ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 7-7-25 21:09:04
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trở lại Dớn Hàng Gòn

Báo Cà Mau (CMO) Khánh Lâm là cái tên đã ăn sâu vào lịch sử Cà Mau với tư cách của một vùng đất anh hùng, một căn cứ cách mạng kiên trung. Cứ mỗi lần nghe đâu đó nói "xứ nghèo" để chỉ vùng đất U Minh này sao mà chạnh lòng. Đất anh hùng qua một thời mưa bom, bão đạn; đất của những người con kiên trung, bất khuất; đất của cánh rừng tràm U Minh huyền thoại… sao cứ lại là xứ nghèo?

Có ai đó đi qua đây, hãy lắng lòng mình để nghe tiếng dội của đất tươi rói lên những mầm xanh hy vọng. Như trên đất Dớn Hàng Gòn vẫn biết còn đó khó khăn, nhưng nhất định, nơi đây sẽ là xứ giàu trong chặng đường sắp tới.

Đất khó hồi sinh

Anh Lê Thanh Mãi, Phó chủ tịch UBND xã, thông tin nhanh, Khánh Lâm giờ là xã nghèo nhất huyện U Minh. Khó khăn nhiều nhất vẫn là các ấp lâm phần và đối tượng hộ đồng bào dân tộc Khmer.

Bia tưởng niệm trận thảm sát tại Dớn Hàng Gòn ngày 11/9/1969 âm lịch, nơi ôn lại truyền thống cách mạng kiên trung, bất khuất của đất Khánh Lâm. Ảnh: Phạm Nguyên.

Con số gần 28% hộ nghèo đúng là rất đáng trăn trở. Mang băn khoăn của mình hỏi vị phó chủ tịch, anh cũng chân thành chia sẻ: “Ở đây rặt vùng ngọt hoá. Kẹt cái là đất trồng lúa không trúng. Chưa có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và bền vững. Bà con loay hoay hoài chuyện cái ăn, cái mặc…”.

Trong 14 ấp của Khánh Lâm thì có 5 ấp thuộc lâm phần, chuyện nước nôi khó chủ động, đất bị nhiễm phèn nặng nên làm lúa đủ ăn là hên. Thêm nữa, 5 ấp khác thì gò cao, đất chưa thành thuộc, cây lúa cũng èo uột theo từng vụ. Theo lời anh Mãi, năng suất lúa của bà con ở đây chỉ xấp xỉ hơn chục giạ/công/vụ. “Mấy mùa gần đây thời tiết khắc nghiệt quá trời, có vụ sạ tới 3 lần mà lúa vẫn chết trắng”, anh Mãi cho biết.

“Mình khó khăn thì phải nỗ lực hơn nơi khác, phải tính toán cách phát triển chớ”, anh Mãi khẳng định. Khánh Lâm cần nhất là chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn và khoa học - kỹ thuật, gây dựng và nhân rộng được các mô hình sản xuất hiệu quả. Hiện tại, các ấp lâm phần đã bắt đầu chuyển đổi cây lúa kém năng suất sang trồng màu kết hợp nuôi cá, trồng chuối và cây ăn trái.

Về vấn đề giảm nghèo, cái cốt lõi được anh Mãi phân tích: “Phải cho bà con thấy giá trị của đất, của sức người ở Khánh Lâm này cũng không thua kém bất cứ nơi đâu”. Cán bộ, đảng viên ở Khánh Lâm đều được phân công “nằm vùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng san sẻ với bà con những nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh. Quan điểm của Khánh Lâm rất rõ ràng: đẩy lùi nghèo khó, xây dựng quê hương anh hùng giàu đẹp.

“Để xã anh hùng mà nghèo quá, người ta cười”, anh Mãi kết luận rất gọn.

Nhớ lần đầu về Khánh Lâm, chúng tôi men theo dòng kinh Sáu Tiến đến nhà ông Sáu Kham (Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Lý Văn Cơ). Khi ấy, ông Sáu đã 92 tuổi. Buổi trưa nắng, ông vắt cái khăn rằn ra mái nước mưa rồi xối mấy gáo. Chúng tôi hỏi ông về chuyện hồi xưa, ông nói giờ lỗ tai lùng bùng, hết nghe được gì.

Ông nằm trên chiếc võng, cạnh đó là bà Sáu. Ai mà ngờ, ông già ốm nhom, mặt hiền khô, một thời lại là nỗi kinh hoàng của giặc thù. Từ đồng đất Khánh Lâm, ông Sáu đi vào những chiến công một cách bình thản đến lạ lùng. Bẵng đâu hơn một năm sau, ông Sáu mất. Kế đó, bà Sáu cũng mất theo. Vậy là cứ mỗi lần đi qua ngôi nhà lợp ngói kiểu xưa ở đầu kinh Dớn Hàng Gòn, lòng chúng tôi lại thầm tưởng niệm.

