Không còn hộ chính sách nào thuộc diện nghèo là kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo của huyện U Minh giai đoạn 2011-2015.
Không còn hộ chính sách nào thuộc diện nghèo là kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo của huyện U Minh giai đoạn 2011-2015.
Sau khi tự tay viết và nộp lá đơn xin ra khỏi diện nghèo cho chính quyền địa phương, ông Bảy Nhàn (Nguyễn Thanh Nhàn, ấp 6, xã Khánh Hội) mới cảm thấy nhẹ nhàng. Hơn 60 tuổi đời, đi nhiều nơi để kiếm sống bằng đủ thứ nghề, cuối cùng ông chọn đất U Minh làm bến đỗ. Ông Bảy Nhàn là thương binh 4/4. Ông bị thương khi ông còn phục vụ ở một đơn vị sản xuất của quân đội. Sau khi xuất ngũ, ông lập gia đình và bắt đầu cuộc mưu sinh đầy khó khăn.
Vốn quê ở huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), không đất sản xuất, ông phải đưa vợ con đi nhiều nơi để làm ăn. Năm 1994, ông đến thuê đất cất nhà ở ven đê biển Tây, thuộc địa bàn xã Khánh Hội. Sau gần 20 năm cả nhà cật lực lao động kiếm sống bằng đủ thứ nghề, từ làm mướn, lưới cá chốt, làm ngư phủ trên biển nhưng vẫn không thể thoát nghèo.
Đồng chí Lê Thanh Triều, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện U Minh thăm, tặng quà cho gia đình chính sách. Ảnh: PHẠM HOÀNG GIÁM |
Trong đợt xét cấp đất ở và đất sản xuất cho hộ chính sách nghèo của huyện U Minh vào năm 2014, ông Bảy Nhàn được cấp 2.000 m2 đất thuộc ấp 6, xã Khánh Hội. Niềm vui được nhân lên khi tiếp theo đó ông được Nhà nước hỗ trợ tiền để cất nhà tình nghĩa. Ông Bảy Nhàn không giấu được niềm vui: “Hồi trước tôi nghĩ chắc cả đời phải sống cảnh nghèo, đến đất ở cũng phải mướn. Có được cuộc sống như hôm nay, tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước”.
Hiện vợ chồng ông Bảy Nhàn sống trong ngôi nhà tình nghĩa mới xây. Các con ông đã có gia đình và ở riêng. Ông bà đều đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn còn tiếp tục lao động sản xuất. Hằng ngày, vợ ông chạy vỏ máy đi bỏ nước đá cây cho các quán cà phê ven sông và bán bánh kẹo cho học sinh cũng kiếm được 70.000-80.000 đồng; còn ông Nhàn trồng và chăm sóc những luống rau. Do không có đất ruộng nên ông Nhàn lên giồng mấy luống ở khoảnh đất trống trước sân để trồng rau màu, đào ao thả cá nhằm kiếm thêm thu nhập và cải thiện bữa ăn. Tiền trợ cấp thương binh hằng tháng của ông cộng với tiền buôn bán của bà, sau khi chi xài cũng còn dư chút ít để tiết kiệm. Ông Nhàn bộc bạch: “Từ chỗ không đất đai, cuộc sống bấp bênh, phải làm chạy gạo từng ngày mà giờ đây có đất, có nhà, có tiền dư để phòng thân. Cuộc sống cuối đời như vậy là tôi mãn nguyện lắm rồi”.
Hoàn cảnh của ông Phạm Văn Liền, 67 tuổi, thương binh 3/4 ở ấp 17, xã Khánh An cũng tương tự như vậy. Ông Liền quê ở xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, đến định cư ở huyện U Minh hơn 15 năm nhưng chỉ mới thoát nghèo từ 1 năm nay khi được cấp đất và hỗ trợ cất nhà tình nghĩa. Ông Liền được cấp 1,5 ha đất ở và đất sản xuất nằm trên tuyến đường có điện lưới, có lộ nên điều kiện sinh hoạt, sản xuất rất thuận lợi. Tuy vùng đất mới này bị nhiễm phèn, sản xuất chưa hiệu quả nhưng mỗi năm gia đình ông cũng thu hoạch trên 50 giạ lúa.
Cuộc sống gia đình ông Liền ổn định có lẽ người vui nhất là bà Trương Thị Liễu, vợ ông. Bởi nhiều năm nay, ông Liền bị bệnh do các vết thương tái phát, không thể lao động. Ngoài chuyện chạy ăn từng ngày, bà Liễu còn phải lo chăm sóc chồng. Kể từ khi được cấp đất, cất nhà, không còn phải lo chạy ăn, bà Liễu có thời gian hơn để chăm sóc ông mỗi khi trái gió trở trời. Sau hàng chục năm vất vả mưu sinh, giờ đây, ông bà đã thật sự an hưởng tuổi già trong ngôi nhà tình nghĩa mới xây. Bà Liễu nói trong niềm hạnh phúc: “Khoẻ lắm rồi, không còn sợ sập nhà mỗi khi trời dông nữa. Bây giờ chỉ còn tập trung lo chăm sóc mấy công ruộng chờ tới ngày thu hoạch, mừng quá trời luôn!”.
Huyện U Minh hiện có hơn 3.000 đối tượng được hưởng chế độ chính sách, trong đó có 1.300 gia đình được trợ cấp hằng tháng. Đến cuối năm 2014, 16 hộ chính sách nghèo cuối cùng của huyện U Minh đã thoát nghèo. Đây là kết quả sự lãnh đạo kỳ quyết của Huyện uỷ, UBND huyện và sự cộng đồng trách nhiệm của các ban, ngành, ý thức vươn lên của gia đình chính sách.
Sự quan tâm và hỗ trợ có hiệu quả của Đảng bộ và chính quyền các cấp trong huyện U Minh đối với gia đình chính sách là điều kiện, động lực để họ vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã vận động Quỹ Vì người nghèo trên 56 tỷ đồng, trong đó có hơn 15 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng và sửa chữa hơn 410 căn nhà tình nghĩa. Riêng năm 2015, huyện vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 700 triệu đồng và đã triển khai xây dựng 13 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 10 căn. Ngoài ra, hàng chục gia đình chính sách cũng được cấp đất ở, đất sản xuất, được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình.
Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện U Minh Trần Hoàng Phúc cho biết: “Huyện còn ưu tiên đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em gia đình chính sách. Hằng năm, chúng tôi quan tâm chọn các em này đưa đi tham gia các phiên giao dịch việc làm do tỉnh tổ chức. Nhiều em đã tìm được việc làm, có thu nhập ổn định và gửi tiền về phụ giúp gia đình. Từ đó, gia đình chính sách có cuộc sống ngày một ổn định, nâng cao mức sống”.
Nâng cao mức sống cho gia đình chính sách từ bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương là mục tiêu quan trọng mà huyện U Minh đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Đây là sự tri ân của Đảng và Nhà nước, Nhân dân ta đối với sự hy sinh, mất mát của gia đình chính sách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ./.
Lê Hữu Lợi