(CMO) Trải qua biến đổi, thăng trầm của thời gian, dọc theo con sông Cái Tàu, làng nghề đan đát truyền thống xã Nguyễn Phích, huyện U Minh vẫn còn hiện hữu. Những cái rổ, cái nia, xịa vẫn đẹp bình dị, mộc mạc, bởi bàn tay của những “nghệ nhân miệt vườn”.
Nguyên liệu để làm ra sản phẩm đan đát chủ yếu là trúc. Thế nhưng, những năm gần đây, việc người dân đưa nước mặn vào nuôi tôm làm cho diện tích trồng trúc dần bị thu hẹp. Thiếu nguyên liệu, nếu không phục hồi và mở rộng diện tích trồng trúc thì nghề đan đát truyền thống ở xã Nguyễn Phích có thể chỉ còn là hồi ức.
Vang bóng một thời
Không đan thúng hay mê bồ như ở Tân Bằng, làng nghề đan đát ở Nguyễn Phích chủ yếu đan những vật dụng nhỏ, được sử dụng hằng ngày như: rổ, xịa, xề, nia, giần, sàng. Đó là những vật dụng tưởng chừng như đã bị lãng quên nhưng đến nay vẫn được người dân Cái Tàu gìn giữ.
Làng nghề đan đát Nguyễn Phích hình thành từ những ngày mở đất. Làng nghề tập trung nhiều từ Ấp 1 đến Ấp 5 với hơn một trăm hộ làm nghề. Sau giải phóng, nghề đan đát trở thành nghề tạo thu nhập chính của người dân nơi đây. Với bàn tay khéo léo, một ngày, mỗi người có thể làm ra 2 cái rổ, hoặc 3 cái xịa; còn đàn ông thì làm những việc nặng nhọc như như chặt tre, chẻ trúc, vót vành.
Chị Nguyễn Thị Thu (Ấp 5, xã Nguyễn Phích) đã biết lận nan, đan rổ khi mới 16 tuổi. Gắn bó với nghề đan đát ngót nghét đã hơn 30 năm, bây giờ tóc đã có vài sợi bạc, nhưng chị vẫn trụ lại với nghề đan đát này. Chị Thu tâm sự: “Hồi đó làm nghề này thu nhập khá nên mê lắm, mà thời đó một cái rổ có 4 – 5 ngàn đồng. Đan tới phồng tay luôn mà. Rồi tôi lấy chồng, sinh con, tới giờ vẫn còn đan. Dù có nhiều nghề khác mang lại thu nhập cao hơn nhiều nhưng đã quen với nghề này rồi, bỏ không được”.
Bà Võ Thị Phấn (67 tuổi, Ấp 2, xã Nguyễn Phích) tay đã run nhưng vẫn rất nhanh nhẹn lận từng sợi nan. Từ những năm chồng bà đi kháng chiến đến khi giải phóng, cả gia đình mới được đoàn tụ, nhưng cũng chưa được cùng nhau quét vôi ăn trầu thì ông mất. Bà vẫn ở vậy, đan đát, nuôi con. Trong xóm, những người cùng thời với bà không còn được mấy ai. Dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng bà vẫn miệt mài với cái nia, cái rổ.
Để duy trì nghề đan đát người dân phải đi mua nguyên liệu ở địa phương khác. |
Bà Phấn bồi hồi nhớ: “Tôi thấy má làm rồi ngồi kế bên học đan, lận nan rồi biết làm hồi nào không hay. Cả nhà 4 người đan chừng một tuần được cỡ 60–70 cái rổ, cái giần là bán cho ghe. Ghe chạy vô tới đầu kinh, mỗi nhà bơi xuồng nhỏ chở ra đó đếm bán. Mấy chiếc ghe đi Năm Căn, Ngọc Hiển, Thới Bình, có khi qua Bạc Liêu, Kiên Giang để bán, chừng vài ba ngày là hết. Hồi đó toàn xài đồ đan bằng tre, bằng trúc, đâu có đồ nhựa, đồ nhôm như bây giờ. Khi đan phải hết sức tỉ mỉ, chọn trúc, tre mỡ chứ không phải tre tàu nên sản phẩm làm ra đẹp mắt lẫn chất lượng, xài 6 – 7 năm mà chưa hư”.
