ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 1-7-25 11:18:22
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tri ân một thế hệ sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc

Báo Cà Mau Cụm từ “Cán bộ đi B” được dùng để chỉ những cán bộ 2 miền Nam - Bắc với tinh thần tự nguyện đã vượt Trường Sơn tham gia kháng chiến trong giai đoạn 1965-1975. Nửa thế kỷ trôi qua từ sau ngày giải phóng, những bộ hồ sơ, kỷ vật trước lúc lên đường của họ được thế hệ sau tìm kiếm, trao trả lại. Ðó là cả một sự nỗ lực và làm việc cao độ của đội ngũ những người làm công tác bảo quản, lưu trữ hồ sơ.

Những mảnh ghép ký ức quý hơn vàng

Ngược dòng lịch sử, ở thời điểm Chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ năm 1954 thắng lợi, Hiệp định Giơ-ne-vơ về kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Ðông Dương, được ký kết, vĩ tuyến 17 đã được lấy làm ranh giới quân sự tạm thời 2 miền đất nước. Ðể bảo đảm thống nhất lãnh đạo cuộc vận động lập quan hệ Bắc - Nam, ngày 14/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định về việc thành lập Ban Quan hệ Bắc - Nam. Nhiệm vụ quan trọng ở thời điểm này chính là "nghiên cứu chính sách, theo dõi và góp ý kiến đối với các cơ quan phụ trách về sự thực hiện chính sách đối với đồng bào, cán bộ, gia đình cán bộ miền Nam ra tập kết hoặc tự động ra ở miền Bắc, đối với đồng bào miền Nam đi lại miền Bắc". Và từ năm 1959, hàng đoàn cán bộ từ miền Bắc vào miền Nam và từ Nam ra Bắc để làm công tác và nhiệm vụ bí mật được giao. Họ trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu, giải phóng miền Nam, với biệt danh ngắn gọn và bí ẩn: “đi B”.

Trước khi rời quê hương ra đi, các cán bộ đi B phải tuân thủ quy định tối mật là gửi toàn bộ tư trang, hành lý, đồ dùng, vật dụng, giấy tờ và cả tài sản cá nhân...  cho Uỷ ban Thống nhất Chính phủ giữ. Họ chỉ được dùng những vật dụng cá nhân do cơ quan, đơn vị cấp. Từ thời điểm thống nhất đất nước đến nay, toàn bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Bộ Nội vụ.

Ngày họp mặt của những cán bộ đi B vẫn còn sống và sinh hoạt tại Cà Mau vô cùng xúc động khi họ cầm trên tay những bộ hồ sơ lưu giữ thanh xuân của mình.

Ngày họp mặt của những cán bộ đi B vẫn còn sống và sinh hoạt tại Cà Mau vô cùng xúc động khi họ cầm trên tay những bộ hồ sơ lưu giữ thanh xuân của mình.

Tiến sĩ Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, cho biết: "Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B có nhiều loại khác nhau. Bên cạnh tài liệu cá nhân như: chứng minh thư Nhân dân, sơ yếu lý lịch, phiếu cán bộ, thẻ Ðảng, sổ Ðoàn, các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, thuyên chuyển công tác... chúng tôi cũng lưu giữ rất nhiều loại kỷ vật quý giá như: huân chương, huy chương, huy hiệu, giấy khen, bằng khen, album ảnh, nhật ký, sổ tay, thẻ tiết kiệm... Ðây đều là những mảnh ghép ký ức quý hơn vàng của các cán bộ đi B, là nguồn tài liệu quý giá và có ý nghĩa quan trọng. Nó không chỉ phản ánh hoạt động của một cơ quan, tổ chức trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn nói lên phần nào thanh xuân tươi đẹp của một thế hệ yêu nước anh hùng”.

Nhiều năm qua, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã tiến hành phân loại tài liệu, thống kê, sắp xếp, chỉnh lý khoa học đối với khối tài liệu hồ sơ, kỷ vật của các cán bộ đi B. Chúng được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái tên gọi của cán bộ theo địa phương là quê quán hay nơi sinh của cán bộ đi B để dễ lưu trữ và trao trả sau này.

Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đang lưu trữ khoảng 72 ngàn hồ sơ, trong đó có 55.722 hồ sơ cán bộ đi B đã xác định được từ 89 địa phương trong cả nước. Trong thời gian qua, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với các cơ quan ở các địa phương đã trao trả bản sao hồ sơ, kỷ vật cán bộ đi B cho chính chủ hoặc người thân còn sống của họ. Ðến nay, có khoảng 60% cán bộ đi B, thân nhân đã nhận được bản sao hồ sơ, kỷ vật.

Bà Trần Việt Hoa chia sẻ thêm: “Chúng tôi mong muốn được thông tin rộng rãi để cán bộ đi B hay người thân của họ sớm biết để đến đúng nơi nhận lại hồ sơ, kỷ vật của thân nhân mình. Ðây là những ký ức quý báu minh chứng cho hành trình ra đi và trở về của những người đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Công tác quản lý và lưu giữ được chúng tôi nỗ lực thực hiện bằng lòng biết ơn của người được hưởng trọn nền hoà bình”.

