ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 00:28:46
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

"Trồng hoa" trong khu vườn... khuyết

Báo Cà Mau (CMO) Mỗi lần có dịp bước vào ngôi trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Cà Mau, nhìn những gương mặt hồn nhiên đang dò dẫm đọc từng con chữ nổi, khi lại cười đùa ú ớ bằng những động tác tay chân, gần đó là cái ngây ngô của những trẻ tự kỷ... làm người đối diện không khỏi chạnh lòng. Tôi thường ví nơi đây như khu vườn khiếm khuyết, và những thầy cô giáo, nhân viên như người "làm vườn" không ngại vất vả, ngày đêm chăm chút với mong ước duy nhất là một ngày khu vườn sẽ nở hoa.

Có dịp trò chuyện với cô Nguyễn Thị Út Mai (sinh năm 1983) và cô Lê Thị Mộng Tuyền (sinh năm 1987), những người trực tiếp làm công tác giảng dạy, quản lý học sinh tại ngôi trường đặc biệt này, chợt thấm thía câu châm ngôn: "Đủ nắng hoa sẽ nở, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy".

Thương học trò như con

Từ lâu trường là ngôi nhà thứ 2 để cô Tuyền gửi vào đó tấm lòng của người chị, người mẹ dành cho các em học sinh đặc biệt của mình.
Cô Lê Thị Mộng Tuyền bên cậu học trò khiếm thị.
Cô giáo Nguyễn Thị Út Mai tỉ mỉ đút từng muỗng cơm cho một trẻ tự kỷ.

"Suốt một chặng đường theo nghề giáo đã qua cũng có nhiều khó khăn, nhưng chưa bao giờ trong suy nghĩ mình có ý định là sẽ dừng lại, mà luôn xem các em như những đứa con ruột thịt. Đó là cách duy nhất để có thể tiếp cận, gần gũi và hết lòng cùng những học trò đặc biệt này", tất bật đút từng muỗng cơm cho các trẻ tự kỷ trong giờ ăn trưa, cô Nguyễn Thị Út Mai, hiện là Tổ trưởng Tổ 1 trẻ em tự kỷ, nhẹ nhàng bộc bạch.

Công tác tại trường đến nay đã 12 năm, ban đầu cô Mai được phân công giảng dạy cho trẻ khiếm thính. Môi trường quá đặc thù, tất cả mọi suy nghĩ của học trò đều chỉ có thể biểu hiện qua hành động, biểu cảm mơ hồ khiến ngày đầu tiên bước vào lớp là sự bỡ ngỡ, nhìn cách các em giao tiếp cô giáo chỉ biết đứng trên bục giảng cười trừ. Rồi sau 3 tháng cố gắng trau dồi thêm về ngôn ngữ ký hiệu, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, cô giáo trẻ càng tự tin hơn. Cô nhận ra, ở đây cô giáo không chỉ là nơi để các em học tập mà còn là điểm tựa để bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ... nên phải học nhiều hơn nữa để gắn bó với nghề. Qua từng ngày tiếp xúc với các em, cô yêu nghề lúc nào chẳng hay. Mỗi khi lên lớp, được nhìn khuôn mặt ngây thơ, từng cử chỉ, ký hiệu, những âm thanh được phát ra bằng cả sự cố gắng là bao nhiêu cái riêng đều được tạm gác lại, bởi "tụi nhỏ đã chịu nhiều thiệt thòi rồi, phải coi như là con của mình để bù đắp lại", cô Út Mai bày tỏ.

Sau 9 năm gắn bó với trẻ khiếm thính, cô Mai được nhà trường phân công chuyển sang dạy trẻ tự kỷ. Một đối tượng học trò hoàn toàn khác, kèm theo đó đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn bởi nếu như trẻ khiếm thính có thể nhận thức và sinh hoạt theo nền nếp thì đối với trẻ tự kỷ, tất cả điều này gần như là con số 0, hình thức quản lý khó khăn hơn rất nhiều.

Ban đầu việc tiếp cận với học trò cực kỳ khó. Bởi trẻ tự kỷ thường không giao tiếp với người lạ, không nhìn, không tương tác, thấy cô giáo là bỏ chạy, thậm chí có hành vi xấu như đánh, cắn..., đòi hỏi giáo viên kiên trì thuyết phục với nhiều hình thức trị liệu bằng âm nhạc, trò chơi... để trẻ quen và từng bước đưa vào khuôn khổ.

