(CMO) Năm 2017 đánh dấu một năm loại hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện Đầm Dơi diễn ra sôi động.
Diện tích ao nuôi nhỏ, thời vụ nuôi ngắn nhưng cho lợi nhuận cao đã tạo nên sức hút đối với người dân và doanh nghiệp hợp tác đầu tư. Dự báo năm 2018 sẽ là năm bùng nổ diện tích nuôi tôm siêu thâm canh.
Gần 15 năm nuôi tôm công nghiệp trong ao đất, đất đai bạc màu, năng suất thấp, tháng 10/2017, ông Phan Văn Tuấn, ấp Nhà Cũ, xã Quách Phẩm Bắc đầu tư 1 ao nuôi trải bạt, diện tích 1.400 m2; ao dèo 200 m2. Cùng với đó là hệ thống ao lắng, ao chứa nước thải theo quy định.
Thả 300.000 con giống thẻ chân trắng, sau 90 ngày chăm sóc, ông Phan Văn Tuấn thu gần 9 tấn tôm thương phẩm, kích cỡ 30 con/kg. Với giá bán 180.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Thắng lợi vụ đầu, ông Tuấn tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 1 ao nuôi mới.
Nông dân Đầm Dơi thu hoạch tôm siêu thâm canh. |
Huyện Đầm Dơi hiện có 414 hộ với 365 ha nuôi tôm siêu thâm canh mang lại hiệu quả khá cao. Đầu năm 2017, mùa nắng có trên 80% hộ nuôi đạt năng suất 20-50 tấn/ha/vụ. Đến những tháng cuối năm mưa nhiều, môi trường biến động, độ mặn giảm đột ngột, tôm sốc, tỷ lệ hộ nuôi thành công không cao. Thế nhưng, sức hút của loại hình nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện Đầm Dơi không suy giảm.
Đầm Dơi hiện còn 2.700 ha nuôi tôm công nghiệp ao đất với hơn 4.000 hộ đang đón nhận cơ hội đầu tư mới từ các doanh nghiệp, đại lý thức ăn tôm trong và ngoài huyện. Họ sẵn sàng đầu tư trải bạt, thức ăn và con giống chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, khi thu hoạch tôm mới thu hồi vốn.
Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Đầm Dơi xác định nuôi tôm là ngành chủ lực của huyện, với tổng diện tích sản xuất trên 60.000 ha. Đồng thời, huyện chọn loại hình nuôi tôm siêu thâm canh làm khâu đột phá để tăng năng suất, sản lượng tôm, với đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng.
Theo đó, huyện quy hoạch vùng nuôi siêu thâm canh tập trung 16 tuyến và 2 cụm ở 16 xã, thị trấn với diện tích 711 ha. Đồng thời, khuyến khích nuôi đối với những hộ có khả năng và đủ điều kiện bảo vệ môi trường.
Theo ước tính của Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, toàn huyện có hơn 100 xe ủi, xe cuốc cùng lượng xe từ ngoài tỉnh đến hợp đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu cải tạo và làm ao đầm nuôi trải bạt trong mùa khô sắp tới.
Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, cho biết, Quyết định 1874 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau quy định về nuôi tôm siêu thâm canh được huyện Đầm Dơi triển khai rộng rãi đến từng hộ dân, đa số tuân thủ đúng quy định. Khi sản xuất loại hình này phải có kê khai, đăng ký để chính quyền địa phương kiểm tra, thẩm định. Quy trình nuôi có ao xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn về sử dụng điện sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi.
Nếu hộ nuôi không đảm bảo điều kiện sẽ xử lý hành chính và tạm ngừng cung cấp điện phục vụ sản xuất. Để bảo vệ cho nền sản xuất của huyện phát triển ổn định và bền vững, huyện sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát quy trình nuôi; vận động người dân nuôi tôm đúng lịch thời vụ đã khuyến cáo; tăng cường tập huấn kỹ thuật; tổ chức mô hình nuôi trình diễn để nhân rộng.
Xác định loại hình nuôi tôm siêu thâm canh là khâu đột phá để tăng năng suất, sản lượng, huyện Đầm Dơi có chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho ngân hàng, doanh nghiệp, các trại tôm giống chất lượng đồng hành cùng nông dân Đầm Dơi phát triển làm giàu./.
Hoàng Triệu