Xúc động nhận lại kỷ vật

Riêng với tỉnh Cà Mau, từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã chuyển về cho tỉnh 465 bộ hồ sơ. Hiện nay, có 20 bộ hồ sơ đã xác minh được thông tin cán bộ và thân nhân của cán bộ đi B. Phần còn lại, do có sự thay đổi nhiều về địa giới hành chính, đơn vị công tác khiến cho việc xác minh thông tin cần rất nhiều thời gian.

Ông Ðinh Anh Toàn, Phó giám đốc Phụ trách Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh, chia sẻ: “Có những hồ sơ còn lưu giữ lại huân huy chương, bằng khen... minh chứng cho quá trình tham gia kháng chiến của những cán bộ đi B còn lưu giữ lại. Chúng tôi hy vọng, với những hồ sơ này, nếu các gia đình của cán bộ đi B chưa thực hiện được chế độ chính sách thì thông qua những giấy tờ còn lưu lại sẽ là điều kiện, cơ sở tiến hành chế độ chính sách mà họ xứng đáng được thụ hưởng”.

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khai mạc Triển lãm "Kỷ vật thời thanh xuân" với nhiều hồ sơ, hình ảnh... của cán bộ đi B vào năm 2022.                        (Ảnh Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cung cấp)

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức khai mạc Triển lãm "Kỷ vật thời thanh xuân" với nhiều hồ sơ, hình ảnh... của cán bộ đi B vào năm 2022. (Ảnh Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cung cấp)

Nửa thế kỷ trôi qua, người còn, người mất. Người may mắn nhận lại hồ sơ đi B đều tuổi tác đã lớn, sức khoẻ suy giảm và mang nhiều vết thương của chiến tranh để lại. Khi nhận được hồ sơ của bản thân, những người lính một thời không giấu được sự bồi hồi, xúc động.

Ông Phạm Hữu Liêm, cán bộ đi B, hiện ngụ Phường 9, TP Cà Mau, chia sẻ: "Hồi kháng chiến, khi ra đi chúng tôi xác định một đi không trở lại, sẽ hy sinh cho Tổ quốc, nên gửi lại giấy tờ vậy thôi chứ đâu có mong nhận lại. Giờ đây tôi mới được nhận lại những gì của mình vào mấy chục năm về trước, vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam 30/4 năm nay, làm tôi quá xúc động, như thấy lại thời thanh xuân của mình, của anh em cùng chiến đấu. Ðây là sự quan tâm to lớn của Ðảng và Nhà nước dành cho chúng tôi".

Ông Nguyễn Văn Thế, cán bộ đi B, hiện ngụ xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, cho biết: “Ðến giờ tôi vẫn chưa dám tin hồ sơ của bản thân sẽ tìm lại được. Vì thời gian trôi qua đã nửa thế kỷ, tôi cũng dần quên. Cầm trên tay hồ sơ của chính mình vào thời trẻ, tôi quá xúc động. Từ đó cho thấy sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước đối với chúng tôi - những người từng tham gia chiến đấu vì đất nước, là vô cùng lớn và đầy sự trân trọng”.

Trao trả hồ sơ cho cán bộ đi B là hành động ý nghĩa. Ðây vừa là nguồn sử liệu quý giá minh chứng cho giai đoạn cách mạng hào hùng của đất nước, vừa làm dày thêm truyền thống cách mạng, tri ân nguồn cội, mãi ghi nhớ một thế hệ luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, cống hiến sức mình vào công cuộc giải phóng dân tộc./.

 

Lam Khánh

 

Một thời làm báo

Cà Mau, mảnh đất tận cùng Tổ quốc, nơi sông ngòi chằng chịt, rừng đước bạt ngàn và con người mang trong mình chất mộc mạc, chân thành, hào phóng của miền Tây Nam Bộ. Ở đó, tôi đã sống và cống hiến với những năm tháng làm báo đầy nhiệt huyết, nơi mà mỗi dòng chữ, mỗi câu chuyện đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả nụ cười. Một thời làm báo tại Cà Mau là ký ức không thể quên, như cuốn sách cũ, dù thời gian có làm phai màu bìa, nhưng những trang bên trong vẫn sống động.

Báo giấy - Ký ức một thời vàng son

Chẳng nhớ rõ từ khi nào, những sạp báo giấy giữa lòng thành phố đã biến mất dần trong xu thế không thể tránh khỏi khi công nghệ thông tin bùng nổ, với sự "lên ngôi" của báo điện tử, mạng xã hội. Báo giấy - mấy ai còn nhớ một thời vàng son...