Theo cô Mai, hiện tại lớp tự kỷ gần 50 bé. Lớp học này chủ yếu dạy kỹ năng, qua kiểm tra đầu vào nhiệm vụ của giáo viên là sẽ cố gắng lấp đầy những phần khuyết như: Kỹ năng sống, viết, nghe, nói, ăn, uống... cho đến khi bé có thể chuyển sang học chữ. Thời điểm ban đầu, 10 bé đã hết 8 bé không biết ăn cơm, mỗi lần cho ăn, cô cùng đồng nghiệp phải dùng các biện pháp thuyết phục rất vất vả. Nhưng tới thời điểm này, hầu như bé nào cũng biết ăn cơm và thể trạng dần phát triển... "Vất vả nhất là bài tập vận động cho các con, tay rất yếu không cầm được, muốn tập được cái này đôi lúc giáo viên bị cắn hoặc cào cấu rất nhiều. Đầu năm học, nhiều người hỏi sao cô Mai lúc nào cũng mặc áo khoác, thực ra là để che vết bầm. Nhưng mình không sợ bầm, bởi khi trẻ bấu vô, giựt ngay áo mình chúng sẽ có cảm giác chán không muốn giựt nữa, phải bấu được vào tay cô mới kích thích được cơ vận động. Đó là kinh nghiệm qua nhiều ngày dạy nên sẵn sàng chấp nhận, miễn sao các con ngày một cải thiện tốt hơn", cô Mai tâm tình.

Trường chính là ngôi nhà thứ hai

Ngày trước nhà chị gái ở gần trường, nên mỗi lần có dịp vào chơi với các em, xen lẫn ở đó là sự tò mò, thương cảm rồi mến tay mến chân khi nào chẳng biết. Với mong muốn được gần gũi các em hơn, năm 2011, cô Lê Thị Mộng Tuyền ngỏ ý xin vào làm nhân viên nấu ăn tại trường. Sau 3 năm làm công việc nấu ăn, mỗi giờ ăn của các em luôn được cô chăm chút, tranh thủ khoảng thời gian ngắn để giao tiếp, chia sẻ... làm cho sự gắn kết ngày một tăng dần. Nhận thấy năng lực và tấm lòng của cô đối với học sinh, nhà trường tạo điều kiện để cô tham gia các khoá tập huấn kỹ năng giao tiếp, học nhiều hơn về ngôn ngữ ký hiệu, đồng thời tin tưởng phân công phụ trách công tác quản lý học sinh.

"Được cận kề theo sát các em đó là niềm vui nhưng xen lẫn đó lại là nỗi lo lắng bởi quản lý một lúc tất cả các em thuộc nhiều độ tuổi, nhiều khiếm khuyết khác nhau là chuyện không hề dễ dàng. Ban đầu việc giao tiếp không mấy đồng điệu, không còn cách nào khác ngoài việc lấy tình thương của mình lấp vào, chịu khó tiếp cận, quan tâm thường xuyên, giải thích những thắc mắc khi học trò cần. Thấy cô giáo thương, các em dần mở lòng, tạo cầu nối cho cô trò ngày một hiểu nhau", cô Tuyền chia sẻ.

Công việc quản lý học sinh buộc cô phải theo sát các em. Đều đặn hàng ngày, bắt đầu từ 5 giờ sáng, cô trò cùng thức dậy tập thể dục, vệ sinh cá nhân, xuống phòng ăn sáng, chuẩn bị đồng phục và sẵn sàng vào lớp. Nối tiếp theo đó là nắm lịch nhắc nhở giờ giấc học tập, cũng như các hoạt động ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, thậm chí quản lý luôn giờ giấc đưa rước của phụ huynh đối với các em học ngoại trú.

Thông thường, mỗi tuần sẽ có hai buổi sinh hoạt ngoài giờ vào chiều thứ Ba và thứ Năm dành cho quản lý. Đây là khoảng thời gian cô Tuyền tâm đắc nhất, là dịp để các em ngồi lại gắn kết, đồng thời nhận xét lại tất cả tình hình tuần qua, em nào tốt sẽ được tuyên dương, em chưa tốt thì nhẹ nhàng nhắc nhở, động viên để tiếp tục cố gắng học tập, rèn luyện.

Đối với các em thuộc độ tuổi đang lớn, cô chủ động tìm hiểu qua báo chí, sách vở, mạng Internet những kiến thức về tâm, sinh lý để tư vấn, giải đáp thắc mắc cho học sinh. Hai buổi sinh hoạt trong tuần được cô chia ra, một dành chung cho tập thể và một dành cho các em ở độ tuổi vị thành niên, lồng ghép sinh hoạt kiến thức giới tính một cách khoa học, ý nhị. "Chịu khó học hỏi, nhiệt tình, hết mình với công việc", là những nhận xét của nhiều đồng nghiệp khác khi nhắc đến cô Tuyền, bởi nhiều năm qua, từ khi đảm nhiệm công tác quản lý học sinh, nơi đây không chỉ là trường học mà còn là ngôi nhà thứ hai được cô gửi vào đó tấm lòng của người mẹ, người chị lớn dành cho tất cả học sinh của mình.

