(CMO) Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (Hội nghị) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đề ra những quyết sách vạch ra con đường cách mạng Việt Nam trong mục tiêu độc lập, tự do cho dân tộc: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi hỏi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.
Ðồ hoạ: Minh Tấn
Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Ðộc lập Ðồng Minh, gọi tắt là Việt Minh thay cho Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Ðông Dương và lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Mặt trận. Ðể kịp thời và thống nhất trong chỉ đạo, Ðảng bộ lâm thời tỉnh (bộ phận ở Cà Mau) quyết định ra tờ báo Ðộc lập, mà thực chất là tờ tin để chỉ đạo công tác tuyên truyền lúc bấy giờ, làm cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh. Ðây có thể coi là dấu mốc quan trọng, là tiền thân để hình thành tờ báo Ðảng của Ðảng bộ tỉnh nhà sau này.
Sau khi tiếp thu chủ trương tích cực chuẩn bị tổng khởi nghĩa của Trung ương, Tỉnh uỷ lâm thời Bạc Liêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khẩn trương phát triển tổ chức Ðảng và các hội quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang tự vệ. Chỉ trong vòng vài tháng, phong trào cách mạng đã phát triển mạnh mẽ khắp các vùng nông thôn trong tỉnh. Lợi dụng cơ hội bọn phát xít Nhật ở Nam Kỳ cho phép và bảo trợ tổ chức Thanh niên Tiền phong hoạt động, Ðảng đưa người của ta nắm giữ vai trò chủ chốt (Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được Xứ uỷ Nam Kỳ phân công đảm nhận vai trò này), hướng dẫn phong trào thanh niên đi theo con đường giải phóng dân tộc và tập hợp lực lượng quần chúng vào các tổ chức xã hội. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sáng tạo, công tác tập hợp lực lượng cách mạng chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tại Cà Mau đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ to lớn, sâu rộng trong mọi giai tầng, thành phần xã hội.
Tháng 3/1945, cục diện chiến tranh thế giới lần thứ 2 chuyển biến mau lẹ, Trung ương Ðảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ðảng bộ tỉnh nhận được chủ trương của Liên Tỉnh uỷ Hậu Giang là phải tiến hành bằng mọi biện pháp phát động quần chúng, tập hợp mọi lực lượng cách mạng để chớp lấy “thời cơ ngàn năm có một”, bằng mọi giá giành được chính quyền về tay Nhân dân. Không khí cách mạng ngút trời lan toả mọi nẻo ở Cà Mau.
Cũng phải nói thêm, tổ chức Thanh niên Tiền phong ở Cà Mau phát triển hết sức nhanh chóng. Lực lượng này tự trang bị vũ trang như roi, đao, kiếm, tầm vong vạt nhọn, tổ chức canh gác, luyện tập võ nghệ, quân sự, tổ chức sinh hoạt văn nghệ với khí thế cách mạng sôi nổi... Thanh niên trở thành cánh tay đắc lực của Ðảng, đóng vai trò nòng cốt về mặt lực lượng, tư tưởng trước thềm cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Nam Bộ nói chung và tại Cà Mau nói riêng.
Bối cảnh tại Cà Mau lúc này, bọn tay sai đang hoang mang, lung lay tột độ, nhiều công chức tay sai bỏ nhiệm sở, nhiều người tìm đến với cách mạng. Công tác địch vận đẩy mạnh, ta đã nắm được đa số anh em trong bảo an binh và cảnh sát của giặc. Cùng với sự ủng hộ của Nhân dân, các nhân sĩ trí thức, tư sản, tôn giáo... đều nô nức chờ mong sự lãnh đạo của Ðảng để lật đổ chính quyền tay sai bù nhìn, giành chính quyền về tay Nhân dân.
Lúc này, có sự kiện khâm sai Nguyễn Văn Sâm đi kinh lý xuống tỉnh, Tỉnh trưởng Trương Công Thiện cho tập hợp quần chúng để đón tiếp, ta tranh thủ biến thành cuộc biểu tình, làn sóng xuống đường đấu tranh nhanh chóng dâng lên mạnh mẽ, gây sức ép với kẻ thù. Trong các ngày 21, 22 và 23/8/1945, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh rầm rộ xuống đường với băng, cờ, khẩu hiệu bao vây chung quanh dinh Tỉnh trưởng. Trước khí thế ấy, tên Tỉnh trưởng Trương Công Thiện buộc phải tuyên bố đầu hàng vào lúc 9 giờ 30 phút sáng 23/8/1945 tại thị xã Bạc Liêu. Thay mặt Uỷ ban Dân tộc Giải phóng tỉnh, đồng chí Tào Văn Tỵ thông báo với đồng bào: “Chính quyền đã về tay Nhân dân” trong niềm vui lớn lao, tiếng reo hò, hô vang khẩu hiệu ủng hộ cách mạng của đoàn người chiến thắng diễu hành qua các đường phố thị xã.
Hoà chung với khí thế cách mạng “long trời, lở đất” của cả nước, tại Cà Mau, Tỉnh uỷ lâm thời bộ phận ở Cà Mau do đồng chí Trần Văn Ðại, đồng chí Thái Ngọc Sanh lãnh đạo tổ chức cuộc mít tinh lớn tại Sân vận động thị trấn Cà Mau, chào mừng Mặt trận Việt Minh ra đời và biểu dương, thị uy sức mạnh của lực lượng quần chúng. Ðồng thời, Tỉnh uỷ lãnh đạo, tuyên truyền để quần chúng biến cuộc mít tinh thành cuộc biểu tình vũ trang kéo đến dinh Ðốc phủ Nguyễn Văn Kế, Quận trưởng Quận Cà Mau, buộc bàn giao chính quyền về tay Nhân dân. Trước sức mạnh vũ bão của lực lượng cách mạng, Ðốc phủ Kế tuyên bố đầu hàng, bàn giao chính quyền cho Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Cà Mau.
Phát huy đà thắng lợi, Nhân dân khắp nơi trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã nhất tề đứng lên đập tan bộ máy chính quyền tay sai, thành lập chính quyền Nhân dân, tiếp đà củng cố, phát triển các tổ chức đoàn thể quần chúng cách mạng. Ðến ngày 25/8/1945, tỉnh Bạc Liêu (nay là 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu) đã hoàn toàn giải phóng, chính quyền hoàn toàn về tay Nhân dân, độc lập, tự do đã thành hiện thực.
Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, của Bác Hồ, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giành thắng lợi trọn vẹn trong cả nước. Ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập tại Quảng trường Ba Ðình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Cách mạng Tháng Tám là đỉnh cao chói lọi của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh mình.
Góp chung vào tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhân dân Cà Mau dưới sự lãnh đạo của Ðảng, của Bác Hồ đã đứng lên đập tan bộ máy cai trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, tàn dư phong kiến tay sai, giành lại “quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc cho Nhân dân”. Trong đó, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của công tác tư tưởng, tuyên truyền để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa diễn ra và giành thắng lợi hoàn toàn tại tỉnh nhà./.
Phạm Quốc Rin (tổng hợp)