ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 1-2-25 07:58:37
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

TP. Cà Mau: “Lột xác” từ LIA

Báo Cà Mau (CMO) Giá trị của quyển sổ đỏ tăng gấp nhiều lần không quan trọng bằng việc đời sống của người dân TP Cà Mau nâng lên một tầm mới sau khi Dự án Nâng cấp đô thị khu vực ĐBSCL (LIA) được triển khai.

“Vành đai lửa” của nội ô TP. Cà Mau được nhiều người gán cho Phường 4, vì đây là địa bàn thường xảy ra nhiều tệ nạn xã hội. Trong các con hẻm nhỏ hẹp là những mái nhà lụp xụp luôn chịu ngập lụt khi trời bắt đầu rớt giọt mưa… Nhưng bức tranh kém sắc, đơn điệu ấy chẳng mấy chốc trở nên đa sắc màu, sôi động đến ngỡ ngàng.

Nhắc nhớ ngày ấy

Khoảng đầu năm 1990, dân tứ xứ đổ về lấn chiếm xây cất nhà tạm bợ khu đất quanh chùa Phật Tổ để sinh sống. Chẳng bao lâu, nhiều căn nhà mọc lên, hình thành những con hẻm “người sống lấn đất người chết”. Hẻm 82 và Hẻm 165/16, Khóm 3, Phường 4 là nỗi ám ảnh của người dân từng sinh sống hay dẫu chỉ ghé qua đôi lần.

Bà Dương Thị Châm, Phó Khóm 3, Phường 4, hồi tưởng: "Có những căn nhà cất chồng lên chòm mả, có nhiều nơi ngôi mả nằm trọn trong nhà. Thoạt tiên sẽ khiến người nhìn sởn tóc gáy, nhưng lâu dần điều này trở nên quen thuộc. Và cứ thế, dân cư lũ lượt kéo về định cư ngày càng đông đúc hơn. Người thân của những người đã khuất cũng dần dần lấy hài cốt để “nhường” đất lại cho người sống".

Định cư hơn 20 năm, dần dần khu đất này hình thành những xóm nhà lá. Đời sống người dân cơ cực, chủ yếu là làm thuê, mua gánh bán bưng. “Xuyên suốt các con hẻm đều có điểm chung là không có đường thoát nước. Mỗi lần đi vào những con hẻm này, tôi đều phải xắn quần lên lội nước. Bề ngang con hẻm nhỏ hẹp, nền đất lầy lội và rác rưởi trôi lềnh bềnh bốc mùi hôi rất khó chịu. Bởi vậy, mỗi lần đi công tác, vận động, tuyên truyền người dân trong hẻm này rất cực khổ”, bà Châm nói thêm.

Quê gốc ở xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, sau khi nhận chức vụ Bí thư Phường 4 (năm 1999), ông Phạm Minh Trận và gia đình chuyển đến sinh sống tại Hẻm 165/16. Thời gian đầu kinh tế gia đình thiếu trước hụt sau do các con còn đang tuổi ăn, tuổi học. Ngôi nhà cấp 4 lụp xụp ở cuối con hẻm nhỏ là nơi cư ngụ của các thành viên trong gia đình.

Không một ánh đèn đường, đêm xuống, con hẻm rất âm u và nguy hiểm vì lợi dụng bóng tối các con nghiện thường tụ tập hút chích. Nhưng vì mưu sinh nên thời gian này ông Trận phải bất đắc dĩ hành nghề xe ôm bôn ba các ngóc ngách để kiếm thêm thu nhập.

Khoảng 3 giờ sáng, ông chở vợ đi bán nước giải khát, sau đó mới về cơ quan làm việc. Ông phải đưa rước vì trước đó không ít lần vợ ông bị “hỏi thăm” bởi những người lạ mặt.

Ông Trận trần tình: "Lúc mới về đây định cư, phía sau dãy nhà là một con kinh nhỏ, nhưng chỉ sau thời gian đã trở thành bãi rác. Bởi con hẻm nhỏ, xe chở rác không tài nào vô được, người dân lại ngại đi xa nên cứ vô tư xả rác xuống con kinh sau nhà. Trời nắng bốc mùi hôi nồng nặc và ruồi, nhặng sinh sản ngày càng nhiều. Biết sống trong hẻm sẽ gặp khó khăn nhưng đâu dè khổ đến vậy".

Mùa mưa cũng không khá hơn, nước ứ đọng ngày một nhiều, có khi lên đến 5 tấc nước. Lại thêm chuyện nhà vệ sinh không có hố tự hoại, chất thải sinh hoạt tràn ngập, trôi lều bều trước cửa nhà. Lâu dần, nước mưa chuyển màu thành nước đen. Thế nên người dân phải bắc những cây cầu cây để tránh tiếp xúc với nước bẩn.

