ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 11-5-25 03:23:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Ước vọng dưới tán rừng tràm

Báo Cà Mau (CMO) Rừng U Minh Hạ được mệnh danh là “túi chứa nghèo” bởi đây không chỉ là vùng tái định cư của tỉnh mà còn là nơi dừng chân cuối cùng của dân tha phương cầu thực. Cái nghèo giờ vẫn hiện hữu trên từng nếp nhà, từng phận đời nhưng không phải đây là vùng đất bế tắc của sự nghèo khó…

Sau chuyến tạt ngang U Minh Hạ, tôi cứ ngậm ngùi nhớ lời tâm sự của vợ chồng ông Nguyễn Văn Ngàn (Ba Ngàn, 63 tuổi, Ấp 19, xã Khánh Thuận, huyện U Minh): “Hôm trước, UBND xã hỗ trợ gia đình tôi cặp heo giống nhưng tôi nhất quyết không nhận. Tôi chỉ mong muốn duy nhất là có cái bồn đựng nước”.
Ước muốn bình dị
Nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn không hiểu nổi, hà cớ gì mà cặp vợ chồng già thuộc diện hộ nghèo sống trong cái ấp nghèo nhất của xã nghèo lại không mong muốn được hỗ trợ vốn sản xuất hay cây con giống để nuôi trồng cải thiện cuộc sống? Sao lại khăng khăng chỉ muốn có cái bồn đựng nước tầm 1 triệu đồng?

Bữa cơm đạm bạc của gia đình ông Ba Ngàn.

Khi biết được lý do tôi quay lại Ấp 19 này, ông Hai Lương, Trưởng ấp, cười khà khà nhưng ẩn sâu trong ánh mắt đó là nỗi buồn man mác. Ông nói tỉnh bơ: “Tại nghèo quá chừng!”.
Nghèo thiệt, nghèo quá chừng, bởi Ấp 19 có 194 hộ mà có khoảng 70 hộ nghèo; hộ cận nghèo chưa tính. Kinh tế của bà con nơi đây chủ yếu là trồng rừng nhưng gần phân nửa hộ dân thiếu đất hoặc không có đất sản xuất nên cứ sống bấp bênh với đủ thứ nghề: từ hầm than, mót cây, tới ai mướn gì làm đó. “Từ xưa đến nay, nhắc đến Ấp 19 ai cũng áy ngại lắc đầu vì đây là ấp không có một mét lộ bê tông nào; thiếu điện và thiếu nước ngọt…”, ông Hai Lương kể vanh vách.

Trường Tiểu học Đào Duy Từ không có sân chơi cho học sinh.

Hôm đó, anh Trưởng công an Ấp 19 làm tài công đưa chúng tôi vào lâm phần tham quan. Đi được một đoạn chừng 2 cây số, anh ghé vào nhà ông Ba Ngàn ngay lúc gia đình dọn bữa cơm trưa. Thấy khách, ông dẹp mâm cơm, biểu vợ làm nước đãi khách. Ông kể: “Lúc trước gia đình tôi sống ở thị trấn Đầm Dơi, vì làm ăn thất bát nên mới trôi dạt tới đây. Hồi đó, ở đây cá nhiều lắm, đi giăng câu, thả lưới rồi chở ra huyện bán lại, cũng dư sống. Nhưng giờ thì phải mua từng con cá, từng đọt rau nên khổ hơn nhiều”.

Con đường đất đen đến trường của học sinh Ấp 19.

Tài sản lớn nhất trong căn nhà sàn lụp xụp của vợ chồng ông chỉ vỏn vẹn cái bình ac-quy. Bởi ở đây không có điện thắp sáng nên nó trở thành “cứu tinh” mỗi khi trời sập tối. Vì không có điện nên hai ông bà không thể có được cái ti vi, cây quạt gió. Muốn nghe tin tức chỉ biết trông cậy vào cái radio được buộc chặt bởi 5, 6 sợi dây thun.
“Nhưng thiếu điện thì thiếu chứ gia đình nào ở đây cũng phải có cái điện thoại để liên lạc, phòng khi bất trắc xảy ra. Mỗi khi hết pin phải đi rất xa mới có điện để sạc nhờ”, bà Ba Ngàn bộc bạch.

Lớp học vắng hoe của cô, trò trường Tiểu học Đào Duy Từ.

