(CMO) Ra đời mấy năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Trung đội nữ pháo binh Cái Nước đã làm rạng rỡ truyền thống hào hùng. Những chiến công còn nhớ mãi trên quê hương, gắn liền với đơn vị của những người con gái thời ấy. Trong nhiều trận đánh phối hợp, trận diệt đồn Rạch Chèo được xem là trận phối hợp tuyệt đẹp.
Đồn Rạch Chèo đóng trên tuyến sông Bảy Háp, ngay ngã ba Kinh Năm thẳng ra. Quân giặc gồm một đại đội bảo an, một trung đội thám báo do tên Đại uý Phú khét tiếng gian ác làm trưởng đồn. Chúng trang bị súng cối, đại liên, máy bộ đàm liên lạc, công sự xây ngầm kiên cố hơn các đồn khác. Địa hình rừng chồi, cây mắm, đước chen dày đặc. Đất sình lầy, nước lớn là ngập bãi, rất khó cho ta đào công sự. Bọn chúng dọn cây trống quanh đồn cả trăm mét, đèn pha sáng đêm…
Trung đội nữ pháo binh huyện Cái Nước, đơn vị đã góp phần quan trọng trong các trận phá tuyến phòng thủ Bình Hưng và vành đai bảo vệ tỉnh lỵ An Xuyên của địch (1973-1975). Ảnh: VÕ AN KHÁNH. |
Trước đây, đơn vị tỉnh về đánh đồn Rạch Chèo nhiều trận, nhưng bọn giặc ngoan cố, chưa bỏ đồn.
Thời điểm đầu năm 1975, toàn bộ bọn giặc ở đâu cũng suy yếu, không còn đổ quân càn quét, chi viện. Sau khi thực địa về, 3 đơn vị vũ trang huyện Cái Nước hạ quyết tâm sẽ bao vây đồn Rạch Chèo 7 ngày đêm, tiêu diệt từng bộ phận của giặc. Lúc 18 giờ tối ngày 8/1/1975, các đơn vị hành quân ra trận đầu năm.
Đại đội 1 chịu hướng xuống Gò Công.
Đại đội 2 chịu mũi lên Đồng Cùng.
Trung đội pháo nữ và Trung đội du kích xã Tân Hưng Tây chịu mũi Kinh Năm ra sông Bảy Háp.
Một sự cố đáng tiếc xảy ra: Khi Đại đội 1 đưa quân ra vị trí, bất ngờ lọt vô vòng phục kích của bọn thám báo. 4 đồng chí đã hy sinh, giặc đem về đồn, ta không lấy được tử thi. Các đồng chí Đại đội 1 lùi ra phía sau - cách nơi đụng trận đoạn ngắn, dừng lại chốt công sự để kịp giờ hiệp đồng nổ súng.
Đúng 2 giờ sáng ngày 9/1/1975, lăng-xà-bom của đơn vị nữ bắt đầu điểm hoả vào đồn Rạch Chèo. Các mũi cùng nổ súng, chia lửa quyết liệt. Vào trận, đơn vị nữ đánh 3 quả pháo lăng-xà-bom, lại chờ gần sáng ngắm đúng mục tiêu bắn thêm 2 quả nữa rồi đưa pháo vào tuyến trong. Biết được cự ly xa, Chín Dung đề nghị đưa công sự lên gần vòng rào gai của giặc để bắn vào đồn cho chính xác.
Giặc phát hiện nơi đặt hoả lực của ta, chúng cho bọn thám báo bò ra định đánh vu hồi. Nhưng ta biết trước. Khi giặc tới, tổ du kích chận đầu, đánh mìn nổ tung. Chúng hoảng chạy trở lại và không dám bò ra nữa.
Sự chi viện cho quân giặc đồn Rạch Chèo lúc này còn pháo 105 ly từ Bình Hưng, Đồng Cùng và tiểu pháo hạm Năm Căn. Đêm thứ hai rồi thứ ba, cứ mỗi đêm đơn vị pháo nữ bắn cầm chừng 5 quả lăng-xà-bom vào đồn cho giặc bắn trả lại mau hết đạn của chúng. Sang ngày thứ ba, quân giặc bắn trả yếu ớt… Qua 3 ngày đêm nằm công sự vây đồn, pháo giặc nổ cầm canh xung quanh để trấn an cho bọn lính đồn. Mỗi lần pháo giặc bắn, các chiến sĩ ta phải xuống công sự - lúc nước lớn ngập sát nắp hầm, chỉ đưa chót mũi lên để thở… Bé Hai trao đổi với Bảy Tuyết, Chín Dung, Năm Hiền:
- Mình đánh lăng-xà-bom ban ngày mới chính xác, giặc mau chạy, rút ngắn thời gian cho chiến sĩ ta đỡ vất vả, mỏi mệt.
