Thực phẩm sạch đang là nhu cầu bức thiết hiện nay, do đó, con tôm sinh thái đang được nhiều nước trên thế giới, nhất là thị trường châu Âu đặc biệt quan tâm. Vì vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và các tổ chức trong, ngoài nước đã chọn rừng ngập mặn Cà Mau để triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm sinh thái.
Thực phẩm sạch đang là nhu cầu bức thiết hiện nay, do đó, con tôm sinh thái đang được nhiều nước trên thế giới, nhất là thị trường châu Âu đặc biệt quan tâm. Vì vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và các tổ chức trong, ngoài nước đã chọn rừng ngập mặn Cà Mau để triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm sinh thái.
Vừa bảo vệ rừng, vừa tăng thu nhập
Nuôi tôm sinh thái xuất hiện ở Cà Mau cách đây trên 15 năm. Đầu tiên là dự án do Đại sứ quán Thuỵ Sĩ tài trợ, được triển khai tại Lâm Ngư trường 184, thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển.
![]() |
Mô hình nuôi tôm sinh thái của ông Đoàn Thành Công, xã Đất Mới, huyện Năm Căn thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. |
Ông Ngô Dũng Liêm, nguyên Giám đốc Lâm Ngư trường 184, nhớ lại: “Tôm sinh thái bén duyên tại Cà Mau từ năm 1999, khi đoàn khách của Đại sứ quán Thuỵ Sĩ, do Bộ Thuỷ sản dẫn đoàn, xuống thăm Cà Mau và Kiên Giang. Trong bữa cơm dưới tán rừng đước, con tôm Cà Mau được chài lên đãi khách. Sau chuyến thăm đó, tôm sinh thái được cấp giấy chứng nhận và bắt đầu hành trình xuất ngoại”.
Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu chương trình trồng rừng và phát triển thuỷ sản dưới tán rừng, anh Huỳnh Văn Xê, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng, cho biết, rừng ngập mặn của Cà Mau chiếm 1/2 tổng diện tích rừng ngập mặn cả nước. Cà Mau cũng là tỉnh chiếm 1/2 tổng diện tích nuôi trồng và 1/4 tổng sản lượng tôm của cả nước. Thực tế, diện tích rừng ngập mặn ở Cà Mau đang bị thu hẹp do bà con không biết khai thác từ đất rừng. Tuy nhiên, gần đây, nhờ sự mạnh dạn đầu tư từ các doanh nghiệp trên lĩnh vực tôm sinh thái, đời sống người dân dưới tán rừng cũng ngày càng khấm khá hơn.
Gia đình chị Mai Thị Thu, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm sinh thái ấp Tân Tạo A, xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển là một trong những hộ tiêu biểu thành công với mô hình nuôi tôm sinh thái. Chị Thu thố lộ: “Trước đây chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc nuôi tôm dưới tán rừng, ít chú trọng công tác trồng và bảo vệ rừng nên tôm nuôi thường xuyên chết vì dịch bệnh. Từ khi thực hiện nuôi tôm kết hợp trồng rừng, tôm nuôi cho thu hoạch cao”.
Nuôi tôm sinh thái không phải cứ thả giống là được, chị Thu cho rằng, cần có kỹ thuật và hướng dẫn của các chuyên gia. Việc cải tạo đầm phải tuân thủ đúng quy trình và lịch thời vụ. Ðồng thời, đối với rừng, cần chặt tỉa, dọn dẹp vệ sinh, giảm bớt độ che phủ để có ánh nắng, tạo ô-xy cho tôm phát triển. Chọn con giống có nguồn gốc, trước khi thả nên xét nghiệm để bảo đảm cho vụ nuôi đạt hiệu quả cao. Trong quá trình nuôi nên thường xuyên kiểm tra sự phát triển của con tôm để có biện pháp thả giống tiếp tục, thu hoạch quanh năm. Ðồng thời, theo dõi độ pH, độ mặn trong vuông tôm để có cách xử lý phù hợp cho tôm phát triển nhanh.
Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến khẳng định: “Bên cạnh con tôm sinh thái bán được giá thì cây đước cũng đang dần khẳng định vị thế về giá. Người dân trên địa bàn huyện “mặn mà” hơn với mô hình tôm sinh thái. Năm 2016 huyện sẽ quyết tâm thực hiện 15.000 ha tôm sinh thái”.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, thời gian qua, nuôi tôm sinh thái từng bước khẳng định vị thế khi từ chỉ khoảng 600 ha (năm 2000) nay tăng lên 30.000 ha, trong đó có 14.000 ha được cấp chứng nhận. Ngành nông nghiệp tỉnh đang cố gắng trong năm 2016 sẽ công nhận thêm 10.000 ha nữa và tiến tới sẽ công nhận toàn bộ diện tích tôm nuôi dưới tán rừng đạt các tiêu chuẩn tôm sinh thái.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng nhận định: "Lĩnh vực nuôi thuỷ sản của tỉnh đang ngày càng gặp khó khăn do yếu tố môi trường, dịch bệnh, trong khi nhu cầu thế giới và trong nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề thực phẩm sạch và sản xuất sạch. Do vậy, nuôi tôm sinh thái được xem như mô hình bền vững và là hướng đi tích cực nhất”.
Giá trị thực làm nên tính bền vững
Để thực hiện mục tiêu bảo vệ rừng, chống biến đổi khí hậu và giúp bà con nông dân có thu nhập cao hơn, tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) đang thực hiện dự án giúp người nuôi tôm Cà Mau nhận các chứng chỉ tôm sinh thái. Được biết, đây là dự án mà 4 năm trước được tài trợ bởi Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Cộng hoà liên bang Đức (BMU); mục tiêu là tạo vị thế bền vững hơn cho ngành tôm, tăng cường sức chống chịu của khu vực bờ biển trước biến đổi khí hậu.
![]() |
Sơ chế tôm sinh thái. Ảnh: T. QUANG |
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết thêm: “Tôm rừng hiện là loại sản phẩm được các thị trường công nhận có chất lượng tốt nhất, điều kiện phát triển gần với môi trường tự nhiên nhất, do trong quá trình nuôi không sử dụng thức ăn, hoá chất, kháng sinh. Có thể nói tôm hoàn toàn sạch, có hương vị đặc biệt, các thị trường khó tính nhất cũng ưa chuộng. Song, vấn đề chất lượng vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng như: môi trường vùng nuôi bị tác động từ các hoạt động khác nhau, chất lượng con giống, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch... Hướng tới ngành sẽ tăng cường quản lý các yếu tố này, nhằm giữ và phát huy tối đa thương hiệu tôm sinh thái Cà Mau".
Đạt được các chứng nhận đã khó, giữ vững uy tín để duy trì hiệu quả các chứng nhận quốc tế còn khó khăn hơn. Do vậy, các doanh nghiệp đang quyết liệt trong phát triển vùng nuôi, giữ vững chất lượng các chứng nhận được cấp. Một số doanh nghiệp thuỷ sản trong tỉnh đang xây dựng vùng nuôi theo các chứng nhận quốc tế (Naturland, ASC, Selva Shrimp) với tổng diện tích trên 30.000 ha, đi đầu là 3 doanh nghiệp: Camimex, Senamico và Minh Phú.
Năm 2015 là năm các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam nói chung, Cà Mau nói riêng gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Nhiều lô hàng thuỷ sản bị trả về do có tạp chất, dư lượng kháng sinh cấm vượt ngưỡng; trong khi các lô hàng tôm sinh thái đều xuất khẩu thành công và ngày càng “khan hiếm” do xu hướng tiêu dùng sạch gia tăng ở các nước.
Với những rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe của các nước nhập khẩu, con tôm sinh thái Cà Mau đang từng bước khẳng định vị trí của mình, các doanh nghiệp đang ráo riết sản xuất tôm sạch, tôm được cấp chứng nhận. Nhà nước nên quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận cũng như xây dựng vùng nuôi bền vững để con tôm Cà Mau giữ vững uy tín. Đó cũng là cách nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người dân thiết thực nhất./.
Bài và ảnh: Tâm Như