ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 15:55:11
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tôi đi học

Báo Cà Mau

Minh hoạ:  Lý Kiều Loan

Cơn mưa lớn hồi sáng sớm làm chiếc xuồng be chín đậu dưới mé sông lé đé nước, gần chìm.

Sau một hồi lắc cật lực, tát mỏi cả tay thì nước cũng khô. Tôi chỉnh lại mấy cái sạp rồi lấy cây sào tre cặp sát xuồng vô bờ.

Nghe tôi réo, anh Tư vác “đồ nghề” xuống bến, rồi hai anh em chuyển xuống xuồng. Ðồ nghề mà tôi nói là mấy cây trâm bầu chừng bằng cườm tay, mớ ván còng mới xả, mặt ván còn bám bụi, cây cưa, cây búa, bọc đinh và vài thứ lặt vặt khác. Sắp xếp xong xuôi, anh Tư cầm sào chống sau lái, tôi ngồi mũi bơi đi. Hôm nay là ngày tôi tựu trường.

Từ nhà tôi đến trường học chừng hơn một cây số, vừa chống, vừa chèo khoảng mười lăm phút là tới.

Trường tôi học những năm tiểu học là điểm trường ấp, có 5 phòng học, vừa đủ cho 5 lớp học buổi sáng và 5 lớp học buổi chiều.

Trường cũng mái ngói, vách xây gạch nhưng cơ sở vật chất vẫn còn lắm khó khăn. Mái ngói thì nơi lành nơi thủng, tường thì xây gạch đã lâu nhưng chưa trát bê-tông.

Trường có rất nhiều cái không: không tường rào, không nhà vệ sinh, không sân bê-tông. Cửa chính và cửa sổ cứ để tênh hênh, không che chắn, mặc cho gió từ ngoài sông thổi vào lồng lộng. Nền trường, từ trong ra ngoài toàn bằng đất lổm chổm, nứt nẻ. Và còn một cái “không” nữa, là lý do khiến anh em nhà tôi phải mang vác đồ nghề lỉnh kỉnh khi đi tựu trường, đó là không bàn ghế. Chính vì vậy, mỗi đầu năm học, phụ huynh phải mang cây ván tới đóng bàn học cho con em mình. Một cái bàn hai đứa ngồi, theo nguyên tắc thời đó là phụ huynh có con em học cùng lớp sẽ tự “bắt cặp” với nhau, tức là tìm một ai đó rủ nhau hùn vật liệu, đóng bàn cho tụi nhỏ ngồi chung. Nhà có nhiều con em đi học thì xin nhà trường xếp phòng học sao cho cái bàn ấy có thể phục vụ cho cả hai buổi sáng, chiều. Ngoài đóng bàn cho tôi và hai chị gái học khác buổi, anh Tư còn phải lo đóng bàn cho mình, vì anh là giáo viên của trường.

Xuồng chống tới nơi, đã thấy nhiều xuồng khác buộc dưới bến. Mỗi người một tay, giúp nhau khẩn trương chuyển vật liệu lên các phòng học, rồi bắt đầu công đoạn đóng bàn học cho đám học sinh. Tuỳ theo sức vóc, khả năng mà mỗi người một việc. Người thì đẽo cây, vạt nhọn rồi đóng thật chặt xuống đất; người thì đo đạc, cưa ván, bào nhẵn để đóng mặt bàn, làm chỗ ngồi. Những cái bàn năm học trước còn sót lại được gia cố, sửa lại cho chắc chắn rồi xài tiếp.

Bàn học sinh thời đó không có cái hộc phía dưới như bây giờ. Học sinh đến lớp cũng không đứa nào có cặp mang. Sách vở, đứa thì gộp chung lại rồi cứ thế ôm từ nhà tới trường, đứa nào kỹ hơn thì đựng trong cái bọc xà bông. Cũng may là những năm đó sách vở, đồ dùng học tập khá ít và đơn giản, chứ nhiều như chương trình bây giờ không biết tính sao?