Đừng để thành ký ức
Trước đây, làng đan đát xã Nguyễn Phích có trên 100 hộ làm nghề. Để hỗ trợ nhau về vốn và nhân công, xã Nguyễn Phích thành lập nhiều tổ hợp tác đan đát, nhưng đến nay chỉ còn 2 tổ hoạt động ở Ấp 5 và Ấp 2 và số thành viên cũng giảm dần, chỉ còn khoảng 20 người. Các tổ còn lại do không có trúc và tre để mua làm nguyên liệu nên không còn hoạt động.
Chị Nguyễn Thanh Tuyền (Ấp 2, xã Nguyễn Phích ) nói: “Thanh niên xóm này ai cũng biết đan, nhưng không ai theo nghề, mà đi Bình Dương, Sài Gòn làm, hoặc đi làm công ty trong tỉnh có thu nhập cao hơn. Chỉ còn mấy bà, mấy cô, mấy chị ở nhà tranh thủ bếp núc, chuyện nhà rồi mới ngồi đan vì vừa kiếm thêm thu nhập, vừa không muốn bỏ nghề truyền thống. Ở đây thu nhập chính dựa vào con tôm chứ thiệt tình cả nhà chỉ làm nghề này thì không sống nổi”.
Bà Lê Thị Cẩm Giang, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan đát Ấp 2, xã Nguyễn Phích, ngậm ngùi: “Bây giờ học nghề không khó, cái khó là có sống được với nghề hay không vì không phải ai cũng kiên trì được với nghề đan đát này. Mỗi tháng tranh thủ đan nhiều lắm cũng được 60 - 70 cái. Rồi đếm bán cho xe, xuồng, ghe tới mua, trừ chi phí tre, trúc, dây gân, mỗi hộ lời chưa được 1 triệu đồng”.
Bà Nguyễn Thị Khiếm, năm nay đã 68 tuổi (Ấp 2, xã Nguyễn Phích), là một trong số ít người còn giữ mảnh vườn trồng trúc sau nhà. Gần 40 bụi trúc đã hơn 30 năm, tới mùa bà mới bán cho người làm nghề đan. Khi thảnh thơi là bà ra vườn, tự tay bón phân, vun gốc, chặt nhánh cho từng cây trúc.
Bà Nguyễn Thị Khiếm chăm sóc những bụi trúc còn lại của gia đình. |
Bà Khiếm kể lại: “Mấy chục năm trước, cả mảnh vườn gần 1 ha này trồng toàn trúc. Sau này chuyển qua nuôi tôm phải phá bỏ hết, tôi kêu mấy đứa nhỏ chừa lại một ít bụi sau nhà để nhớ về nghề của ông bà”.
Ông Lê Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Phích, cho biết, hiện diện tích trồng trúc của xã bị thu hẹp, chỉ còn khoảng 1 ha, không đủ cung cấp nguyên liệu làm nghề. Do người dân lấy nước mặn vào ruộng nuôi tôm và chuyển qua trồng các loại cây ăn trái khác nên số hộ làm nghề đan đát cũng dần ít đi. Chính quyền địa phương đang vận động bà con tận dụng đất trống để trồng lại trúc, tre nhằm duy trì nghề này. Thế nhưng xem ra, để người dân làm giàu từ nghề thì lời kêu gọi suông là chưa đủ.
Thiếu nguyên liệu, nghề đan đát truyền thống có nguy cơ mai một. |
Giờ đây, dọc theo con sông Cái Tàu, hình ảnh những chiếc ghe nườm nượp chở đầy rổ, nia, xịa không còn nữa. Những rặng trúc mọc sau nhà cũng thưa thớt dần, thay vào đó là những đầm tôm mênh mông. Tiếng cười nói của các anh ngồi chẻ tre, các chị ngồi đan cũng không còn nữa. Người nặng tình với nghề cũng chỉ còn vài người cố cựu muốn lưu giữ lại nghề truyền thống này...
Phóng sự của Thảo Mơ
Chị Lữ Thu Hồng, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nguyễn Phích, trăn trở: “Hội LHPN tỉnh cũng có hướng hỗ trợ tổ đan đát, nhưng cái khó không phải thiếu vốn mà thiếu nguyên liệu. Bây giờ muốn đan phải đi kiếm mua trúc khắp nơi. Còn tre, trúc bên Tân Bằng, Biển Bạch chủ yếu bán cho các ghe ở các tỉnh trên về mua với số lượng lớn, chứ không bán lẻ. Điều cần thiết nhất bây giờ là giải pháp phục hồi và mở rộng diện tích trồng trúc, để có nguồn nguyên liệu cũng cấp cho những hộ làm nghề đan đát tiếp tục duy trì nghề truyền thống này”. |