Mỗi ngày trôi qua của giáo viên dạy trẻ tự kỷ như cô Mai, nhân viên quản lý học sinh hay như cô Tuyền cứ nối tiếp với những tất bật. Nhưng khi được ngồi lại để nói về nghề, những nụ cười cứ lấp lánh với đong đầy tình yêu thương dành cho những học trò khiếm khuyết. Niềm hạnh phúc lớn nhất được nhận lại của hai cô cũng như tất cả những giáo viên, nhân viên tại mái trường đặc biệt này là thấy học trò lớn lên từng ngày, rồi nhiều học trò khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ... sau khi hoàn thành chương trình tiểu học được học nghề và lần lượt có công việc ổn định, xoá dần mặc cảm để mạnh mẽ vươn lên hướng về một tương lai tươi sáng hơn./.

Phúc Phúc

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài cuối: Chìa khoá mở rào

Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo hiện nay được xem là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Ðối với 2 ngành hàng chủ lực là con tôm và con cua, càng phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo để tạo bước đột phá vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững.

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực - Bài 2: Vào chặng đường "địa hình"

Vài năm gần đây, 2 ngành hàng chủ lực của tỉnh đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ðường đua trên thị trường của tôm, cua Cà Mau đang bước vào chặng “vượt địa hình” do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả của các quốc gia trong khu vực và quốc tế...

Thay đổi để phát triển bền vững ngành hàng chủ lực

Tôm, cua Cà Mau là 2 ngành hàng chủ lực nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành thuỷ sản tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, 2 mặt hàng này đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần có sự thay đổi nhanh, toàn diện để tạo đột phá và phát triển bền vững.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài cuối: Xứng đáng với vai trò, trọng trách

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HÐND 3 cấp tại Cà Mau đã trở thành quyết tâm, xu thế để đại biểu dân cử, cơ quan dân cử xứng đáng với vai trò, trọng trách được cử tri tin tưởng trao gởi. HÐND các cấp của vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc đang ra sức phụng sự, phấn đấu, cống hiến vì mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 3: Tiếp xúc cử tri “đúng người, đúng việc, đúng vai”

Ông Nguyễn Tiến Hải, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HÐND tỉnh Cà Mau, từng rất trăn trở: “Tiếp xúc cử tri mà cán bộ nhiều hơn dân thì chưa đúng người, đúng việc, đúng vai. Tình trạng này phải chấn chỉnh ngay, phải để tiếp xúc cử tri là nơi thể hiện quyền làm chủ thật sự, thực chất của Nhân dân; để bà con cử tri đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng và hiến kế góp phần vào sự ổn định, phát triển chung của địa phương”.

Hành trình của khát vọng và hành động - Bài 2: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm

Giám sát là hoạt động quan trọng của HÐND các cấp, góp phần xác định vị thế, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử, cơ quan dân cử, tạo dựng niềm tin và sự tín nhiệm đối với cử tri. Giám sát có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hình thức giám sát, được đo đếm bằng kết quả thực tế, sự đánh giá của cử tri chính là nỗ lực, mục tiêu mà các cấp HÐND tỉnh Cà Mau đang dồn sức thực hiện.

Hành trình của khát vọng và hành động

HÐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân; thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương bằng việc ban hành các nghị quyết tại các kỳ họp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và trong phạm vi thẩm quyền theo quy định pháp luật.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài 2: Linh hoạt với những mô hình hiệu quả

Giai đoạn 2020-2025, Cà Mau có nhiều cách làm chủ động, linh hoạt trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi nghề hiệu quả, hàng loạt kế hoạch đào tạo lao động tại địa phương đã giúp người dân vượt khó vươn lên, mang tính thực tiễn cao.

“Thắng giặc nghèo” không khó - Bài cuối: Nhìn từ thực tế

Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đến năm 2022 Trung ương mới bắt đầu phân bổ kế hoạch vốn và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, các hướng dẫn từ Trung ương chưa đầy đủ, kịp thời nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cấp tỉnh, cùng với sự nỗ lực của địa phương và người dân, các hoạt động thuộc chương trình đã và đang triển khai thực hiện cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

“Thắng giặc nghèo” không khó

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, nhất là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người dân, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, mang lại kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau khi thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên.