(CMO) Một bến khách nhiều năm vẫn chưa xác định được vị trí đối lưu từ ngành chức năng và chính quyền địa phương. Trong khi đó, một bến khác lại bị kiện tụng về người có trách nhiệm liên đới. Tất cả đều có những lá đơn gởi khắp các cơ quan từ xã đến huyện, thành phố và Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau.
Bến khách ngang sông ở kênh xáng Thị Kẹo, thuộc ấp Tân Phong, xã Phong Ðiền, huyện Trần Văn Thời đối lưu với bến phía bờ ấp Tân Thuận cùng xã. Nếu không có chuyện tranh chấp giữa hai anh em trong gia đình thì việc các cá nhân tự ý di chuyển bến hiện trạng so với vị trí cấp phép không được phát hiện.
Bến khách kênh Thị Kẹo ngay ngã ba đầm Thị Tường vẫn còn những lượt phương tiện không phép hoạt động. |
Chuyện bắt đầu từ việc ông Huỳnh Thanh Phong, ấp Tân Thuận, xã Phong Ðiền, khởi kiện chính chị ruột mình là bà Huỳnh Thị Lê, anh rể Phan Công Minh ngụ cùng địa phương. Nguyên do được ông Phong đưa ra là trước đây ông cho bà Lê, ông Minh thuê bến phà nhưng trong thời gian dài bà Lê, ông Minh không thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo hợp đồng đã ký từ năm 2010, mỗi tháng 2 triệu đồng. Hợp đồng ký gần đây nhất thể hiện ngày 8/6/2019-8/6/2025.
Tuy nhiên, ông Phong trình bày: “Từ năm 2017 đến tháng 6/2020, bà Lê, ông Minh không thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo hợp đồng thuê, nên đến hết tháng 6/2020, ông Phong huỷ hợp đồng và lấy lại bến khách để cùng đối lưu với phía bờ Tân Phong của ông Phan Văn Châu”.
Khi ông Phong lấy lại bến, bà Lê, ông Minh không đồng ý nên vẫn cứ hoạt động đưa rước khách song hành và tự mở bến ngay đất nhà cách bến ông Phong 50 m rồi cùng đối lưu vào bến ông Phan Văn Châu giống như ông Phong.
Xét thấy sự việc phức tạp, ông Phan Văn Châu liên tục có ý kiến và gởi đơn đến UBND xã Phong Ðiền, UBND huyện Trần Văn Thời, Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau nhờ can thiệp nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Nhưng sau 2 lần gởi đơn, phía UBND xã Phong Ðiền cho rằng, chuyện hoạt động của bến khách không thuộc quyền quản lý của xã nên không can thiệp.
Ngày 6/4, trao đổi với phóng viên báo Cà Mau, Chủ tịch UBND xã Phong Ðiền Nguyễn Thanh Miền cho biết: “Vì mới nhận chức Chủ tịch UBND xã nên chưa nắm rõ tình hình ở bến khách này. Song, xã rất mong muốn mau chóng có sự ổn định”.
Sự tranh chấp giữa anh em trong gia đình (ông Phong, bà Lê và ông Minh) không dừng lại ở việc kiện nhau ra Toà án Nhân dân huyện Trần Văn Thời, mà các hộ này còn có nhiều đơn thư gởi Sở Giao thông vận tải để xem xét vấn đề cấp phép hoạt động nhằm hợp thức hoá cho riêng mình.
Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Từ năm 2012, Sở Giao thông vận tải không hề cấp phép hoạt động bến khách trên tuyến ngã ba Thị Kẹo (TVT-14), xã Phong Ðiền cho ông Huỳnh Thanh Phong, sinh năm 1975. Thời điểm đó, việc cấp phép hoạt động bến khách là do các huyện, thành phố xem xét giải quyết. Hồ sơ thể hiện UBND huyện Trần Văn Thời đã cấp phép cho ông Phan Minh Thế (cha ruột ông Phan Văn Châu - PV) ngày 2/5/2012.
