ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 13:49:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trở lại U Minh

Báo Cà Mau (CMO) Tôi biết U Minh Hạ lần đầu hồi 25, 26 tuổi gì đó, tức khoảng 35 năm trước. Đó là thập niên 80 của thế kỷ 20. Chuyến ấy tôi đi U Minh để viết về phong trào trồng rừng. Tôi theo chân của Tỉnh đoàn. Hồi đó họ kêu gọi và thành lập một Trung đoàn Thanh niên xung phong để về U Minh trồng rừng với tên gọi mỹ miều là “Đi lập lại màu xanh U Minh bất khuất”.

Minh hoạ: Minh Tấn

Lúc đó mưa già, rừng ngập nước lênh láng. Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy mưa ở rừng sao mà dài đến lê thê. Mặt trời mới xuống đọt cây thì màn đêm đã phủ lấy rừng đại ngàn. Đó cũng là lúc thế giới của rừng trở nên sinh động. Muỗi từ rừng túa ra; ăn cơm, nói chuyện chơi cũng phải vào mùng. Dưới làn nước đỏ U Minh là những bầy cá dày đặc, chúng táp mồi, chúng ăn máng như có kẻ nhát ma người lạ. Trên cây thì tiếng chim cò, dơi, khỉ… gọi nhau nháo nhác. Dưới chân rừng là chồn, rái, nai… chạy săn mồi xèn xẹt. Nơi đây là xứ sở của nhà trào phúng dân gian Ba Phi và 1.001 truyện cười của ông. Tức cảnh sinh tình thôi mà. U Minh giàu sản vật đến nỗi ai chưa đặt chân đến cũng không thể tin. Tay lưới của Tiểu đội 3 kéo lên khiến tôi sững sờ: 3 con rắn ri tượng to bằng bắp tay và vô số cá rô, lóc, trê, sặt bổi. Đang thời điểm nước lụt, trăn, rắn hổ và kỳ đà… bò lên các thềm đìa gò mối lúc nhúc. Lời khuyến cáo của lãnh đạo trung đoàn cho quân trồng rừng của họ là ngủ phải chèn chân mùng cho kỹ. Vậy mà một thanh niên xung phong ngủ dậy giũ mùng, mền lọt ra một con rắn hổ đất, sợ quá anh ta đào ngũ luôn.

Sáng hôm sau, tôi nhảy xuống chiếc vỏ lãi cùng với anh Lê Bé, Uỷ viên Tỉnh đoàn, Trung đoàn phó Thanh niên xung phong đi một vòng để khảo sát rừng U Minh Hạ. Và rồi thật bất ngờ, rừng U Minh trước mắt tôi như vừa trải qua một cơn bão hay một trận B52 bừa. Rừng sập và cháy đen. Có những cây tràm to cả ôm nằm sóng soài trên thảm cỏ năn, phèn xì lên vàng oánh. Một vạt rừng cháy rộng đến mút tầm mắt chúng tôi. Ở đó chỉ còn lại lưa thưa vài cây tràm nghiêng ngửa, cụt đầu. Không biết có phải vì là người bản địa mà đôi mắt Lê Bé xốn xang lạ thường. Bắt đầu từ năm 1984 đến 1986, trong 3 năm ngọn lửa đã thiêu trụi hơn 100.000 ha rừng nguyên sinh của U Minh Hạ. Sách sử chép lại rằng, vào năm 1904, người nông dân xưa vùng bán đảo Cà Mau gọi là năm Thìn bão lụt, có một cơn bão lớn ập từ biển Đông vào đã quét rừng tràm sập với diện tích bao nhiêu chục ngàn héc-ta cũng không ai còn nhớ. Chỉ biết rằng rừng tràm U Minh Hạ thu hẹp dần về hướng Cà Mau. Ngày xưa U Minh Hạ kéo dài lên tận Bạc Liêu, sau giải phóng năm 1975, dân các huyện Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai của Bạc Liêu vẫn còn đi tìm được những cây tràm bị bão làm sập vùi dưới đất, gọi là đi tìm tràm lụt.

