ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 27-7-24 11:05:02
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trường Sa - Hải trình thiêng liêng - Bài cuối: Tết ở Trường Sa

Báo Cà Mau Khi đã dần quen với nhịp điệu của sóng gió Trường Sa, chúng tôi hoà mình vào cuộc sống nơi đây với nhịp điệu đón tết Giáp Thìn rộn rã vui tươi cùng với quân dân trên đảo. Anh em đoàn công tác, nhất là những người lần đầu đến với Trường Sa đều tâm đắc: “Đây quả là một cái Tết đặc biệt, Tết đến sớm hơn giữa biển đảo thiêng liêng của đất trời Tổ quốc”.

Sung túc, đủ đầy

Trong hải trình ở tuyến Bắc Trường Sa, Sinh Tồn là điểm cuối đoàn công tác đến thăm, chúc Tết, cũng là những ngày để lại trong chúng tôi những ấn tượng sâu đậm, dạt dào cảm xúc. Tại trụ sở UBND xã đảo Sinh Tồn, các anh em cán bộ xã đón chúng tôi bằng tình cảm ruột thịt, thương mến.

Anh Vũ Nguyễn Ðức Minh, Phó chủ tịch UBND xã Sinh Tồn, chia sẻ: “Có tình cảm và hơi ấm đất liền, cái Tết của quân - dân trên đảo thêm phần trọn vẹn. Không khí Tết trên đảo đã ngập tràn rồi!”.

Xóm Sinh Tồn, nhà nhà đã trang hoàng nhà cửa tươm tất, hoa kiểng xanh tươi, rực rỡ. Chị Hồ Mỹ Hưng hào hứng: “Tôi cảm nhận Tết ở đây còn đẹp hơn, vui hơn trong đất liền. Tình cảm hàng xóm, láng giềng gắn bó, thương yêu nhau còn hơn ruột rà. Các anh bộ đội luôn quan tâm, động viên, chia sẻ và giúp đỡ người dân bằng tinh thần trách nhiệm và tình cảm nồng hậu, thắm thiết”.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Ðông trang trí bàn thờ Tổ quốc đón Tết.

Với gia đình chị Phạm Thị Mỹ Diệu, Tết đảo đã đầy đủ, sẵn sàng: “Ngoài bánh mứt, bà con trên đảo cũng tự túc tất cả các thực phẩm rau xanh, không thiếu thứ gì. Mừng nhất là trẻ con, các bé thích nghi rất nhanh với cuộc sống trên đảo, được học hành đàng hoàng, có chỗ vui chơi thoả thích”.

Những bộ bàn ghế được bà con xã đảo Sinh Tồn bày biện ra phía trước sân nhà để đón tiếp, chuyện trò với khách. Người người trao nhau những ước vọng về năm mới mạnh khoẻ, bình an, thành công và tất cả đều chung một ý chí, một tấm lòng để giữ vững, kiến thiết biển đảo đất nước ngày càng vững bền, giàu đẹp.

 Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông trang trí sắc mai vàng đón Tết.

Bên tiếng ê a của con trẻ học bài, thầy giáo Trương Hồng Lĩnh thổn thức: “Tôi có 30 năm làm nghề giáo, khi sắp về hưu được may mắn ra đảo dạy các em. Lớp học ở đảo không chỉ dạy các em mặt chữ, kiến thức, mà còn trao truyền cho các em tình yêu thương, sự tự hào về Trường Sa thân yêu!”.  

Chị Trần Thị Thu Huyền cùng con gái là cháu Phạm Minh Thư diện lên bộ áo dài đẹp nhất để ra cột mốc chủ quyền đảo Sinh Tồn chơi Tết. Chị Huyền chia sẻ: “Bộ áo dài có hình bản đồ Việt Nam, có quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa máu thịt của Tổ quốc được gởi từ quê hương Nam Ðịnh. Gia đình tôi coi Sinh Tồn là quê hương của mình, đón Tết ở đây, tôi cảm thấy thật sự thiêng liêng, ý nghĩa. Tôi tự hào là người Việt Nam, là công dân của Trường Sa”.

Chiều xuống, tiếng chuông chùa vang lên bình yên, thanh tịnh giữa trùng khơi. Ðại đức Thích Lệ Quang, Trụ trì chùa Sinh Tồn Ðông, nguyện ý: “Cầu cho quốc thái, dân an, cho sự trường tồn của biển đảo Tổ quốc Việt Nam. Cửa thiền luôn rộng mở để tưới tắm nhân duyên tốt đẹp cho cuộc sống sinh sôi, nảy nở”.

Những ngôi chùa Trường Sa, từ Song Tử Tây, Sinh Tồn Ðông và Sinh Tồn mà đoàn công tác có dịp viếng thăm đều có nét cổ kính, trầm mặc rất riêng, gợi lên cảm thức liền mạch, minh tuệ của đạo và đời; của đất liền và biển đảo; của quá khứ, hiện tại và cả tương lai.

