ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 8-5-25 01:26:15
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Từ chuyện “lùm xùm” bến khách ngang sông - Bài 2: Vén màn khuất tất phà Chệt Hậu

Báo Cà Mau (CMO) Ðầu năm 2021, tập thể 9 cán bộ hưu trí có hộ khẩu thường trú xã Ðịnh Bình, TP Cà Mau (có người nguyên là Bí thư Ðảng uỷ, nguyên Chủ tịch UBND xã Ðịnh Bình, có người nguyên là cán bộ hưu trí ở các ban, ngành cấp thành phố, cấp tỉnh) cùng đệ đơn tố cáo ông Ðặng Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Ðịnh Bình đương nhiệm về các vấn đề liên quan đến cho thuê, di dời bến phà Chệt Hậu ngang kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu.

Chính vì vấn đề tố cáo này liên quan đến công tác cán bộ và quản lý cán bộ chủ chốt ở địa phương nên Thành uỷ, UBND TP Cà Mau thành lập tổ xác minh. “Kết quả xác minh cho thấy, các vấn đề đơn thư tố cáo nêu được giải đáp nhưng phía đương sự không thuận lòng, nên tiếp tục đệ đơn đến cấp quản lý cao hơn - Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ”, Chủ tịch UBND TP Cà Mau Lê Tuấn Hải cho biết.

Ðơn tố cáo nêu những việc làm sai trái của UBND xã Ðịnh Bình trong tổ chức đấu thầu, cho thuê đất để hộ dân mở bến khách Chệt Hậu. Và càng gay gắt hơn, đơn tố đích danh Chủ tịch UBND xã Ðịnh Bình Ðặng Văn Nam.

Bến phà Chệt Hậu hình thành từ những năm 2000 nhằm phục vụ nhu cầu đi lại cho Nhân dân. Ðiều cốt lõi trong vấn đề bến khách và quản lý, sử dụng, cho thuê tài sản công vào từng thời điểm, việc cho thuê, cấp phép có sự thay đổi nhất định. Không thể dựa vào quy định hiện hành để áp dụng cho những phương pháp quản lý trước đây.

Ngay cả việc cấp phép hoạt động ở bến Chệt Hậu cũng chỉ vừa được cấp lần đầu vào năm 2014. Về bến bãi, từ năm 2000-2017 bến Chệt Hậu mở trên phần đất công do UBND xã Ðịnh Bình quản lý (kể cả 2 bên bờ của bến). Bến này được tổ chức đấu thầu lần đầu vào năm 2009, lần 2 vào năm 2017. Trước đó, UBND xã Ðịnh Bình chỉ cho thuê không qua đấu thầu.

Còn ông Ðặng Văn Nam mới về nhận chức Chủ tịch UBND xã Ðịnh Bình từ tháng 9/2017 (thời điểm đấu thầu lần 2).

Bến Chệt Hậu mới do ông Nguyễn Chí Quân xây dựng được các ngành chức năng cấp phép hoạt động.

UBND TP Cà Mau sau khi xác minh đã kết luận: Ðất 2 bên bến khách phà Chệt Hậu thuộc quản lý của UBND xã Ðịnh Bình. Việc đầu tư xây dựng bến khách ngang sông là do cá nhân đầu tư và được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Hồ sơ lưu trữ thể hiện, lần cấp phép hoạt động đầu tiên vào ngày 25/1/2014 do Chủ tịch UBND TP Cà Mau cấp cho ông Nguyễn Tấn Giúp. Một đầu bến thuộc ấp Xóm Lung, một đầu bến thuộc ấp Cây Trâm cùng xã Ðịnh Bình. Năm 2009, ông Giúp trúng thầu bến khách này với giá 22 triệu đồng/tháng, sau đó được thống nhất hạ giá còn 18 triệu đồng/tháng. 5 năm sau ông được cấp phép hoạt động.

Khi quy định thay đổi về cấp quản lý, cấp phép hoạt động của Bộ Giao thông vận tải (năm 2015) thì việc cấp đổi lại cho ông Nguyễn Tấn Giúp được Sở Giao thông vận tải Cà Mau thực hiện đến ngày 13/1/2018 (khi đấu thầu lại lần 2, ông Giúp không trúng nên giấy phép này được thu hồi và cấp lại cho cá nhân khác).

Tháng 2/2017, UBND xã Ðịnh Bình tổ chức đấu thầu lại bến khách Chệt Hậu lần 2 (khi đó, ông Trần Chí Toàn là Chủ tịch UBND xã Ðịnh Bình), người trúng thầu lần này là ông Trương Công Ðịnh, quê quán ở huyện Ðầm Dơi, với giá trúng thầu 137 triệu đồng/tháng. Nhưng ngay sau trúng thầu, ông Ðịnh bỏ công trình và UBND xã họp bàn thống nhất người có giá đấu kế tiếp là ông Nguyễn Chí Quân, với giá trúng thầu 107 triệu đồng/tháng (ông Quân được Sở Giao thông vận tải Cà Mau cấp phép hoạt động ngày 9/5/2017, lần lượt cấp đổi đến ngày 19/3/2021 tại bến thuộc đất UBND xã Ðịnh Bình quản lý).

