(CMO) Men theo dòng sông Lung Lá, mùi rạ rơm mới quyện trong gió Tết khiến lòng người nôn nao khác lạ. Ông già Ba Cao (lão thành cách mạng Lê Tấn Thuận, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Thạnh Phú giai đoạn trước và sau tiếp thu) nhấp ngụm trà rồi nói: “Nếu hổng nhuần thì bữa nay là mùng Một Tết rồi đó. Cái Tết năm nay coi bộ sung túc hơn, đàng hoàng hơn mấy năm trước”.
Ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước vừa mới thắng lớn vụ lúa - tôm, có nơi năng suất lúa đạt gần 40 giạ/công. Vùng căn cứ chuyển mình trong niềm hân hoan của mọi người.
Vùng đất kiên trung
Lung Lá - Nhà Thể là căn cứ Tỉnh uỷ Bạc Liêu những năm khởi nghĩa Nam kỳ 1938-1940, nơi ghi lại những dấu ấn của người con ưu tú, người chiến sĩ cách mạng xuất sắc Trần Văn Thời. Đến thời kỳ kháng Mỹ, nơi đây tiếp tục là vùng đất kiên trung, bất khuất. Hồi nhớ lại những ngày kháng chiến chống Mỹ, ông Ba Cao không khỏi tự hào: “Khu vực di tích Lung Lá - Nhà Thể bây giờ vào thời điểm chống Mỹ là rừng, là căn cứ của nhiều địa phương, lực lượng”.
Khu di tích căn cứ Tỉnh uỷ Bạc Liêu tại Lung Lá - Nhà Thể đã được chỉnh trang, quản lý bài bản, nhưng mong muốn của người dân nơi đây là tiếp tục đầu tư, mở mang để người dân hưởng lợi. |
Theo ông Ba Cao, Thạnh Phú là cửa ngõ quan trọng để tiến vào thị xã Cà Mau, là nơi chiến tranh diễn ra ác liệt, gay go. Theo miêu tả của ông Ba Cao: “Vùng Lung Lá - Nhà Thể có lúc không còn màu xanh, bị giặc phong toả, ruồng bố ác liệt”.
Thời điểm cận giải phóng, ông Ba Cao giữ vai trò bí thư xã uỷ, đã có nhận định về đồng bào vùng này: “Có đói, có khổ, hy sinh mất mát cũng nhiều, nhưng bà con ở ấp Trần Độ này không một ai ra vùng giặc. Quyết lòng nuôi chứa cán bộ, góp sức người, sức của đến lúc giải phóng”.
Ông Ba Cao luôn trăn trở với sự phát triển của Trần Độ, tin tưởng rằng quê hương sẽ tiếp tục thay da, đổi thịt. |
Ngay sau hoà bình, Nhân dân ấp Trần Độ phải khắc phục những tàn tích nặng nề của chiến tranh. Theo ông Ba Cao: “Trần Độ khi ấy nghèo lắm, làng mạc bị tàn phá, nhưng không khí giải phóng náo nức lắm, ai ai cũng tin rồi sẽ xây dựng được cuộc sống mới tốt đẹp”. Niềm tin ấy đi cùng năm tháng, làm nên một Trần Độ tràn đầy sức sống như hiện nay.
Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Phú Nguyễn Minh Khuôl thông tin: “Năm 2018 này, Thạnh Phú quyết tâm về đích nông thôn mới, hạt nhân của địa phương chính là Trần Độ”.
So với 5 ấp còn lại, Trần Độ đã có những bứt phá nhất định để trở thành đầu tàu trong lộ trình phát triển. Nếu như năm 2015, thu nhập bình quân của ấp chỉ tầm 24-25 triệu đồng/người/năm thì nay đã xấp xỉ 40 triệu đồng/người/năm.
Nói về đà đi lên của vùng căn cứ, ông Khuôl lý giải: “Trần Độ đã tạo được những mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững và quan trọng là có sức lan toả, nhân rộng. Cái cốt yếu là bà con chí thú làm ăn, có ý thức lao động sản xuất để tự vươn lên”.
