Với mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, những năm qua, Cà Mau đã tập trung hỗ trợ, ưu đãi chính sách, trao cơ hội để phụ nữ được đào tạo, giao lưu, học hỏi; thúc đẩy phụ nữ thể hiện năng lực trong sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề. Từ đó, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết, việc hỗ trợ nâng cao kinh tế và giải quyết việc làm cho phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ của tổ chức hội.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là đối với phụ nữ, được tỉnh chú trọng. Theo đó, giai đoạn 2022-2025 tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho hơn 23 ngàn lao động.
- Thưa bà, việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm được triển khai như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý: Thời gian qua, các cấp hội tăng cường tuyên truyền cho chị em hiểu được vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, không những là phát triển kinh tế gia đình mà còn góp phần cho phát triển địa phương. Hướng dẫn cho chị em các kiến thức liên quan đến khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển kinh tế hộ; song song với đó, vận động chị em đổi mới sáng tạo, mạnh dạn thực hiện ý tưởng của mình và tham gia vào các cuộc thi về khởi nghiệp.
Với các chị em có điều kiện làm kinh tế, hội sẽ kết nối với các ban, ngành hỗ trợ chị em tham gia vào Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), hỗ trợ về công nghệ, khoa học - kỹ thuật, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để chị em có thể phát huy khả năng của mình, vươn lên khá giàu. Ðối với chị em thiếu việc làm, hội quan tâm hỗ trợ các hoạt động sinh kế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để chị em có thu nhập, không rơi vào diện nghèo.
Bên cạnh đó, tăng cường khai thác các nguồn lực như từ các chương trình, dự án để hỗ trợ cây, con giống, vốn cho những đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; tạo điều kiện cho chị em tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Ðối với chị em thiếu việc làm, hội quan tâm hỗ trợ các hoạt động sinh kế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để chị em có thu nhập, vươn lên. (Trong ảnh: Tổ may gia công ấp Tân Hiệp Lợi B, xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi).
- Hiện trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ, hiệu quả hoạt động ra sao, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý: Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 1.250 doanh nghiệp có phụ nữ tham gia làm chủ; phụ nữ thành lập được 16 hợp tác xã, 136 tổ hợp tác. Không chỉ làm giàu cho bản thân, các hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác này đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều lao động. Ðồng thời, các chị em cũng đóng góp vào việc phát triển các sản phẩm từ nguồn tài nguyên bản địa của địa phương, xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm của quê hương mình, vươn ra thị trường trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả thì chị em phụ nữ cũng còn gặp một số khó khăn về tiếp cận khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, xúc tiến thương mại để mua bán tiêu thụ sản phẩm. Trong cuộc sống, chị em cũng bị áp lực khi thực hiện nhiều vai trò, đó là vừa chăm lo cho gia đình, vừa phải lo làm kinh tế.
Phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay thu hút đông đảo chị em tham gia phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình. (Ảnh chụp Tổ đan giỏ xách của phụ nữ ấp Thị Tường B, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước).
- Bà có thể cho biết kết quả thực hiện Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn đến nay?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý: Qua 5 năm triển khai thực hiện, nhìn chung đề án này mang lại những hiệu quả rất tích cực cho phụ nữ. Trước tiên, đề án đã tạo sự thay đổi lớn trong nhận thức và hiệu quả việc làm của phụ nữ, đó là chị em quan tâm hơn việc vươn lên làm giàu, không những cho gia đình mà còn đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Các chị cũng đã làm được những công việc, mô hình phù hợp với khả năng của mình, tận dụng tốt điều kiện gia đình cùng sự hỗ trợ của địa phương. Ðặc biệt, có rất nhiều chị hưởng ứng phong trào khởi nghiệp và đã khởi nghiệp rất thành công. Ðiển hình như chị Trần Thị Xa ở Hợp tác xã Ba khía Ðầm Dơi, vươn lên từ sự khó khăn và đã thành công với sản phẩm từ con ba khía; chị Trần Thị Thuý ở huyện Trần Văn Thời phát triển được giá trị con ruốc và con tôm của địa phương mình; chị Út ở xã Hoà Tân, TP Cà Mau cũng rất thành công với sản phẩm khô thịt heo... và còn rất nhiều chị em thành công nữa.
Một kết quả đáng phấn khởi là qua 5 năm thực hiện đề án, sự truyền lửa của những chị em thành công đi trước đang là nguồn cảm hứng, niềm tin và động lực cho những chị em khác vươn lên khởi nghiệp, theo đuổi con đường phát triển kinh tế của mình. Phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay thu hút đông đảo chị em tham gia.
- Xin cảm ơn bà!
Mộng Thường - Hoàng Vũ thực hiện