Thuỷ Long thần nữ hay còn gọi bà Thuỷ Long, là vị nữ thần được thờ ở khắp các địa phương đồng bằng Nam Bộ, đặc biệt là vùng sông nước Cà Mau. Hình thức thờ chủ yếu tại các miếu thờ cộng đồng. Có miếu thờ đi đôi với đình thần, nằm trong khu vực quần thể kiến trúc của đình thần; có miếu được lập riêng biệt với gian chính diện thờ Thuỷ Long thần nữ.
Thuỷ Long thần nữ hay còn gọi bà Thuỷ Long, là vị nữ thần được thờ ở khắp các địa phương đồng bằng Nam Bộ, đặc biệt là vùng sông nước Cà Mau. Hình thức thờ chủ yếu tại các miếu thờ cộng đồng. Có miếu thờ đi đôi với đình thần, nằm trong khu vực quần thể kiến trúc của đình thần; có miếu được lập riêng biệt với gian chính diện thờ Thuỷ Long thần nữ.
Theo thống kê bước đầu, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có đến hàng chục miếu thờ Thuỷ Long thần nữ với nhiều quy mô khác nhau. Có miếu nhỏ như miếu Thổ Công (thờ Thổ Ðịa), cao khoảng 80 cm, diện tích chỉ khoảng 1 m2 với bài vị đặt dưới đất (miếu ở ấp Cả Hàng, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước); có miếu trung bình với diện tích khoảng 10 m2, có trang trí hoành phi, câu đối, bàn thờ (miếu ở rạch Bà Hội, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình); có miếu thờ với không gian rộng hàng chục mét vuông, có cổng chào, sân miếu, được bày trí như một đình thần, có tả ban, hữu ban, tiền hiền, hậu hiền, tiên sư, thành hoàng bổn cảnh, cô hồn, chúa sơn lâm…, tiêu biểu như miếu thờ ở ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi.
Ban thờ Thuỷ Long thần nữ ở miếu thờ tại ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi. |
Tục thờ Thuỷ Long thần nữ có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt, qua quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá vùng, miền đã có những hình thức tín ngưỡng theo vùng văn hoá. Dân gian miền Bắc thờ mẫu Thượng Thiên, mẫu Thượng Ngàn, mẫu Thoải, mẫu Ðịa… theo hệ thống thờ Tứ Phủ - Tam Phủ. Vào đến miền Trung, tiếp thu văn hoá của người Chăm với tín ngưỡng thờ nữ thần xứ sở là Pô I Nư Naga, hình thành tín ngưỡng thờ Thánh mẫu Thiên Yana với tượng bà bằng đá ngồi trên đài sen hai lớp, mặt tượng được sơn, kẻ vẽ mắt xanh, môi son, toàn thân phủ xiêm y, cổ đeo chuỗi hạt… Trên bước đường Nam tiến, tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt lại được dung hợp với các tín ngưỡng địa phương nên có nhiều hình thức thờ tự phổ biến: thờ bà Chúa Xứ, thờ Ngũ hành Nương Nương, thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, thờ Tổ Cô, thờ bà Chúa Tiên - Chúa Ngọc, thờ bà Chúa Hòn, thờ bà Thiên Hậu, thờ bà Thuỷ Long…
Theo các nhà nghiên cứu văn hoá, bà Thuỷ Long có nhiều cách gọi: bà Thuỷ (miền Bắc gọi là mẫu Thoải), Thuỷ Ðức Thánh Phi, Thuỷ Long Thánh Mẫu, Thuỷ Long Nương Nương, Thuỷ Long thần nữ… là nữ thần theo tín ngưỡng thờ “Mẹ Ngũ Hành” phổ biến ở các đình, miếu dân gian Nam Bộ, thể hiện quan niệm văn hoá (và triết học) về năm hành chất cấu tạo nên vũ trụ “kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ” và thường được phối thờ dưới hình thức năm bức tượng bà: Kim Ðức Thánh Phi (mặc áo màu trắng), Mộc Ðức Thánh Phi (mặc áo màu xanh), Thuỷ Ðức Thánh Phi (mặc áo màu đen hoặc tím), Hoả Ðức Thánh Phi (mặc áo màu đỏ), Thổ Ðức Thánh Phi (mặc áo màu vàng). Có nơi chỉ thờ 2 bà: Thuỷ Ðức Thánh Phi (bà Thuỷ) và Hoả Ðức Thánh Phi (bà Hoả), hoặc xây miếu thờ riêng mỗi bà, phối thờ trong các đình làng, miếu thờ ở địa phương. Theo Huỳnh Ngọc Trảng và Trương Ngọc Tường (1999) trong cuốn “Ðình Nam Bộ xưa và nay” thì: “Ngũ Hành Nương Nương được nhà Nguyễn tặng mỹ tự Tư Hoá Mặc Vận Thuận Thành Hoà Tự Tư Nguyện Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Ðẳng Thần (sắc Duy Tân thứ V)”, cho thấy tín ngưỡng dân gian này đã được triều Nguyễn ghi nhận và sắc phong thần.