Mãi đến khi quy định cấp phép thay đổi (tháng 4/2014), Sở Giao thông vận tải Cà Mau mới tiến hành cấp lại giấy phép cho ông Phan Minh Thế và từ đó gia hạn nhiều lần. Ðến ngày 3/6/2020, sở tiến hành cấp lại phép cho ông Phan Văn Châu (con ông Thế, vì ông Thế qua đời để lại bến khách cho ông Châu). Giấy phép có kỳ hạn từ ngày 3/6/2020-3/6/2021”.
Còn việc tranh chấp giữa ông Phong, bà Lê và ông Minh, sau nhiều lần xác định thẩm quyền thuộc địa phương nên sở đã làm việc với UBND huyện Trần Văn Thời, UBND xã Phong Ðiền và yêu cầu UBND xã Phong Ðiền xác định lại nguồn gốc, làm việc lại với các hộ này. “Tuy nhiên, đến nay Sở Giao thông vận tải vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết từ UBND huyện Trần Văn Thời và xã Phong Ðiền”, ông Sơn khẳng định.
Bến do ông Phong xây dựng khai thác đưa rước khách. |
Như vậy, ở bến phà Thị Kẹo (TVT-14), theo các thủ tục pháp lý về quản lý bến chỉ có ông Phan Văn Châu là được cấp phép hoạt động, còn ông Huỳnh Thanh Phong, bà Huỳnh Thị Lê và ông Phan Công Minh chưa được bất kỳ cơ quan chức năng nào cấp phép. Thế nhưng, kể từ năm 2010 đến nay, phía bến ông Phong, bà Lê, ông Minh vẫn ngang nhiên hoạt động mà chưa có sự quyết liệt vào cuộc từ ngành quản lý.
Những dẫn chứng hơn 10 năm qua từ ông Phan Minh Thế (cha ông Châu) và nay là ông Phan Văn Châu đều thể hiện sự hợp tác tự nguyện đối lưu bến với ông Huỳnh Thanh Phong (kể từ ngày mở bến Thị Kẹo). Giấy hợp đồng đối lưu thể hiện từ ngày 22/8/2011 giữa ông Phong và ông Thế. Bởi, nếu không có thủ tục này, việc cấp phép cho ông Thế vào năm 2012 của UBND huyện Trần Văn Thời sẽ không thực hiện được.
Vậy mà bao lâu nay, khi phía đối lưu ông Phong xảy ra tranh chấp với bà Lê, ông Minh, để đảm bảo quyền lợi theo các cơ sở pháp lý, ông Châu (con ông Thế) đệ đơn yêu cầu xác nhận lại bến đối lưu với ông Huỳnh Thanh Phong vẫn chưa đơn vị nào ở xã Phong Ðiền, UBND huyện Trần Văn Thời xem xét giải quyết dứt điểm. Việc ông Châu yêu cầu xác định bến đối lưu phía ấp Tân thuận là hợp lý bởi bến khách không chỉ có 1 phía. Việc yêu cầu xác nhận đối lưu là yêu cầu rất cụ thể cần địa phương xác thực, nhưng người dân mong mỏi chờ, chính quyền địa phương vẫn chưa thông.
Thế là những chuyến đò, phà đưa rước khách hiện hữu ở bến Thị Kẹo (TVT -14) có phép và không phép đang lẫn lộn. 10 năm, tính ra những người hành nghề chạy đò, bến khách ở đây cũng mấy lần thay xác đò, phà nhưng “phép” vẫn "tắc".
Ở bến Thị Kẹo, chủ phà, chủ bến bức xúc việc giấy phép của bến bãi. Ở bến Chệt Hậu, thuộc ấp Cây Trâm, ấp Xóm Lung, xã Ðịnh Bình, TP Cà Mau nổi lên chuyện bức xúc, nghi kỵ dẫn đến đơn thư tố cáo. Nhưng người bị tố cáo ở đây không là chủ đò, hành nghề đưa rước khách mà đơn tố cáo đề đích danh Chủ tịch UBND xã Ðịnh Bình. Ðón xem bài 2: Vén màn khuất tất phà Chệt Hậu. |
Bài 2: VÉN MÀN KHUẤT TẤT PHÀ CHỆT HẬU
Phong Phú