Ở đây có thêm một cái không nữa, là không nước sạch sinh hoạt. Hầu hết các hộ dân trong lâm phần đều sử dụng nước dưới kinh phèn đỏ quạch để tắm rửa, giặt giũ...
“Trong cái khó, ló cái khôn”. Bà Ba Ngàn sáng kiến ra việc đào hố đất lót cao su hứng nước mưa để uống, để nấu ăn. Mà cách đó chỉ có thể “chữa cháy” vào mùa mưa, chứ mùa khô thì chịu. Có thể đó là lý do mà bà chỉ mong muốn có cái bồn chứa nước.
Ông Hai Lương tâm tình, bà con ai cũng chăm chỉ làm ăn, hăng say lao động mà “nghèo vẫn hoàn nghèo”. Như chị Phạm Thi Diệu, nghèo bởi không có cục đất chọi chim nên phải làm mướn quanh năm. “Có 2 đứa con mà nuôi không nổi phải chạy nhờ cha mẹ nuôi tiếp 1 đứa. Quá nghèo không lo được gì cho cha mẹ mà còn làm khổ họ thêm”, chị Diệu ngậm ngùi.
Ở đây, người lớn thì cực mà học sinh cũng không thoát khỏi cảnh khổ vì các em phải đi học trên con đường đất đen chỉ “ưu ái” cho mùa nắng, chứ trời mưa thì đi học như đi bắt cá đìa. Thế nên, đa phần học sinh phải đi đò đến trường, đứa thì bỏ học giữa chừng.
Nhưng “trong cái rủi có cái… may” mà cái “may” ấy chắc cũng không ai muốn có. Số là nhà học sinh nào cũng cách trường hơn 4 cây số nên được hỗ trợ 27 kg gạo mỗi em mỗi học kỳ. Ngôi trường độc nhất trong Ấp 19 mang tên trường Tiểu học Đào Duy Từ, có 3 phòng học, nhưng dạy từ lớp 1 đến lớp 5.
Do là trường điểm lẻ nên thiếu đủ thứ, thiếu sân chơi, thiếu đồ thí nghiệm, thiếu dụng cụ dạy và học, đặc biệt là thiếu điện. Cô Phạm Thị Kiều Hương, giáo viên của trường, tâm sự: “Ngày trước, khi chúng tôi về đây dạy phải đi vận động từng nhà để họ cho con em mình đến trường. Biết đời sống người dân nơi đây ai cũng khổ nên nhà trường không buộc học sinh phải mặc đồng phục. Còn giáo viên chúng tôi mỗi năm đều vận động người quen biết, nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở cho các em”.
“Ấp 19 được mệnh danh là ấp “nhiều không” (không đường, không điện, không trạm y tế, không nước sinh hoạt, không chợ búa - PV). Do không khoan được cây nước nên hộ dân phải mua nước sinh hoạt ở tận Tân Bằng, Biển Bạch, huyện Thới Bình rồi chở xuồng máy về sử dụng. Vừa rồi, UBND tỉnh có hỗ trợ ấp 19, 17, 20, mỗi ấp 1 trạm bơm với bồn chứa 5. 000 lít, tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng”, ông Trần Công Mười, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, huyện U Minh, cho biết.
Chưa là “đường cùng”
Ông Trần Công Mười cho biết thêm, đa phần người dân trong các ấp là dân nhập cư (trừ Ấp 1, Ấp 2, Ấp 3) nên nhiều hộ lâm vào cảnh thiếu đất hoặc không có đất trồng rừng và đất sản xuất. Nhưng nhờ vào sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn xóa đói giảm nghèo nên một số hộ đã dần ổn định cuộc sống.
Chị Trần Thị Hoài (33 tuổi, Ấp 11, xã Khánh Thuận) tươi cười khoe: “Chắt mót cả tháng trời, vợ chồng tôi đã mua được chỉ vàng”. Như quen biết từ thuở nào, chị kể tiếp, chị với anh Nguyễn Văn Trung nên duyên vợ chồng vào năm chị 22 tuổi. Ngày ra riêng, hai vợ chồng không có lấy một công đất và phải ở đậu nhà hàng xóm. Cặp vợ chồng son với sức trẻ căng tràn nên hễ ai mướn gì là làm đó. Mà không biết “ăn ở làm sao” vẫn thiếu trước hụt sau, đến nỗi chính quyền phải cấp cho sổ hộ nghèo.
Nghèo thì phải cố mà thoát nghèo, nghĩ vậy nên hai vợ chồng vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội được 7 triệu đồng mướn tầm 1 ha đất trồng dưa leo, cải xanh, đu đủ. Thấy làm ăn có vẻ khấm khá nên mướn thêm mấy công đất nữa để nuôi tôm. Làm được thời gian, hai vợ chồng vui mừng trả lại sổ hộ nghèo cho địa phương.
Bà Hồ Thị Năm, Trưởng ấp 11, nói: “Tôi thấy ai thoát nghèo là tôi mừng hơn nhặt được vàng nữa. Hồi đó tôi cũng khổ trăm bề. Bây giờ thì có dư đôi chút”.
Chắc là bà Năm đang khiêm tốn, chứ nói bà thuộc hạng “thương gia” ở xứ này chắc cũng không có gì sai. Bởi trong cái xứ “bốn bề là tràm” này, hiếm thấy ngôi nhà nào được xây cất khang trang, kiêng cố như nhà bà Năm.
Bà Năm quê gốc ở Bến Tre, tốt nghiệp trung cấp kế toán, bà theo chồng xuống đây lập nghiệp. “Những năm 90 mà có cái bằng trung cấp cũng oai lắm. Ban ngày, tôi dạy học ở trường dân lập 25 (bây giờ là Tiểu học Đào Duy Từ), ban đêm mở lớp dạy tình thương. Mỗi tháng được lâm ngư trường tặng 2 thùng gạo và 63 ngàn đồng”, bà Năm nhớ lại.
Tích tiểu thành đại, vợ đi dạy học còn chồng ở nhà thả lưới, giăng câu nên cuộc sống cũng tạm ổn. Cũng nhờ nguồn vốn Ngân hàng chính sách – xã hội mà hai vợ chồng có vốn làm ăn rồi mua được vài công đất nuôi tôm, trồng màu và nuôi được 2 người con tốt nghiệp đại học.
“Quả là không có cái khổ nào như cái khổ nào. Gắn bó với vùng đất lâm phần này mấy mươi năm mới thấm thía và càng thương vùng đất này hơn. Bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau, sống với nhau vì cái tình, cái nghĩa. Nên giờ thấy ai nghèo là tôi thương lắm, giúp được gì cho họ là tôi giúp liền”.
Chỉ tay về hướng ủy ban xã, bà Năm hỏi có thấy cái nhà máy đang xây dựng không? Tôi không biết đó là nhà máy gì, nhưng có lẽ sẽ có thêm việc làm và người dân ở đây sắp sửa bớt khổ đôi chút.

