(CMO) Hiện nay, Cà Mau đang nỗ lực nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai đồng bộ, hiệu quả hệ thống một cửa điện tử. Ðồng thời, tăng cường hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ để người dân và doanh nghiệp (DN) tiếp cận công nghệ thông tin (CNTT), từ đó thay đổi nhận thức, thói quen của mỗi người về cách thức giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo mô hình chính quyền điện tử (CQÐT).
Chú trọng thông tin tuyên truyền
Công khai, minh bạch, giảm thời gian, chi phí, phòng chống tiêu cực... là những lợi ích to lớn khi chuyển đổi số được kích hoạt thành công. Ðặc biệt, đây sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để xây dựng nền hành chính phục vụ. Do vậy, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh phát triển CNTT, đưa ứng dụng CNTT vào hoạt động chuyên môn. Trong đó, chú trọng thực hiện số hoá các dịch vụ hành chính công để hướng đến phục vụ người dân và DN một cách tốt nhất. Ðồng thời, cán bộ cơ quan Nhà nước các cấp đã từng bước chuẩn hoá, nâng cao trình độ, kỹ năng thực hiện các thao tác ứng dụng công nghệ mới. Qua đây, đã tạo được phản hồi tích cực từ đối tượng thụ hưởng là người dân và DN.
Việc hình thành CQÐT là yêu cầu tất yếu của sự phát triển trong tình hình mới. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả như kỳ vọng đòi hỏi cần phải có sự chung tay của người dân và cộng đồng DN. Vấn đề này, đã qua địa phương gặp không ít khó khăn, rào cản. Rào cản lớn nhất là người dân chưa thật sự hiểu và mạnh dạn ứng dụng CNTT khi cần giải quyết TTHC. Nguyên nhân được nhìn nhận là do thói quen. Mặt khác, do điều kiện một số hộ dân còn gặp khó khăn, chưa tiếp cận được với Internet và thiếu kỹ năng thao tác trên các thiết bị điện tử. Ngoài ra, người dân chưa thật sự hiểu rõ lợi ích từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết TTHC.
Việc giải quyết TTHC theo hình thức trực tiếp vẫn là thói quen của nhiều người. Ðây là rào cản lớn trong chuyển đổi số thời gian qua. (Ảnh tư liệu) |
Ông Hồ Chí Linh, Giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh, cho biết, nắm rõ những hạn chế, rào cản trên, Cà Mau đã đẩy mạnh việc thông tin đến người dân về cách thức cũng như lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích. Các hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng để đông đảo người dân tiếp cận thông tin.
Ðể đông đảo người dân hiểu được sự cần thiết và quan trọng của mô hình CQÐT mà tỉnh đang tập trung xây dựng, đội ngũ cán bộ, công chức, những người trực tiếp làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân và DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phải có vai trò tiên phong. Thông qua việc trao đổi, chia sẻ tại lớp tập huấn hoàn thiện nền tảng xây dựng CQÐT, cán bộ, công chức các xã có thêm kinh nghiệm truyền thông hiệu quả để hỗ trợ công dân khai thác hiệu quả các tiện ích, các hệ thống thông tin được cung cấp công khai trên Internet.
“Nhằm đạt được mục tiêu đặt ra, địa phương xác định công tác thông tin, tuyên truyền đóng vai trò quan trọng. Theo đó, trong hoạt động cải cách hành chính nói chung và dịch vụ công trực tuyến nói riêng, thời gian qua, hoạt động tuyên truyền được chú trọng bằng nhiều hình thức, như tuyên truyền thông qua băng rôn, áp phích, tờ rơi, tranh cổ động, các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng hoặc các cuộc họp, hội nghị; lồng ghép nội dung cải cách hành chính trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu chính sách, pháp luật, hội thi về cải cách hành chính; toạ đàm, diễn đàn, đối thoại để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của tổ chức và công dân…”, ông Hồ Chí Linh cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh còn thực hiện tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến bằng hình ảnh trực quan tại trung tâm, phát hành tờ rơi tuyên truyền, tuyên truyền qua Zalo, Fanpage, Facebook hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, DN... Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục treo khẩu hiệu “4 xin, 4 luôn” trong giải quyết TTHC (“xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép”; “luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”) tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
Dần hình thành công dân điện tử
Ðể đáp ứng nhu cầu giải quyết TTHC của công dân, đảm bảo minh bạch, chính xác và hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định số 829/QÐ-UBND, ngày 27/4/2021 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 468/QÐ-TTg, ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Sau triển khai, tỉnh đã thực hiện hơn 19.000 hồ sơ liên thông 3 cấp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giải quyết những TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều đơn vị trong cùng 1 thủ tục; đang tiến hành số hoá kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh; chỉ đạo thực hiện việc thí điểm việc tiếp nhận tại nhà đối với những TTHC đơn giản, dễ thực hiện và có nhiều hồ sơ phát sinh.
Ông Hồ Chí Linh cho biết, với quyết tâm xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, hiện đại, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, thời gian qua tỉnh đã quyết liệt triển khai các giải pháp xây dựng CQÐT. Bằng những cách làm đổi mới, sáng tạo, đến nay CQÐT tỉnh đã từng bước phát huy hiệu quả trong phục vụ người dân và DN, tạo đột phá trong cải cách hành chính.
Gần đây nhất, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN, hạn chế đi lại, tiếp xúc trong việc cấp, gia hạn giấy đi đường, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công văn cho phép cấp giấy đi đường bằng mã QR-Code trên nền tảng Zalo dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau. Ông Hồ Chí Linh chia sẻ: "Mục tiêu lớn lao nhất của việc này là tạo ra công dân điện tử, để thông qua đó người dân tiếp cận được chính quyền số, CQÐT. Ðây là "viên gạch" đầu tiên để xây dựng một "ngôi nhà lớn" mang tên CQÐT. Thực tế cũng cho thấy, hiện tại thuật ngữ QR-Code đã dần quen thuộc với người dân. Ðây là tín hiệu mừng, vì trong nhận thức của người dân đã có sự đổi mới bước đầu. Ðây là bước đệm, là đòn bẩy để tiếp tục nâng lên, chuyển qua chính quyền số trong thời gian tới", ông Hồ Chí Linh phấn khởi./.
Văn Ðum