ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 18-10-24 06:53:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vất vả nghề bạn chòi

Báo Cà Mau (CMO) Có một nghề truyền thống gắn bó với ngư dân Ngọc Hiển bao đời nay là nghề đáy hàng khơi. Trong đó, vai trò của bạn chòi rất quan trọng. Họ là người canh giữ đáy, cuộc sống của họ gắn liền những căn chòi cất tạm trên cột đáy được cắm dưới lòng biển sâu.

Những năm gần đây, nghề đáy hàng khơi đã được chính quyền tuyên truyền, vận động để ngư dân chuyển đổi ngành nghề, nhưng vì đây là nghề cha truyền con nối nên nhiều người bỏ nghề không đành.

Ông Hồng Chí Phong, Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, chia sẻ: “Trước đây ba tôi sống bằng nghề đáy hàng khơi, nay truyền lại cho tôi. Sống bằng nghề này vất vả lắm, gần như phụ thuộc vào biển cả và thời tiết. Nhưng bỏ nghề thì không biết làm gì sinh sống, vì nghề này đã ăn sâu vào những người đi biển như tôi”.

Đáy hàng khơi chủ yếu khai thác tôm, cá, mực.

Ông Phong hiện có 50 miệng đáy hàng khơi, có 8 bạn chòi ngày đêm canh giữ. Những con nước yên, không sóng to, gió lớn, hay áp thấp thì bạn chòi sinh sống ngoài biển từ 10-15 ngày mới vô đất liền. Thường đáy hàng khơi đóng cách đất liền khoảng 17 hải lý, mỗi ngày chủ đáy ra lấy thuỷ sản chuyển vào đất liền tiêu thụ, còn bạn chòi được cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm. Việc canh giữ đáy hàng khơi không chỉ đơn thuần là kéo đục mà phải canh giữ, báo hiệu cho các phương tiện tránh va đập, gây hư hỏng trụ đáy và lưới. 

Hiện toàn huyện Ngọc Hiển có gần 100 hộ làm nghề đáy hàng khơi, tập trung nhiều tại cửa biển xã Đất Mũi và thị trấn Rạch Gốc. 

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông Lê Văn Nghĩa, quê Trà Vinh, có gần 25 làm nghề bạn chòi canh giữ đáy hàng khơi. Ông Nghĩa nhớ lại, những ngày đầu làm bạn chòi khá vất vả do chưa quen khi phải đi lại trên dây thừng và kéo những mẻ đáy nặng trĩu. Ông thường xuyên bị sóng đánh ngã xuống biển. 

Giờ đây, ở tuổi 50, đôi tay đã bị chai nhiều do kéo đáy, ông chỉ mong sao trời yên biển lặng, có thật nhiều tôm cá để ông có thêm thu nhập lo cho gia đình. Cũng theo ông Nghĩa, làm nghề này cực và rất nguy hiểm, nếu sơ ý mà rơi xuống đục đáy coi như bỏ mạng. Cho nên, những người bạn chòi khi kéo đáy, họ thường mang theo con dao để phòng thân. 

Mỗi chòi đáy hàng khơi có 2 người túc trực, canh con nước để thả đáy. Khi tàu ra đổ đáy, họ phải gồng người để kéo những miệng đáy nặng trĩu. Mỗi bạn chòi được chủ giao đóng 6 miệng đáy và được chia 2 miệng đáy, nếu vào con nước trúng họ cũng kiếm được 7-8 triệu đồng.

Ông Trần Chí Hiền, Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, cho biết: “Đêm nào giấc ngủ cũng chập chờn vì phải pha đèn báo hiệu cho tàu bè tránh đâm vào hàng đáy. Những lúc ngoài biển sóng to, căn chòi cứ lắc lư không sao ngủ được. Vì làm biển lâu nên quen, những ngày không ra khơi cũng thấy nhớ. Những lúc biển êm, chúng tôi khăn gói ra khơi để kiếm tiền lo cho con cái ăn học”.

Dẫu biết công việc làm bạn chòi vất vả nhưng đối với người dân xứ biển, đây là thu nhập chính, nên có những người bạn chòi làm nghề lâu năm khi lưng đã còng, bàn tay chai sạn vẫn một lòng bám biển. Bởi biển mang lại cuộc sống ấm no cho họ.

“Làm nghề biển nó lênh đênh, cơ cực lắm, anh em bạn chòi chúng tôi sống ngoài biển nhiều hơn ở nhà. Những ngày gió lớn, chỉ biết cầu may để chòi không sập. Những lúc sóng to, nước chảy mạnh làm rách đáy, coi như con nước đó trắng tay. Nhưng làm nghề vẫn có niềm vui của nó, đó là những lúc biển ưu ái cho trúng nhiều tôm cá”, ông Trương Văn Dũng, Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, chia sẻ.

