(CMO) Trong 19 tiêu chí để một địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) có tiêu chí số 6: trung tâm văn hoá (TTVH) phải đạt chuẩn của Bộ VH-TT&DL. Tiêu chí này, một mặt góp phần thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, mặt khác tạo điều kiện giúp người dân nông thôn nâng cao mức thụ hưởng văn hoá, tinh thần, khắc phục tình trạng chênh lệch mức hưởng thụ văn hoá của người dân thành thị với nông thôn. Tuy nhiên, nhiều công trình sau khi được xây dựng chưa phát huy hiệu quả, dường như chỉ để đảm bảo đủ tiêu chí xây dựng NTM.
Bề nổi thành tích
Có thể nói, xây dựng TTVH (theo tiêu chí số 6) là thúc đẩy phát triển hạ tầng NTM, tạo điều kiện để mọi người dân nâng cao mức thụ hưởng văn hoá, tinh thần. Nhưng mặt khác, tiêu chí này lại tạo khó khăn cho các địa phương, vì thực tế hầu hết các xã không có quỹ đất công, mà việc mua lại đất của dân gần khu trung tâm xã quá đắt đỏ, có xã có quỹ đất nhưng lại cách xa khu dân cư. Vì vậy, để xây dựng TTVH nhằm hoàn thiện tiêu chí NTM, không ít địa phương đã xây dựng trung tâm ở những khu vực có thể.
Gặp anh bạn trong ngành văn hoá huyện, bộc bạch với anh nhã ý muốn tìm hiểu về TTVH các xã, anh phán câu xanh rờn: “Ðất rộng quá, mọi người đang tính toán xem thả mớ heo rừng ra đó cho nó sinh sôi, nảy nở để cuối năm còn có cái mà thu hoạch”. Câu nói vui ấy là hình ảnh sinh động nhất tại TTVH một số xã hiện nay.
“Ðất rộng, người thưa” là thực tế tại một số TTVH hiện nay. “Ðất rộng” bởi để cho phù hợp điều kiện quy định (tối thiểu 2.000 m2 của Bộ VH-TT&DL), còn “người thưa” là do chưa gắn được hoạt động đúng nghĩa nên người dân không mặn mà vào đây sinh hoạt.
Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Văn Sơn cho rằng: “Huyện đã làm mọi cách để vận động xã hội hoá, thu hút mọi tổ chức và cá nhân vào đây đầu tư các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao. Thậm chí không thu phí, chỉ cần người dân vào đầu tư, vậy mà cũng chẳng thấy ai có nhã ý”.
Chính vì xây dựng ở những vị trí không phù hợp, nên hầu hết các trung tâm gặp khó khăn trong công tác vận động xã hội hoá. Trong khi đó, việc vận động xã hội hoá đầu tư các sân chơi thể thao, trang thiết bị vui chơi trẻ em, phòng tập thể hình… rất cần thiết, nhằm thu hút người dân đến sinh hoạt, vui chơi.
Khi khảo sát thực tế, chúng tôi mới hiểu được vì sao nhà đầu tư ngán ngại, không dám đầu tư các khu vui chơi, giải trí tại các TTVH. Hiện khu Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Phú Tân được quy hoạch với diện tích 5 ha, cơ sở hạ tầng nhếch nhác, nằm phía sau khu hành chính của huyện, xa đường lộ lớn. Ðiều đáng quan tâm, trung tâm xây dựng đã lâu, nhưng không có đường vào, do chưa tìm được tiếng nói chung với người dân trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện phía trước trung tâm là những vuông tôm, cây cối um tùm. Thử hỏi ai dám bỏ tiền vào đầu tư sân bãi vui chơi giải trí tại địa thế như thế này.
Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Phú Tân xây dựng đã lâu nhưng quên lối vào. |
Ðó là thực trạng của Trung tâm Văn hoá - Thể thao huyện Phú Tân, còn cấp xã cũng không khác gì. Nhiều xã xây dựng chỉ để đạt chuẩn NTM, chứ chưa nghĩ đến việc sẽ hoạt động ra sao. Tại xã Biển Bạch (huyện Thới Bình), trung tâm xây dựng trên khu đất trung tâm hành chính xã. Hội trường đa năng thì được xã bố trí bàn ghế cố định để địa phương sử dụng khi có các cuộc họp; phòng chức năng vốn đã không đủ còn cho ngành bưu điện mượn làm điểm bưu điện văn hoá xã (để đủ chuẩn tiêu chí số 8 về thông tin truyền thông), phòng chức năng còn lại thì dùng làm trạm truyền thanh. Trung tâm vốn đã nhỏ hẹp, không đạt chuẩn (chỉ 350 m2), lại còn xây dựng tại trung tâm hành chính xã, nên người dân không tiện đến đây sinh hoạt văn hoá, thể thao.