Hương sắc Tết Trường Sa

Chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ và người dân Sinh Tồn gói bánh chưng Tết giữa Trường Sa. Cũng là gạo nếp, thịt heo, đậu xanh nhưng bánh chưng Trường Sa còn được điểm xuyết thêm một nguyên liệu độc đáo: lá bàng vuông.

Gói bánh chưng Tết ở Trường Sa.

Thiếu tá Thái Văn Sơn, đảo Sinh Tồn, bộc bạch: “Nguyên liệu gói bánh chưng bây giờ rất đầy đủ, giống như đất liền. Tuy nhiên, để bánh chưng xanh hơn, đậm vị hơn thì có thêm một lớp gói bằng lá bàng. Những ai đã từng ăn bánh chưng Trường Sa đều thừa nhận rằng bánh không chỉ ngon, đẹp, khéo tay mà còn mang cả hương vị, sự tự hào, tình yêu với biển đảo được quân và dân Trường Sa gói trọn vào chiếc bánh”.

Bên bập bùng lửa nấu bánh chưng, người người hoà vào những giai điệu guitar hào hùng của biển đảo, của Tổ quốc: "Ðây Hoàng Sa, kia Trường Sa, ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua...”. Chị em trong đoàn công tác dành cho mình những khoảng lặng riêng tư, dưới những gốc bàng vuông lão cội, đón cánh hoa bung nở giữa đêm khuya lãng mạn, cảm nhận hương sắc Tết, phong vị Tết vô cùng đặc biệt giữa Trường Sa.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn canh nồi bánh chưng đón Tết.

Trung tá Nguyễn Văn Phòng, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn, khẳng định: “Chăm lo Tết đầy đủ, ý nghĩa cho quân và dân trên đảo là nhiệm vụ quan trọng. Toàn bộ quân và dân trên đảo vui Tết nhưng không quên nhiệm vụ, luôn trong tư thế sẵn sàng để giữ vững chủ quyền biển đảo. Tình cảm của đất liền, của cả nước với Trường Sa luôn là món quà giá trị nhất, ý nghĩa nhất giúp chúng tôi có thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.

Với chiến sĩ Phạm Quang Phú, lần đầu đón Tết ở đảo là kỷ niệm không thể nào quên: “Chiến sĩ được tham gia rất nhiều hoạt động sôi nổi, vui tươi, ý nghĩa như gói bánh chưng, hái hoa dân chủ, giúp đỡ bà con chuẩn bị trang hoàng nhà cửa. Tết ở Trường Sa không chỉ vui mà còn giúp những chiến sĩ trẻ cảm nhận rõ ràng hơn về lý tưởng sống cao đẹp, về trách nhiệm và vinh dự được góp sức mình vào sự nghiệp bảo vệ biển đảo Tổ quốc”.

Cỗ Tết ở Sinh Tồn là nơi kết tinh và thăng hoa trọn vẹn của sức người, tình người. Từ bãi đá cát san hô, Sinh Tồn đã có khu trang trại rau xanh của bộ đội, vườn rau mướt mắt của mỗi hộ dân. Không chỉ đảm bảo sinh hoạt, rau xanh trên đảo còn được cung cấp miễn phí cho ngư dân đánh bắt vươn khơi mỗi khi ghé đảo. Ðó cũng là những nghĩa cử thắt chặt thêm tình quân dân, nối liền biển đảo với đất liền. Hương sắc Tết của Trường Sa không chỉ ở biển đảo mà còn lan toả khắp nơi nơi.

Chúng tôi cùng quân và dân đảo Sinh Tồn dự buổi chào cờ năm mới với không khí trang trọng, thiêng liêng, phấn chấn lòng người. Trên cao là Quốc kỳ Việt Nam, sừng sững cột mốc chủ quyền biển đảo, là người người chung một tấm lòng, một ý chí nghiêng mình về phía Trường Sa, là hồn thiêng sông núi âm vọng trong tiếng Quốc ca: “Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền”.

Tạm biệt Trường Sa!

“Sao nhanh quá”! Anh em đoàn công tác chúng tôi thủ thỉ tiếc nuối với nhau. Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác, dành cho chúng tôi thời gian để tâm tình: “Vậy là đoàn công tác đã hoàn thành tốt các nội dung, kế hoạch của toàn bộ hải trình thăm, chúc Tết quân dân Trường Sa. Các đồng chí hãy mang hình ảnh, hương vị, tấm lòng và ý chí của quân và dân Trường Sa lan toả thật sâu, thật rộng, thật chân thực đến với khắp nơi. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, chân lý ấy không có gì thay đổi được”.

Tạm biệt Trường Sa! Một lần chúng tôi đến. Một hải trình thiêng liêng!

 

Ghi chép của Phạm Quốc Rin

 

Kinh tế tập thể - nhìn thẳng để đi đúng

Kinh tế tập thể (KTTT), mà chủ đạo là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay, là thành phần quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững... Ðặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, KTTT càng trở nên quan trọng, đây là nhân tố cốt lõi, gắn kết quá trình sản xuất và kinh doanh của nông dân với nhu cầu của thị trường.