Phùng Ngọc Trầm

Sẽ xin trên hỗ trợ kinh phí để làm lộ cho dân

Xã Khánh Thuận là xã nghèo. Toàn xã có 923 hộ nghèo, chiếm 28,73% số hộ. Đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trần Công Mười, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Thuận, cho biết, dự kiến trong quý 1 này, xã sẽ xây tuyến lộ bê tông đầu tiên ở Ấp 19, từ kinh 21 tới kinh Cúp Liếp, chiều dài 9 km để thuận tiện đi lại. Tuyến đường này có khoảng 70 hộ sinh sống nhưng hầu hết còn nghèo khó nên nguồn vốn nội lực không đáp ứng. UBND xã Khánh Thuận sẽ xin thêm nguồn hỗ trợ từ cấp trên. Trước mắt, lãnh đạo địa phương xúc tiến vận động các hộ dân dọn dẹp cây cối, làm cỏ ven đường để chờ đón con lộ mới.

 

Hướng dẫn người dân làm ăn, thoát nghèo bền vững

Ông Trịnh Văn Ngọt, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh thông tin, thời gian tới tiếp tục cấp đất cho người dân trong lâm phần theo Nghị định 181/2004/NĐ-CP; giải quyết một số hộ dân vay vốn Ngân hàng Chính sách – xã hội để phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo; liên kết với trung tâm dạy nghề hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho bà con về trồng lúa, nuôi tôm và trồng hoa kiểng… Ngoài ra, UBND huyện sẽ kết hợp với chính quyền địa phương đôn đốc, vận động người dân chí thú làm ăn, thoát nghèo bền vững.