Trước những hiểm nguy, cơ cực của nghề bạn chòi, nhiều người đã bỏ cuộc để tìm công việc khác nơi đất liền, nhưng có những người vì miếng cơm manh áo vẫn tiếp tục đánh cược cuộc đời với biển.

Chí Hiểu - Hồng My
 

Khám phá mbti là gì Tìm hiểu mbti và cách áp dụng

Tận dụng vườn tạp trồng lúa sạch

Thay vì tận dụng bờ bao vuông tôm và phần đất trống quanh nhà trồng rau màu để tăng thu nhập, hiện nhiều hộ tại ấp Trần Ðộ, xã Thạnh Phú có cách làm sáng tạo, đó là chuyển đổi sang trồng lúa sạch 2 vụ/năm, phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày cho gia đình. Mô hình này đang được chính quyền địa phương vận động bà con nông dân nhân rộng.

Phủ xanh đất lâm phần

Màu xanh của hoa kiểng, cây trái trên đất vườn nhà ông Sầm Văn Chùm đã lấn át màu nâu đỏ đặc trưng của vùng đất phèn nặng Ấp 4, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời.

Gia tăng giá trị con tôm

Huyện Ngọc Hiển có hơn 23.000 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, chủ lực là con tôm. Mỗi năm, huyện khai thác hơn 24 ngàn tấn tôm sạch cung ứng cho thị trường. Từ nguồn tôm nguyên liệu chất lượng, người dân đã khéo léo chế biến nên nhiều sản phẩm đặc sản, đặc trưng, được gắn sao OCOP, góp phần đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao giá trị, vị thế cho con tôm vùng rừng ngập mặn.

Trí Lực đổi thay nhờ công nghệ

Xã Trí Lực (huyện Thới Bình) nay có nhiều thay đổi về kinh tế, an ninh xã hội ổn định nhờ mạnh dạn áp dụng nhiều phương pháp canh tác và công nghệ số.

Còn sức khoẻ là còn lao động

“Còn sức khoẻ là còn lao động, còn trí tuệ là còn cống hiến”, hội viên người cao tuổi (NCT) trên địa bàn TP Cà Mau vẫn hăng say lao động sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp tích cực cho kinh tế của địa phương. Ðiển hình như một số hội viên NCT ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau.

Chống thất thu thuế lĩnh vực vật liệu xây dựng

Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Thanh tra - Kiểm tra 2, Cục Thuế tỉnh: "Cà Mau là địa phương không có mỏ cát, đá. Vì vậy, để xây dựng công trình, các doanh nghiệp (DN) phải mua cát, đá từ các DN tỉnh ngoài hoặc mua trực tiếp từ mỏ của DN được phép khai thác. Gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện, nhiều năm qua các DN được phép khai thác mỏ cát, đá thực hiện không đúng quy định về lập hoá đơn khi bán cát, đá cho các DN (ít hơn thực tế đã bán hoặc không lập hoá đơn)".

Nhiều khu "đất vàng" chưa được khai thác hiệu quả

Việc quản lý, khai thác quỹ đất công trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy giá trị tiềm năng tài nguyên đất; nhất là những khu “đất vàng” có vị trí đắc địa, hiện tại trở nên hoang vắng, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, sự phát triển của địa phương...

Giữ nghề đan đát

Từ lâu, phụ nữ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh đã gắn bó với nghề đan đát. Bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị đã biến cây tre, cây trúc thành những chiếc thúng, rổ, nia, sịa... tiện dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Theo thời gian, dù nghề đan đát dần mai một, nhưng vẫn còn nhiều người bám trụ với nghề. Bởi đây không chỉ là kế sinh nhai của các hộ dân thuộc làng nghề đan đát, mà còn mang giá trị truyền thống, tạo nên thương hiệu nghề cho xứ U Minh.

Sông Ðốc nỗ lực xây dựng đô thị sinh thái, hiện đại

Thời gian qua, công tác xây dựng đô thị Sông Ðốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân thị trấn nhằm xây dựng Sông Ðốc trở thành đô thị ven biển, sinh thái và hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phụ nữ Ðất Mới với mô hình mới

Hiện nay, nghề đan đát đang được các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Năm Căn triển khai rộng rãi cho hội viên, thông qua các lớp dạy nghề. Sản phẩm chủ yếu là giỏ, túi xách được làm bằng dây nhựa. Tuy nhiên, đối với sản phẩm sịa nhựa của phụ nữ xã Ðất Mới, chị em đã tự tìm nguyên liệu và mày mò, học nghề lẫn nhau mà vẫn đan thành thục.