Nhiều sai sót trong giao đất, giao rừng - Bài cuối: Tìm giải pháp gỡ khó

Sắp xếp, đổi mới để hoàn thành việc rà soát xác định nguồn gốc đất, phân định ranh giới thực tế của các đối tượng đang sử dụng đất; xác định cụ thể phần diện tích các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng và phần diện tích bàn giao về địa phương quản lý, qua đó phát hiện những tồn tại, bất cập, đề xuất các giải pháp chính sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất có nguồn gốc từ nông, lâm, ngư trường... là những vấn đề cần làm hiện nay.

Nhiều sai sót trong giao đất, giao rừng - Bài 2: Quy định thiếu đồng bộ

Việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân hiện chưa có bộ thủ tục về trình tự tương thích với các luật và các quy định có liên quan. Ðiều này dẫn đến sự lúng túng, chậm trễ của chính quyền sở tại trong thực hiện giao đất, giao rừng. Ðây là lý do chính làm cho diện tích đất, rừng các xã đang tạm quản lý tuy rất lớn nhưng muốn giao cho người dân lại khó thực hiện.

Nhiều sai sót trong giao đất, giao rừng

Chủ trương giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cá nhân quản lý, chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng là chính sách lớn của Ðảng, Nhà nước nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát huy giá trị của rừng. Ðồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, qua gần 20 năm triển khai công tác này, tại các địa phương trong tỉnh Cà Mau vẫn còn nhiều tồn tại, thiếu sót, cần được chấn chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.

Trường nội trú Cà Mau - Ninh Bình: Những ký ức không phai

Cuối tháng 3/1972, ở đây chưa có mưa, còn là mùa hạn. Thầy Lê Châu, Hiệu trưởng và thầy Năm Thuật, Hiệu phó Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình, khoá 3, đến Xóm Dừa, Ấp 6A. Cô Mười Mỳ là Bí thư Chi bộ xã Quách Văn Phẩm “B”, huyện Tư Kháng (huyện Ðầm Dơi ngày nay). Các thầy tìm chỗ để cất trường học và chọn vườn cô Út Ngươn để đặt lớp học. Xa ngoài kia, chọn vườn Biện Ðài, Lung Chim và 1 điểm nữa ở Thanh Tùng.

Chuyện chữ “T” của Nhà báo Trần Ngọc Hy

Nhà báo Trần Ngọc Hy, người Cà Mau, tham gia kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Bạc Liêu xưa. Ông viết chuyện vui chữ “T” đăng báo “RÙM”, tức rừng U Minh - tờ báo tường nội bộ cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, đóng ở Chiến khu U Minh trên đất Cà Mau thời 9 năm kháng Pháp, khoảng 1949-1950.

Báo Minh Hải - Niềm tự hào chưa cạn tỏ

Báo Minh Hải là tiền thân của Báo Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay. Hơn 20 năm hoạt động, tờ báo này đã trở thành chiếc nôi rèn luyện cho thế hệ báo chí sau ngày thống nhất đất nước. Từ đây, đã có nhiều nhà báo trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo của báo chí, văn học nghệ thuật 2 tỉnh và Trung ương, nhiều nhà báo trở thành những tài danh báo chí, văn chương. Hướng tới kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, chúng tôi trân trọng giới thiệu tâm tình của một nhà báo, nhà văn, người đã sống trọn vẹn suốt thời gian măng sét Báo Minh Hải tồn tại trong lòng độc giả, cùng bạn đọc hôm nay.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo - Bài cuối: Ðiểm sáng xoá nghèo

Trên cơ sở trợ lực từ nhiều chương trình, chính sách, sự chung tay góp sức của cộng đồng; các cấp uỷ đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã sâu sát trong dân, nắm chặt hoàn cảnh hộ nghèo để triển khai đồng loạt biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; đồng thời giúp người nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khơi gợi ý chí phấn đấu thoát nghèo, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo - Bài 2: Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Cùng với triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia, Cà Mau thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phong trào đã lan toả giá trị nhân văn trong cộng đồng, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo, người gặp hoạn nạn sớm ổn định cuộc sống, giúp các địa phương hiện thực hoá mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ðể vùng quê… trắng hộ nghèo

Cùng với phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Cà Mau luôn đặt mục tiêu giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu. Bằng những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ý thức vươn lên của hộ nghèo, cuối năm 2023 Cà Mau còn 1,6% hộ nghèo (giảm 2.507 hộ nghèo), 1,56% hộ cận nghèo (giảm 922 hộ). Ðặc biệt, tỉnh có 170 ấp, khóm và 5 xã, phường, thị trấn xoá trắng hộ nghèo. Ðó là những điểm sáng, lan toả kinh nghiệm, cách làm hay và là động lực trong hành trình giảm nghèo bền vững của tỉnh.