(CMO) Mùa này, trời U Minh chợt nắng, chợt mưa. Và mùa này, cuộc mưu sinh của người dân dưới tán rừng U Minh bạt ngàn lặng lẽ nhưng rất khắc nghiệt.
7 giờ sáng, trời bỗng mưa như trút nước, tôi ghé vội vào nhà dân trú mưa, ngay nhà ông Trưởng Ấp 16, xã Khánh Thuận Trần Bình Long (Bảy Long). Ông Bảy Long đang ngồi vá lọp với ông hàng xóm. Sẵn có khách “nhiều chuyện”, câu chuyện mưu sinh dưới tán rừng được mang ra làm chủ đề chính để bàn luận.
Ông Hai Linh giở lợp sau đợt mưa, đây là cái lọp thứ ba mới thấy vài con cá. |
Ông hàng xóm Phạm Chí Linh (Hai Linh, Ấp 16, xã Khánh Thuận) trầm ngâm: “Tôi trồng 5 ha rừng tràm được gần 4 năm rồi. Hai năm nữa là khai thác. Ở ấp này chỉ còn một vài hộ làm một vụ lúa. Một công 15–20 giạ (dưới 3 tấn/ha – PV) thì có thấm tháp gì. Mấy chục hộ còn lại thì đắp bờ, lên liếp trồng keo lai, trồng tràm, trồng chuối, lợi nhuận cao hơn. Đợt chuối có giá 4.000–5.000 đồng/nải thì một tháng cũng được 6–7 triệu đồng. Ba tháng nay chuối rớt giá, chỉ còn 2.000 đồng/nải. Ở trong rừng, quanh năm suốt tháng sống dựa vào cây tràm, cây chuối, mà giá cả như vầy sao khá nổi”.
Chật vật giữa “rừng vàng”
Dứt mưa, ông Bảy Long chống xuồng đi giở mấy cái lọp, ống trúm đặt hồi hôm. Một cái, hai cái, đến cái thứ ba thì mới thấy vài con cá sặc với con cá lóc bằng nửa cổ tay. Mũi xuồng lướt trên mặt bèo tiến vào rừng.
Ông Hai Linh kể, thuở ông còn trai tráng “mười bảy bẻ gãy sừng trâu”, mưa xuống cá rô lóc ngóc trên bờ. Con cá lóc bự bằng bắp đùi. Mỗi lần giở lọp là đầy khạp, đầy xuồng be tám. Cá, lươn, rùa… thứ gì cũng có. Ăn ong thì lấy một lần cả trăm lít mật, nghe mùi riết ngán...
Nhưng đó là chuyện vài chục năm về trước. Nhất là từ khi chuyển qua trồng keo lai đến nay, sản vật trong rừng ngày một khan hiếm. Ông Bảy Long bộc bạch: “Chỗ nào trồng keo lai là nước ở đó rất ít cá. Một phần do người dân xiệc điện nên nguồn cá đồng ngày một cạn kiệt. Đặt lọp có khi hai ba ngày không có con nào. Chừng 2 năm nay không thấy mặt mũi con rùa ra làm sao”.
Đi gần hết 6 ha rừng tràm mà vẫn không thấy kèo ong nào có mật. Ông Hai Linh cho biết, qua Tết đến nay, ông gác hơn 100 kèo ong, vậy mà vẫn chưa được 20 lít mật. Do điều kiện thời tiết và môi trường sống thay đổi nên ong không về làm tổ, nếu có thì lượng mật cũng không nhiều. Điều kiện sinh sống trong lâm phần vốn đã khó khăn, việc đi lại, buôn bán lại càng vất vả, trong khi sản vật trong rừng bị khai thác, đánh bắt ngày một cạn kiệt.
“Làm lúa chục công một năm chỉ được năm, sáu chục giạ. Năm nào mưa lớn là lúa ngập hết. Hai năm rồi tôi đâu có làm lúa nữa. Chuối bán ra giá cả cũng bấp bênh quá. Một năm 12 tháng mà rớt giá hết 6 – 7 tháng, mấy tháng còn lại bán ngay lúc giá cao thì gỡ gạc được chút đỉnh. Ấp 16 có 115 hộ thì có đến 28 hộ nghèo. Một số thì không có đất sản xuất thì làm công nhân cho công ty gỗ, một số thì đi Bình Dương, Đồng Nai kiếm sống”, ông Long bùi ngùi.