Đường về Trần Độ, ghé thăm Khu di tích Lung Lá - Nhà Thể mà lòng thầm mừng. Nơi đây sau khi chỉnh trang, tu sửa đã khang trang, tươm tất và được quản lý hết sức bài bản. Thấy có “cánh báo chí” về, anh Ngô Hoàng Ân, nhà ngay trước khu di tích, gởi gắm: “Năm rồi khách về nhiều đó, chỗ này phải chi được mở rộng thêm, đường sá ngon lành chút nữa thì dân ở đây được nhờ”.
Sung túc đón xuân
Đón chúng tôi, anh Trương Minh Luân, Trưởng ấp Trần Độ, khoe: “Phong trào sản xuất của ấp giờ sôi nổi lắm, nào là lúa - tôm - cua, nào là rau màu, cá chình, cá bống tượng, tôm siêu thâm canh. Nhưng cũng nói trước luôn, bà con ngại quay phim, chụp hình lắm”.
Một góc quê hương Trần Độ khi Tết đã cận kề. |
Hỏi kỹ thêm, Trần Độ còn hơn chục hộ nghèo, mà theo lời anh Luân thì trong năm 2018 và 2019 sẽ cố gắng giải quyết dứt điểm. Toàn ấp cần 24 cây số lộ giao thông thì nay đã có gần 20 cây số được bê-tông hoá, tính ra lộ làng đã phủ giáp địa bàn.
Cái hay của bà con Trần Độ là giúp nhau nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả như lời anh Luân thông tin: “Chuyển dịch xong, Trần Độ xây dựng ngay mô hình đa cây, đa con. Nói đột phá thì chưa hẳn nhưng đảm bảo thu nhập đều đều và bền vững”.
Mới chỉ vài năm, thu nhập của người dân đã thay đổi vượt bậc. Phó ấp Trần Độ Châu Minh Thẳng tâm tình: “Chỉ riêng chuyện nhà cửa thôi cũng khác lắm rồi, cả khu Lung Lá - Nhà Thể này nhà cửa bà con giờ khang trang, đàng hoàng hơn trước dữ lắm”.
Bàn về tương lai phát triển, anh phó ấp tính toán: “Bà con Trần Độ mà có được khoa học công nghệ, có đồng vốn, kiếm được mô hình làm ăn hiệu quả thì còn khá nữa”.
Còn với khu di tích, những người làm công tác cơ sở cũng không giấu giếm ước ao: “Nếu kết hợp được với du lịch, tham quan, bà con ở đây mừng lắm”. Ngoài giá trị lịch sử, truyền thống, Khu căn cứ Tỉnh uỷ Lung Lá - Nhà Thể rõ ràng là một tiềm năng, lợi thế để người dân nơi đây hy vọng.
Cái chất người Trần Độ thể hiện rõ trong cung cách của ông già Ba Cao, người trọn đời theo cách mạng, trọn đời gắn bó với đồng đất Lung Lá - Nhà Thể.
Ông Ba nói: “Bây giờ mà nghèo cũng là một cái bậy. Bậy với mình, rồi bậy với xã hội. Làm ăn phải năm sau khá hơn năm trước chớ!”. Hơn 80 tuổi, ông vẫn miệt mài với chuyện con tôm, cây lúa, con cá, cọng rau của quê hương. Nói về tương lai của vùng đất này, ông tràn đầy nhiệt huyết: “Nếu chỗ khu di tích mở ra việc tham quan, nghỉ ngơi, mua bán thì ở đây còn phát triển nhanh nữa”.
Cho đến thời điểm hiện tại, Thạnh Phú đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới, mà theo quyết tâm của lãnh đạo xã đã về đích là phải đạt, phải chín. Dù không có những thế mạnh rõ ràng, song Thạnh Phú đã xây dựng được những hình mẫu lý tưởng về mô hình kinh tế và sự phát triển bền vững. Trần Độ là điểm sáng trong chặng đường đi lên của vùng đất cửa ngõ ở huyện Cái Nước. Quan trọng hơn, sự đi lên của nơi đây đã bắt mạch sâu vào truyền thống cách mạng kiên trung và những phẩm chất tốt đẹp của con người./.
Phạm Nguyên