Nhưng nếu tính ra cơn cuồng nộ của thiên nhiên vào năm Thìn ấy vẫn thua xa vụ cháy rừng suốt 3 năm kể trên. Người ta kể rằng, ngọn lửa khởi phát vào mùa khô mà đến khi sa mưa mới tắt, mặc dù có lâm trường, các xã rồi huyện, tỉnh tập trung chữa cháy rất quyết liệt.

Hơn 100.000 ha rừng nguyên sinh bị cháy, chỉ còn lại hơn 2.500 ha của khu Vồ Dơi. Dân Cà Mau đau đớn như mình vừa để tuột khỏi tay một thứ quý giá. Ngay từ thời khẩn hoang lập nghiệp, dân tứ xứ trôi dạt về Cà Mau đã vào rừng U Minh Hạ mà sinh sống. Rừng với sự giàu có về sản vật, như một bầu sữa căng tràn, đã cưu mang, nuôi nấng biết bao cảnh đời phiêu bạt. Xã hội nghề rừng hình thành với nếp sống dựa vào thiên nhiên mà sinh tồn. Ở đó nẩy nở, xuất hiện bao ngành nghề, bao làng nghề đặc biệt của rừng U Minh như nghề ăn ong, nghề đốn củi, khai thác gỗ tràm, nghề bứt dây choại, nghề đặt trúm, thả câu, giăng lưới… Rừng đã chứng tỏ một bản hình vạm vỡ là 1 trong 2 biểu tượng rừng vàng, biển bạc của Cà Mau.

Hiện tại, U Minh Hạ chỉ còn hơn 30.000 ha rừng tràm, chủ yếu là rừng trồng mới. Tôi quyết tâm đi đến cho bằng được khu Vồ Dơi - nơi còn sót lại hơn 2.500 ha rừng tràm nguyên sinh cuối cùng của U Minh Hạ. Khu Vồ Dơi này thuộc lâm phần của Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Chúng tôi đến vào một buổi trưa nóng bức, vậy mà khi xe vào đến địa phận vườn quốc gia rồi thì cảm giác như tâm hồn dịu nhẹ, nắng bớt chói chang, không gian chan hoà màu xanh mát lành. Hai bên đường là rừng tràm bạt ngàn, ngó đến mút tầm mắt. Tôi nghe thoang thoảng mùi bông tràm rồi chợt nhớ bài hát: “U Minh bốn bề là tràm, chẳng biết tháng nào nở hoa, mà hương thơm dường như suốt mùa…”.

Trụ sở Ban Quản lý Vườn Quốc gia U Minh Hạ trông khá bề thế và sung túc, nằm lọt thỏm giữa cánh rừng tràm bát ngát. Trần Công Hoằng, Phó giám đốc phụ trách và Lê Thanh Dũng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia tiếp tôi và đoàn. Đoàn gồm có tôi, Nguyễn Chiến, Tổng biên tập báo Cà Mau và 3-4 nhân viên của anh.

Ban Quản lý báo cho chúng tôi biết rằng, Vườn Quốc gia U Minh Hạ là 1 trong 2 vườn quốc gia của tỉnh Cà Mau theo Quyết định 112/QĐ-TTg ngày 20/1/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển khu bảo tồn thiên nhiên Vồ Dơi thành Vườn Quốc gia U Minh Hạ và được UNESCO công nhận 1 trong 3 vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Theo đó, vườn quốc gia này quản lý 8527,8 ha, phân chia làm 3 phân khu chức năng: phân khu dịch vụ hành chính, diện tích 743,6 ha; phân khu phục hồi sinh thái, diện tích 5190,5 ha; phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, diện tích 2593,7 ha.

Hoằng nói với chúng tôi, 15 năm qua, từ khi thành lập, anh em Ban Quản lý Vườn Quốc gia đã sống trong rừng, chịu đựng nhiều gian khổ để thực hiện những cam kết quốc tế và những nhiệm vụ mà Chính phủ và UBND tỉnh Cà Mau giao cho. Đó là bảo tồn các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, rừng tràm trên đất than bùn. Bảo tồn và tái tạo nguồn gen của các loài động vật quý hiếm, cung cấp nguồn giống sinh vật tự nhiên cho toàn vùng.

