Nhìn cánh đồng lúa chín vàng trải mình theo từng cơn gió, bên kia là dãy xanh thẳm ngút ngàn của rẫy mía - nông sản đặc trưng của người dân Thới Bình hồi 10 năm trở về trước, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Lực Nguyễn Minh Khai phấn khởi: “Giờ Trí Lực khác xưa nhiều lắm. Toàn xã đã chuyển dịch thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm. Hơn 1.000 ha mía đã nhường cho ruộng lúa. Nhờ vậy mà nông dân Trí Lực hết nghèo!”.
Nhìn cánh đồng lúa chín vàng trải mình theo từng cơn gió, bên kia là dãy xanh thẳm ngút ngàn của rẫy mía - nông sản đặc trưng của người dân Thới Bình hồi 10 năm trở về trước, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Lực Nguyễn Minh Khai phấn khởi: “Giờ Trí Lực khác xưa nhiều lắm. Toàn xã đã chuyển dịch thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm. Hơn 1.000 ha mía đã nhường cho ruộng lúa. Nhờ vậy mà nông dân Trí Lực hết nghèo!”.
Phá thế độc canh mía
Trí Lực là xã giàu truyền thống cách mạng ở vùng đất được ví là một trong những chiếc nôi cách mạng miền Nam qua 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Tình cảm đồng bào nơi đây dành cho Bác Hồ đã được minh chứng bằng hình tượng má Lê Thị Sảnh, ở ấp 10, xã Trí Phải, năm 1954 đã nhờ bộ đội đi tập kết ra Bắc gửi tặng Bác cây vú sữa miền Nam, thể hiện tấm lòng người dân Cà Mau luôn hướng về Thủ đô Hà Nội, hướng về Bác Hồ kính yêu. Đến năm 1995, cây vú sữa được chiết ra từ cây vú sữa má Sảnh gửi tặng Bác đang sum suê ngay bên Phủ thờ Bác tại ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực.
Anh Trần Tấn Mong, ấp 7, xã Trí Lực đã 2 năm nuôi tôm càng xanh hiệu quả trên đất lúa. |
Khi mới thành lập (ngày 1/1/2006), Trí Lực là vùng nguyên liệu mía với hơn 1.000 ha cung ứng cho Nhà máy đường Thới Bình và các nhà máy đường trong khu vực. Thời đó, về Trí Lực chỉ nghe mỗi mùi mía đường, hạ tầng nông thôn chỉ vỏn vẹn 1 tuyến từ vàm Kinh 7 (giáp kinh xáng Chắc Băng) về trụ sở UBND xã. “Đoạn đường hơn 500 m từ ngã tư Phủ thờ về vàm Kinh 8 chỉ toàn lau sậy. UBND xã đề xuất thiết lập cụm chợ phục vụ giao thương. Nhờ vậy mà khu vực này sung túc lên. Chúng tôi vừa quy hoạch xây dựng khu chợ xã rộng 3.000 m2 ngay tại ngã tư Phủ thờ. Dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II năm 2015”, ông Nguyễn Minh Khai nói.
Trí Lực bây giờ đã khác xưa. Bên cạnh rẫy mía, khóm, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hình thức đa cây, đa con được phát triển mạnh: nuôi cá sặt rằn, nuôi tôm trên ruộng lúa, tôm càng xanh, rau màu… Đã “quen” với rẫy rau màu 5 năm nay, anh Đinh Đinh, ấp 7, xã Trí Lực, khoe: “Vùng đất này trồng rau màu tốt lắm, khổ qua, dưa leo và cà chua rất sai trái, thương lái đến tận rẫy mua. Mỗi vụ thu hoạch sau khi trừ chi phí tôi lãi cũng được trên 10 triệu đồng/công mặt liếp”.
“Xã đã và đang xây dựng cánh đồng mẫu 200 ha sản xuất giống lúa cao sản ST20 cùng với nuôi tôm. Đã qua, năng suất đạt cao và giá thành cũng ổn định do lúa được bao tiêu đầu ra”, ông Khai cho biết thêm. Chỉ tay về phía vuông tôm đang phơi đầm chuẩn bị lấy nước thả vụ mới, anh Trần Tấn Mong, ấp 7, xã Trí Lực, phấn khởi: “10 công lúa ST20 vừa mới gặt xong, bán lúa ướt tại ruộng giá 6.100 đồng/kg. Mấy năm nay bà con xứ này ai cũng trúng lúa, trúng tôm. Giờ cuộc sống no đủ hơn hẳn”.
Xoá trắng hộ nghèo
Trí Lực là 1 trong 4 xã chỉ đạo điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh. Bắt tay vào xây dựng NTM, tốc độ phát triển hạ tầng nông thôn xã Trí Lực từ năm 2010 đến nay đã lập kỷ lục. “Bằng nội lực và tranh thủ sự vận động, trong 4 năm qua, xã hoàn thành trên 57.000 m lộ nông thôn, trên 40 cầu bê-tông, tạo mạng lưới kết nối thông, rộng khắp các tuyến dân cư trong vùng. Từ đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển hơn”, ông Nguyễn Minh Khai cho hay.
Thống kê mới nhất, hiện xã chỉ còn 1,8% hộ nghèo. Việc triển khai giúp đỡ, đỡ đầu hộ khó khăn được Đảng uỷ và các ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả nhiều năm liền. Từ đó, công tác này như được dấy lên thành phong trào hành động và là chủ đề chính trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Cơ giới hoá đồng ruộng đã giúp người dân Thới Bình đẩy mạnh sản xuất, không ngừng cải thiện thu nhập. Ảnh: KHÁNH PHƯƠNG |
Hiện xã đã có lộ bê-tông thông suốt các tuyến dân cư trong 5 ấp. Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, trường học khang trang. Trí Lực cũng là xã đầu tiên của tỉnh xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả thiết chế văn hoá, làm thí điểm triển khai trong toàn tỉnh.
Trí Lực hiện có 1.600 ha lúa - tôm; 566 ha mía và 2.319 ha nuôi thuỷ sản. Sau 9 năm tái lập, xã có 96% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Năm 2014, xã thu ngân sách đạt 204,6% kế hoạch giao. Năm 2015, xã phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,54%. |
Bí thư Đảng uỷ xã Trí Lực Chung Minh Oai đưa ra điểm nhấn: “Ấp Phủ Thờ ngày nay được huyện Thới Bình chọn là một trong những ấp điểm xây dựng NTM của huyện. Trong 5 ấp của xã thì ấp Phủ Thờ là khu vực năng động nhất. Từ thu nhập bình quân đầu người cả năm thấp, 15 triệu đồng năm 2006 thì nay đạt trên 23 triệu đồng. Và thu nhập này sẽ tăng cao hơn trong tương lai vì công tác quy hoạch sản xuất và truyền nghề cho lao động đã được cụ thể hoá, đang mang lại hiệu quả bước đầu”.
Thêm một mùa vú sữa trĩu quả. Nhân dân Trí Lực lại trúng mùa thu hoạch nông sản, thu hoạch lúa. Trong giai đoạn tới, Trí Lực sẽ là xã NTM, người dân Trí Lực sẽ có cuộc sống sung túc hơn./.
Bài và ảnh: Phong Phú