(CMO) Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau hiện có hàng trăm cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Dù sinh ra, lớn lên ở những miền quê khác nhau trên cả nước, nhưng chung mái nhà “biên phòng” và đều cùng lý tưởng “đồn là nhà, biên giới là quê hương”.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tất cả đều đoàn kết, gắn bó, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo nơi cực Nam Tổ quốc.
Bộ đội biên phòng Cà Mau luôn chung sức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. |
Hòn Chuối cách đất liền khoảng 18 hải lý, ở đó đại đa số bộ đội quê miền Bắc, miền Trung. Thượng tá Nguyễn Quốc Thái, Đồn trưởng, quê Thái Bình; Chính trị viên phó và Phó đồn trưởng quân sự quê Thanh Hoá. Ngoài ra còn có 5 cán bộ cấp đội cũng quê ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Tất cả các anh đều xa "hậu phương", cùng thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của người lính nơi phên giậu Tổ quốc.
Thượng tá Nguyễn Quốc Thái chia sẻ, những ngày đầu ra đảo nhận nhiệm vụ, anh cũng có nhiều tâm sự, mỗi độ Tết đến xuân về cũng có lúc xao lòng, huống gì cán bộ trẻ mới ra trường, các chiến sĩ mới nhập ngũ lần đầu ăn Tết xa gia đình, người thân.
“Chúng tôi vẫn đoàn kết, động viên nhau thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Tuy xa xôi, cách trở nhưng chúng tôi luôn có hậu phương vững chắc, đó là những người cha, người mẹ và vợ con ở quê vẫn dõi theo từng bước đường tuần tra của chúng tôi”, Thượng tá Thái trải lòng.
Chắc tay súng giữ bình yên biển, đảo và cuộc sống Nhân dân. |
Trung uý Phạm Công Minh sinh ra và lớn lên trên quê hương xóm Văn Nam, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, chàng sĩ quan trẻ Phạm Công Minh nhận quyết định vào Cà Mau công tác.
Những ngày đầu về nơi cuối trời Tổ quốc, cảm giác còn xa lạ, nỗi nhớ nhà, nhớ cô bạn gái một thời chung lớp, chung trường cứ giằng xé tâm can. Minh tâm sự, anh và bạn gái học chung thời cấp 3, tốt nghiệp anh vào bộ đội, còn bạn gái vào ngành sư phạm. Ngày ra trường, anh khoác ba lô vào Cà Mau công tác, bạn gái cũng lên đường vào Tây Nguyên dạy học.
“Tuổi thơ cùng lớn lên, cùng học hành và chứng kiến biết bao thăng trầm của cuộc sống nơi quê nghèo, bao năm gắn bó nên từ tình bạn chuyển sang tình yêu lúc nào không hay. Sau hơn 5 năm yêu nhau, 2 đứa tính đến chuyện cưới xin và đợt phép Tết 2017 vừa qua, chúng tôi đã nên duyên vợ chồng. Từ khi cưới đến nay đã tròn 1 năm nhưng vợ chồng mới gặp nhau được 1 lần, đó là hè vừa qua vợ tôi từ Tây Nguyên ra đảo thăm”, Trung uý Phạm Công Minh tâm sự.
Phương tiện liên lạc chủ yếu của vợ chồng Trung uý Minh là điện thoại di động. Mỗi năm mấy chục ngày phép, phải tính toán chia thời gian, phần về quê thăm cha mẹ, nội ngoại, phần lên Tây Nguyên thăm vợ. Còn Tết này, anh ở lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ cùng anh em.
“Đi xa nhiều rồi cũng thành quen, Tết không về sum họp cùng gia đình dù có buồn, có nhớ, nhưng là lính thì phải biết vượt qua tất cả”, Trung uý Phạm Công Minh trải lòng.
“Sống trong môi trường quân đội phải quen với nền nếp và kỷ luật. Anh em mỗi người một quê, tất cả đều xa quê, xa người thân nên sống với nhau luôn thắm tình đồng chí, đồng đội, sẵn sàng giúp đỡ nhau, xem nhau như anh em và luôn xác định "đồn là nhà, biên giới là quê hương", Trung uý Phạm Công Minh tâm tình.
Với người lính, ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì khi được cấp trên giao đều là nhiệm vụ cao cả. Chỉ huy đơn vị luôn quan tâm, giáo dục định hướng tư tưởng và hành động, thường xuyên kèm cặp, uốn nắn nên các sĩ quan trẻ và chiến sĩ không ngừng trưởng thành qua từng ngày công tác.
Thượng uý Trần Bình Phục trực tiếp đứng lớp dạy học cho con em cư dân Hòn Chuối. |
Trên đường hành quân về đơn vị, tiếng nói cười râm ran xoá đi cảnh tĩnh mịch của màn đêm, át đi tiếng sóng vỗ ghềnh đá, Minh đọc cho đội tuần tra nghe câu thơ trong bài thơ "Những người lính đi qua thành phố” của Nguyễn Trọng Tạo, như để tự động viên bản thân mình: “… Nếu em là vợ lính dẫu thời bình/Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học/Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc…”.
Chuyện tình yêu và hoàn cảnh gia đình của Trung uý Minh chỉ là một trong hàng triệu hoàn cảnh cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên cả nước. Sự hy sinh thầm lặng của cả “hậu phương” và “tiền tuyến” tạo nên sức mạnh tổng hợp giữ bình yên biển đảo quê hương, đất nước./.
Lê Khoa