Bước lên 79 bậc thang (tượng trưng 79 mùa xuân của Bác), chúng tôi tới lán Nà Nưa. Tận mắt chứng kiến nơi ở và làm việc của Người giữa núi rừng Việt Bắc trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, thắp nén nhang tưởng niệm vị cha già kính yêu của dân tộc mà lòng thấy rưng rưng.
Một căn nhà sàn đơn sơ, mái lá, vách nứa, sạp tre; tiện nghi sinh hoạt chẳng có gì ngoài chiếc máy đánh chữ, ít tài liệu, vài bộ quần áo, 2 chiếc ống bương để hằng này Bác xuống suối lấy nước về sinh hoạt. Ðơn giản tưởng chừng không thể đơn giản hơn, vậy mà Bác đã có 92 ngày đêm sống trong điều kiện thế này để cho ra đời nhiều quyết sách mang ý nghĩa sống còn cho dân tộc.
Ở giữa rừng rậm âm u, lại thêm thức đêm nhiều, ăn uống đạm bạc (chủ yếu chỉ măng rừng luộc chấm muối, nước trà thay canh) đã khiến sức lực Bác gần như cạn kiệt. Và đã có lần Bác ốm rất nặng tưởng chừng không qua khỏi. Ðồng chí Võ Nguyên Giáp, người gần gũi nhất với Bác bấy giờ kể rằng, một hôm, như thường lệ, đồng chí lên báo cáo tình hình chiến sự thì không thấy Bác làm việc được ở gian ngoài. Ðồng chí nhìn vào gian trong thấy Bác đang tựa vào vách nứa, hai mắt Bác nhắm nghiền, áo ướt đẫm mồ hôi, toàn thân sốt run bần bật, một hình ảnh chưa thấy ở Bác bao giờ. Ðồng chí Võ Nguyên Giáp xin ở lại với Bác đêm ấy. Trong đêm, Bác sốt liên miên. Cứ mở được mắt ra là Bác lại bàn việc nước. Có một lần tỉnh lại sau cơn sốt miên man kéo dài, có lẽ Bác nghĩ mình không qua khỏi nên đã căn dặn: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!”.
Tại lán Nà Nưa, hằng ngày có rất nhiều đoàn khách đến tham quan, thành kính thắp hương tưởng niệm Bác. Ảnh: ÐỨC TOÀN |
Giọng cô thuyết minh trầm bổng theo từng cung bậc cảm xúc khi kể lại câu chuyện, có lúc nghẹn ngào. Cả đoàn lặng đi vì xúc động. Không gian yên ắng lạ thường. Có một điều gì đó quá đỗi thiêng liêng! Ðây đó, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Thương Bác đến vô cùng! Trong lúc nguy nan tưởng chừng sắp từ giã cõi nhân thế vậy mà Bác vẫn không màng đến bản thân, một lòng nghĩ đến chuyện lớn lao vì độc lập tự do cho dân tộc.
Và cái độc lập mà Bác mong muốn không chỉ đơn thuần thoát khỏi ngoại bang, nó phải gắn liền với hạnh phúc của Nhân dân, “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Người dân Tân Trào vẫn không quên câu chuyện khi về dự Quốc dân Ðại hội vào ngày 16/7/1945. Khi ấy trong đoàn đại biểu Nhân dân địa phương có mấy em nhỏ chạy theo người lớn. Nhìn những đứa trẻ trần truồng da dẻ xanh xao, bụng ỏng đít eo, Bác chỉ vào và nói với các đại biểu: “Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho các em bé thế này có cơm ăn, áo mặc, được đi học, không thể lam lũ mãi vậy được”. Ðộc lập dân tộc của Bác là thế, phải gắn liền với cơm no, áo ấm cho mỗi phận người. “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”, Bác từng chua chát như thế.
Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, một người con của quê hương Cà Mau, nguyên Cục phó Cục Cận vệ, người vinh dự là cận vệ của Bác, từng kể câu chuyện Bác đi chúc Tết nhà nghèo vào Xuân năm 1962. Trước Tết, Bác Hồ gọi ông đến và dặn tìm một gia đình nghèo nhất ở Hà Nội để Bác đến thăm trong dịp Giao thừa. Và ông tìm được nhà cô Nguyễn Thị Tín, tuổi khoảng 40, chồng mất, nuôi 4 con thơ. Khoảng 11 giờ đêm Giao thừa, ngoài trời mưa phùn lất phất, lạnh đến tê tái, Bác cùng ông và người thư ký đến thăm gia đình cô Tín. Bàn thờ lạnh tanh hương khói, không có dấu ấn của những ngày giáp Tết. 4 đứa trẻ đang nằm, ngồi vật vạ chờ mẹ mang gạo về. Chị Tín thì vẫn còn đi gánh nước thuê. Khi biết Bác đến, người phụ nữ nghèo khổ ấy thảng thốt, bàng hoàng buông rơi đôi quang gánh, quỳ sụp xuống, ôm choàng lấy chân vị lãnh tụ rồi khóc nấc lên: “Bác... Sao Bác lại đến thăm nhà cháu?”. Bác Hồ rưng rưng nước mắt: “Nhà cháu mà không đến thì Bác còn đến nhà ai!”.
