ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 21-4-25 16:07:42
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tư duy du lịch chủ động

Báo Cà Mau (CMO) Th.S Phan Ðình Huê, một chuyên gia du lịch về ÐBSCL đã nhìn về mảnh đất Cà Mau với những đánh giá hết sức triển vọng: “Cà Mau nếu phát triển du lịch đúng hướng, đúng tầm vóc, có thể tạo ra sức hút du khách mạnh mẽ không thua kém bất cứ đâu”.

Theo ông Huê, du lịch chuyên nghiệp phải hội tụ nhiều yếu tố, từ chính sách, cơ chế, nguồn lực, tài nguyên... Trong đó, thái độ và ý thức chủ động của người làm du lịch là vấn đề hết sức quan trọng. Nhưng để xây dựng được tư duy du lịch chủ động thì không hề đơn giản, đó cũng là một trong những vướng mắc mà du lịch Cà Mau cần cởi bỏ, nếu muốn cất cánh, vươn xa.

Trí Lực với những yếu tố phù hợp, hoàn toàn có thể tạo được tour - tuyến du lịch với những trải nghiệm, sản phẩm du lịch thú vị. (Ảnh chụp vùng nguyên liệu trúc phục vụ nghề đan đát tại Ấp 5, xã Trí Lực).

Làm du lịch từ “cái mình có”

Du lịch hay bất cứ lĩnh vực nào đều phải đi từ những thế mạnh riêng có. Với Cà Mau, thế mạnh du lịch không cần bàn cãi, nếu không nói là rất độc đáo. Chỉ riêng Mũi Cà Mau, ông Huê cho rằng: “Ðó là điểm nhấn đắt giá, không đâu có được. Chỉ cần xoay quanh cực hấp dẫn này, du lịch Cà Mau có thể vươn tầm”.

May mắn hơn, Cà Mau còn có những tài nguyên du lịch hết sức quý giá khác, đó là rừng đước, rừng tràm, là văn hoá bản địa đặc sắc, là hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể với nhiều giá trị. Ðó là chưa kể, du lịch biển Cà Mau chỉ ở bước sơ khai, với một tỉnh hướng biển, giàu và mạnh từ biển thì đây là một gợi mở đầy thú vị.

Du lịch Cà Mau cần phải khắc phục nhiều vấn đề để tiến đến chuyên nghiệp, bền vững. Theo ông Huê, những nông dân “tay ngang” khi làm du lịch thường tự mình làm rối vấn đề lên. Nghĩa là họ mất phương hướng trong việc xây dựng mô hình du lịch của chính bản thân mình. Có người chỉ mới khởi đầu nhưng muốn dồn sức đầu tư lớn, từ đó tự gây áp lực, thậm chí là hụt hơi, đuối sức. Có người thì cứ làm mà không hình dung ra mình sẽ làm gì, thiếu điểm nhấn, sự độc đáo, riêng có, thành ra các dịch vụ, trải nghiệm chỉ na ná chỗ khác, nhàm chán với du khách.

Một vấn đề nữa với người làm du lịch, đó là phải kiên trì. Ðầu tư vào du lịch cũng có rủi ro như bất cứ lĩnh vực nào khác. Không phải là làm bừa, làm cho xong điểm, khu du lịch thì khách đổ dồn về ào ào, cứ thế thu lợi nhuận. Dẫn ra nhiều dẫn chứng thất bại, ông Huê khuyến nghị người làm du lịch Cà Mau cần học hỏi, kiên trì, tạo nét riêng biệt, và phải chú trọng đến cảm nhận, đánh giá của khách du lịch. Lợi ích cao nhất của du lịch không nằm ở lợi nhuận bao nhiêu, mà chính là sự đánh giá của du khách về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch.