Trong khi người lớn lo đóng bàn ghế, đám học sinh, dưới sự chỉ huy của thầy cô chủ nhiệm và lớp phó học tập thì lo làm vệ sinh bên trong, bên ngoài lớp học; sắp xếp lại khu vực bục giảng, lau chùi bảng đen; chặt cây, dọn cỏ bên hè cho thoáng đãng.

Do trường nằm gần khu vực nhà ở của người dân, 3 tháng hè không có người coi sóc nên khâu vệ sinh đầu năm học khá gian nan. Bà con gần đó thường nhân khoảng thời gian nghỉ hè, lấy sân trường, phòng học làm chỗ thả gà, vịt nuôi và mang… heo vào buộc. Vài người thiếu ý thức còn nhổ bàn, ghế học sinh về làm… củi chụm hoặc lấy ván, lấy đinh; trên tường thì dấu vẽ bậy, viết bậy chi chít. Thế nên, cứ vào năm học là thầy cô, phụ huynh và học sinh lại một phen vất vả, dọn dẹp cả ngày thì phòng học mới tươm tất để kịp ngày khai giảng và học tập trong năm học mới.

Tới ngày khai giảng, học sinh thường chọn bộ đồ đẹp nhất, tóc tai cắt tỉa gọn gàng, khăn quàng đỏ tươi tới lớp. Thời tôi học cấp một, tuyệt nhiên không có đồng phục, áo cũng không phù hiệu. Tập, vở đi học được bao bằng những tờ báo cũ, nhà nào có điều kiện thì bao bằng báo Liên Xô. Trường không yêu cầu dán nhãn nên trên góc tập thường ghi nắn nót cái tên vậy thôi, không ghi lớp vì phòng cái bìa bao ấy năm sau còn tốt thì dùng lại. Một tờ báo Liên Xô có khi bao tập được 2, 3 năm học; mặt bao phía ngoài cũ thì lộn ra, lấy mặt trong xài tiếp.

Ði học trong điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất khó khăn, nhưng bạn bè tôi đứa nào cũng ngoan, chăm học. Ðặc biệt, trong mắt học sinh thời đó thầy cô là “số một”. Ở nhà với cha mẹ có khi còn dám ương bướng, không nghe lời chứ gặp thầy cô là sợ một phép. Những đứa trò hư, bày trò quậy phá hoặc không thuộc bài, không làm bài tập về nhà… bị thầy cô phạt thường xuyên. Các hình thức phạt phổ biến là đứng tại chỗ, ra đứng trước cửa, hay đứng trong góc lớp. Những lỗi nặng còn bị bắt quỳ tại chỗ, quỳ trên bục giảng. Ðứng, quỳ bao lâu tuỳ vào lỗi nặng hay nhẹ. Trong một tiết học có khi đến 5, 7 đứa bị phạt, lớp đứng lớp quỳ. Thậm chí, nếu mắc lỗi nặng, học sinh còn bị thầy cô bắt xoè bàn tay ra rồi đánh bằng thước bảng.

Tuy bị phạt nặng, nhưng chưa thấy đứa học trò nào dám phàn nàn hay oán trách thầy cô; phụ huynh học sinh cũng chẳng ai bênh vực, phản ứng. Sau này, nhiều đứa trưởng thành, thành đạt, khi gặp lại thầy cô cũ còn nói tiếng cảm ơn, vì nhờ những lần bị phạt năm xưa mà sửa được thói hư, tật xấu.

Trường cũ của tôi nằm cách con sông xáng, bề rộng chừng 20 m. Những hôm đi bộ tới bờ sông, không có xuồng quá giang qua bờ bên kia, tôi và đám bạn lại cởi quần áo, bọc sổ sách rồi bơi qua. Tan học, chúng tôi lại lượm gạch tàu, ngói bể mài đạn bắn, hoặc chơi trò rượt đuổi trên sông. Mới tí tuổi đầu, chứ đứa nào cũng bơi, lặn giỏi như rái cá.