Tại xã NTM Phú Mỹ, huyện Phú Tân cũng vậy. TTVH chỉ xây dựng để đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn xã NTM, chứ chưa gắn được hoạt động cộng đồng vào đó; từ 3 năm nay cứ ở mức xếp hạng D (yếu), lên được C (trung bình), rồi lại xuống D (yếu). Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Lê Triều Thẳng bộc bạch: “Sân bãi không có mái che, chỉ hoạt động được mùa nắng, không có hội trường đa năng; trung tâm có 4 phòng chức năng chỉ sử dụng 2 phòng làm trạm truyền thanh và máy móc liên quan. Trung tâm xây dựng xa khu dân cư nên rất khó kêu gọi xã hội hoá để đầu tư”.
Khó kêu gọi xã hội hoá, Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã Phú Mỹ rất ít người dân lui tới. |
Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Chí Công nhận định: “Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi thấy rằng nhiều trung tâm xây dựng hàng tỷ đồng chỉ để đủ điều kiện công nhận xã đạt chuẩn NTM, còn hiệu quả hoạt động chưa như mong muốn. Với vai trò ngành chức năng, chúng tôi sẽ thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, thậm chí có thể đề nghị rút lại bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM nếu tiếp tục rớt hạng như đã qua”. Ông Công khẳng định, Sở VH-TT&DL chỉ hỗ trợ về chuyên môn, còn hoạt động như thế nào hoặc cơ sở vật chất là huyện, xã phải đầu tư.
Chất lượng thuộc hàng thứ yếu
Có mặt tại Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã Hưng Mỹ (huyện Cái Nước), chúng tôi thấy khu vực sảnh và hành lang nhiều nơi bị lún làm sụp nền, gạch lát nền bong tróc, hư hỏng. Theo người dân địa phương, không chỉ xuống cấp mà Trung tâm Văn hoá - Thể thao xã Hưng Mỹ thường xuyên đóng cửa, ít tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao. Do công trình xây dựng để kịp thời công nhận xã Hưng Mỹ trở thành xã NTM nên làm gấp, khi bơm cát san lấp xong một thời gian ngắn thì tiến hành xây dựng nên không đủ thời gian để nền ổn định, dẫn đến hiện tượng lún.
Theo tiêu chuẩn, để xây dựng được 1 TTVH xã tốn từ 3-5 tỷ đồng. Tuy nhiên, xây dựng bề thế để rồi không gắn được với hoạt động dù là tiền ngân sách hay xã hội hoá cũng đều lãng phí.
Kết quả của việc xây dựng để đủ chuẩn công nhận NTM là đây: Trong 39/43 xã đạt chuẩn NTM (trừ 4 xã đạt chuẩn năm 2020 chưa đánh giá), chỉ có 4 xã được xếp loại A gồm: Tắc Vân (TP Cà Mau), Việt Thắng (huyện Phú Tân), Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời), Trí Phải (huyện Thới Bình); loại B có 9 xã, còn lại loại C và D.
Trong tiêu chí đánh giá, xếp loại thì loại D thuộc diện cơ sở vật chất đang xuống cấp, bộ máy điều hành yếu, có tổ chức hoạt động nhưng chủ yếu là phục vụ nhiệm vụ chính trị, không thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao cho các ngành của xã cũng như phục vụ Nhân dân trên địa bàn; chưa có hoạt động xã hội hoá tại trung tâm. Hay nói nôm na như ông Nguyễn Chí Công, loại D là “ngưng hoạt động”, còn loại C thì hoạt động cầm chừng, chiếu lệ.
“Từ năm 2021 này, sẽ không còn chuyện cho “nợ tiêu chí” như trước đây nữa. Xã nào không đủ điều kiện thì không xét công nhận đạt chuẩn. Xã nào xếp loại C, D cũng đề nghị xem xét rút bằng công nhận NTM”, ông Nguyễn Chí Công cho hay.
Thiết nghĩ, để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, nhất là trong xây dựng kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hoá, chính quyền địa phương phải thực hiện theo lộ trình hợp lý, tính toán chặt chẽ để giảm gánh nặng đóng góp cho dân. Nhất là phải huy động được nội lực trong dân, phát huy được tinh thần đại đoàn kết./.
Trung Ðỉnh - Ngọc Huệ
BÀI CUỐI: ÐỂ TRUNG TÂM VĂN HOÁ HOẠT ÐỘNG HIỆU QUẢ