(CMO) Thuỷ lợi là một tiêu chí rất quan trọng trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM). Ðây cũng là tiêu chí khó, bởi yêu cầu vốn đầu tư lớn, liên quan đến các vấn đề dân sinh, kinh tế của người dân. Ðáng ghi nhận, qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, Cà Mau đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư mới và nâng cấp, sửa chữa các công trình thuỷ lợi để 82/82 xã đều đạt tiêu chí này.
Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, có điều kiện địa lý khá phức tạp, với 3 mặt tiếp giáp biển, tạo thành một bán đảo chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 chế độ triều, đó là: nhật triều của biển phía Tây và bán nhật triều không đều của biển Ðông; cùng với hơn 87 cửa sông lớn thông ra biển và trên 10.000 km sông ngòi, kênh, rạch.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tô Quốc Nam cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất và dân sinh. Ðến nay, 82/82 xã đều đạt tiêu chí thuỷ lợi, 79/82 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất. Từ khi hệ thống thuỷ lợi được đầu tư hoàn thiện, cơ cấu cây trồng có nhiều thay đổi nên năng suất và chất lượng không ngừng tăng. Ðặc biệt là năng suất và chất lượng lúa tăng qua từng năm.
Ông Nam cho biết thêm, do nằm sát biển nên các con sông, kênh, rạch trong tỉnh thường bị phù sa bồi lắng nhanh chỉ sau 4-5 năm nạo vét. Hàng năm, tỉnh huy động mọi nguồn lực hàng trăm tỷ đồng để nạo vét và nâng cấp, sửa chữa các công trình thuỷ lợi, phục vụ sản xuất của người dân. Từ đó, hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh cũng đã hoàn thành khá tốt vai trò. Ðiều này được thể hiện qua con số tổn thất về người và tài sản do bão lụt gây ra giảm theo từng năm. Ðiển hình, năm 2020 được ghi nhận là năm xảy ra nhiều đợt thiên tai từ hạn hán đến ngập lụt lịch sử trong vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau, nhưng với hệ thống thuỷ lợi được đầu tư khép kín nên thiệt hại giảm trên 300 tỷ đồng so với đợt hạn hán và thiên tai mùa khô 2015-2016.
Ngoài việc cung cấp nước phục vụ sản xuất, các con sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh còn đảm nhiệm tốt chức năng phục vụ lưu thông, vận chuyển hàng hoá của người dân. |
Công tác quản lý, khai thác vận hành hệ thống thuỷ lợi tại tỉnh Cà Mau từng bước đi vào ổn định, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất đạt hiệu quả ngày càng cao hơn. Giám đốc Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Trần Quốc Nam cho biết, ngoài 174 cống thuỷ lợi ngăn mặn, giữ ngọt, chống triều cường và 18 trạm bơm điều tiết nước, ngăn mặn, giữ ngọt, xổ phèn phục vụ cho sản xuất của người dân, thì hiện nay hệ thống bờ bao, đê bao, cống đã làm tốt nhiệm vụ chống tràn, ngăn triều cường, nước dâng, bảo vệ sản xuất và đời sống Nhân dân cho toàn hệ thống tiểu vùng. Ngăn chặn lượng phù sa gây bồi lắng cho hệ thống kênh mương, tạo thông thoáng dòng chảy. Mặt khác, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái, kết hợp giao thông nông thôn, góp phần cho nhiều địa phương đạt tiêu chí thuỷ lợi trong xây dựng NTM. Ðặc biệt, hệ thống công trình thuỷ lợi không chỉ phục vụ sản xuất, mà còn đảm nhiệm trọng trách nặng nề khác là tiêu thoát nước và ngăn mặn, giữ ngọt, cải tạo môi trường sinh thái.
Tại xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hắng cho biết, hệ thống thuỷ lợi được xây dựng phù hợp theo quy hoạch, hoạt động hiệu quả, cơ bản đáp ứng nhu cầu cấp thoát nước cho người dân nuôi thuỷ sản. Hiệu quả sau đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây mới đều mang lại kết quả rõ nét, năng suất tôm nuôi tăng nhiều qua từng năm, đặc biệt là mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn phát triển mạnh, mang lại hiệu quả cao, thu nhập bình quân của người nuôi từ 33 triệu đồng nay tăng lên gần 54 triệu đồng/người/năm.
Ðể tiếp tục đảm bảo phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, nuôi thuỷ sản và sinh hoạt của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng NTM bền vững, ông Tô Quốc Nam cho biết, giải pháp trước mắt là đẩy mạnh phát triển tiểu vùng thuỷ lợi, thu hẹp thành ô thuỷ lợi nhỏ khép kín. Ðây là giải pháp rất phù hợp và cần thiết với yêu cầu sản xuất của từng địa phương, nhất là kinh phí đầu tư vừa với khả năng cân đối vốn của tỉnh. Ðã qua, mô hình này được thực hiện ở các huyện: Cái Nước, Phú Tân, Thới Bình, Trần Văn Thời… rất hiệu quả. Ðồng thời, tiến hành xây dựng các đập thép và bổ sung hệ thống trạm bơm di động để chủ động mùa vụ./.
Trung Ðỉnh