Với những người vừa làm du lịch, hãy áp dụng triệt để câu nói của người xưa “Liệu cơm gắp mắm”. Ông Huê nhấn mạnh, hãy làm du lịch từ những gì mình có, không cần cao xa. Tuy nhiên, phải đáp ứng các điều kiện cơ bản trong du lịch. Ðầu tư du lịch phải thực tế, vừa sức, quan trọng là phải “giương ăng ten” lên để nghe ngóng mọi kênh, mọi lời góp ý, phản biện. Làm du lịch cần phải lắng nghe nhiều phía để hoàn thiện, nhưng phải có chính kiến, có điểm nhấn, tạo dấu ấn riêng. Chuyện này tưởng chừng mâu thuẫn, nhưng thật ra lại dễ lý giải, chỉ khi nào người làm du lịch đảm bảo được các yêu cầu chung nhất, cơ bản nhất, khi đó hãy bàn đến chuyện độc đáo, riêng biệt.

Gạo hữu cơ Hoàng Yến, sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của Thới Bình được Hợp tác xã dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực giới thiệu đến khách tham quan.

... Và cái “du khách cần”

Cái khó của du lịch là làm sao hài hoà được “cái mình có” với “cái du khách cần”. Với Cà Mau, những nét độc, lạ chính là ưu thế, nhưng nếu lạm dụng thì dễ trở nên nhàm chán. Mọi dịch vụ, sản phẩm du lịch cần phải kèm theo nhiều yếu tố: Từ phong cách, thái độ, cách thức phục vụ cho đến sự sáng tạo. Du lịch nếu mất đi ý thức chủ động sáng tạo thì rất khó bứt phá. Về thăm một số tuyến du lịch đang bắt đầu hình thành, phát triển mạnh mẽ ở Cà Mau, nhiều tín hiệu tích cực đã định hình.

Ít ai tin rằng, vùng đất Trí Lực, Thới Bình lại đang ấp ủ, kỳ vọng phát triển từ du lịch. Vùng đất phèn đặc Trí Lực thoát nghèo nhờ cây mía, vươn lên từ khi chuyển dịch lúa - tôm (năm 2000). Nói về Trí Lực, đáng kể nhất có lẽ chỉ là quê hương của cây vú sữa miền Nam mà má Lê Thị Sảnh gởi ra tặng Bác Hồ. Vậy thì Trí Lực làm du lịch từ đâu, bằng cái gì? Chủ tịch UBND xã Trí Lực Lâm Thanh Hà bộc bạch: “Nói làm du lịch thì hơi quá, nhưng địa phương đã nhìn thấy cơ hội làm các tour tham quan, trải nghiệm mô hình lúa hữu cơ - tôm sạch, kết hợp trải nghiệm ẩm thực, cảnh quan vườn trúc và di tích lịch sử - văn hoá”.

Tham quan Hợp tác xã dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực, nơi trình làng sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của huyện Thới Bình là lúa hữu cơ Hoàng Yến, chúng tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi ý tưởng này. Lúa hữu cơ - tôm sạch không chỉ là sinh kế của nông dân với năng suất bình quân 4 tấn lúa + 3,5 tấn tôm/năm mà còn là một trải nghiệm mới mẻ, thú vị. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Thanh Nam, Trí Lực hoàn toàn có thể trở thành vùng nguyên liệu lúa hữu cơ của Tây Nam Bộ. Trong khi đó, các tour - tuyến du lịch trải nghiệm nông nghiệp được xác định là hướng đi mới, bền vững cho du lịch. Chưa kể, vùng Trí Lực vẫn giữ được gần 100 ha trúc nguyên liệu, tạo cảnh quan ngoạn mục, kèm theo đó là những ký ức độc đáo về nghề đan đát. Nếu kết hợp được tất cả các yếu tố đó, Trí Lực hoàn toàn có thể làm du lịch một cách đàng hoàng, hiệu quả.

Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực Hà Minh Sữa cho biết: “Lãnh đạo xã rất quan tâm đến việc học tập, tham quan kinh nghiệm làm du lịch từ các tỉnh bạn, địa phương trong tỉnh, nhìn thấy được cơ hội từ du lịch. Vấn đề hiện nay là nhờ sự trợ sức của các cấp, ngành, nhất là ngành chuyên môn để bắt tay vào làm. Ðây có thể coi là hướng đi mới, nhiều thách thức nhưng cũng sẽ có nhiều hy vọng tích cực”. Sự mạnh dạn và chủ động của Trí Lực trong lao động sản xuất và du lịch được Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã lúa - tôm Lê Văn Mưa thổ lộ: “Mình làm ra con tôm, hạt lúa chất lượng rồi, mà kèm theo được du lịch nữa thì còn gì bằng. Cái này hình như chưa chỗ nào ở Cà Mau làm được. Phải tính toán và làm bài bản thì nông dân mình mới khá lên được chớ”.

Làm du lịch khó hay dễ? Một câu hỏi gần như không có câu trả lời nào thoả đáng. Chỉ biết rằng, du lịch thì ai cũng có thể làm, nhưng thành công hay không thì rất khó nói. Tư duy chủ động của người làm du lịch sẽ kiểm soát được các rủi ro, tạo cơ hội để vượt khó, tồn tại và phát triển. Với tâm thế ấy, người Cà Mau, đất Cà Mau sẽ đón đầu cơ hội làm du lịch một cách phù hợp, hiệu quả và bền vững./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Liên kết hữu ích

Du lịch Cà Mau sôi động dịp nghỉ lễ

(CMO) Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, dù thời tiết khá bất lợi do mưa nhiều nhưng lượng khách đến các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn rất đông. Các điểm dịch vụ phục vụ khách tham quan chu đáo, an toàn, giá cả hợp lý, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Quảng bá du lịch bằng âm nhạc

(CMO) Ðể du lịch Cà Mau được quảng bá rộng và theo hình thức thú vị hơn, tiệm cận với giới trẻ hơn, một nhóm bạn trẻ đã triển khai những sản phẩm giới thiệu và làm mới hình ảnh Cà Mau với bạn bè khắp nơi bằng âm nhạc.

Khơi thông tiềm lực kinh tế du lịch

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh xem xét thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Nạp năng lượng cho con vào năm học mới

(CMO) Trong kỳ nghỉ hè, nhiều gia đình đã đưa con đi du lịch hoặc rời thành phố về quê để các con được khám phá, trải nghiệm, bổ sung kiến thức trực quan sinh động, từ đó khuyến khích con học tập tích cực. Đây còn là dịp để gia đình gắn kết, có thêm nhiều kỷ niệm đẹp.

Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau: Phát huy kinh tế biển

(CMO) "Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được cấp thẩm quyền trong tỉnh thông qua, hoàn thiện các bước cuối cùng trình Trung ương phê duyệt. Từ đó, tạo cơ sở triển khai thực hiện, đặc biệt trong kêu gọi thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch địa lý, sinh thái của địa phương", ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, thông tin.

Hướng bền vững cho du lịch sinh thái cộng đồng

(CMO) Du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCÐ) là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường. Với khách du lịch, DLSTCÐ tạo cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hoá, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa. Vì vậy, DLSTCÐ chính là nét tinh tuý của du lịch sinh thái và du lịch bền vững.

Ðất Mũi bứt phá đầu tư hạ tầng du lịch

(CMO) Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, đạt chuẩn đô thị loại V, đây là tiền đề để địa phương bứt phá phát triển. Cùng với lợi thế và tiềm năng du lịch sẵn có, Ðất Mũi đang được cấp trên đầu tư vốn để xây dựng các hạng mục trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Du lịch Cà Mau - Bài toán giữ chân du khách

(CMO) Trong những ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5, du lịch Cà Mau tăng mạnh về số lượng du khách lẫn doanh thu, nhưng bài toán nan giải vẫn là câu chuyện duy trì sức hút và giữ chân khách du lịch sau đó.

Hướng đến du lịch thân thiện môi trường

(CMO) Thời gian qua, các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống rác thải nhựa, hướng đến du lịch thân thiện môi trường.

Tạo đột phá phát triển du lịch

(CMO) Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 10-Ctr/HU của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện về phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, du lịch huyện Trần Văn Thời đã có bước phát triển đáng ghi nhận, đảm bảo đúng định hướng của tỉnh, của huyện và là một trong những ngành chuyển biến tích cực về tốc độ tăng trưởng.