Chứng kiến cảnh học trò đi học trượt chân té ngã trên những cây cầu cây bắc tạm bợ, bà Tư bánh bông lan (Nguyễn Thị Ánh, Hẻm 82, Khóm 3, Phường 4) xót xa. Thế nên, mỗi sáng, bà vừa đội xịa bánh lên đầu, cẩn thận đi trên miếng ván dẫn mấy nhỏ trong xóm đến trường. Riết rồi thành thói quen, mỗi sáng tụi nhỏ tập trung đến nhà bà để bà dắt đi học. Những khi mưa lớn, nước ngập nhiều, bà để mấy đứa nhỏ đi trên cây khô ráo, còn bà thì lội nước.

Bà Ánh chia sẻ: "Mấy chục năm nay đều kiếm sống bằng nghề bán bánh bông lan nên chòm xóm gọi tôi với cái tên thân thuộc là vậy. Quê gốc tôi ở Sóc Trăng, bôn ba xuống tận đây để lập nghiệp. Xa các con, nhìn mấy đứa nhỏ mà nhớ con mình nên giúp đỡ chúng và tôi cảm nhận mình hạnh phúc thật sự".

Giọng nói Ninh Bình còn đặc sệt, ông Trịnh Ngọc Ngôn chuyển đến sinh sống ở con Hẻm 82, Khóm 3, Phường 4 từ năm 2008. Ông Ngôn tâm tình: "Khi có ý định về đây nhập cư, những người quen biết đều ngăn cản vì tình hình an ninh trật tự ở đây rất phức tạp. Nhưng tôi tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thì bất cứ nơi nào cũng có thể sống được. Thời gian đầu, mỗi sáng thức dậy ra sau nhà, thấy hàng chục ống chích bỏ sót lại khiến tôi lo lắng. Sau khi trấn tĩnh lại, tôi báo công an phường và phối hợp với họ giải tán tụ điểm hút chích này".

Do là người phương xa đến nên còn “lạ nước lạ cái”, nhiều lần bị bọn chúng “dằn mặt” nhưng ông vẫn bình tĩnh và tố cáo bọn chúng nếu phát hiện mất trộm đồ hay chúng quấy nhiễu xóm làng.

Phép màu biến đổi

Rồi Hẻm 82 bỗng nhận được thông tin sẽ mở rộng, nâng cấp khiến nhiều người mừng rơi nước mắt. Vừa nghe tin báo, ông Ngôn đã đến từng hộ gia đình vận động, thuyết phục họ đồng thuận để dự án sớm hoàn thành. Chỉ sau thời gian ngắn, nhiều hộ dân đã đồng ý các phương án bồi thường để dự án sớm được triển khai. 

Để việc vận động, tuyên truyền dễ dàng hơn, ông Ngôn tự nguyện hiến gần 30 m2 đất. Ông nói: "Ban quản lý dự án có kêu tôi đến nhận tiền bồi thường nhưng tôi nhất quyết không nhận. Vì nếu có hiến đất thêm nữa, tôi vẫn vui vẻ chấp thuận vì niềm mong mỏi của tôi là nhìn thấy cuộc sống của mình trở nên tươi đẹp hơn".

Một con hẻm ở Khóm 3, Phường 4, TP Cà Mau được nâng cấp, mở rộng.

Đến thời điểm này, Hẻm 165/16 và Hẻm 82 đã xây dựng hoàn thành. Các con hẻm thông thoáng, lưới điện được nối mạng thắp sáng và hệ thống cấp thoát nước hoàn chỉnh đến từng hộ gia đình.

Ông Ngôn nói: "Sau Dự án LIA này, đất đai tăng giá chóng mặt. Tôi đã xây dãy nhà trọ cho thuê và mở tiệm hớt tóc cho con trai. So với trước đây, thu nhập hiện tại tăng đáng kể".

Khu đất trống trơn, đầy cỏ sậy bán với giá bèo bọt đường Nguyễn Thiện Năng, Khóm 3, Phường 4 giờ đã nhảy vọt lên gần tỷ đồng mỗi nền nhà. Hơn 10 năm về trước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thoa mua 10 công đất tại đây với giá 100 triệu đồng. Chị Thoa cho biết, trước đây, đất khu này ai nhìn cũng chê vì cây cối âm u, mịt mù. Vợ chồng chị mua với mục đích để dành chớ không sử dụng tới.

"Nhưng sau khi Dự án LIA 4 hoàn thành, trị giá khu đất tăng lên khoảng 10 lần. Vì hiện tại cả 2 mặt trước sau của mảnh đất đều là mặt tiền. Thấy thế, vợ chồng tôi về đây san lấp nền mở quán cà phê. Sắp tới, chúng tôi dự định sẽ mở thêm các dịch vụ khác", chị Thoa vui mừng.