Ngày tháng qua đi, hết tiểu học chúng tôi chuyển lên trường xã. Ðám bạn cũ rơi rụng dần dần, bởi đứa thì qua xã khác học, đứa thì bỏ đèn sách theo gia đình vào cuộc mưu sinh. Lên cấp ba, rồi đại học thì còn hơn chục đứa thường xuyên gặp nhau, bạn cũ vài đứa vẫn còn nghèo, đứa trở thành nông dân sản xuất giỏi, đứa trở thành “ông này, bà nọ”. Xã hội hiện đại, thông tin liên lạc thuận tiện cũng khiến việc kết nối bạn bè dễ dàng hơn, nhưng cũng có những đứa hồi xưa rất dễ thương, nhưng hơn 30 năm rồi chưa một lần gặp lại. Trên đường về quê, thỉnh thoảng tôi dừng lại để ngắm ngôi trường thân yêu của mình khi xưa, hầu tìm lại chút dĩ vãng đẹp, với hình bóng thầy cô, bạn bè thân thiết. Trường giờ đã khang trang hơn nhiều. Chắc vì nằm ở vị trí thiết yếu, nên dù là điểm lẻ, nhưng trong các đợt sắp xếp trường lớp vừa rồi, ngôi trường ấy vẫn được giữ lại. Tôi thấy vui vui.

Dịch Covid-19 khiến cuộc sống đảo lộn. Theo lịch cũ thì đúng một tuần nữa học sinh Cà Mau sẽ tựu trường, ngày 5/9 khai giảng năm học mới. Hai ngày trước, dịch diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã chỉ đạo hoãn ngày khai giảng, chờ thông báo mới. Vậy là hai đứa con tôi cùng hàng vạn học sinh khác vẫn chưa biết được ngày đến trường của mình.

Tình hình này, có lẽ học sinh đến trường phải làm bạn với chiếc khẩu trang một cách lâu dài, và thậm chí nếu dịch phức tạp thì phải học tại nhà qua truyền hình hay Internet. Những phương pháp ấy, có chăng cũng chỉ là tình thế, không thể hiệu quả bằng học ở trường, nơi có thầy cô tận tình chỉ bảo và bạn bè thân thiết xung quanh. Những ngày này, sự tương tác, giao lưu giữa người với người vốn là chuyện tự nhiên xưa nay, bỗng chốc trở thành xa xỉ.

Học sinh thời nay trường lớp khang trang, vật chất đủ đầy, nhưng xem ra chưa hẳn là sướng hơn chúng tôi đi học hồi 30 năm trước. Nếu là ngày ấy, từ hôm nay, tôi đã sẵn sàng để đến trường rồi.

Gần đây, người ta vẫn hay nói một câu tưởng ngược đời, mà lại đúng “Bao giờ cho đến ngày xưa”!

 

Tuấn Ngọc

 

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài cuối: Thầm lặng việc thiện nguyện

Gương mặt đôn hậu, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi là điều dễ tạo thiện cảm với bất cứ ai khi gặp cô Phạm Thị Ngọc Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Phường 6/2, TP Cà Mau. Nhiều năm duy trì “Tủ bánh mì yêu thương”, lặng thầm trao hàng trăm món quà thiết thực tới những hoàn cảnh kém may mắn, cô Thảo cảm nhận được niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.

Tô thắm vườn hoa tử tế - Bài 2: Người gieo hạnh phúc

Mỗi ngày trôi qua, trên khắp quê hương Cà Mau xuất hiện nhiều tấm gương bình dị mà cao quý. Ðó là câu chuyện của người phụ nữ vượt qua nỗi đau của bản thân để dìu dắt những người khuyết tật hoà nhập cộng đồng, là câu chuyện của những cựu chiến binh giàu nghĩa cử cao đẹp... Họ thầm lặng đóng góp cho đời, gieo hạt giống yêu thương, điểm tô cho cuộc sống thêm những gam màu tươi sáng.