Nghe có lý có tình, các đồng chí trong Ban Chỉ huy Trung đội nữ cũng đồng ý. Bé Hai liền đến Ban Chỉ huy tiền phương gặp đồng chí Sáu Dũng, Huyện đội trưởng, đề xuất ý kiến của Trung đội pháo nữ… Qua vài giây, đồng chí Sáu Dũng hỏi:
- Phương án đánh thế nào, đồng chí trình bày tôi nghe!
Bé Hai được cơ hội, nhưng bằng trí tưởng tượng chứ chưa có sơ đồ. Trước hết, Bé Hai báo cáo tình hình sức khoẻ của chiến sĩ qua 3 ngày ngoi hầm nước, gương mặt người nào cũng hốc hác, mệt nhoài. Chỉ chọn cách đánh lăng-xà-bom ngày đêm liên tục mới rút ngắn thời gian. Nhưng binh hoả lực phải đáp ứng yêu cầu. Ban Chỉ huy tiền phương tăng cường cho tổ lăng-xà-bom 6 đồng chí du kích có sức khoẻ, tình nguyện bảo vệ trận địa.Về hoả lực, tăng thêm 10 quả lăng-xà-bom, 2 quả mìn Claymo, 100 viên đạn đại liên cho mũi Đại đội 2, bổ sung thêm 100 viên đạn M16 cho 2 tổ bảo vệ lăng-xà-bom… Sau khi nghe phương án và yêu cầu của đồng chí Bé Hai, Huyện đội trưởng Sáu Dũng hỏi:
- Ai trực tiếp đánh lăng-xà-bom ban ngày?
- Tôi! Được không anh Sáu? Bé Hai rất tự tin, chẳng ngần ngại nhận lãnh nhiệm vụ về mình.
Và Ban Chỉ huy tiền phương, trực tiếp là Huyện đội trưởng quyết định, đã đồng ý phương án của Trung đội pháo nữ.
Đêm thứ tư, Bảy Tuyết đưa lăng-xà-bom ra đánh vào đồn 5 quả, kéo dài đến 4 giờ sáng. Bé Hai và Chín Dung chở 10 quả lăng-xà-bom ra thay cho Bảy Tuyết. Sáng nay, đồng ý để cho lăng-xà-bom đánh ban ngày, Ban Chỉ huy tiền phương rất lo vì chiến thuật này còn mới, Trung đội pháo nữ chưa đánh lần nào. Ban Chỉ huy tiền phương phân công đồng chí Phong mang máy bộ đàm ở tại công sự hoả lực lăng-xà-bom, phòng bất trắc báo cáo kịp thời.
Đúng 6 giờ sáng ngày 12/1/1975, quả lăng-xà-bom đầu tiên nổ vào đồn Rạch Chèo ban ngày, đã làm cho giặc hốt hoảng. Dù ngoan cố, hung hăng nhưng đến giờ này bọn chúng nghĩ rằng quân chủ lực của ta về đánh. Chúng cầu cứu, xin tiếp viện, nhưng chi khu, tiểu khu bất lực. Tỉnh trưởng An Xuyên hà hơi bằng chiếc máy bay trinh sát L19 xuống quần đảo, phóng pháo, chỉ điểm cho các cụm pháo từ xa đã bắn cầm canh mấy ngày nay. Pháo giặc nổ dữ dội vào đội hình ta, cách công sự lăng-xà-bom 20 m là gần nhất. Nhưng không hề lay chuyển, cứ qua đợt pháo của giặc thì các đồng chí Trung đội nữ điểm hoả lăng-xà-bom, các mũi đại liên, tiểu liên của Đại đội 1, Đại đội 2 cùng chia lửa với pháo như lời hẹn, nổ rộ vào đồn.