Để cho nhà văn tiếp cận thực tế, Ban Quản lý Vườn Quốc gia đã cử Phó giám đốc Dũng đưa chúng tôi xâm nhập rừng tràm U Minh Hạ.

Nếu ngày xưa vào rừng phải lội rừng hoặc chèo xuồng ba lá, sang hơn một tí thì đi xuồng máy, còn nay chúng tôi vào rừng bằng xe ô-tô, phong thái giống như đi dạo chơi ở một thảo cầm viên nào đó chứ không phải như ngày xưa cực khổ. Con đê bao ví mấy ngàn héc-ta rừng để giữ nước, phòng cháy rừng nay biến thành một con lộ nhựa vành đai và xẻ giữa ruột rừng là những con kênh, mà bờ kênh bây giờ cũng biến thành lộ xe. Xe chúng tôi đi trên lộ mà như chen vào giữa vườn cam, dâu, chuối già, chuối xiêm và các loại cây ăn trái khác. Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã biến đất phần trăm không trồng tràm thành những vườn cây ăn trái sum suê. Nhìn cảnh tượng “không sao chịu nổi”, tôi yêu cầu dừng xe trên một đoạn đường để xem cam trĩu quả và giao đu đụng nóc xe. Tôi ước tính mỗi cây cam có thể thu hàng trăm ký trái. Và “con đường cam” chạy dài đến mấy cây số. Mấy chục năm trước có lẽ ai giàu tưởng tượng nhất cũng không thể nào hình dung nổi có một vườn cây ăn trái mọc giữa ruột rừng U Minh Hạ như bây giờ. Đất rừng U Minh, với tầng than bùn dày cả mét quả là lý tưởng cho các loài cây ăn trái sinh sống.

Giáp với đất vườn quốc gia là đất của các hộ cá thể, nhận giao khoán đất rừng cách đây hơn 20 năm với quy định trồng và giữ rừng, đồng thời có để lại phần trăm đất lâm phần để các hộ trồng tỉa, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi khác mà sinh sống. Tôi nhớ hồi đó, báo Tuổi Trẻ viết bài và Nhà văn Võ Đắc Danh đã làm một bộ phim tài liệu rất thiết tha kêu cứu rằng U Minh đang đói.

Những nhận định “vội vàng” của họ gây nên sự giận dữ của chính quyền địa phương. Tôi xem lại những thước phim được làm cách đây mười mấy năm thì thấy 5-6 nhân vật mà ê-kíp làm phim tiếp cận là đối tượng nhận khoán đất rừng nhưng thuộc các thành phần: đối tượng chính sách, người có công, người nghèo không đất…, tựu trung họ là giai tầng nghèo sát đáy xã hội. Họ đưa gia đình, vợ con vào rừng cặm đất sinh sống, ngoài mấy cái xoong chảo, vài ký gạo và một chiếc xuồng ba lá thì không còn tài sản nào nữa. Trong khi đó, Nhà nước không đầu tư, cũng không cho vay. Muốn giữ được rừng thì phải phát triển được kinh tế hộ gia đình mà trụ lại, mà chờ đến ngày rừng lớn để chia lãi với Nhà nước. Nghĩa là muốn làm được điều ấy thì cần một số vốn lớn để đào kênh bao ngạn, chống cháy rừng kết hợp với phát triển cá đồng và các loài thuỷ đặc sản của U Minh…

Thế nên, vì nghèo quá họ tiếp tục vào rừng khai thác tràm non mà sinh sống hoặc đi ăn ong vào mùa khô rồi gây ra cảnh cháy rừng. Có hộ chịu không nổi, phải bán mảnh ruộng Nhà nước giao cho người khác.

