(CMO) Tại Cà Mau, tháng 9/2014, Bộ TT&TT và UBND tỉnh phối hợp tổ chức "Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý". Tiếp nhận nguồn tư liệu do Bộ TT&TT trao tặng sau cuộc triển lãm, Bảo tàng tỉnh Cà Mau đã tổ chức trưng bày chuyên đề này ở các huyện, thành phố. Sức hút đến từ những bản đồ vô giá ấy có công đóng góp âm thầm mà có ý nghĩa lớn lao của anh Trần Thắng - một Việt kiều đầy tâm huyết với quê hương.
Một góc đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: Thanh Quang |
Trần Thắng sinh năm 1971, tại Quảng Ngãi. Năm 1991, gia đình anh sang Hoa Kỳ định cư. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành cơ khí của Trường Đại học Connecticut, anh được Công ty Sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney tuyển dụng làm việc từ năm 1999 đến nay.
Năm 2012, khi biết được thông tin Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng trưng bày bản đồ nhà Thanh khẳng định lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam, Trần Thắng liền nhớ về những lần vô tình phát hiện nhiều bản đồ có giá trị tương tự đang được các nhà sưu tầm bản đồ cổ ở Hoa Kỳ và châu Âu rao bán.
Vốn là một người đam mê sưu tầm đồ cổ, thế nhưng anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sưu tầm bản đồ.
“Khi bắt tay vào việc sưu tầm, tôi chỉ có một trái tim nóng luôn đau đáu về chủ quyền biển đảo quốc gia chứ hoàn toàn không có kiến thức về bản đồ. Tôi không biết mình sẽ cần sưu tập bao nhiêu bản đồ, số tiền bỏ ra là bao nhiêu, thời gian bao lâu. Công việc sưu tập này như thể từ trên trời rơi xuống và như có một “động lực vô hình” nào đó thúc đẩy tôi làm việc”, anh chia sẻ.
Sau 6 tháng chuyên tâm sưu tập, anh đã có được 80 bản đồ Trung Quốc do các nước phương Tây phát hành trong khoảng thời gian từ năm 1626 đến năm 2008. Ðiểm chung của bộ sưu tập bản đồ là miền Nam của Trung Quốc dừng lại tại đảo Hải Nam (chứ không phải như đường lưỡi bò mà Trung Quốc tuyên bố). Theo thời gian, bộ sưu tập dần dần đầy đặn hơn. Và sau khi nhận thấy bộ sưu tập bản đồ về biển đảo Việt Nam tương đối phong phú, có giá trị cao, anh đã chuyển về Ðà Nẵng triển lãm và từ đó lan toả đi khắp mọi miền đất nước.
Ông Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, cho biết: “Các bản đồ mà anh Trần Thắng sưu tập cung cấp thêm thông tin và chứng lý để bổ sung vào các bộ hồ sơ pháp lý, cũng như bổ sung các tư liệu lịch sử nâng cao mặt nhận thức cho người dân trong cuộc đấu tranh với những đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Và những đóng góp của Trần Thắng vào đó là rất đáng quý”.
Trả lời phỏng vấn của một ký giả ở Hoa Kỳ, GS Carlyle A. Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) nhấn mạnh: “Những tấm bản đồ, chẳng hạn như sưu tập bản đồ của Trần Thắng, đã cung cấp những hiểu biết mới về lịch sử hình thành những tuyên bố về chủ quyền hiện nay. Những bản đồ này đã chứng tỏ mâu thuẫn của Trung Quốc trong việc tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ”.
Anh Trần Thắng và GS Carlyle A. Thayer tại Hội thảo quốc tế “Sự xung đột trong biển Đông”, tổ chức tại Đại học Yale (Mỹ). Ảnh do nhân vật cung cấp |
Ngoài trái tim nóng đau đáu về chủ quyền biển đảo quốc gia, ở thời điểm bắt đầu của cuộc sưu tầm, anh hoàn toàn không có kiến thức về bản đồ. Anh phải “lần mò từng bước”. Khi có được thông tin về tấm bản đồ cổ có liên quan đến Hoàng Sa của Việt Nam hay bản đồ Trung Quốc do các nước phát hành, anh liền liên lạc với chủ sở hữu, đến tận nơi, tìm mọi cách để có được thông tin và hình ảnh của các bản đồ này.
Vì là “tay ngang” nên để đảm bảo các bản đồ là thật, Trần Thắng gửi thông tin và hình ảnh những tấm bản đồ về nước, nhờ các chuyên gia, các nhà sử học thẩm định giá trị và tính xác thực. Sau khi có thông tin phản hồi chắc chắn, chẳng suy nghĩ nhiều, Trần Thắng bỏ tiền túi mua lại.