Quá khứ hào hùng - Hiện tại vươn xa

Báo - đài là hợp chất gắn kết niềm tin giữa Ðảng với Nhân dân như bê-tông cốt thép, là ngọn lửa giữa đêm đông nung sôi bầu nhiệt huyết hàng triệu trái tim yêu nước, thương dân; là ánh đèn pha giữa đêm đen soi sáng mọi bước đường khi dân tộc ta xông lên chiến đấu và chiến thắng quân thù; là ánh mặt trời chân lý xua tan âm u, tâm tối, đem lại mùa xuân của hạnh phúc con người và tô thắm màu cờ của nhận thức, lý tưởng, lẽ sống đối với biết bao thế hệ...

Những địa chỉ đỏ trên quê hương anh hùng

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Cà Mau là căn cứ địa cách mạng, là địa bàn đứng chân hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng và Nhà nước. Từ rừng đước, rừng tràm thành làng rừng kháng chiến; từ xóm ấp, chùa chiền, nhà dân thành nơi nuôi chứa cán bộ.

Nguyễn Mai và những chuyện đời thường

Người đa tài nhất trong những người cầm bút vùng Tây Nam Bộ những năm đánh Mỹ cứu nước là Nguyễn Mai. Anh viết thạo, viết vững chắc các loại ký, truyện, bình luận, xã thuyết và tuỳ bút... Anh sử dụng được các thể loại thơ, đặc biệt thơ trào lộng.

Nhà báo Trần Ngọc Hy một lòng trung kiên, bất khuất

Năm 1943, tốt nghiệp Diplôme, Trần Ngọc Hy về quê tham gia phong trào nông dân đấu tranh chống bọn địa chủ ác bá, chống bọn chính quyền tay sai hà khắc bóc lột nông dân, chống sưu cao thuế nặng.

Phan Ngọc Hiển - Nhà báo cách mạng trên vùng đất Nam Bộ

Tuần báo Tân Tiến số phát hành trung tuần tháng 2/1937, chủ bút Hồ Văn Sao giới thiệu với độc giả: “Bạn tôi Phan Ngọc Hiển, tức Phan Phan, một nhà văn chân chính - lương tâm, bắt đầu đi khắp Nam Kỳ để làm phận sự nhà báo - năm nay lần lượt bạn Phan Ngọc Hiển sẽ hiến cho độc giả: 1. Ðại náo thôn quê - 2. Tinh thần bạn trẻ nước nhà - 3. Giọt nước mắt của dân - 4. Thương - là 4 vấn đề quan hệ xã hội cần thay đổi - muốn tránh sự sơ sót, ngoài những tài liệu của bạn tôi thâu thập trong những lúc gian nan, nay bạn tôi cần đi viếng các làng, dân quê, bạn trẻ... cho cuộc điều tra thêm chu đáo - luôn tiện biết nhau, biết điều sơ sót của Tân Tiến đặng sửa đổi...”.

Ðài Tiếng nói Nam Bộ Kháng chiến - Tiếng nói của khát vọng độc lập, tự do

Đài Nam Bộ Kháng chiến ra đời những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1947-1954). Có lúc đóng ở Ðồng Tháp Mười (Long An); có giai đoạn ở Thới Bình, Ðầm Dơi, Ngọc Hiển, U Minh (Cà Mau), hay Kiên Giang, Bạc Liêu; có thời điểm đài đổi tên thành Ðài Tiếng nói Nam Bộ. Tuy vậy, dù ở bất cứ nơi đâu, tên gọi khác nhau, nhưng các thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của đài không ai được đào tạo bài bản về phát thanh nhưng đã làm nên một đài phát thanh vang danh, lừng lẫy; tạo dấu ấn đặc biệt trong lịch sử báo chí Việt Nam nói chung và ngành phát thanh nói riêng. Ðó là tiếng nói của Uỷ ban Nam Bộ Kháng chiến; cầu nối của Ðảng, Bác Hồ với đồng bào Nam Bộ; là ước mong, khát vọng của đồng bào nơi đây về một Việt Nam độc lập, tự do.

Những khó khăn, thách thức của người làm báo trong thời kháng chiến

Mùa khô năm 1964, lần thứ hai tôi theo mẹ từ Bến Tre vào Cà Mau thăm ba tôi đang làm ruộng và dạy học tư ở Kinh Hãng Giữa... Ba tôi bất hợp pháp kể từ năm bác ruột thứ tư của tôi - 1 trong 12 người Việt Minh làng Ba Mỹ bị giặc Pháp bắt chặt đầu ở bót Nhà Việc Mỹ Chánh năm 1946... Lần này, ba tôi không cho tôi trở về quê nữa, vì về ngoải mai mốt lớn lên tụi giặc nó bắt lính... Thế là tôi phải ở lại trong này, thành công dân Cà Mau từ đó.

Báo chí cách mạng Cà Mau góp phần động viên, cổ vũ kháng chiến

Báo chí cách mạng không những góp phần động viên, cổ vũ mà còn là “vũ khí sắc bén” trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, thống nhất đất nước. Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại. Trong nhiều loại vũ khí chống chọi với quân thù, có một thứ vũ khí “thanh cao mà đắc lực”, “có sức mạnh hơn mười vạn quân”. Ðó là văn chương nghệ thuật, đặc biệt là văn chương, báo chí cách mạng Hồ Chí Minh.