(CMO) Văn hoá là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Từ lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, bản sắc văn hoá Việt Nam luôn được giữ gìn, phát huy, trở thành hồn cốt của dân tộc. Song, văn hoá đang đứng trước những thách thức mới, khi những yếu kém nội tại cùng sự chống phá của thế lực thù địch ngày càng diễn biến phức tạp. Vậy nên, giữ gìn bản sắc văn hoá vừa góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng; vừa đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, nhằm thực hiện khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo Nghị quyết XIII của Ðảng.
>>Bài cuối: Nhận diện thách thức và giải pháp
Bài 1: Cội nguồn sức mạnh văn hoá
Văn hoá là phạm trù rất rộng, được hiểu dưới nhiều góc độ và cách tiếp cận khác nhau. Trên thế giới có hàng trăm định nghĩa về văn hoá. Song, chung quy lại văn hoá có thể hiểu theo hai nghĩa: rộng và hẹp.
Hiểu theo nghĩa rộng thì văn hoá là quá trình phát triển về tinh thần và vật chất của nhân loại trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Hiểu theo nghĩa hẹp thì văn hoá là các hoạt động tinh thần của xã hội, gồm các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, đạo đức…(lối sống, cách cư xử, ứng xử giữa người với người, giữa người với thiên nhiên…). Văn hoá bao gồm cả văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể.
Tranh: Minh Tấn
Tính kế thừa của văn hoá
Chủ nghĩa Mác - Lênin phân cấu trúc văn hoá thành hai loại: văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Theo đó, văn hoá vật chất là phương tiện sản xuất, phương tiện tiêu dùng và quan hệ sản xuất. Văn hoá tinh thần gồm những giá trị và chuẩn mực. Như vậy, cấu trúc văn hoá bao gồm hầu hết các lĩnh vực hoạt động văn hoá xã hội trong đời sống, trong đó giá trị hệ tư tưởng và chuẩn mực đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa là cốt lõi, then chốt.
Các nhà Mác-xít khẳng định tính kế thừa và phát huy trong sự phát triển văn hoá. Lê-nin viết: “Bảo vệ di sản hoàn toàn không có nghĩa là tự giới hạn ở di sản”[1].
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá cũng đã khẳng định: “Phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”[2].
Vận dụng và kế thừa tư tưởng này của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Ðảng ta khẳng định nền văn hoá Việt Nam phải kế thừa những giá trị quý báu của dân tộc và tiếp thu văn hoá nhân loại.
Theo chiều dài lịch sử đất nước, Việt Nam trải qua biết bao thăng trầm, một dân tộc đói nghèo phải đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt và giặc ngoại xâm hùng mạnh nhưng vẫn đi đến thắng lợi cuối cùng, đã tích luỹ và tạo nên những giá trị, bản sắc văn hoá riêng, đóng góp vào nền văn hoá chung của nhân loại. Ðó là tinh thần tự lực, tự cường, yêu nước, yêu hoà bình, cần cù, sáng tạo, dũng cảm, mưu trí, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng cao đẹp.
Phát huy sức mạnh văn hoá trên các lĩnh vực
Ðảng ta luôn xem trọng công tác xây dựng và phát triển văn hoá, khi quan điểm rằng: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Từ mục tiêu đề ra, những năm qua cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương ra sức phát huy sức mạnh văn hoá trên các lĩnh vực. Cụ thể, như:
Thứ nhất, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là vốn quý nhất, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng. Theo đó, Ðảng, Nhà nước chăm lo bồi dưỡng tinh thần yêu nước, ý thức chấp hành pháp luật; phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, nâng cao tầm vóc con người; phát huy sự sáng tạo của người dân; nâng cao giá trị thụ hưởng vật chất, văn hoá tinh thần. Xây dựng những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn và phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hoá của quốc gia, dân tộc với giá trị thời đại.
Thứ hai, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, cộng đồng... đều phấn đấu xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, chuẩn mực, tiến bộ. Gắn xây dựng môi trường văn hoá với bảo vệ môi trường sinh thái. Ðưa nội dung xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trở thành phong trào thi đua rộng khắp ở địa bàn dân cư. Các giá trị văn hoá truyền thống gia đình được phát huy, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; vợ chồng hoà thuận, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền.
Thứ ba, xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế. Xây dựng văn hoá trong Ðảng, trong các cơ quan Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội... là một trong những giải pháp góp phần xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động có phẩm chất, đạo đức, lý tưởng cao đẹp, tận tuỵ, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Ðồng thời, quan tâm xây dựng văn hoá trong lĩnh vực kinh tế. Theo đó, một mặt vừa tạo khung pháp lý phát triển kinh tế thị trường, một mặt khuyến khích xây dựng văn hoá doanh nghiệp, văn hoá thị trường, văn hoá cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với quốc tế; phát huy ý thức và tinh thần tự tôn dân tộc để xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam, sản phẩm, dịch vụ... uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá. Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục huy động sức mạnh của toàn xã hội để xây dựng thiết chế văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống song song với cổ vũ sáng tạo những giá trị văn hoá mới, tiến bộ, hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu, làm phong phú văn hoá dân tộc.
Thứ năm, phát triển công nghiệp văn hoá gắn với xây dựng thị trường văn hoá. Ðảng và Chính phủ chủ trương tạo cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hoá, tiến tới nâng cao giá trị thụ hưởng văn hoá của người dân. Nhất là, từng bước xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số mà Ðảng và Chính phủ đang chủ trương thực hiện.
Thứ sáu, chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Ðây là chủ trương xuyên suốt của Ðảng ta trên cơ sở khoa học, biện chứng của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Song, hội nhập quốc tế về văn hoá phải chọn lọc, kế thừa, phát triển những nền văn hoá tiên tiến, giàu bản sắc của nhân loại. Ðồng thời, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của nền kinh tế thị trường và toàn cầu hoá về văn hoá./.
[1] A.l.Ácnônđôp (chủ biên), Cơ sở lý luận văn hoá Mác - Lênin, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1981, tr.89, 118.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.7, tr.40.
Ðỗ Chí Công
Bài 2: NHẬN DIỆN THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP