín chỉ carbon vẫn chưa đầy đủ, các địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, mời gọi các tổ chức để khảo sát, nghiên cứu và thực hiện các bước chuẩn bị. Mặc dù vậy, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đang rất quan tâm vấn đề này, qua đó tiếp tục tăng cường công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, để đến khi hoàn thiện thể chế, có thể sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon”, ông Phan Hoàng Vũ thông tin.

Gắn kết, nhân sức mạnh cộng đồng người xa quê

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cuộc gặp gỡ nhân buổi họp mặt đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP Cần Thơ diễn ra ý nghĩa và đầy xúc động. Đây không chỉ là dịp để mọi người ôn lại kỷ niệm, mà còn là cơ hội để gắn kết cộng đồng, đặc biệt là những người con xa quê lâu nay. Chắc chắn rằng, mỗi cuộc hội ngộ như vầy đều mang theo những ký ức, niềm vui và cả những nỗi nhớ không thể nào quên…

Những 'điểm sáng' an sinh năm 2024

Lao động, việc làm năm 2024 có nhiều điểm sáng, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đem lại những hiệu quả lớn.

Hội thi “Bánh chưng xanh” người lính biển

Trong 2 ngày 26-27/1 (nhằm 27-28 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức Hội thi “bánh chưng xanh” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Xuân về phum sóc

Mùa xuân mới đang điểm tô rực rỡ từ thành thị đến từng làng quê, phum sóc, nhà nhà háo hức đón chào năm mới. Bộ mặt nông thôn đang được thay áo mới, những tuyến đường hoa, hàng rào cây xanh chạy dài theo các tuyến lộ bê tông. Những cánh hoa tươi thắm khoe sắc như điểm tô cho mùa xuân no ấm, sum vầy.

Tròn đầy yêu thương

Dù không phải là nhà, nhưng ngày Tết ở những nơi đặc biệt như Trung tâm Bảo trợ xã hội, Làng trẻ em SOS, không khí vẫn rộn ràng, ấm áp, tràn đầy tình yêu thương.

Mùa vui ở vùng đồng bào dân tộc

Những ngày này, về vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trần Văn Thời, U Minh, sẽ thấy cảnh đồng bào Khmer nơi đây đang tất bật thu hoạch lúa, hoa màu và sản xuất các mặt hàng truyền thống bán dịp Tết.

Hương tết quê nhà

Chiều 26/1/2025 (nhằm 27 tháng Chạp năm Giáp Thìn), Bảo tàng tỉnh Cà Mau tổ chức Chương trình “Hương tết quê nhà” trong không khí ấm áp của những ngày giáp tết. Đây là sự kiện đặc biệt, không chỉ mang lại cho mọi người những trải nghiệm thú vị về tết cổ truyền, mà còn là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những phong tục, tập quán ngày tết tại vùng đất Cà Mau.