Sống nhờ “lộc trời”
Sau vài trận mưa, cây cối như được thay áo mới. Những ngày này, ruộng lúa các ấp lâm phần xã Khánh Lâm đã lênh láng nước. Hẹ nước cũng lên được khoảng 2 tấc, người dân nơi đây gọi nó là “lộc trời”.
Hẹ nước mang lại thu nhập thời vụ cho người dân không có đất sản xuất. |
Tờ mờ sáng, khi trời vẫn còn mưa rả rích, chị Trương Kiều Diễm (Ấp 13, xã Khánh Lâm) cùng với mười mấy người trong xóm tất bật ra đồng nhổ hẹ nước. Đến trưa, mọi người mới kéo nhau về một nhà để cắt rễ và rửa hẹ sạch sẽ rồi cân bán lại cho thương lái với giá 10.000 đồng/kg.
Chị Diễm vui vẻ: “Trước khi đi nhổ hẹ là mình phải xin chủ ruộng có hẹ cho nhổ mới được nhổ. Chỉ có ruộng lúa mấy ấp trong rừng mới có, nhưng ruộng có, ruộng không. Mỗi người một ngày làm cũng được khoảng 20 kg hẹ, nhờ vậy mà có tiền trang trải trong nhà”.
Cây chuối có giá bấp bênh, nông dân cũng gặp không ít khốn đốn khi trồng loại cây này. |
Chị Dương Thị Tuyết Nga, Ấp 13, xã Khánh Lâm chia sẻ: “Không có đất nên tôi đi cấy mướn cho người ta không à. Mấy năm nay làm lúa cũng không còn trúng nữa, một năm được chừng 40–50 giạ. Thời gian nhàn rỗi thì tìm việc gì làm để kiếm thêm thu nhập. Mấy tháng mùa mưa đi nhổ hẹ nước bán cũng đỡ hơn đi giăng câu, giăng lưới, nhờ vậy mà cũng đủ trang trải chi phí trong gia đình”.
“Trước đây người dân chưa biết đến giá trị kinh tế của hẹ nước. Khoảng 3 năm trở lại đây mới có thương lái đến mua. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn hơn 27%. Những hộ này đa số không có đất sản xuất, nên vào mùa hẹ nước thì tranh thủ nhổ hẹ bán, góp phần cải thiện kinh tế gia đình”, ông Lê Thanh Mãi, Phó Chủ tịch xã Khánh Lâm nói.
Và cuộc sống của họ bấp bênh qua từng mùa mưa. Rừng U Minh đang bị con người khai thác quá mức, nguồn lợi đã cạn kiệt. Để “rừng vàng” mang lại nguồn sinh kế bền vững cho hàng ngàn hộ dân dưới tán rừng thì phải biết gìn giữ tài nguyên rừng. Thế nhưng, dân nghèo hiện sống bám víu vào rừng không thể có những tính toán lâu dài, căn cơ. Cuộc sống của người dân xứ tràm sẽ khởi sắc hơn chỉ khi có sự hoạch định chiến lược và sự đầu tư hợp lý.
Thuộc diện cận nghèo, chị Trần Thị Hương (Ấp 14, xã Khánh Lâm) vẫn không biết xoay sở ra sao khi số nợ ngân hàng ngày càng khó trả. Điều kiện sống ngày càng khó khăn khi phải chật vật với miếng cơm manh áo giữa rừng. Chị Hương ngậm ngùi: “Mấy năm nay, một công lúa một năm chưa được 40 giạ (tương đương 6 tấn/ha), nên tui hầm than phụ thêm để kiếm tiền trang trải trong nhà. Hầm than mà gặp mưa hoài như vầy là than nát nhiều lắm, người ta chê, giá bán cũng rẻ hơn mùa hạn. Một bao khoảng 14 kg có 60 – 70 ngàn đồng. Mua đọt tràm 1 ha cũng hơn 1 triệu đồng rồi. Xem như bỏ công kiếm sống qua ngày chứ không hầm than thì không biết làm nghề gì sống nữa”. |
Thảo Mơ