Từ sáng đến 16 giờ chiều, đơn vị pháo nữ đã bắn 9 quả lăng-xà-bom vào đồn Rạch Chèo, chỉ còn 1 quả. Bé Hai cứ ngắm tới ngắm lui sao cho ngay cây ăng-ten điện đài, vì xác định khi nào đứt liên lạc thì chúng mới đầu hàng. Ta đã bắn gần 25 quả rồi, còn quả cuối cùng này, nếu bắn không trúng ăng-ten đồn thì phải chịu đêm nay và ngày mai hoặc đến thứ Bảy…
Bé Hai suy nghĩ mãi cho đến 17 giờ chiều mà không dám điểm hoả. Ánh nắng chiều còn chói chang như soi rọi cả “đôi bên”, im lặng như chờ đợi. Bé Hai kêu Chín Dung kiểm tra lại mục tiêu “chắc ăn chưa?”, gọi tổ du kích lại ngắm tiếp “mục tiêu là cây ăng-ten, ngay chưa?”. Bắn không trúng chắc tiếc lắm! Như cây gai cần phải nhổ… Xem đồng hồ, 18 giờ kém 15 phút. Quả pháo mang đầy hy vọng cuối cùng được Bé Hai điểm hoả bay vào đồn. Một cụm khói lớn bốc lên rồi tan dần, mọi người không còn nhìn thấy cây ăng-ten đồn Rạch Chèo nữa. Nỗi vui mừng của chị em Trung đội pháo nữ không sao kể xiết. Đồng đội các mũi cùng reo lên:
- Gãy ăng-ten rồi! Gãy ăng-ten rồi!
Đồng chí Bí thư Huyện uỷ Cái Nước - chú Tư Vân, không rõ đến Ban Chỉ huy tiền phương lúc nào, cũng tận mắt chứng kiến.
Chú Tư, tức đồng chí Nguyễn Văn Để, điện ra hỏi:
- Quả pháo mới nổ, ai bắn vậy?
Chú gởi lời khen xạ thủ vừa bắn gãy ăng-ten đồn.
Lãnh đạo, chỉ huy nhận định đêm nay quân giặc sẽ chạy bỏ đồn Rạch Chèo. Các đơn vị chuyển phương án đánh “bò lạc”. Năm Hiền chuẩn bị ra đổi trực cho Bé Hai và Chín Dung, thì có lệnh triển khai đi chiếm đồn.
Tin chiến thắng lan nhanh khắp xã Tân Hưng Tây, chỉ sau vài giờ, lực lượng dân công cùng bộ đội, tốp đi chặn bắt tù binh, tốp chở chiến lợi phẩm… Huyện uỷ Cái Nước phát động Nhân dân bao vây bắt “bò lạc” và bộ phận an táng chở 4 liệt sĩ đã hy sinh lúc ra trận, đưa về nghĩa trang…
Quân giặc bỏ đồn bò ra ngoài, đụng lực lượng ta đang truy kích, chúng chạy tán loạn vào khu rừng 388 - khu rừng mắm bạt ngàn của xã Tân Hưng Tây. Cuộc bao ví bắt tù binh diễn ra sôi động một vùng. Cùng các đơn vị, chị em Trung đội pháo nữ cũng tay súng lăm lăm, băng sình lầy rượt đuổi, gặp cảnh vợ lính giặc lạc trong rừng khóc la inh ỏi…
Ra trận đầu năm, chỉ 4 ngày, 5 đêm, 3 đơn vị vũ trang huyện Cái Nước đã dứt điểm đồn Rạch Chèo, bắt sống 39 tên, có tên Đại uý Phú Trưởng đồn, 2 thiếu uý, 1 chuẩn uý, 4 trung sĩ, 5 hạ sĩ… Thu 48 súng, có 2 khẩu cối 60 ly, 2 đại liên, 3 khẩu M79, 4 máy PRC25 và 50.000 viên đạn các loại.
Với khí thế hừng hực trên chiến trường, Trung đội nữ pháo binh Cái Nước phối hợp cùng các đơn vị tiếp tục bao vây, tấn công, bứt rút Chi khu Giá Ngựa và nhiều đồn bót giặc trên tuyến sông Bảy Háp, góp phần vào chiến công của huyện nhà đến ngày toàn thắng 30/4/1975.
Nguyễn Minh