Hiện nay, trên nhiều tuyến đường lớn nội ô TP Cà Mau, thỉnh thoảng có tình trạng thanh, thiếu niên phóng xe, nẹt pô, lạng lách, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Mặc dù ngành chức năng đã ra quân tuần tra, kiểm soát thường xuyên, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.
- Nguy cơ tai nạn tại các giao lộ
- Nguy cơ tai nạn vì sang đường trái quy định
- Sơ cứu nạn nhân tai nạn giao thông đúng lúc và đúng cách
Theo đó, địa điểm mà các đối tượng thanh, thiếu niên này thường xuyên tụ tập là tại tuyến đường Lê Duẩn, Phường 1, vào những khung giờ vắng, ít có lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát. Tại đây, các đối tượng sử dụng xe chạy với tốc độ cao, lạng lách, "cúp đầu" các loại xe đang lưu thông trên đường; có khi bố trí xe chạy trước để quay clip, phía sau là 2, 3 xe "biểu diễn", bất chấp nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra.
Một thiếu niên có hành vi lạng lách trên tuyến đường Lê Duẩn, Phường 1, TP Cà Mau. (Ảnh chụp ngày 26/5/2024).
Trung tá Nguyễn Minh Mẫn, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát giao thông, trật tự (CSGT-TT), Công an TP Cà Mau, cho biết: “Hễ có ra quân tuần tra, kiểm soát là có phát hiện một vài trường hợp. Ðể xử lý nghiêm những trường hợp này, chúng tôi thường xuyên rà soát tin báo của quần chúng Nhân dân, kiểm tra hệ thống camera, cử lực lượng trinh sát; khi phát hiện sẽ kịp thời xử lý ngay, không để ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Ðối tượng vi phạm thường từ 14-18 tuổi, thế nên, ngoài việc xử lý, chúng tôi cũng báo với gia đình, nhà trường, phối hợp tuyên truyền, giáo dục các em, nhằm định hướng để các em bỏ thói hư tật xấu này”.
Tính từ tháng 4/2024 đến nay, Ðội CSGT-TT, Công an TP Cà Mau đã phát hiện, xử lý 152 trường hợp, trong đó có 41 trường hợp chưa đủ điều kiện điều khiển xe mô tô; 111 trường hợp thay đổi kết cấu xe, bộ phận giảm thanh. Các trường hợp thay đổi kết cấu như: hạ phuộc, xuống mâm, thay pô, đôn dên, xoáy nòng... nhằm tăng tốc độ xe, tạo sự chú ý, cũng là một cách để thể hiện đối với những người xung quanh.
Lực lượng làm nhiệm vụ xử lý các trường hợp thanh, thiếu niên điều khiển xe mô tô khi chưa đủ điều kiện và thay đổi kết cấu xe.
Theo nhận định chung của ngành chức năng, hiện nay, chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm này vẫn chưa đủ sức răn đe. Nếu người vi phạm chưa đủ 18 tuổi thì cha, mẹ hay người giám hộ sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc xử phạt; do đó, nếu việc phối hợp giáo dục đối tượng thanh, thiếu niên không thực sự chặt chẽ, việc tái diễn tình trạng vi phạm vẫn sẽ diễn ra thường xuyên.
Ðơn cử trường hợp vi phạm mà Ðội CSGT-TT, Công an TP Cà Mau vừa xử lý về hành vi điều khiển xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi và lạng lách, đánh võng. Vẻ mặt bình thản, thiếu niên N.T.Ð.K, sinh năm 2009, cho biết đây là lần thứ 6 vi phạm về hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng. K thản nhiên cho biết: “Bị bắt, xử lý riết rồi cha con không đóng phạt nữa, bỏ xe luôn”.
Các xe vi phạm về thay đổi kết cấu xe bị lực lượng làm nhiệm vụ tạm giữ.
Ðể từng bước ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm này, các ngành chức năng của TP Cà Mau đã tăng cường nhiều biện pháp quyết liệt trong tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, tình hình có nhiều chuyển biến rõ rệt, không còn những vụ tập trung đông để lạng lách, đua xe trên địa bàn.
Ngoài xử lý kịp thời của ngành chức năng đối với các hành vi vi phạm của đối tượng thanh, thiếu niên, thì vấn đề cốt yếu vẫn là việc quản lý, giáo dục, giám sát chặt chẽ của gia đình đối với con em mình, nhất là trong việc giao xe khi chưa đủ kiều kiện, từng bước ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Theo Nghị định 100/2019/NÐ-CP, đối với trường hợp thay đổi kết cấu xe, ngoài việc cho thời gian phục hồi hiện trạng ban đầu, người vi phạm cũng chỉ bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân. Riêng đối với trường hợp người đi xe máy lạng lách, đánh võng bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Lê Chí