ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 7-5-25 13:18:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trung tâm Văn hoá: Góc nhìn từ thực tiễn đầu tư - Bài cuối: Ðể Trung tâm Văn hoá hoạt động hiệu quả

Báo Cà Mau (CMO) Trung tâm Văn hoá - Thể thao - Học tập cộng đồng (Trung tâm Văn hoá) được xem là cơ sở “3 trong 1”, vừa là hội trường đa năng, vừa là trung tâm học tập cộng đồng, vừa là trung tâm văn hoá - thể thao, thì phải thu hút được đa dạng tầng lớp Nhân dân đến dự hội nghị, hội thảo, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ, học tập cộng đồng… Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đa phần các trung tâm văn hoá (TTVH) phục vụ nhiệm vụ chính trị, chứ chưa thật sự quan tâm việc người dân đến sinh hoạt văn hoá cộng đồng.

Nỗ lực của địa phương

Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, để TTVH phát huy hết công năng như kỳ vọng, cần cả một quá trình nỗ lực, bởi trước mắt còn lắm khó khăn.

Theo khảo sát của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), toàn tỉnh có 28/55 trung tâm (chiếm 50,90%) phát huy được các câu lạc bộ như đờn ca tài tử, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, dưỡng sinh, võ thuật... duy trì sinh hoạt định kỳ; riêng câu lạc bộ đờn ca tài tử hiện nay hầu hết thiếu âm thanh, nhạc cụ (trước đây được đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia, qua thời gian dài sử dụng đã hư hỏng nặng), chủ yếu là các xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); trong năm 2019, hầu hết các huyện không đầu tư, mua sắm trang thiết bị cho xã.

Xã Khánh Bình (huyện Trần Văn Thời) được biết đến không chỉ là xã đạt chuẩn NTM sớm (năm 2015), mà còn là xã thực hiện hiệu quả tiêu chí số 6 và 16 trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, được nhiều xã khác trên địa bàn huyện đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm. “Trong quá trình thực hiện, ngoài nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, xã Khánh Bình luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xã hội hoá bằng nhiều hình thức như hiến đất xây dựng nhà văn hoá, sân thể thao, tham gia ngày công lao động, đóng góp…”, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Bình Dương Thanh Sang cho biết.

Thực tế, việc hoàn thành các tiêu chí về văn hoá trong xây dựng NTM 10 năm qua không dễ dàng, trong khi điều kiện kinh tế ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn những hạn chế nhất định, như một số nơi cấp uỷ, chính quyền chưa quyết liệt, vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào cấp trên; công tác vận động, tuyên truyền và việc triển khai tổ chức các hoạt động chưa nhiều, chưa thu hút được đông đảo Nhân dân địa phương tham gia các hoạt động; nhiều phòng chức năng, hội trường đa năng hoạt động không đúng mục đích; tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh thuê mặt bằng không đúng quy định; trang thiết bị hoạt động không đồng bộ; một số trung tâm xuống cấp, nhưng chậm khắc phục, sửa chữa; nhiều trung tâm xếp loại hoạt động trung bình, yếu (loại C, D) liên tục 2, 3 năm nhưng chưa có giải pháp khắc phục; ban chủ nhiệm trung tâm chưa thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm trong việc điều hành, tổ chức trung tâm.

Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân Lê Triều Thẳng trần tình: “Mặc dù thời điểm công nhận ngành chức năng cho nợ, nhưng chúng tôi nhận thấy nợ này thật khó trả. Vì rằng, trung tâm càng ngày càng xuống cấp, hạ tầng đầu tư không đồng bộ thì địa phương có cố gắng cỡ nào cũng không thể tự mình khắc phục được”.

Cấp xã không vực dậy nổi trung tâm, thì cấp huyện cũng khó bề giúp đỡ được. Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Văn Sơn cho rằng: “Lý do hoạt động của các TTVH xã đạt chưa nhiều là do cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu phát triển trung tâm. Người dân không mặn mà vào sinh hoạt, vì trung tâm chưa được đầu tư tốt về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, với kinh phí vài chục triệu đồng cho một xã thì cũng không thể thay đổi được hiện tại. Và cấp huyện cũng không bao tiêu nổi. Xã hội hoá thì không doanh nghiệp nào dám vào đầu tư”.

Kiến nghị về vấn đề này, ông Sơn trần tình: “Nhà nước nên có chế độ ưu đãi hơn nữa trong mời gọi đầu tư, ví dụ như cho vay vốn ưu đãi, đầu tư điện chiếu sáng, miễn phí điện sinh hoạt… Hoặc cấp thêm ngân sách cho mỗi trung tâm để mua sắm, đầu tư thêm trang thiết bị. Cơ sở vật chất phải đầu tư đến nơi đến chốn thì mới mong vực dậy được hoạt động của các trung tâm”. 

Trung tâm Văn hoá - Thể thao - Học tập cộng đồng xã Việt Thắng, huyện Phú Tân được đầu tư khang trang, sạch, đẹp, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.

Củng cố và nâng chất

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả hoạt động của các TTVH trên địa bàn tỉnh chưa như mong muốn. Nguyên nhân là do kinh phí hoạt động chưa đáp ứng nhu cầu, chưa huy động tốt các nguồn lực xã hội phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá - thể thao của Nhân dân tại địa phương; sự giúp sức của các ngành, đoàn thể theo cơ chế lồng ghép, phối hợp hoạt động hiệu quả chưa cao; đội ngũ cán bộ chuyên môn còn thiếu và yếu, đặc biệt là còn lúng túng trong phương thức hoạt động, mô hình hoạt động, từ đó dẫn đến việc nhiều TTVH hoạt động còn mang tính thời vụ, phong trào, không tổ chức được các hoạt động định kỳ, chưa tạo thói quen sinh hoạt văn hoá - thể thao của người dân địa phương.

Ðể nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm văn hoá - thể thao cấp xã, nhà văn hoá cấp xã trong tỉnh thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch UBND các huyện và TP Cà Mau kịp thời chỉ đạo, xem xét trách nhiệm UBND cấp xã để tình trạng TTVH nhiều năm xếp loại trung bình, yếu về hoạt động; đồng thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc về củng cố, nâng cao chất lượng và tổ chức tốt các hoạt động của TTVH.

Ðồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp xã đảm bảo các phòng chức năng, hội trường đa năng của trung tâm hoạt động đúng mục đích, yêu cầu theo hướng dẫn của Sở VH-TT&DL; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng tần suất tập trung các hoạt động tại trung tâm. Ðặc biệt, xem xét đầu tư, sửa chữa các trung tâm có cơ sở vật chất và công trình phụ xuống cấp, hư hỏng; đầu tư trang thiết bị hoạt động phải đồng bộ... đảm bảo đủ điều kiện để người dân đến sinh hoạt, luyện tập thể dục thể thao và đáp ứng các nhu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương vận dụng cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện thực hiện tốt công tác xã hội hoá các hoạt động và khai thác cơ sở vật chất trung tâm, như sân bóng đá mini (sân cỏ nhân tạo), sân cầu lông, sân patin, phòng tập yoga, thể dục nhịp điệu, các trang thiết bị vui chơi trẻ em, dụng cụ thể dục ngoài trời. Rà soát, chấn chỉnh, khắc phục việc tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh thuê mặt bằng không đúng quy định. Chỉ đạo kiện toàn, lồng ghép nâng chất tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hoá đối với các xã đã công nhận đạt chuẩn NTM tại địa phương, hướng tới xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Người dân đợi sau giờ làm việc mới đến sinh hoạt thể thao. (Ảnh chụp tại xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình).

Chỉ đạo Trung tâm Văn hoá - Truyền thông và Thể thao cấp huyện hỗ trợ chuyên môn trong tổ chức các sự kiện và tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao chất lượng và tần suất sinh hoạt của các câu lạc bộ tại trung tâm; chú trọng hoạt động tuyên truyền xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng NTM, đưa sự kiện của các đoàn thể vào tổ chức tại trung tâm. Thực hiện hiệu quả Quyết định số 2163/QÐ-UBND ngày 10/11/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc ban hành Ðề án “Nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Văn hoá - Thể thao - Học tập cộng đồng cấp xã trên địa bản tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025”./.

 

Trung Ðỉnh - Ngọc Huệ

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.