Tô thắm vườn hoa tử tế

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói, xã hội ta có rất nhiều những tấm gương người tốt, việc tốt. Họ có mặt khắp nơi, đó là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp. Ðiều đó được minh chứng ở Cà Mau, nơi tình đất - tình người bền chặt thuỷ chung, sâu nặng nghĩa tình. Trong hành trình phát triển quê hương, bằng những việc làm trượng nghĩa, người Cà Mau đã tô thắm thêm vườn hoa tử tế, làm lay động bao trái tim và lan toả giá trị sống tốt đẹp.

Cửa Lớn mở tương lai

Những năm 1990 của thế kỷ trước, mỗi dịp nghỉ hè, tôi lại được theo ghe bán hàng bông của ba má, xuôi ngược từ xứ ngọt Trần Văn Thời về đất mặn Ngọc Hiển xa xôi và lạ lẫm.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài cuối: Bàn về giải pháp

Thực tiễn công tác xây dựng đội ngũ người hoạt động ở ấp, khóm kế cận ở Cà Mau đầy sinh động, với nhiều cách làm hay, kinh nghiệm hữu ích. Bằng việc kết nối, đảm bảo tính kế thừa để phát huy tối đa những ưu điểm, bổ trợ những hạn chế giữa các thế hệ; đội ngũ này vừa ổn định vừa có những điểm sáng đột phá gắn với xu hướng trẻ hoá, chuẩn hoá. Bên cạnh đó, sự phát triển khởi sắc của tỉnh nhà cũng đang tạo ra môi trường tốt để nhiều người trẻ chọn trở về gắn bó lập thân, lập nghiệp.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng - Bài 2: Những tín hiệu tích cực

Năng nổ, nhiệt huyết, nhạy bén và dám nghĩ, dám làm đang là những ghi nhận, đánh giá của các cấp uỷ đảng, chính quyền và Nhân dân khi nói về những người trẻ tuổi hoạt động ở ấp, khóm. Không khí tươi mới với nguồn năng lượng tích cực của đội ngũ trẻ đã thực sự trở thành điểm sáng ở nhiều địa bàn ấp, khóm ở Cà Mau trong hành trình phát triển. Ðó cũng là gợi ý hữu ích để Cà Mau tiếp tục công việc chuẩn hoá, trẻ hoá; tăng cường chất lượng và xây dựng đội ngũ kế thừa đảm đương nhiệm vụ ở khóm, ấp trong bối cảnh hiện nay.

Đội ngũ hoạt động ở ấp, khóm: Tựa tre, chăm măng

Thực tế đã khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở ấp, khóm trong việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn đời sống. Ðây là cánh tay nối dài của cấp uỷ, chính quyền cơ sở, nơi trực tiếp, sâu sát nhất với Nhân dân. Mọi chuyển động của cấp “cơ sở của cơ sở” sẽ quyết định đến việc thành hay bại của một quyết sách, một chủ trương, một phong trào... gắn với nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của từng địa phương.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Thông qua các khoản vay ưu đãi, nông dân và các hợp tác xã (HTX) có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó xây dựng nền tảng cho các mô hình kinh tế nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, tín dụng chính sách (TDCS) không chỉ giới hạn trong việc hỗ trợ sản xuất mà còn mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng, như bảo vệ môi trường và phát triển tín dụng xanh.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của các nhóm yếu thế và phát triển kinh tế địa phương. Các chính sách đổi mới đã giúp hàng ngàn người tiếp cận vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và xây dựng sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, các hợp tác xã và mô hình nông nghiệp xanh ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Nỗ lực đổi mới trong quản lý và triển khai tín dụng đã phá vỡ rào cản, mở ra cánh cửa cho một tương lai phát triển toàn diện.

Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xoá rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.