Mạnh mẽ vươn lên

Khánh Lâm mỗi lần chúng tôi đến đều có sức hút lạ lùng. Dớn Hàng Gòn là một con kinh, một con kinh có thể đại diện cho đất này về sự hy sinh, mất mát và cho một Khánh Lâm đang bừng bừng nhựa sống.

Phát huy truyền thống anh hùng, người dân Dớn Hàng Gòn đang tích cực cùng địa phương xây dựng cuộc sống mới. Ảnh: Trần Thể

Ông Ba Thích (Phan Hữu Thích, nguyên Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm) hồi nhớ: “Tụi giặc nó muốn nhổ cỏ U Minh, dùng cả máy bay chiến thuật B52 ném bom vùng này mà”. Đó là ngày 11/9/1969. Cả một tuyến kinh Dớn Hàng Gòn hơn 3 cây số bị B52 san bằng. 65 người chết, hàng trăm người bị thương.

Thuật lại chuyện này, ông Bảy Kịch (Trịnh Văn Kịch) cho biết: “Sáng sớm cỡ 4 giờ, giặc cho đầm già (máy bay L19) rà trước. 15 phút sau B52 thả bom”. Có những gia đình trúng bom chết toàn bộ 5, 6 nhân mạng. Tại nơi xây Bia tưởng niệm Dớn Hàng Gòn, chủ đất là ông Trịnh Văn Đẹp bị bom dội trúng mất xác.

Ông Bảy Kịch miêu tả chi tiết: “Bộ ván ngựa ông Đẹp nằm ngủ còn bể văng qua bên kia sông găm trúng một người chết luôn”. Còn chưa hết, giặc tiếp tục cho B57 rồi F105 “dặm bom” thêm chỗ nào còn nhà, còn màu xanh. Vậy nên qua trận oanh tạc, bề ngang khoảng 100 m, dài hơn 3 cây số, Dớn Hàng Gòn là một vùng đất chết.

Cứ đến ngày 11/9 âm lịch, cả tuyến kinh hầu như nhà nào cũng làm đám cúng cơm. Ông Ba Thích và ông Bảy Kịch là những nhân chứng sống còn lại vẫn chưa quên cái ngày khủng khiếp ấy. Nhưng Dớn Hàng Gòn luôn hướng về phía trước. Hoà bình lập lại, đây là dòng kinh đi đầu trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương.

Ông Ba Thích hết sức tâm đắc: “Bà con ở Dớn Hàng Gòn giờ cũng nhiều người khấm khá. Nhìn chung là cả xã đều có bước phát triển. Theo ông là phải xây dựng được cánh đồng lớn; áp dụng khoa học - kỹ thuật và các mô hình đa cây, đa con thì mới bền”. Còn một điều nữa mà những bậc cao niên cứ dặn đi, dặn lại: “Bia tưởng niệm xây dựng lâu quá, xuống cấp rồi. Ở đây bà con có sửa chữa mà hổng ăn thua. Cái này Nhà nước coi sao để xây lại cho đàng hoàng, bà con mong chờ lắm à!”.

Ghé thăm nhà ông Mười Chiến (Nguyễn Văn Chiến) ở Ấp 12. Với dáng vẻ khảng khái, ông nói chắc nịch: “Không nhờ nuôi cá lóc, nhà tui chắc còn xịt đụi dữ lắm”. Trồng lúa không xong, ông bỏ luôn rồi mày mò trồng keo lai, chuối và nuôi cá lóc đồng. Từ năm 2007, nhờ những lứa cá lóc mà kinh tế gia đình ông dần ổn định.

Ông Mười Chiến kể: “Ban đầu ở đây người ta cũng hoài nghi. Thấy tui mần được, giờ mấy chục hộ làm theo. Con cá lóc đồng thì đầu ra ổn định lắm”. Anh Phạm Văn Đoàn, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Lâm, tâm sự: “Đây cũng là mô hình mà xã đang nỗ lực nhân rộng. Từ cách làm này có rất nhiều bà con thoát nghèo”.

Ông Mười Chiến học nuôi cá theo một cách không giống ai. Sau mấy mùa lúa thất, ông ngồi coi ti-vi, thấy ông tiến sĩ dạy kỹ thuật nuôi cá, có ghi số điện thoại. Vậy là ông cầm điện thoại liên hệ, trao đổi. Rồi tự mày mò sách vở, hỏi thăm nhiều nơi, từ đó con cá lóc đã trở thành hy vọng của cả một vùng đất khó. Giờ về Ấp 12, nhiều người sẽ bỏ ngay cái ý định miêu tả vùng Khánh Lâm là “túi nghèo”, "xứ nghèo".