Vì thời điểm năm 2017, nhu cầu của người dân đi lại tăng cao. Trên tuyến kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu thuộc địa phận xã Ðịnh Bình có đến 4 tuyến phà (kể cả Chệt Hậu) được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Nhiều bến đồng nghĩa việc chia lượng khách. Do đó, từ tháng 4/2017, ông Nguyễn Chí Quân trình xin giảm giá thuê và được UBND xã Ðịnh Bình thống nhất giảm giá cho ông Quân còn 100 triệu đồng/tháng. Liên tục, tháng 5/2017, tháng 10/2017, ông Quân tiếp tục xin giảm giá nhưng không được xem xét. Thời điểm này vì thua lỗ, ông Quân nợ tiền thuê theo hợp đồng với UBND xã Ðịnh Bình gần 400 triệu đồng.

Sau tháng 10/2017 (thời điểm ông Ðặng Văn Nam đã về Ðịnh Bình nhận chức Chủ tịch UBND xã) thêm một lần đưa ra bàn bạc trong Thường trực Ðảng uỷ và tập thể lãnh đạo xã đồng thuận giảm giá cho ông Nguyễn Chí Quân còn 70 triệu đồng/tháng, vì cách bến Chệt Hậu 500 m có thêm bến của ông Tám Ðen mới được cấp phép hoạt động.

Song, UBND TP Cà Mau đã xác định UBND xã Ðịnh Bình chỉ có thẩm quyền đấu thầu cho thuê đất theo quy định tại Ðiều 132, Luật Ðất đai 2013, việc đấu giá cho thuê bến bãi như đã thực hiện là không đúng quy định. Còn việc UBND xã Ðịnh Bình giảm giá thuê là phù hợp.

Ðến ngày 8/6/2020, ông Quân xin di dời bến để đảm bảo an toàn giao thông theo quy định và được Chi cục Ðường thuỷ nội địa phía Nam chấp thuận. UBND TP Cà Mau cũng xác định việc di dời bến như hiện hữu là hợp lý. Từ đó, ông Quân bắt đầu xây bến mới cách bến do xã Ðịnh Bình cho thuê 20 m, lệch xa khỏi ngã ba kênh Bảy Tháo. Bến mới này được UBND TP Cà Mau xác nhận là đất tư nhân của ông Quân và bến đối lưu phía Quốc lộ 1 do ông Quân thuê của hộ dân khác. Ðến ngày 9/3/2021, ông Quân được cấp phép hoạt động trên bến mới. Ðồng nghĩa việc kết thúc hợp đồng thuê với UBND xã Ðịnh Bình.

Việc này có nội dung tố cáo Chủ tịch UBND xã Ðịnh Bình Ðặng Văn Nam từng bước biến của công thành tư như đơn tố cáo là không chính xác. “Hiện 2 phần đất do xã quản lý (vị trí bến Chệt Hậu cũ) đang bỏ trống và có chủ trương tiếp tục khai thác bằng việc cho thuê. Nhưng diện tích đất không lớn nên khó khăn và xã đang cân nhắc chưa tổ chức đấu giá cho thuê theo quy định”, ông Ðặng Văn Nam thông tin.

Còn về việc khi hết hạn hợp đồng tháng 3/2019, xã Ðịnh Bình không đấu thầu lại mà gia hạn cho ông Quân tiếp tục thuê là không đúng theo quy định của Luật Ðấu thầu năm 2013. UBND TP Cà Mau yêu cầu UBND xã Ðịnh Bình nghiêm túc rút kinh nghiệm.

“Kết quả xác minh cho thấy, việc thu chi tiền cho thuê bến bãi đảm bảo thực hiện đúng theo quy định (có sự đối chiếu chứng từ quyết toán). Việc ông Quân còn nợ tiền thuê đã chỉ đạo thu đủ. Ðồng thời, những sai sót không liên quan đến sai phạm của cá nhân ông Ðặng Văn Nam như đơn tố cáo. Nếu có sai phạm, thành phố kiên quyết xử lý”, ông Lê Tuấn Hải khẳng định.

Theo kết quả xác minh riêng của phóng viên báo Cà Mau, hiện UBND xã Ðịnh Bình còn quản lý và cho thuê 2 khu vực đất công 2 bên bờ kênh xáng Cà Mau - Bạc Liêu để cá nhân mở bến ở tuyến Cái Ngang với giá 7 triệu đồng/tháng. Việc cho thuê này chưa đảm bảo các quy định hiện hành./.

 

Phong Phú

 

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều

Thông tư 29/2024/TT-BGDÐT ngày 30/12/2024 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Câu hỏi đặt ra là việc quản lý sau đó như thế nào để không có việc “nóng” kiểm tra thời gian đầu, còn sau lại đâu vào đó? Giáo viên, phụ huynh và học sinh các cấp sẽ “sống” cùng với thông tư như thế nào? Bên cạnh đó, các cơ sở dạy thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang oằn mình để đón thêm lượng học viên quá tải...

Xây “đường băng” đưa đô thị vùng Tây Nam cất cánh - Bài cuối: Nền móng vững chắc cho Cà Mau vươn xa

Chủ trương sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, một quyết sách chiến lược của Chính phủ hướng đến bộ máy hành chính tinh gọn đã mang đến những thay đổi sâu rộng trong quản lý đô thị trên cả nước. Tại Cà Mau, bối cảnh mới này đòi hỏi sự đánh giá lại về quỹ đạo phát triển của các khu vực đô thị, đặc biệt là những nơi đã nỗ lực xây dựng các tiêu chí đô thị văn minh. Tới đây, các danh xưng hành chính có thể thay đổi, nền tảng hạ tầng, kinh tế và xã hội đã được kiến tạo vẫn là tài sản vô giá, làm nền móng vững chắc, định hình tương lai phát triển của Cà Mau sau này.