(CMO) Du lịch cộng đồng đang là loại hình tạo sự đột phá cho du lịch Cà Mau. Loại hình này không chỉ giúp người làm du lịch phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy nét văn hoá độc đáo của địa phương. Hiện việc làm du lịch ở một số hộ gia đình đã bắt đầu định hình.
Đất Mũi là nơi loại hình du lịch cộng đồng đang có sức hút mạnh mẽ. Hiện có 4 hộ gia đình rất “hút khách” là ông Nguyễn Văn Nhuần, Quách Văn Ngãi, Trần Văn Hướng và Nguyễn Văn Hôn.
Du khách trải nghiệm mò sò tại khu du lịch cộng đồng Đất Mũi. |
Theo ông Trần Xuân Trường, Trưởng Phòng Quản lý du lịch thuộc Sở VH-TT&DL, các hộ ngày càng hoàn thiện sản phẩm, phục vụ chuyên nghiệp hơn. Đây là điều kiện tốt để phối hợp với các công ty lữ hành khai thác tối đa sản phẩm du lịch.
Một số hộ lân cận cũng đang trong quá trình học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Từ khi có nghề dịch vụ này, người dân nơi đây đã được chuyển đổi nghề một cách hiệu quả.
Du khách thích thú khi tham quan rừng ngập mặn bằng vỏ lãi. Ảnh: Nhật Huy |
“Khai thác thành công du lịch cộng đồng tại khu vực Đất Mũi là tiền đề phát triển loại hình này tại các điểm khác như: Vườn Quốc gia U Minh Hạ, đầm Thị Tường...”, ông Trần Xuân Trường cho hay.
Được mệnh danh là “biển hồ giữa đồng bằng”, đầm Thị Tường trở thành tour “hot” được các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh khai thác hiệu quả. Bên cạnh việc thưởng ngoạn cảnh đẹp của hồ nước tự nhiên lớn nhất ĐBSCL, du khách còn được trải nghiệm câu cá, mò nghêu, sò, giăng lưới, đặt lú...
Đoàn du khách TP Hồ Chí Minh đến tham quan Khu du lịch đầm Thị Tường. |
Ông Phan Tấn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã đầm Thị Tường và là hộ kinh doanh du lịch cộng đồng ở đây, cho biết, đầm có hệ sinh thái đa dạng, không khí trong lành, nguồn hải sản tươi sống có sẵn, đủ mọi điều kiện để du khách trải nghiệm. Năm 2012, ông Hùng bỏ vốn đầu tư nhà nghỉ, thành lập hợp tác xã để làm du lịch với số vốn gần 2 tỷ đồng.
“Trước đây tôi làm du lịch theo kiểu “cây nhà lá vườn” thôi. Khi đó chủ yếu chỉ là tham quan và ẩm thực. Còn đúng “chất” du lịch cộng đồng chỉ mới 2 năm nay. Kết quả, lượng khách ngày một đông. Cụ thể, lượng khách các năm 2013, 2014, 2015 cộng lại chỉ bằng lượng khách năm 2016 và tổng khách năm 2016 chỉ bằng 3 quý của năm 2017 (hơn 2.000 lượt)”, ông Phan Tấn Hùng phấn khởi cho biết.
Khách đến đông vào dịp cuối tuần, lễ, Tết. Có khách lẻ, khách đoàn, có cả khách nước ngoài.
Ngay tại TP Cà Mau, làng du lịch cộng đồng đang được lập dựng tại Khóm 6, phường Tân Thành. Tiên phong là hộ ông Cao Văn Dũng và ông Cao Hoàng Hiệu.
Du khách thích thú tự tay hái trái cây ở vườn nhà ông Cao Văn Dũng. |
Ông Cao Văn Dũng phấn khởi: “Ban đầu tôi chỉ có ý định trồng ổi, nuôi cá để khách địa phương vào tham quan, thư giãn cuối tuần. Dè đâu, lãnh đạo thành phố thấy hay, đề nghị đầu tư hạ tầng cho cả 7 hộ dân khu vực này để phát triển du lịch vườn. Rồi cán bộ làm du lịch ở Sở VH-TT&DL đến thăm, tận tình hướng dẫn chúng tôi cách làm du lịch cộng đồng, thế là làm thôi”.
Ông Cao Hoàng Hiệu cho hay, Tết Nguyên đán gần kề, chúng tôi sẽ mở cuộc họp phân chia mỗi hộ dân làm thêm một số loại hình trải nghiệm dân dã. Hứa hẹn nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách./.
Các tour trọng điểm trải nghiệm du lịch cộng đồng được các công ty lữ hành chuyên nghiệp đẩy mạnh khai thác và đầu tư tại Cà Mau gồm: khám phá Mũi Cà Mau - các hộ du lịch cộng đồng; du ngoạn đầm Thị Tường; Vườn Quốc gia U Minh Hạ - Hòn Đá Bạc - trải nghiệm ăn ong ở Khu du lịch Mười Ngọt... Khách đến Cà Mau năm 2017 ước đạt hơn 1,2 triệu lượt, trong đó khách quốc tế 25.000 lượt. Doanh thu ước đạt 670 tỷ đồng. Mục tiêu năm 2018, Cà Mau đón hơn 1,4 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế khoảng hơn 26.000 lượt, doanh thu khoảng 920 tỷ đồng. Theo đó, công suất sử dụng phòng ở các cơ sở lưu trú trên 67%. |
Phạm Băng Thanh