Thực trạng rừng U Minh Hạ lúc đó, các cơ quan thông tin đại chúng nhìn rất bi quan. Thế mà giờ đây, nhìn chung các hộ nhận đất rừng ngoài phạm vi Vườn Quốc gia U Minh Hạ và trong hơn 20.000 ha rừng tràm U Minh Hạ của Cà Mau, đời sống kinh tế rất vững vàng. Nhà nào cũng thu nhập vài chục đến vài trăm triệu đồng nhờ vào việc tận dụng đất phần trăm được giao để trồng lúa, trồng cây ăn trái, nuôi cá đồng. Nhiều hộ đang khai thác gỗ tràm được chia phần với Nhà nước. Đời sống dân U Minh Hạ trở lại vững vàng, sung túc không thua gì các vùng xổ nước mặn vào nuôi tôm ở Cà Mau.

Xe dừng lại các chốt kiểm lâm rồi vào chơi những lán trại nhỏ mà khang trang, mát rượi. Anh em kiểm lâm của chốt ai cũng vui, đãi chúng tôi những món cây nhà lá vườn mà họ trồng để cải thiện như mía, chuối, ổi, dâu, khóm…

Chúng tôi cũng được đưa vào xem khu bảo vệ nghiêm ngặt, đó là hơn 2.500 ha rừng nguyên thuỷ cuối cùng còn sót lại. Tôi sững sờ trước vẻ đẹp của rừng. Tràm to cả ôm người, mọc giăng giăng, xen lẫn với dây choại, mướp, mật cật. Dưới chân rừng, dưới các dòng kênh là bông súng đồng nở hoa tím ngắt. Một bạn trẻ trong đoàn nhìn thấy đàn khỉ leo trên ngọn cây và la lên chói lói. Dũng, Phó giám đốc Vườn Quốc gia nói với tôi: “Hiện tại do rừng được bảo vệ tốt nên động vật rừng đã phục hồi và phát triển nhanh như khỉ, heo rừng, nai. Có bữa chúng đi ăn vào tận các chốt giữ rừng. Khỉ thì nhiều, còn nai, heo rừng mỗi loại có đến hàng ngàn cá thể. Ngoài ra, ong mật, dơi quạ, diệc mốc, diệc lửa cũng phát triển nhiều trong rừng. Dưới chân rừng thì kỳ đà, trăn gấm, lươn, rùa và cá đồng cũng sinh sôi mỗi năm nhiều hơn”.

Buổi trưa, vườn quốc gia làm một bữa cơm cây nhà lá vườn đãi khách quý. Bữa cơm dọn ra trong một khu lán trại giữa rừng. Trên là tràm, dưới là nước đỏ U Minh. Và cá lóc đồng táp bôm bốp trước mặt như đón chào khách. Bữa cơm dọn ra gồm các món: cá trê vàng to cỡ bắp tay, cá rô mề lớn hơn bàn tay em bé nướng trui, canh chua cơm mẻ lươn, cá sặt bướm kho sả, rắn kho nước dừa và nấu cháo đậu xanh. Còn rau rừng thì rất nhiều loại, có những thứ tôi chưa từng biết. Tôi gắp một miếng cá trê vàng nướng to rồi gói cùng nhiều loại rau rừng và cho vào miệng, nghe vị béo, ngọt đến tận xương tuỷ. Sản vật U Minh quả tuyệt vời.

Vâng, rừng U Minh đã từng tuyệt vời, từng hào phóng như một bà mẹ nhân từ suốt hàng trăm năm qua. Nó đã từng dung dưỡng, nuôi nấng những thế hệ đầu tiên đi khai hoang về Cà Mau để khẩn hoang lập nghiệp. Nó đã từng che chở, nuôi nấng người Cà Mau đi qua 2 cuộc kháng chiến đầy gian khổ hy sinh, để rừng Cà Mau trở thành ký ức bồi hồi, anh dũng trong lòng người Cà Mau qua nhiều thế hệ.

Giờ đây, về rừng U Minh, thấy rừng tràm phát triển trở lại, trong lòng tôi chợt vui, chợt mừng. Mừng không hẳn vì Vườn Quốc gia U Minh Hạ thực hiện được nhiệm vụ của Chính phủ, UBND tỉnh Cà Mau giao cho và thực hiện được những cam kết quốc tế…, mà mừng vì một phần máu thịt của Cà Mau được giữ lại để hun đúc, nuôi nấng tâm hồn người Cà Mau./.

 

Phan Trung Nghĩa

 

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.