Nếu như bà Hoả được xem như vị thần trông coi hoả hoạn, cháy nổ, được thờ tại những nơi buôn bán, đô thị; thì bà Thuỷ lại được dân gian lập miếu thờ ở các vùng nông thôn, sông nước, đặc biệt là ở các ngã ba, ngã tư sông hay các vùng doi, vịnh, nơi có nhiều nguy cơ tai nạn đường thuỷ. Từ quan niệm đại diện cho hành Thuỷ trong Ngũ Hành, bà Thuỷ trở thành nữ thần cai quản sông nước, biển, hồ…, đặc biệt là trong điều kiện đồng bằng sông nước Nam Bộ nói chung, Cà Mau nói riêng, tín ngưỡng thờ bà Thuỷ Long càng trở nên quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân vùng sông nước.
Theo tín ngưỡng dân gian, bà Thuỷ Long (hoá thân của Thánh mẫu Thiên Yana, bà Chúa Tiên, bà Chúa Ngọc) chính là mẹ của “nhị vị công tử”: Cậu Tài (Trài) và Cậu Quý, cũng là 2 vị phúc thần bảo hộ cho vùng sông nước, từ đây dân gian đã hình thành tín ngưỡng “thờ Bà Cậu” (Bà là bà Thuỷ Long, Cậu là Cậu Tài, Cậu Quý) phổ biến ở cư dân miền biển, cư dân làm nghề thương hồ, hạ bạc (gọi chung là dân Bà Cậu). Bà Thuỷ Long và Cậu Tài, Cậu Quý được dân gian gửi gắm niềm tin phù hộ độ trì cho các chuyến ra khơi, đánh bắt thuỷ hải sản, hoặc các ghe thương hồ “hàng bông” buôn bán khắp vùng sông nước Cà Mau; nghề đánh bắt thuỷ hải sản, hoặc buôn bán mưu sinh trên sông nước, còn được ví von là “nghề Bà Cậu”. Cư dân các vùng cửa biển như Sông Ðốc, Khánh Hội, Hương Mai… trước mỗi chuyến ra khơi, hoặc đóng mới, sửa chữa tàu ghe thường có lễ vật cúng Bà Cậu, cầu nguyện Bà Cậu phù hộ cho việc làm ăn “thuận buồm xuôi gió”, “đi đến nơi, về đến chốn”, trong lễ vật cúng thường không thể thiếu cặp vịt để cúng Bà, theo quan niệm “đàn ông cúng gà, đàn bà cúng vịt”.
Cư dân vùng sông nước lập miếu thờ Thuỷ Long thần nữ ở khắp nơi với niềm tin có được sự che chở bảo bọc, gặp điều thiện tránh điều ác, để có một cuộc sống ấm no hạnh phúc, an cư lạc nghiệp.
Tại ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi có ngôi miếu thờ Thuỷ Long thần nữ (Thuỷ Long cung thần nữ) được lập cách nay khoảng 200 năm. Dân địa phương kể lại rằng, trước đây vùng đất này vốn rất hoang vu, cá tôm nhiều vô số kể, lúc ấy có 2 vị cố tổ là Tô Minh Chánh và Nguyễn Văn Lành từ miền Trung lặn lội vào tìm kế mưu sinh. Hai ông đi trên chiếc xuồng độc mộc (xuồng được đẽo từ một thân cây gỗ), đến chỗ ngã ba sông này thì có con cá lóc lớn nhảy vào xuồng, tin là có điềm lành, dấu hiệu “vật thịnh - nhân khang”, 2 ông quyết định chọn đất này dừng chân lập nghiệp, đồng thời dựng lên một ngôi miếu thờ Thuỷ Long thần nữ ngay ngã ba sông. Tính đến nay, hậu duệ của 2 ông cố tổ đã an cư lạc nghiệp tại vùng đất này đến đời thứ 8. Ngôi miếu thờ Thuỷ Long thần nữ ngày xưa đã được trùng tu, tôn tạo rộng rãi, khang trang và bài vị của 2 ông được con cháu phối thờ luôn trong miếu.
Tại các miếu thờ Thuỷ Long thần nữ ở Cà Mau hằng năm Nhân dân địa phương đều thực hiện việc cúng bái theo lệ, gọi là cúng Kỳ Yên (cầu an) với mục đích cầu mong mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an “phong điều vũ thuận, quốc thới dân an”, với lễ cúng mặn, thường có thịt vịt và các loại bánh trái, hương - đăng - trà - quả, ngày cúng được tổ chức tuỳ theo điều kiện của từng địa phương, năm trúng mùa thì cúng lớn, năm thất mùa thì cúng gọn nhẹ.
Miếu thờ Thuỷ Long thần nữ tại ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, cúng lệ hằng năm được tổ chức vào ngày 16-17/2 âm lịch; trong đó, ngày 16 cúng tiên thường được Nhân dân địa phương kết hợp tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao tại khu vực sân miếu.
Tục thờ Thuỷ Long thần nữ là một hình thức tín ngưỡng dân gian gắn liền với cư dân miền sông nước, đã tồn tại hàng trăm năm qua trong đời sống tinh thần người dân Nam Bộ nói chung, người Cà Mau nói riêng. Các nơi thờ tự nếu được bảo tồn và phát huy tích cực sẽ trở thành nơi gắn kết cộng đồng, nơi tổ chức các sinh hoạt văn hoá lành mạnh góp phần ổn định trật tự xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở địa phương./.
Bài và ảnh: Huỳnh Thăng