Cà Mau - Ðịa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài cuối: Bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc

Cà Mau hôm nay đổi mới, phát triển từng ngày. Những cán bộ lão thành cách mạng, những bậc cao niên ở Cà Mau mà chúng tôi có dịp gặp, đã trải qua bom đạn chiến tranh, trải qua những ngày tháng Cà Mau còn đầy khó khăn, tất cả đều nói rằng, Cà Mau mình bây giờ đã phát triển nhiều lắm, đời sống Nhân dân đã sung túc hơn trước bội phần. Từ vùng đất hoang vu, nê địa; từ những đau thương, mất mát lớn lao trong kháng chiến; đến nay, Cà Mau đã vươn mình đi lên bằng sức vóc mới, thế và lực mới, để chặng đường phát triển tương lai sẽ làm bừng sáng vùng đất địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 4: Vùng đất của những sản vật vang danh

Dù lên rừng hay xuống biển, Cà Mau đều sẵn có những đặc sản trứ danh. Nếu chỉ nhắc đến đại khái, nhiều người sẽ chưa thoả dạ hoặc lòng còn hoài nghi, thắc mắc. Sự trù phú của thiên nhiên hoà quyện với quá trình lao động siêng năng, bền bĩ, đúc kết kinh nghiệm và sự sáng tạo tài hoa của lớp lớp con người Cà Mau đã kết tụ nên giá trị và sức sống lâu bền của những sản vật đặc trưng ở vùng đất mới.

Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Ngày giải phóng Cà Mau

Cà Mau - địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 3: Bức tranh văn hoá đa sắc

Dù ở vùng đất mới, gốc gác khác biệt, song khi về tới Cà Mau, thế hệ tiền nhân đã sớm ý thức về nguồn cội, quần tụ và cố kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ chảy xuyên suốt của nền văn hoá dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm: “Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc - Bài 2: Con người Cà Mau - Nét duyên xứ sở

Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng: “Con người là chủ thể văn hoá, cách ứng xử của con người với chính mình, với thiên nhiên và các mối quan hệ xã hội định hình nên đặc điểm và tính cách của nền văn hoá ấy”. Ở vùng đất mới Cà Mau, nếu không nói về con người Cà Mau, tính cách và cốt cách của con người Cà Mau thì quả thật là một điều thiếu sót lớn. Hồn cốt quê hương, khí phách của ông cha là nơi hậu thế soi chiếu vào đó để nhận diện được chính mình và khơi mở những chặng đường tương lai của mảnh đất này.

Cà Mau - Địa đầu cực Nam thiêng liêng của Tổ quốc

Khi Báo Cà Mau đăng loạt ghi chép pha chút hơi hướng khảo cứu này, tỉnh Cà Mau đang hừng hực khí thế, với thế và lực mới vững vàng hoà vào dòng chảy thời đại cùng cả dân tộc, đất nước Việt Nam tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển phồn thịnh, giàu mạnh, hạnh phúc.

Dì tôi - Người đàn bà đi qua hai cuộc kháng chiến

Trước đây không lâu, Báo Cà Mau có đăng bài viết về chuyện bà Hai Ðầm tham gia trận diệt đồn Tân Bằng năm 1946. Trong trận đánh táo bạo này, bà được Chi bộ Thới Bình cài vào đồn giặc Pháp làm nội gián để cùng bộ đội ta thực hiện phương án “nội công ngoại kích”. Bài viết theo lời kể của ông Huỳnh Văn Tứ ở thị trấn Thới Bình, người cùng thế hệ và có mối quan hệ thân tộc với bà Hai Ðầm.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài cuối: Ðổi mới phương pháp dạy và học

Việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDÐT quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư 29) đã nhận được sự đồng thuận của xã hội. Bởi chính phụ huynh, học sinh và cả các thầy cô giáo nhận ra đã đến lúc cần thay đổi tư duy giáo dục theo hướng mở.

Giáo dục rộng mở khi tư duy đổi chiều - Bài 2: Chia nhau trách nhiệm

Ðể siết chặt vấn đề dạy thêm - học thêm, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của ngành giáo dục là chưa đủ, mà còn đòi hỏi sự nhìn nhận đúng và sự giám sát của phụ huynh, của xã hội.