Bà Dương Thị Châm khoe: "Khi triển khai dự án, người dân đồng thuận rất cao. Ban Quản lý dự án mượn nhà tôi để làm hồ sơ, ký giấy thoả thuận với người dân. Thời gian đó làm việc xuyên suốt, đôi khi đến chập tối vẫn còn làm. Thấy được hiệu quả của dự án, bà con rất phấn khởi và cuộc sống hiện tại đã chuyển sang bước ngoặt mới".

Bí thư Đảng uỷ Phường 4 Huỳnh Văn Minh cho biết, đời sống người dân đã nâng lên rõ rệt, đặc biệt là ở Hẻm 82 và 165/16. Sau khi mở rộng, nâng cấp các con hẻm, nhiều căn nhà xập xệ được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang, hoạt động mua bán trở nên nhộn nhịp, kinh tế của người dân ngày càng phát triển. Sự thay đổi ngoạn mục ấy trước đây nhiều người dân chưa từng nghĩ tới./.

Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL (LIA) đã góp phần nâng cao đời sống của người dân, cải thiện hệ thống hạ tầng đô thị Cà Mau. Tiểu dự án TP. Cà Mau có tổng mức đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, được triển khai trên địa bàn 8 phường và xã Tắc Vân với tổng số 18 khu dân cư thu nhập thấp. Trong đó, 70% vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) tương đương 850 tỷ đồng, dành cho công tác đầu tư xây dựng; nguồn vốn đối ứng (Chính phủ Việt Nam và cộng đồng dân cư đóng góp) 30%, tương đương 350 tỷ đồng, dành cho công tác chuẩn bị đầu tư, chi phí quản lý dự án, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tổng quy mô dự án trên 103 ha, số người hưởng lợi trực tiếp trên 27.400 người và số người hưởng lợi gián tiếp trên 117.800 người.

 

Ngọc Trầm

 

Tận tình phục vụ những ngày cận Tết

Năm 2024, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn huyện Năm Căn ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước hạn và đúng hạn cho tổ chức, cá nhân đạt cao. Ðặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC được đẩy mạnh.

Tiếp tục tinh gọn bộ máy và nâng cao chỉ số hài lòng của người dân

Chiều 15/1, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu trên cả nước.

Dịch vụ công trực tuyến: Không làm thay người dân

Nhằm từng bước hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng tự thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh vừa chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo công chức, viên chức (CC,VC) làm việc tại bộ phận một cửa thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT, không trực tiếp làm thay, để người dân quen dần thao tác, các bước thực hiện trên môi trường điện tử.

Cà Mau tiếp tục dẫn đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp

Với 91,6 điểm, tăng 1,43 % so với năm 2023, tỉnh Cà Mau tiếp tục giữ vị trí đứng đầu các tỉnh thành cả nước về Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp năm 2024. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Cà Mau dẫn đầu cả nước về bộ chỉ số này.

Khánh Hoà hoàn thành sớm kế hoạch CCHC năm 2024

Chú trọng đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính (CCHC), xã Khánh Hoà (huyện U Minh) đã hoàn thành 17/17 nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2024, đạt 100%.

Bước nhanh hơn để tạo đột phá

Xây dựng Chính quyền điện tử (CQÐT) hướng đến Chính quyền số (CQS) là mục tiêu quan trọng mà tỉnh Cà Mau nỗ lực hướng tới, nhằm tạo đột phá trong công tác cải cách hành chính (CCHC), góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sự hài lòng của người dân là thước đo chất lượng

Với phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng”, thời gian qua, huyện Ngọc Hiển đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo chuyển biến tích cực trong công tác cải cách hành chính (CCHC), nhất là chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ngày một nâng lên, đem lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, xây dựng chính quyền ngày càng thân thiện, vì Nhân dân phục vụ.

Nỗ lực tạo đột phá

Năm 2024, công tác chỉ đạo triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) được TP Cà Mau quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, thông suốt. Ðến nay, thành phố đã hoàn thành 23/23 nhiệm vụ CCHC. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn được nâng cao. Mức độ hài lòng của người dân về giải quyết TTHC đạt 100%.

Quyết tâm cải cách tốt hơn

Với quan điểm “Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm của cải cách hành chính; tất cả hướng đến mục tiêu là phục vụ người dân, doanh nghiệp”, huy động sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị... công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 của tỉnh đạt được nhiều kết quả nổi bật, tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục, tạo sự thông suốt để phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ðiểm nhấn thành tựu cải cách hành chính

Cà Mau là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành sớm việc kết nối Hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh với Hệ thống Ðịnh danh và xác thực điện tử của Bộ Công an, để phục vụ chuyển đổi sang sử dụng VNeID làm tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử kể từ ngày 1/7/2024. Cùng với đó, Cà Mau là 1 trong 14 địa phương hoàn thành sớm việc số hoá dữ liệu sổ hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 87/2020/NÐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ (giao trước ngày 31/12/2024).