Hết tìm kiếm những bản đồ cổ chỉ rõ lãnh thổ Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam, Trần Thắng quay qua tìm những bản đồ có liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam. Cứ thế, trong suốt 6 tháng (từ tháng 8/2012 đến tháng 1/2013), kẻ “tay ngang” ấy hoàn thành bộ sưu tầm bản đồ của mình với 150 bản đồ, trong đó có 80 bản đồ Trung Quốc, 50 bản đồ Hoàng Sa, 20 bản đồ châu Á tổng thể, 3 sách atlas cực kỳ quý hiếm về Trung Quốc.
Số tiền để mua tất cả bản đồ mà Trần Thắng chi ra khoảng 13.000 USD, trong đó có một phần từ đóng góp của bạn bè và cả những người Việt hoàn toàn xa lạ nhưng có một trái tim luôn hướng về quê hương...
Với cương vị là Chủ tịch Viện Văn hoá và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ, nhằm phát huy giáo dục Mỹ tại Việt Nam và giới thiệu văn hoá Việt Nam tại các trường đại học Mỹ, anh Trần Thắng còn nỗ lực trong việc giới thiệu, quảng bá văn hoá Việt; đặc biệt là tổ chức các cuộc hội thảo để người nước ngoài, một số học giả quốc tế hiểu và tranh đấu bảo vệ lợi ích biển Ðông. Với 20 bản đồ Hoàng Sa, 20 bản đồ cổ Trung Quốc và 2 sách atlas Trung Quốc được anh triển lãm tại Hội thảo quốc tế "Sự xung đột trong biển Đông", tổ chức tại Đại học Yale đầu tháng 5/2016, đã cung cấp thêm cho các học giả quốc tế về thực trạng vấn đề này khi cho thấy miền Nam của Trung Quốc chỉ dừng lại ở đảo Hải Nam.
Đây cũng là lần đầu tiên những bản đồ cổ giúp chứng minh chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa được trưng bày ở Mỹ khi nguồn tài liệu này về tiếng Anh được đánh giá là cực kỳ hiếm.
“Tôi dự định in bộ sưu tập bản đồ này thành đĩa CD, gửi đến khoa Ðông Nam Á học của 100 trường đại học hàng đầu tại Mỹ để từ đây các trường đại học có thêm nguồn tư liệu bản đồ cổ về Việt Nam và lãnh hải của Trung Quốc. Ngoài ra, tôi sẽ gửi tặng một số bản đồ cổ Trung Quốc cho các nghị sĩ Mỹ phụ trách về đối ngoại để tìm kiếm sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ”, anh cho biết thêm.
Đến nay, sau gần 5 năm triển khai, Bộ TT&TT đã phối hợp với các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức được 98 cuộc triển lãm trong nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 11 điểm đảo, huyện đảo, 23 đơn vị lực lượng vũ trang và lực lượng kiểm ngư - đơn vị chuyên trách của Tổng cục Thuỷ sản, Bộ NN&PTNT.
Đặc biệt, nhằm tăng cường thêm tính trực quan, sinh động và hấp dẫn của triển lãm, bên cạnh phương pháp trưng bày truyền thống, kể từ cuộc triển lãm lần thứ 71 tổ chức tại tỉnh Hà Nam, Bộ TT&TT triển khai ứng dụng Triển lãm số 3D, Sa bàn số 3D, chụp ảnh thực tế tăng cường “Khoảnh khắc Trường Sa”.
Tiếp nối và để lan toả hơn nữa bộ bản đồ, tư liệu, hiện vật quý hiếm về Trường Sa, Hoàng Sa, Bộ TT&TT cùng các cơ quan chức năng sẽ đưa các bản sao về đầu mối và đặt trong tổng thể để đánh giá đầy đủ các giá trị, nghiên cứu và giám định. Bộ cũng sẽ sớm hoàn thành “mềm hoá” bộ tư liệu, thư tịch, bản đồ về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này dưới dạng CD để làm tài liệu bỏ túi cho bất cứ người dân, cơ quan, tổ chức ban ngành nào có thể sử dụng.
Những người con của dân tộc Việt Nam như anh Trần Thắng với những sưu tầm bản đồ thế giới hay như ngư dân khai thác nơi đảo xa đều góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và mỗi khi nhìn ra biển, họ nghe tiếng “Tổ quốc gọi tên mình!”./.
Đoàn Phương Nam