Khi về, Bác rất buồn và nói: “Các chú thấy chưa, hôm nay mình đã đi đúng người thật việc thật rồi. Nếu mình báo trước với thành phố, hỏi nhà nào nghèo nhất thì chắc chắn không phải nhà cô Tín…”. Một bài học, một tấm lòng thật sự thương yêu Nhân dân, không phải những câu hô hào suông hay việc làm hình thức.
Ông Phan Văn Xoàn cũng kể, Bác đi đâu, thường ít báo trước và làm xong việc là về ngay, chẳng bao giờ Bác nhận tiệc tùng chiêu đãi. Bác bảo: “Ðất nước mình còn nghèo. Dân còn khổ, chỉ mấy người mà để người ta phải giết bò, mổ lợn thì phí phạm lắm”. Thương dân như Bác, đáng để học tập suốt đời!
Ông Nguyễn Công Quang, cũng là người con của quê hương Cà Mau, từng là Ðại sứ Việt Nam tại Thái Lan, có thời gian dài sống, học tập trên miền Bắc, kể: Lần đó, bất ngờ Bác đến thăm Trường Ðại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi hỏi thăm nhiều vấn đề với lãnh đạo trường, Bác đi thẳng xuống nhà bếp. Bấy giờ có mấy học sinh nam đang vét nồi lổn rổn. Bác thắc mắc, các chị nhà bếp giải thích, vì điều kiện khó khăn, suất ăn còn khiêm tốn nên các bạn không no đến nhà bếp xin vét cơm cháy ăn thêm. Bác lặng người một lúc rồi bảo: “Từ ngày mai, các cô chịu khó cạy những giề cơm cháy ấy mang ra bàn, để các học sinh nữ cũng được dùng!”.
Câu chuyện tưởng chừng chỉ quanh việc ăn uống tầm thường nhưng rõ ràng Bác đã hết sức tinh tế và đề nghị của Bác cũng hết sức nhân văn. Bởi Bác hiểu, con gái thường hết sức giữ ý tứ, rụt rè, mà chuyện đói no thì đâu chừa phái nữ.
Còn nhớ, những ngày rời Chiến khu Việt Bắc, Tố Hữu đã viết trong bài thơ Việt Bắc của mình:
Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao, còn thấy núi đồi nữa chăng?
Phố đông, còn nhớ bản làng
Sáng đèn, còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?
Mình đi, ta hỏi thăm chừng
Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?
Câu thơ hết sức ý nhị, nhắc khéo những người kháng chiến, chớ quên nghĩa đất, tình người. Câu thơ ấy cũng mang nỗi niềm và ước mong của Bác, mong đất nước hoà bình thì người dân phải có đời sống sung túc, yên vui; đặc biệt, những vùng đất, con người từng đùm bọc chở che mình thì càng không quên được.
Lán Nà Nưa, nơi Bác Hồ ở làm việc từ cuối tháng 5 đến tháng 8/1945 để chỉ đạo việc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền trong cả nước. Ảnh: ÐỨC TOÀN |
Việt Bắc mà Tố Hữu nhắc là cụ thể, nhưng cũng là ẩn danh cho những vùng căn cứ, nơi nuôi chứa, che chở cho những người kháng chiến trên khắp đất nước Việt Nam này. Sống phải có nghĩa, có tình, hưởng được quả ngon thì đừng quên người dày công vun trồng, chăm bón.
Trở lại những câu chuyện về lo miếng cơm cho dân của Bác, tôi chợt nhớ câu chuyện cách đây hơn năm. Một anh mù, quê huyện P kể, anh có 2 đứa con, chịu không nổi cảnh nghèo, vợ anh đã bỏ đi. Cuộc sống không đất sản xuất với người sáng mắt đã khó, với người không thấy đường như anh còn cực nhọc trăm bề. Hằng ngày anh xuống sông đặt lú kiếm tiền lo cho 2 đứa con cái ăn, cái mặc. Một hôm, vì không thấy đường, bất cẩn, anh để điện chập cháy nhà. Những người thân thương tình góp cho anh ít tiền, cộng với tiền cha mẹ vay hộ, anh sửa lại nhà, xây vách bằng tường. Có “nhà tường” vậy là địa phương cho anh thoát nghèo. Một câu chuyện cười ra nước mắt!
May mà giờ đây chuẩn nghèo được xét đa chiều theo tiêu chí mới. Nhưng nói gì thì nói, có đặt ra tiêu chí thế nào, quan trọng vẫn là thực tâm lo cho dân của những người được gọi là “công bộc”.
Hơn 40 năm đất nước giải phóng, trên các vùng quê đã có nhiều thay đổi. Cuộc sống của người dân đã bớt cơ cực hơn, nhà cửa xây dựng khang trang, trẻ em được tung tăng đến trường trên những con đường bê-tông, láng nhựa, quần áo tinh tươm, không còn cảnh quần cột cổ, áo bùn đất lấm lem như ngày nào... Dẫu vậy, vẫn còn đó bao nỗi bộn bề.
Khi mà đây đó vẫn còn những bà má nuôi chứa cán bộ mấy mươi năm giải phóng chưa được ghi nhận công trạng vì bị thất lạc hồ sơ, khi mà những ngôi nhà tình nghĩa còn bị rơi rớt vật tư, khi mà hộ nghèo chưa được xoá (đúng nghĩa)… thì ý nghĩa của độc lập như Bác Hồ hằng mong muốn, thì câu thơ “Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui?” theo nghĩa ẩn danh vẫn còn là nỗi niềm đau đáu…
Trang Anh