Phạm Nguyên

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài cuối: Dệt nghĩa tình nơi vùng biên

Thắt chặt tình quân - dân, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn biên giới biển, đảo, thường xuyên thực hiện các hoạt động nghĩa tình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con. Ðiều này góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết, tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc - Bài 2: Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng

Là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng chống các loại tội phạm trên biển, Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau ngày đêm tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm pháp luật. Những chiến công liên tiếp trong việc triệt phá các chuyên án, bắt giữ tội phạm đã góp phần giữ vững an ninh trật tự, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế biển.

"Lá chắn thép" nơi cực Nam Tổ quốc

Năm 2025 là năm đặc biệt đối với Bộ đội Biên phòng (BÐBP) Cà Mau khi đánh dấu 50 năm xây dựng, chiến đấu và không ngừng lớn mạnh, trở thành “lá chắn thép” nơi cực Nam Tổ quốc, đảm bảo sự bình yên và vững chắc cho vùng biển, đảo quê hương. Cán bộ, chiến sĩ BÐBP còn là những người bạn, người thân của Nhân dân, cùng chung tay xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cụ Hồ.

Lớn lên từ những chuyến đi

Trong suốt chặng đường theo nghề báo hơn 25 năm, có những lúc áp lực, tưởng chừng sẽ phải dừng lại. Song, khi nhìn lại, tôi thầm cảm ơn và tự hào với những gì mà nghề đã mang lại cho tôi, đó là những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, xa xôi, đặc biệt là những chuyến đi biển, đảo. Chính những hành trình ấy đã tiếp thêm sức mạnh, tình yêu quê hương, đất nước, bùng thêm ngọn lửa nghề trong tim tôi.

Khi ý Ðảng gặp sức dân - Bài cuối: Nâng cao hiệu quả quản trị cộng đồng

Bức tranh toàn cảnh về sự hình thành và những thành công bước đầu của mô hình tổ Nhân dân tự quản (NDTQ) tại Cà Mau, cho thấy một thiết chế đầy tiềm năng trong việc kết nối ý Ðảng với sức mạnh cộng đồng. Tuy nhiên, hành trình xây dựng và phát triển mô hình này không tránh khỏi những “gập ghềnh”, những “nút thắt” cần được tháo gỡ.

Viết báo tết trong chiến khu

Buổi sáng cuối đông năm 1973, bầu trời se lạnh. Chúng tôi ngồi viết báo Tết trong khu vườn dừa của chú Sáu Lân ở ấp Lý Ấn, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.

Khi phóng viên địa bàn đồng hành cùng địa phương

Từ thời Báo Minh Hải, phóng viên đã được Toà soạn phân công phụ trách địa bàn để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở, với bà con, nắm bắt thật sát tình hình địa phương, thực hiện các tin, bài nóng hổi tính thời sự, góp phần và đồng hành cùng với sự ổn định, phát triển của địa bàn phụ trách.

Khi ý Ðảng gặp sức dân

Trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân, vì dân”, ở Cà Mau, một mô hình tổ chức xã hội đặc biệt đang âm thầm bén rễ và lan toả sức sống: Tổ Nhân dân tự quản (NDTQ). Thoạt nghe, cụm từ này có vẻ khô khan, mang nặng tính hành chính, nhưng khi đặt chân đến những xóm, ấp nơi mô hình này đang hoạt động, người ta mới cảm nhận được hơi thở của sự tự nguyện, tinh thần đoàn kết và khát vọng làm chủ cuộc sống cộng đồng. Ðây không chỉ là hình thức tập hợp người dân theo địa bàn cư trú, mà sâu xa hơn, nó đang dần khẳng định vai trò như một cầu nối sống động, nơi ý Ðảng được truyền tải một cách gần gũi nhất, hoà quyện với nhu cầu và sức mạnh nội tại của Nhân dân.

Với nghề, tôi thấy mình như vừa chập chững tập đi...

Tôi bắt đầu công việc viết lách từ rất sớm, như các bạn tuổi mới lớn khác, tập tành sáng tác thơ và tản văn. Ở những năm học cấp III, tôi chi tiêu cho mua dụng cụ học tập, hàng quà hay những thứ lặt vặt khác, từ chính nguồn nhuận bút viết lách.

Thức cùng sóng biển

Hầu như năm nào cũng vậy, khi những làn gió chướng đầu tiên lao xao trên cành lá là cái rạo rực về những bài báo xuân cứ thôi thúc trong mỗi chúng tôi.